flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

DẤU ẤN CỦA THƯỢNG TƯỚNG LÊ KHẢ PHIÊU TẠI QUÂN ĐOÀN 2

Ngày đăng: 14-08-2020 Lượt xem: 2162

Trong suốt 59 năm sự nghiệp của mình, đồng chí Lê Khả Phiêu, có gần 46 năm trong quân ngũ, và 3 năm 4 tháng 27 ngày giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là một trong những nhà lãnh đạo tài năng, cương trực, giản dị, mẫu mực về đạo đức, lối sống đã dành trọn đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân!

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gặp lại đồng đội

Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh năm 1931 ở làng Thượng Phúc, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, Việt Nam. Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 19/6/1949.

Trước khi công tác tại Quân Đoàn 2, ông được tổ chức Việt Minh điều động gia nhập quân đội. Ông bắt đầu trưởng thành từ một binh nhì thăng tiến dần đến chức vụ Chính trị viên Đại đội thuộc Trung đoàn 66 Đại đoàn 304, sau đó ông lần lượt giữ các chức vụ Phó chính trị viên, Chính trị viên tiểu đoàn rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66. Từ tháng 6/1961 đến năm 1966, ông lần lượt giữ chức vụ Phó trưởng ban, Trưởng ban Cán bộ tổ chức Sư đoàn 304, sau đó là Phó chính ủy, rồi Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304.

Năm 1967, đồng chí Lê Khả Phiêu được điều động cùng Trung đoàn 9 vào chiến trường Trị Thiên, làm Chính ủy Trung đoàn. Năm 1968, ông làm Trưởng phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên. Đến năm 1970, là Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên.

Đáp ứng tình hình cách mạng đặt ra, cần phải có thêm nhiều bước phát triển mới về cả thế và lực của quân đội ta, ngày 1/6/1974, tại Ba Nang - Ba Lòng, các đồng chí: Hoàng Văn Thái, Lê Linh, Hoàng Đan, Nguyễn Công Trang, Bùi Công Ái, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Ngọc Thực được triệu tập để nghe đồng chí Song Hào (Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị) công bố quyết định thành lập Quân đoàn 2. Từng cán bộ đều vô cùng phấn khởi, xúc động trước sự kiện ra đời của một quân đoàn chủ lực ngay trên chiến trường và chính họ là những người vinh dự sẽ cùng “chung lưng đấu cật”, tập trung trí lực gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất.

Qua các cương vị công tác, ngay từ những ngày còn công tác ở cơ sở, đồng chí đã sớm cho thấy mình là một cán bộ có trí tuệ, tư duy và tầm nhìn chiến lược; chỉ đạo, chỉ huy quyết đoán, nhưng rất bản lĩnh, điềm tĩnh. Nhận thấy được tài năng và dưới sự tin tưởng của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu từ Quân Khu Trị Thiên được điều về và giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn 2, lúc này đồng chí đang mang hàm thượng tá.

Ngay sau khi Quân đoàn được thành lập, ngày 18/5/1974, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định số 2238/QĐ thành lập Đảng bộ Quân đoàn 2, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương về mọi mặt. Cùng với Quyết định thành lập Đảng bộ Quân đoàn, Bộ Chính trị chỉ định đồng chí Lê Khả Phiêu giữ chức vụ Ủy viên Đảng ủy Quân đoàn.

Với vai trò là Chủ nhiệm Cục chính trị Quân đoàn 2, đồng chí Lê Khả Phiêu đã có những đóng góp to lớn trong việc tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị, chỉ đạo giáo dục và phát động rộng rãi trong đơn vị, các cuộc vận động rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp, tác phong chính quy, nâng cao sức mạnh chiến đấu, đặc biệt là các phong trào thi đua “Luyện hay, đánh giỏi”, “Giành bốn đỉnh cao”, thi đua với sư đoàn bạn, quyết diệt nhiều địch, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí… nhờ vậy, ở khắp các đơn vị trong quân đoàn đều dấy lên khí thế ra quân hào hứng, sôi nổi. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên đều quyết tâm thực hiện xuất sắc cả hai nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng chí đã nhiều lần nhấn mạnh, chỉ có thực hiện tốt nhất, chu đáo nhất việc chuẩn bị cho chiến dịch thì khi mở đợt tấn công mới đạt hiệu quả cao nhất, nhanh chóng dành được thắng lợi và giảm thương vong cho cán bộ chiến sĩ.

