Ngày đăng: 09-02-2021 Lượt xem: 785
Lịch sử ghi nhận rằng, người cộng sản Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn thành công trong xây dựng và thực hiện dân chủ, đoàn kết thống nhất trong Đảng, để Đảng thực sự là đội tiền phong, bộ tham mưu vững mạnh, thực sự là người lãnh đạo - người đầy tớ trung thành của nhân dân.
1. Đoàn kết, thống nhất trong mùa Xuân thành lập Đảng
Từ nhận thức sâu sắc rằng, để đưa sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi hoàn toàn, chính Đảng kiểu mới phải được “tổ chức một cách dân chủ. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi công việc của Đảng đều được toàn thể các đảng viên, hoàn toàn bình quyền và không có ngoại lệ nào, tiến hành trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu; đồng thời tất cả những người có trách nhiệm trong Đảng, tất cả các ban lãnh đạo của Đảng, tất cả các cơ quan của Đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”[1], Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng sự đoàn kết thống nhất và dân chủ trong Đảng ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời.
Cho đến đầu thế kỷ XX, cuộc sống cực khổ, lầm than của những người dân Việt Nam thuộc địa vẫn tăm tối như không có đường ra. Cho đến đầu thế kỷ XX, những phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam đều lần lượt bị dìm trong bể máu và đi liền cùng đó, hàng vạn người yêu nước phải chịu cảnh tù đầy, khổ ải đã cho thấy một yêu cầu bức thiết - đó là cần phải có một tổ chức chính trị cách mạng, đúng đắn để lãnh đạo sự nghiệp cứu nước.
Khi đó, sau những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, khảo nghiệm thực tiễn và lựa chọn, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đó tìm thấy con đường cứu nước trong thời đại mới - con đường cách mạng vô sản và Người đã xúc tiến và chuẩn bị tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam. Khi điều kiện khách quan và chủ quan đã chín muồi, khi nhận thấy rằng cần phải kịp thời và quyết đoán, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam (từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930) tại Cửu Long, Hương Cảng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của Hội nghị và trách nhiệm của mình trong sự kiện trọng đại này, các đại biểu (Nguyễn Ái Quốc đại diện cho Quốc tế Cộng sản; Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh của Đông Dương Cộng sản Đảng; Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu của An Nam Cộng sản liên đoàn và Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giúp việc cho Hội nghị) đã trên cơ sở “xoá bỏ mọi thành kiến xung đột cũ”, dân chủ thảo luận, bàn bạc và “thành thật hợp tác” và đi đến thống nhất trong tư tưởng, hành động để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng và những văn kiện: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị đã hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh chính trị không chỉ nêu rõ tổ chức, nhiệm vụ, đối tượng của cách mạng Việt Nam, chỉ đạo mọi phương hướng hoạt động cách mạng mà còn chủ trương lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2].
Cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, đặc biệt là phải thực hiện dân chủ trong Đảng, phải đoàn kết, “phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”[3] và “không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác”[4], Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập.
Chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo, chấm dứt sự khủng hoảng về ý thức hệ, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở đầu một trang sử mới, oanh liệt trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Trên hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc, ấm no của nhân dân; trên con đường đi tới những mùa xuân của dân tộc, cùng với niềm vui của tinh thần đoàn kết và thành công của Hội nghị hợp nhất, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: đó là những ngày “sung sướng nhất đời mình” và Người đã quyết định mừng Xuân Canh Ngọ 1930 khi ấy bằng “một bữa Tết nguyên đán vừa tiết kiệm, vừa linh đình”[5].
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, những văn kiện của Đảng trong các Đại hội Đảng tiếp sau (từ Đại hội lần thứ I đến Đại hội lần thứ XIII) đều khẳng định rõ mục đích, tôn chỉ, nhiệm vụ giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nội dung trọng yếu này không chỉ làm nức lòng hàng triệu triệu trái tim, khối óc những con dân đất Việt mà còn khẳng định con đường đi hợp quy luật thời đại của dân tộc ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam avf nhân dân Việt Nam lựa chọn, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Vẫn khắc ghi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn về đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế từ mùa Xuân năm 1930, trong mọi thời điểm lịch sử, Đảng luôn quy tụ những người con ưu tú của dân tộc, phát huy nguồn sức mạnh tổng hợp của con người, dân tộc và thời đại để biết đánh và biết thắng từng bước. Từ trận đầu diễn tập (1930-1931) và cuộc tổng diễn tập lần thứ hai (1936-1939) không tránh khỏi những tổn thất, với bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng được lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin dẫn đường, những người cộng sản Việt Nam đã luôn quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng để kiên định con đường cách mạng.
Ngày 28/1/1941, sau gần 30 mùa xuân xa Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), Người và Trung ương Đảng đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Từ nhận thức sâu sắc về nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Người đã không chỉ phát huy sức mạnh của tinh thần dân chủ, đoàn kết thống nhất trong một Đảng cách mạng mà còn phát hiện, khơi dậy và tổ chức thành công sức mạnh dời non, lấp biển của mỗi người dân Việt Nam yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, để thực hiện khát vọng đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, “thành lập một Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”[6].
Sau đó, cũng vẫn là Chủ tịch Hồ Chí Minh với những việc làm cụ thể, những chỉ dẫn kịp thời để thực hiện dân chủ trong Đảng, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lịch sử, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
2. Chống chủ nghĩa cá nhân để tăng cường dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với sự ra đời của nhà nước Việt Nam mới, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đồng thời trở thành Đảng cầm quyền. Trong bối cảnh một nước Việt Nam mới giành được độc lập, tự do sau hơn 80 năm trời nô lệ đang đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách bởi thù trong và giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đặc biệt chú trọng sự trong sạch, vững mạnh của một Đảng cầm quyền.
Tình hình và nhiệm vụ mới không chỉ đòi hỏi Đảng phải thực hiện dân chủ và xây dựng sự đoàn kết thống nhất mà còn phải phát huy được nguồn sức mạnh nội lực của Đảng, của toàn dân tộc để đưa sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc đi đến thành công. Khi đó, nhận thấy rõ biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân chính là những nguy cơ gây mất dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhất là tác phong và lề lối làm việc của những ông “quan cách mạng” đang xuất hiện ngày càng nhiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định đạo đức là gốc của người cách mạng mà còn nhấn mạnh rằng, muốn “trước hết đánh thắng lòng tà và kẻ thù trong mình”, từng cán bộ, đảng viên nhất định phải “sửa đổi lối làm việc”. Mỗi người phải tự mình cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải thường xuyên tự phê bình và phê bình và nhất là phải kiên quyết “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" để tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh rằng, để thực hiện đoàn kết thống nhất, điều cần thiết là lề lối làm việc trong Đảng phải dân chủ. Cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới và ngược lại, cấp dưới cũng phải thường xuyên phê bình cấp trên. Mỗi cán bộ, đảng viên, khi được góp ý kiến phê bình thì phải dũng cảm thừa nhận, sửa chữa khuyết điểm theo tinh thần của Lênin: “Bị một phen thất bại không nguy hiểm bằng không dám thừa nhận thất bại, không dám rút ra ở đây tất cả những kết luận”[7]. Không chỉ có thế, mỗi người còn phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, tự phê bình và phê bình trên cơ sở có lý, có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; còn phải nêu cao và kiên quyết thực hiện dân chủ. Tuy nhiên, để dân chủ thực sự tạo nên đoàn kết thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên cảnh báo và nhắc nhở rằng, dân chủ phải thực sự chứ dân chủ theo kiểu bị cắt xén, dân chủ nửa vời, không đầy đủ sẽ chỉ tạo nên đoàn kết hình thức, đoàn kết “theo kiểu bằng mặt mà không bằng lòng"; sẽ nhanh chóng chuyển sang bè cánh, phe phái và hơn thế nữa, đó chính là “quan chủ”, là “tan rã”, là tác nhân gây mất đoàn kết nội bộ.
Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, Đảng trong sạch và vững mạnh trước hết là ở đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên; ở sức mạnh đoàn kết nhất trí, tính tổ chức kỷ luật và nhất là phải tự giác thực hiện nguyên tắc then chốt nhất - đó là tập trung dân chủ; ở việc thực hiện quy luật phát triển Đảng - đó là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; ở mối liên hệ mật thiết Đảng - Dân; ở sự vững mạnh của từng tổ chức cơ sở Đảng,v.v.. Sức mạnh nội lực của Đảng sẽ không còn nếu không thực hiện được dân chủ và đoàn kết trong Đảng. Do đó, muốn dân chủ và đoàn kết, muốn Đảng luôn “là đạo đức, là văn minh” thì phải thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát để kịp thời phát hiện, sửa chữa khuyết điểm. Chỉ có làm được như vậy, trong Đảng mới thực sự dân chủ, đoàn kết thống nhất và Đảng mới luôn trong sạch, vững mạnh.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thấm nhuần sâu sắc những bài học kinh nghiệm xương máu về dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng từ những ngày đầu thành lập và trong những bước chuyển khó khăn của cách mạng, trước những vận hội, những nguy cơ của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong tiến trình lịch sử dân tộc. Xây dựng và phát triển, thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn, giữ vững nguyên tắc dân chủ và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành (1930-2021), từ khi còn hoạt động bí mật đến khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là ngọn cờ tập hợp trí tuệ, sức mạnh và tinh hoa của dân tộc. Mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết trong Đảng và việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này đảm bảo cho Đảng có sức mạnh về tổ chức và phát huy trí tuệ của toàn Đảng để Đảng luôn thống nhất trong tư tưởng và hành động, để Đảng ta “tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh chỉ như một người” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.
Dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng là sức mạnh vô địch, là một truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta; được thực hiện trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa vào Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng. Trong hành trình đó, các tổ chức cơ sở Đảng từ Trung ương đến địa phương đã không ngừng củng cố, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; gắn bó mật thiết với nhân dân, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân. Các cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo toàn diện tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ nghiêm túc, đúng Điều lệ Đảng. Cấp ủy các cấp đã hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, gắn bó với nhân dân, tăng cường đối thoại với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của nhân dân để tham mưu, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền xây dựng các các chủ trương, chính sách phù hợp liên quan trực tiếp đến đời sống người dân
Mọi cấp ủy, mọi cán bộ, đảng viên đều nhận thức sâu sắc rằng, dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa vào đường lối và Điều lệ Đảng, do đó, những bất cập, nảy sinh trong thực tiễn sẽ được giải quyết thông qua quá trình nâng cao nhận thức, dân chủ thảo luận với tinh thần xây dựng, tự phê bình và phê bình nghiêm cẩn. Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó chính là tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Điều này không chỉ có ý nghĩa đòi hỏi lãnh đạo tập thể phải đi liền với trách nhiệm cá nhân mà còn thiết thực phòng và chống sự chuyên quyền, độc đoán, chống dân chủ hình thức và tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại.
Với một Đảng cầm quyền, chủ nghĩa cá nhân luôn là kẻ thù trước hết cần phải tiêu diệt. Vì vậy, để Đảng luôn trong sạch và vững mạnh, để Đảng luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn, từng cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc những cảnh báo, những chỉ dẫn của Người về việc thực hiện dân chủ và đoàn kết thống nhất trong Đảng; phải thông qua việc tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để xây dựng Đảng.
Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải thấu hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, sống với nhau có tình, có nghĩa; phải góp ý, giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí…để xây dựng một tập thể dân chủ và đoàn kết thống nhất trong mọi hoàn cảnh. Cùng với đó, phải thông qua công tác tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát để phát hiện những vi phạm của cán bộ, đảng viên, từ đó góp ý, giúp đỡ, uốn nắn những sai phạm; kịp thời đưa ra khỏi Đảng những kẻ suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật.
91 mùa Xuân luôn thực hiện dân chủ và đoàn kết theo những tiên liệu, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Phát huy truyền thống dân chủ và đoàn kết thống nhất đó, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, tư tưởng của Người, những lời căn dặn của Người sẽ là chiếc cẩm nang thần kỳ, soi đường, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì một nước Việt Nam hùng cường, phát triển phồ vinh và hạnh phúc như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định đến đích thắng lợi ./.
Văn Thanh
[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, Tiếng Việt, t.14, tr.324
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.3
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.4
[5] T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, 1976, tr. 38
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.7, tr. 150
[7] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, Tiếng Việt, t.44, tr.99