flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà sử học làm nên lịch sử

Ngày đăng: 21-12-2020 Lượt xem: 2901

Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 04/10/2013), vị Đại tướng lừng danh, là con người văn võ song toàn, danh nhân quân sự, danh nhân văn hóa. Ông còn là nhà sử học và chính Ông đã trở thành một trong những người kiến tạo những trang sử vẻ vang nhất của Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX.

Từ một thanh niên yêu nước và cách mạng, Võ Nguyên Giáp có vinh dự và may mắn sớm gặp Hồ Chí Minh, được sống và làm việc thường xuyên bên Người trong rất nhiều năm. Ông cũng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấm đẫm tư tưởng, đạo đức và lối làm việc Hồ Chí Minh; thực hiện một cách xuất sắc, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi lĩnh vực, trước hết là lĩnh vực quân sự. Là một nhà giáo, khi làm học trò, cả đời Ông tôn kính lãnh tụ Hồ Chí Minh - người thầy của cách mạng Việt Nam và của chính mình. Và chính tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh đã làm cho lòng yêu nước, chí cách mạng, tài năng thiên bẩm trong Ông thăng hoa, tỏa sáng. Sinh thời, Ông thường tâm niệm lời Hồ Chí Minh: “Dĩ công vi thượng”. Cả đời, Ông đã làm như thế. Ngay khi nằm trên giường bệnh, Ông vẫn khẳng định: “Tôi còn sống thì còn phục vụ dân tộc”. Nay Ông đã đi xa, nhưng cả dân tộc vẫn hãnh diện vì đã có Ông - vị Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của hòa bình.

Bước ngoặt lớn của đời Ông là lần đầu tiên cùng Phạm Văn Đồng gặp Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc. Ngay lần đầu tiên ấy, sau khi trao đổi một số vấn đề về cách mạng trong nước, Bác Hồ đã gợi ý và giao nhiệm vụ: “Chú Tô (tức Phạm Văn Đồng) nên học về quản lý, còn “cô” Văn (tức Võ Nguyên Giáp) nên học thêm về quân sự”. Thiên tài Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều lĩnh vực, và nhiều người đã biết, nhưng có thể nói rằng, chính thiên tài nhìn nhận, đánh giá và sử dụng cán bộ của Người đã có ý nghĩa quyết định để sau này chúng ta có một vị Thủ tướng và một vị Đại tướng.

Trong thực tiễn hoạt động quân sự, Võ Nguyên Giáp thật sự là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Ông là người thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh về thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, một “đội quân đàn anh” mà sau này trở thành một quân đội hùng mạnh đủ sức cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Ông là người tổ chức thắng lợi chiến tranh nhân dân Việt Nam với những dấu ấn lịch sử.

Trong kháng chiến chống Pháp, chính Ông là người đã buộc thực dân Pháp phải thất bại trong chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” khi đánh vào Hà Nội cuối năm 1946 và Việt Bắc Thu - Đông 1947; Người tổ chức thắng lợi Chiến dịch tiến công Biên Giới 1950 với mưu kế “đánh điểm, diệt viện”; Người “nhạc trưởng” đã buộc Na-va phải phân tán binh lực trong Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, sau đó thực hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ toàn thắng với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ông là một trong những người đã góp phần quan trọng vào chủ trương chiến lược của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 15: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến”. Nhờ đó, cách mạng miền Nam đã chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Tiếp theo, trên cương vị Tổng Tư lệnh, Ông đã cùng Bộ Thống soái tối cao đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Dấu ấn của Ông đặc biệt rõ nét trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, trong các chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, trong “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, và đặc biệt trong Đại thắng mùa Xuân 1975 với Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch tiến công Huế, Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông không chỉ có tài cầm quân, mà còn là nhà lý luận quân sự uyên thâm, tác gia hàng đầu về học thuyết quân sự Việt Nam hiện đại. Tư tưởng và lý luận của Ông về vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang, về chiến tranh nhân dân trong thời đại mới, không chỉ được người Việt Nam, mà nhiều lãnh tụ và tướng lĩnh trên thế giới nghiên cứu, học tập. Với Ông, chiến tranh nhân dân Việt Nam thật sự trở thành nghệ thuật. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng khi lực lượng ban đầu của ta còn nhỏ yếu. Đó còn là nghệ thuật chớp thời cơ chiến lược để “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”. Đó là nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng kết hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân, nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành trên thực tế các quân, binh chủng, các binh đoàn chủ lực - những quả đấm thép quyết định thắng lợi trên chiến trường. Đó là nghệ thuật luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng, dự báo sớm âm mưu và hành động của đối phương để chủ động về lực lượng, thế trận và cách đánh. Tên tuổi Ông gắn liền với những chiến thuật đặc sắc như “đánh điểm, diệt viện”; đưa pháo binh chiếm thế cao, chế áp pháo địch; vây lấn; “vận động tiến công kết hợp chốt”...

