Ngày đăng: 17-12-2018 Lượt xem: 3103
Đội tuyển bóng đá Việt Nam lần thứ hai đoạt chức vô địch Đông Nam Á sau 10 năm chờ đợi và khép lại một năm thành công rực rỡ của bóng đá nước nhà với chức á quân giải U23 châu Á, đội tuyển lọt vào vòng chung kết giải vô địch châu Á, hạng tư ASIAD và bây giờ là ngôi quán quân giải đấu khu vực. Có lẽ chưa bao giờ sự quan tâm, yêu mến đội tuyển bóng đá, các cầu thủ và đặc biệt là vị huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, của người hâm mộ và toàn xã hội lại sâu và đậm như bây giờ. Chính thành tích tuyệt vời của các đội tuyển đã tạo niềm tin, động lực, niềm hạnh phúc lớn lao cho gần như tất cả người dân trong nước và rất nhiều người Việt ở nước ngoài, đồng thời làm sâu sắc thêm sự gắn kết mọi người với nhau. Tất cả những điều đó đã hình thành nên một câu chuyện đẹp tuyệt vời, nhất là trong những ngày cuối năm 2018 rất nhiều sự kiện nổi bật này, không chỉ của bóng đá!
Nhưng đằng sau câu chuyện đẹp niềm vui vỡ òa ấy không phải là không còn những điều chưa vui, chưa đẹp. Với những thắng lợi liên tiếp trong suốt giải đấu và lần đầu tiên đội tuyển không thua bất kỳ trận nào trong một giải đấu, làm triệu triệu người hâm mộ tràn ngập hạnh phúc thì đâu đó vẫn có những tiếng nói lạc lõng, khi thì mỉa mai thắng lợi của đội tuyển và niềm vui của người dân, lúc lại “bới lông tìm vết” về các lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, hoặc xúc phạm đến niềm hạnh phúc, sự kết nối của người dân trước chiến tích rực rỡ của đội tuyển… Dường như có một số kẻ mang thành kiến đã thâm căn cố đế, không bao giờ muốn đất nước này, dân tộc này có được điều gì lạc quan, phấn khởi, mà luôn xoáy sâu vào một số hạn chế, tiêu cực – mà thực ra nước nào cũng có – để từ đó quy chụp vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nên trong lúc gần như mọi người thấy vui mừng thì có một số kẻ lại tỏ ra… thất vọng!
Trong khi mọi người còn đang ngất ngây với chiến thắng thì rất nhiều người đã lặng lẽ đi dọc các hàng ghế trên sân vận động Mỹ Đình để nhặt rác, mà một trong những người nhiệt tình nhất chính là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; còn ở một số điểm xem bóng đá công cộng khác (như phố đi bộ Nguyễn Huệ…), nhiều bạn trẻ cũng nán lại để nhặt cho kỳ hết rác. Đã có nhiều người khen ngợi các cổ động viên tích cực ấy nhưng ít ai phê bình những người đã vô ý bỏ rác, phải chăng việc bỏ rác bừa bãi đã trở thành một căn bệnh kinh niên lờn mọi loại thuốc?
Hay trong khi nhiều bày tỏ niềm vui với thành tích của đội nhà bằng những cả sự hào hứng nhưng có kiềm chế thì một số người vẫn vượt quá sự bằng sự phấn khích vi phạm luật giao thông (như chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3-4, chạy lạng lách, đánh võng…), bằng cách hành động quá khích (la hét, đập phá…), bằng sự “ăn theo” rất không phù hợp (như nhậu nhẹt quá đà, đua xe, chọc ghẹo người khác trên đường…), bằng những hành vi rất lãng phí… Dường như luôn có một số người chỉ “mượn” niềm vui bóng đá, chứ thực ra họ không phải là những người hâm mộ thực sự, không hòa mình với bóng đá mà chỉ nhân cơ hội đó thể hiện cái tôi ích kỷ, hạn chế của mình.
Hoặc trong lúc một số người nhân thành công của đội tuyển mà nhắc đến những cá nhân có đóng góp thầm lặng cho thành tích này cũng như nâng tầm nền bóng đá nước nhà thì cũng có người lờ đi, thậm chí sổ toẹt những đóng góp của một số tổ chức và cá nhân khác, kể cả các tổ chức, cá nhân có vai trò nền tảng và có tính định hướng. Nhiều người ca ngợi ông bầu Đoàn Nguyên Đức với nhiều đóng góp thiết thực, điều rất đúng như chưa đủ, bởi bản thân ông Đức tuy có tâm huyết, có cống hiến nhưng không làm thay được công việc của rất nhiều người khác, như vai trò định hướng của ngành thể thao, sự tổ chức xây dựng tuyến trẻ hay tổ chức các giải vô địch quốc gia của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam hay sự dẫn dắt của nhiều huấn luyện viên các đội trẻ, cả cấp câu lạc bộ lẫn đội tuyển… Cá biệt, có người còn có dụng ý riêng khi công kích vào một số cá nhân với lời lẽ không hay ho gì.
Bên cạnh đó, trong khi nhiều người dùng mạng xã hội ca ngợi đội tuyển, dùng những lời khích lệ, động viên các cầu thủ hoặc đơn giản chỉ thể hiện niềm vui riêng hòa với niềm vui chung thì cũng có người đưa những hình ảnh, lời nói mang tính giễu cợt, châm chọc, xúc phạm đội bạn, trọng tài, thậm chí có những cách nói ít nhiều mang tính phân biệt sắc tộc. Dẫu biết rằng trong một số trường hợp, trọng tài hoặc cầu thủ đội bạn có những hành vi, hành xử chưa phù hợp, có thể gây thiệt cho đội tuyển chúng ta nhưng trong một cuộc chơi vốn có quy tắc, luật lệ riêng, cần phải tôn trọng điều đó, đồng thời người dùng mạng xã hội phải thể hiện sự văn minh, lịch sự cần thiết.
Những điều chưa hay đó không phải lần này mới xuất hiện mà đã từng diễn ra. Với những kẻ có ý đồ xấu, cần tiếp tục đấu tranh, phản bác; với những hành vi chưa hay cần được tiếp tục tuyên truyền, vận động, tác động thay đổi hành vi… Có như vậy, mỗi cuộc vui trong bóng đá mới thực sự trọn vẹn, mới thực sự có tính truyền cảm hứng cho các hoạt động khác, mới thực sự kết nối triệu người Việt Nam cùng nhìn về một hướng. Các hành động lạc lõng, không phù hợp cần phải được loại trừ!
TRÚC GIANG