Ngày đăng: 12-09-2020 Lượt xem: 1823
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ra ngày 12/9/1930 là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 ở Đông Dương - do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đây là cuộc chiến đấu rung chuyển trời đất, làm lung lay, tê liệt và tan rã bộ máy chính quyền của thực dân Pháp ở nhiều vùng nông thôn, lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền Xô viết công nông tại Việt Nam được thành lập, khởi đầu cho bước ngoặt mới của lịch sử cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành chính quyền cho nhân dân và làm chủ vận mệnh đất nước. Trong ngày tháng rực lửa mà hào hùng ấy, phải kể đến công lao của những người đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì lý tưởng cách mạng cao đẹp, nổi bật nhất là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người có công khởi nguồn cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tên thật là Nguyễn Đình Sắc sinh ngày 1/2/1902 ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong gia đình có truyền thống yêu nước lâu đời. Thuở còn nhỏ, Nguyễn Phong Sắc học Trường Bưởi và tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi thành chung năm 1924, tuy nhiên đồng chí từ chối du học Pháp theo quyết định của chính quyền thuộc địa Pháp. Từ tấm gương của người cha là Nguyễn Đình Phúc tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa thục (1907) bị đày đi Côn Đảo, cùng với việc chứng kiến cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man các chiến sĩ cách mạng, lòng căm phẫn kẻ thù tàn ác đã thúc đẩy người thanh niên Nguyễn Đình Sắc đến với cách mạng.
Chân dung đồng chí Nguyễn Phong Sắc
Cuối năm 1926, đồng chí Nguyễn Phong Sắc gia nhập Chi hội đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Công Thu làm Bí thư. Đây là bước ngoặt quan trọng đầu tiên, đánh dấu sự biến chuyển trong nhận thức tư tưởng và đồng chí lấy tên mới - Nguyễn Phong Sắc - mang ý nghĩa của ngọn gió mới thổi vào đời sống tinh thần với khát vọng đầy nhiệt huyết của người trí thức yêu nước đã được giác ngộ.
Vào làm việc ở Sở Tài chính, đồng chí vẫn có mối quan hệ với nhóm bạn thân từ khi còn học ở trường Bưởi, nay lại cùng làm việc trong Sở là Trần Quang Huyến ở phố Công sứ Mi-ri-ben, Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ) ở làng Láng, Trịnh Bá Bích đang sống ở phố Bạch Mai. Chính từ nhóm bạn này, đồng chí đã được Trần Quang Huyến giới thiệu với các hội viên của Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng và một chân trời mới đã mở ra khi được đọc những dòng ánh sáng từ báo Le Paria, Đường Kách Mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong giai đoạn này những cuộc đấu tranh của công nhân lần lượt nổ ra với hình thức bãi công bước đầu đã giành được những thắng lợi nhất định. Do đó, tháng 3/1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long, Chi bộ cộng sản đầu tiên trong cả nước được thành lập. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn, đồng chí còn tự bỏ tiền, mua sắm đồ đạc thô sơ (bàn ghế, tủ...) cho cơ sở hội họp ở 5D Hàm Long; mua giường cá nhân cho một số đồng chí đảng viên đang sống hợp pháp. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong tám đảng viên đầu tiên của Đảng ở Hà Nội nguyện chiến đấu suốt đời dưới lá cờ Đảng thiêng liêng. Ngày 27/7/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tham dự Hội nghị Trung ương lâm thời của Đông Dương cộng sản Đảng, họp tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự ở xã Tam Sơn phủ Từ Sơn (nay thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc). Hội nghị quyết định phân công Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào công tác tại Trung Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc bắt đầu hoạt động tại Trung Kỳ từ giữa năm 1929 cho đến lúc bị địch bắt giết vào tháng 5/1931, gần 2 năm công tác tại Trung Kỳ là một thời gian khá dài đối với cuộc đời hoạt động cách mạng ngắn ngủi của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Trong gần 2 năm hoạt động ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có nhiều đóng góp to lớn cho Đảng bộ và nhân dân Trung Kỳ, đặc biệt là cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Khi mới đến Vinh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hòa mình vào đội ngũ công nhân, xin làm lao công cho nhà máy Trường Thi. Chính từ đây, đồng chí xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, huấn luyện, đào tạo được nhiều cán bộ xuất thân từ công nhân. Sau một thời gian ngắn hoạt động ở Trung Kỳ, đồng chí đã kiện toàn tổ chức Đảng ở cấp Trung Kỳ, lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương cộng sản Đảng, do chính đồng chí làm Bí thư.