Ở Ông, thực tiễn và lý luận hòa quyện vào nhau, nhuần nhuyễn. Là người hoạt động thực tiễn, Ông luôn vận dụng sáng tạo tư duy lý luận biện chứng. Chính vì vậy, thực tiễn quân sự luôn được soi sáng bởi lý luận khoa học. Là nhà lý luận quân sự, trong Ông ngồn ngộn kinh nghiệm, thực tiễn lịch sử. Ông luôn coi trọng tổng kết lịch sử, rút ra những kinh nghiệm và bài học bổ ích để chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Hàng chục công trình nghiên cứu của Ông thật sự mang đậm tư duy, phương pháp và kiến thức của nhà sử học.

Nghiên cứu về những dấu ấn của Ông với lĩnh vực quân sự, với quân đội và lực lượng vũ trang có lẽ là việc của nhiều thế hệ. Nhưng trên tất cả, toàn bộ hoạt động và cống hiến của Ông vì một lẽ rất đơn giản mà cao quý: Hòa bình cho nhân loại, độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân! Ông là người đã kiến tạo nên văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại. Bản thân Ông cũng hết sức coi trọng văn hóa và những người làm công tác văn hóa. Tố Hữu có kể rằng: “Khi làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta dự Đại hội Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (tháng 3-1963), Đại tướng luôn nhắc tôi nên có thơ về đất nước của Sô-panh!”.

Khi viết những dòng này, tâm trí tôi vẫn nhớ một hình ảnh tuyệt đẹp về Đại tướng: Đó là bức ảnh ghi lại lúc Đại tướng thả hồn mình bên cây đàn pi-a-nô.

Có những điều trùng hợp và diệu kỳ trong lịch sử. Khi Lê-nin viết những dòng cuối của cuốn “Nhà nước và cách mạng”, Người viết rằng, viết lịch sử đã là cần, nhưng sẽ là hay hơn nếu làm nên lịch sử! Và sau đó, Lê-nin cùng Đảng Bôn-sê-vích Nga đã làm nên Cách mạng Tháng Mười. Ở Việt Nam, khi mới về nước, Hồ Chí Minh đã dịch “Lịch sử Đảng Bôn-sê-vích Nga”, viết “Lịch sử Việt Nam” bằng thơ, và sau đó cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám, mở đầu cho những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp, là một người dạy sử, nhà nghiên cứu lịch sử. Và chính Ông đã làm nên lịch sử của mình và của cả dân tộc! Cả cuộc đời Ông đã sống, cống hiến hết mình cho Đảng, cho Dân tộc, cho Nhân dân, xứng đáng là một học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh. Lúc sinh thời, Người Anh Cả của Quân đội đã cùng toàn Dân, toàn quân lập nên những chiến công hiển hách khắc sâu vào lịch sử dân tộc. Khi nằm xuống, Ông tiếp tục lập một chiến công hiếm có: hàng triệu người Việt Nam sát cánh bên nhau và bè bạn quốc tế đã kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, tiễn đưa Ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của Hòa bình, Độc lập, Tự do, vị Tướng của Nhân dân!

Thiếu tướng, PGS, TS VŨ QUANG ĐẠO

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam