flag header

Tin tứcChống DBHB

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại hội của trí tuệ và đổi mới

Ngày đăng: 08-02-2021 Lượt xem: 857

 

Gần đây, nhất là từ sau khi kết thúc Đại hội XIII của Đảng, một số kẻ có thành kiến với chế độ, những kẻ cơ hội chính trị, những phần tử chống phá Đảng và Nhà nước, đã rêu rao rằng Đại hội XIII thực chất là “bình cũ rượu cũ”, là “cuộc dàn xếp của các nhóm lợi ích”, là “phân chia ghế”… Một số kẻ còn nặng nề công kích đến cá nhân các đồng chí lãnh đạo với thái độ hằn học, đố kỵ. Trên thực tế, Đại hội XIII đã thành công rực rỡ cả về mặt nội dung, mặt nhân sự và công tác tổ chức.

Nội dung Đại hội có rất nhiều điểm sáng tạo

Nội dung quan trọng bậc nhất của Đại hội là Báo cáo chính trị. Đây là văn kiện thể hiện sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, đặc biệt là của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu, nghiên cứu của Đảng, đồng thời phản ánh rõ nguyện vọng và khát vọng của nhân dân.

Ta thấy rõ, các thành tố trong chủ đề Đại hội gồm: (1) Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; (2) Nêu khát vọng phát triển đất nước; (3) Xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, Đại hội đã nêu cách thức, phương thức xây dựng đất nước để đáp ứng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời định ra được mục tiêu phát triển. Mục tiêu đó vừa mang tầm khái quát vừa mang tính cụ thể, vừa giới hạn trong nhiệm kỳ vừa có tầm nhìn xa nhiều nhiệm kỳ. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao[1].

Về quan điểm về phát triển đất nước, Đại hội nêu tư tưởng chủ đạo là phải bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Đồng thời, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Bên cạnh đó, Đại hội đã đề cập nội dung “hạnh phúc” với hàm ý nhấn mạnh đến hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của dân tộc. Điều đó có nghĩa là, Đảng luôn khẳng định, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều phải hướng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân. Định hướng này đã làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn giá trị lớn lao của thành tố “Hạnh phúc” trong Quốc hiệu, vốn được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ ngày thành lập nước. Nội dung này được coi là một điểm nhấn đầy tính nhân văn của Đại hội XIII…

Công tác nhân sự dân chủ, đồng thuận cao

Một trong những điểm nhấn của công tác nhân sự Đại hội là việc xác định các trường hợp đặc biệt, trong đó có các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Từ trước Đại hội, trên cơ sở phát huy dân chủ, tiếp thu tối đa các ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XII đã lấy ý kiến về dự kiến nhân sự, trong đó có các trường hợp đặc biệt. Trên tinh thần đồng thuận, thống nhất cao, Hội nghị Trung ương 15 khóa XII đã thông qua chủ trương giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII để giới thiệu bầu giữ chức Tổng Bí thư khóa XIII.

Hội nghị đồng ý cho rút tên khỏi danh sách giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đối với 4 đồng chí; giới thiệu bổ sung nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đối với 14 đồng chí; giới thiệu bổ sung nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đối với 4 đồng chí; thông qua toàn bộ danh sách giới thiệu các Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương (204 đồng chí), các Ủy viên dự khuyết (23 đồng chí), các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư (26 đồng chí), các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII (22 đồng chí).

Đại hội đã bầu một lần đủ 180 Ủy viên chính thức (trong số 203 ứng viên) và 20 Ủy viên dự khuyết (trong số 23 ứng viên). Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 18 Ủy viên; bầu 5 Ủy viên Ban Bí thư; bầu 19 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra; bầu đồng chí Trần Cẩm Tú tiếp tục làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Kết quả bầu cử cho thấy, một số trường hợp chưa được Đại hội tín nhiệm ít nhiều có liên quan đến năng lực quản lý, điều hành ở lĩnh vực mình phụ trách; hoặc có một số trường hợp không trúng cử do có sự nhìn nhận về cơ cấu, phân bổ địa phương, bộ ngành… Điều đó cho thấy, các đại biểu đã có sự cân nhắc rất kỹ khi chọn lựa từng cá nhân cụ thể.