Tháng 3/1930, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, với cương vị Ủy viên Trung ương lâm thời của Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chủ trì hội nghị thống nhất giữa Kỳ bộ Trung Kỳ Đông dương Cộng sản Đảng với các đồng chí trong Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một tổ chức cộng sản ở Trung Kỳ, lập ra Phân cục Trung Kỳ của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam gồm 5 người, do đồng chí làm Bí thư Phân cục. Sau khi Phân cục Trung kỳ được lập ra, tỉnh ủy Vinh, rồi đảng bộ, chi bộ các nhà máy Trường Thi, Diêm, Bến Thủy, Trường Quốc học Vinh, các xã Dương Xuân (huyện Anh Sơn), Võ Liệt (huyện Thanh Chương)… lần lượt được thành lập dưới sự hướng dẫn của đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Lê Mao. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh được thành lập vào tháng 9/1930, với sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Sau đó, đồng chí đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, bàn việc lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi… Đồng chí cũng là người trực tiếp chỉ đạo in ấn và xuất bản tờ báo Bôn sê vích (in ở Vạn Phần), tờ báo nổi tiếng của Xứ ủy Trung Kỳ lúc bấy giờ, nhằm vận động tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân gia nhập các tổ chức cách mạng, lên án tội ác của thực dân Pháp, thổi bùng ngọn lửa chiến đấu của quần chúng nhân dân…
Khi đã kiện toàn và củng cố được các tổ chức cơ sở của Đảng, đồng chí đã nêu vấn đề với các cán bộ nòng cốt ở Trung Kỳ là phải phát động quần chúng đấu tranh thật mạnh mẽ, với quan điểm: “Không có đấu tranh thì quần chúng làm sao mà được thử thác, làm sao mà biết người hay, người dở để tuyển lựa vào Đảng và các tổ chức quần chúng”[1]. Chính đồng chí Nguyễn Phong Sắc là người đề xuất tổ chức cuộc đấu tranh tại Nghệ Tĩnh vào ngày 1/5/1930, mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 ở Trung Kỳ. Cuộc biểu tình của công nông Vinh - Bến Thủy diễn ra đúng với kế hoạch của Trung ương Phân cục Trung Kỳ và của đồng chí Nguyễn Phong Sắc.
Sau cuộc biểu tình thị uy ngày 1/5/1930, đồng chí đã kịp thời viết bài động viên quần chúng đứng lên đấu tranh. Bài viết đã được đăng trên báo Người lao khổ số 2, tiếp đó, báo Người lao khổ số 3 đồng chí lại có bài phân tích sâu sắc vì sao cuộc biểu tình ngày 01/5/1930 bị giải tán nửa chừng. Đồng chí còn kêu gọi đảng viên và quần chúng không nên nôn nóng, manh động. Vấn đề là phải chỉa mũi nhọn đấu tranh vào kẻ thù chính.