Đại hội đã biểu quyết thống nhất thông qua danh sách 10 trường hợp đặc biệt tiếp tục tái cử (gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng 4 trường hợp Ủy viên Trung ương tái cử và 4 trường hợp Ủy viên Trung ương ứng cử lần đầu). Các trường hợp này đều đắc cử; trong đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được bầu làm Tổng Bí thư với số phiếu gần tuyệt đối. Thời gian qua, uy tín của đồng chí Tổng Bí thư trong Đảng và trong nhân dân rất cao, do những chỉ đạo quyết liệt, sát sao và đạt kết quả tích cực của đồng chí trên nhiều lĩnh vực; trong đó, công tác chỉ đạo về phòng chống tham nhũng của đồng chí được dư luận đánh giá rất cao, với cụm từ quen dùng là “đốt lò” và đồng chí được ca ngợi là “người đốt lò vĩ đại”.

Trong danh sách đắc cử, 119/180 Ủy viên Trung ương tái cử, 61 trường hợp lần đầu tham gia; còn trong Bộ Chính trị, có 8 đồng chí tái cử và 10 đồng chí lần đầu tham gia. Như vậy, sự kế thừa được thể hiện rất rõ nét, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp nối công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Công tác tổ chức chặt chẽ, bảo đảm an toàn

Đại hội dù được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát ở một số địa phương nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc và yêu cầu, có những điều chỉnh để công tác phòng chống dịch vẫn được kịp thời và hiệu quả. Đại hội đã rút ngắn 1 ngày so với dự kiến bởi nhiều chương trình, nội dung của Đại hội đã hoàn thành sớm hơn kế hoạch, đồng thời còn để tạo điều kiện cho các đại biểu trở về địa phương tập trung cho công tác phòng chống dịch.

Việc bố trí ăn ở, sinh hoạt tập trung cho tất cả các đại biểu cũng là một việc đáng nhắc đến, bởi tạo ra tính kỷ luật cao cho các đại biểu nói riêng và cho Đại hội nói chung; đồng thời đây cũng là biện pháp bảo đảm sức khỏe các đại biểu trong điều kiện dịch bệnh đang lây lan ở một số địa phương gần Hà Nội và trong lúc thời tiết thủ đô khá khắc nghiệt.

Trước, trong và sau Đại hội, công tác an ninh, trật tự được bảo đảm tuyệt đối, không xảy ra sự cố hay trường hợp đáng kể nào. Công tác tuyên truyền Đại hội cũng được thực hiện tốt, tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi trong cả nước. Đặc biệt, truyền thông nước ngoài đã thông tin khá đậm về Đại hội với những nhìn nhận khách quan, trung thực, trong đó đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đại hội XIII là một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, có tác động sâu sắc và rộng rãi đến người dân, đã định ra phương hướng phát triển đất nước không chỉ trong 5 năm tới mà còn hàng chục năm sau, đã bầu ra được tập thể lãnh đạo đủ phẩm chất, năng lực điều hành đất nước. Đại hội XIII với thành công rực rỡ tự nó đã bác bỏ các luận điệu phá hoại, xuyên tạc của các phần tử xấu, các thế lực thù địch.

Công việc sắp tới là phải khẩn trương triển khai nghiên cứu, quan triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội để những chủ trương, định hướng của Đại hội sớm chuyển hóa thành kế hoạch, chương trình hành động, việc làm cụ thể, từ đó phục vụ đắc lực cho sự phát triển của đất nước, cho việc nâng cao chất lượng sống của nhân dân!

Trúc Giang

 

[1] Theo WB, thu nhập bình quân thấp là dưới mức 4.045 USD/người/năm; thu nhập trung bình là từ 4.045 đến 12.535 USD/người/năm; thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm (số liệu ngày 1/7/2020). Dự kiến, đến 2025, GDP bình quân đầu người nước ta vào khoảng 4.700 - 5.000 USD. Dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD và đến năm 2045 có thể đạt 18.000 USD, nếu duy trì mức tăng trưởng như các năm 2016 – 2019.