Trong một bài báo khác đăng trên báo Người lao khổ số ra ngày 13/7/1930, đồng chí viết rằng: “Pháp thẳng tay bóc lột anh em, chị em. Song nếu anh chị em biết đấu tranh thì nó phải sợ, và chỉ có đấu tranh mới đòi được quyền lợi”. Bài viết của đồng chí đăng trên báo Người lao khổ số ra ngày 5/10/1930 càng có sức thuyết phục lớn hơn, đồng chí đã nêu ra những thắng lợi và chỉ ra những lệch lạc cần khắc phục qua các cuộc đấu tranh của quần chúng, như thiên về xu hướng manh động, giết mật thám, tạp cớ cho địch phá hoại cách mạng, chém giết nhân dân. Đồng chí viết: “Đấu tranh là vấn đề sống chết của quần chúng Nghệ Tĩnh. Quần chúng khác cũng phải hết sức tranh đấu để bênh vực công nông Nghệ Tĩnh”.
Từ ngày 22 đến ngày 27/12/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (lúc này đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương chính thức Đảng Cộng sản Việt Nam) triệu tập Hội nghị mở rộng Đảng bộ Trung Kỳ, rút kinh nghiệm về quá trình lãnh đạo phong trào đấu tranh ở Trung Kỳ, tổng kết mọi giai đoạn cách mạng để tìm ra những chủ trương mới.
Khi phong trào bị đàn áp đẫm máu, một số người hoang mang dao động, đồng chí vẫn bình tĩnh và kiên quyết chỉ đạo duy trì phong trào theo quan điểm: Lửa đã bùng lên càng phải làm cho nó cháy dữ dội. Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ hai họp tài Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Lê Mao rời Trung Kỳ đi xe lửa vào Nam để họp cùng Trung ương, tại Sài Gòn, Tổng Bí thư Trần Phú đã bí mật đến nhà ga đón 2 đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Lê Mao. Ngày 12/3/1931, tại nhà số 236, đường Risô (Richaud), Sài Gòn, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai họp, dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư Trần Phú, tham dự Hội nghị có đầy đủ 6 Ủy viên Trung ương.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc với vai trò là người trực tiếp lãnh đạo cao trào cách mạng ở Trung Kỳ và Xô Viết Nghệ Tĩnh đã báo cáo về những bài học kinh nghiệm qua đấu tranh ở Nghệ Tĩnh và đề xuất một số vấn đề công tác tổ chức và củng cố Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí trở về Trung Kỳ, cuối tháng 4/1931, tại một địa điểm ở ngoại thành Vinh, đồng chí triệu tập Hội nghị cán bộ để phổ biến Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Trung ương, đồng thời kiểm điểm tình hình tổ chức Đảng ở Trung Kỳ và nhấn mạnh việc tăng cường thành phần công nhân trong Đảng.
Phổ biến xong Nghị quyết Trung ương, đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ Trung Kỳ đi xe lửa ra Hà Nội để tiếp tục phổ biến Nghị quyết Trung ương cho các tỉnh Bắc Kỳ. Khi đến ga Hàng Cỏ, vừa tới trước cửa khách sạn Nam Lai, bọn mật thám Pháp chỉ điểm, đã theo dõi và bắt được đồng chí. Chúng giam cầm và tra tấn đồng chí dã man tại Hà Nội rồi giải đồng chí về tại giam ở Vinh. Vì không lấy được cung và lo sợ trước cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang nổ ra rầm rộ, chúng bí mật bắn đồng chí tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, Nghệ An vào lúc 5 giờ sáng ngày 25/5/1931.
Ra đi lúc tuổi còn xanh, ngọn lửa cách mạng trong tim luôn hừng hực cháy, khoảng thời gian đồng chí cống hiến cho Đảng, cho cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng công lao ấy được người đời ghi tạc gần như vĩnh hằng. Ghi nhớ công lao của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người con ưu tú của quê hương Bạch Mai, người cán bộ xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội, cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại buổi tiếp đón con cháu liệt sĩ Nguyễn Phong Sắc ngày 6/5/1987 đã xúc động nói: “Đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, thuỷ chung, một người con yêu dấu của Đảng và của Hà Nội”.
Ngọc Huyền
[1] Theo ý kiến đồng chí Phúc, trong cuốn Ngọn cờ Bến Thủy, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1975, tr.97-98.