Trong thời gian diễn ra cuộc chiến đấu ở Thượng Đức (Quảng Nam), vì thời gian kéo dài khiến quân số của đơn vị giảm sút vì thương vong và đau ốm, bệnh tật, sinh hoạt vật chất của bộ đội khó khăn, nhất là phải sinh hoạt trong mùa mưa, phải ngủ nghỉ dưới hầm hào, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Song dưới sự dẫn dắt của đồng chí Lê Khả Phiêu mà những phong trào vận động do Cục Chính trị đề ra đều được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng, luôn nâng cao quyết tâm chiến đấu, việc chuẩn bị đánh quân địch phản kích vẫn diễn ra sôi nổi trên khắp các trận địa, cả tuyến trước và tuyến sau.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Khả Phiêu là người truyền lửa cho Quân đoàn 2, làm tăng khí thế thi đua giết giặc lập công, các cán bộ chiến sĩ các đơn vị đều ghi sâu công ơn của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại, cố gắng phấn đấu với tất cả sức lực và trí tuệ của mình, quyết tâm tham gia giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng ủy, chỉ huy quân đoàn, trong đó có vai trò của đồng chí Lê Khả Phiêu, công tác vận động nhân dân ủng hộ đánh giặc cứu nước phát triển rõ nét. Trong đội hình trùng điệp của quân đoàn thần tốc tiến vào giải phóng miền Nam có thêm nhiều lái xe là những người dân; nhiều vật chất được nhân dân hỗ trợ; khi Sư đoàn 325 vượt sông Đồng Nai tiến vào nội đô, nhiều tàu bè được nhân dân tự nguyện mang đến góp sức... Tất cả đã đóng góp vào chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Sài Gòn phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn không kém đó là bảo vệ thành quả cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục hoạt động trên các lĩnh vực, bước đầu khôi phục văn hóa, xây dựng giáo dục tư tưởng cho nhân dân, truy quét các lực lượng phản cách mạng, giữ gìn trật tự trị an… Trước nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Khả Phiêu chỉ đạo Quân đoàn 2 làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ quân đội cách mạng, đem chân lý cách mạng đến từng bà con thôn ấp, cùng lo cái lo của làng xóm. Đồng chí đã vận dụng những kinh nghiệm thực tế của miền Bắc xã hội chủ nghĩa hướng dẫn nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống, động viên, tạo điều kiện cho những gia đình bỏ làng bỏ xóm trở về xây dựng quê hương. Đối với những gia đình có người thân còn trốn tránh chưa chịu ra trình diện và hoạt động chống đối thì tận tình giảng giải chính sách của Đảng, thuyết phục họ đi tìm chồng, con trở về. Bằng những hành động cụ thể ấy, chúng ta nhanh chóng chiếm được lòng tin yêu của nhân dân địa phương, giúp công tác tổ chức chính quyền, đoàn thể quần chúng phát triển tương đối vững chắc, quân dân một lòng.

Suốt quãng thời gian hoạt động cách mạng, nhất là quãng thời gian công tác ở Quân đoàn 2, phong cách làm việc của đồng chí Lê Khả Phiêu đã để lại nhiều dấu ấn trong cán bộ, chiến sĩ và người dân. Ông luôn gần gũi, sâu sát, tìm hiểu nắm bắt tư tưởng của những người lính trước những trận đánh lớn, thường xuyên có mặt ở những trận đánh then chốt, mũi hướng chủ yếu, nơi cam go ác liệt, hòa vào quần chúng. Là cán bộ chính trị cấp Quân đoàn nhưng nắm rất vững kiến thức quân sự, cách ông “truyền lửa”, gửi gắm niềm tin, xây dựng, động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ làm nhân lên sức mạnh để họ vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn, cùng với toàn quân lập nên những chiến thắng vang dội trong các chiến dịch.

Nhớ về những đóng góp của Đồng chí - Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Trung tướng Phạm Xuân Thệ chia sẻ: "Tôi rất nhớ câu nói từ trái tim và đầy tình thương yêu đồng đội, đồng chí của ông với chúng tôi khi bàn phương án đánh Thượng Đức. Ông bảo, các bà mẹ miền Bắc đã nuôi những người con đến khi họ trưởng thành lại giao cho quân đội để làm những người lính cho chúng ta chỉ huy trong các trận đánh. Chúng ta phải thay mặt những người cha, người mẹ, đồng bào chúng ta đảm bảo các chiến sĩ hoàn thành được nhiệm vụ mà quân đội giao cho nhưng cũng phải giảm thương vong cho anh em chiến sĩ, giảm đau thương cho những người mẹ, người cha”…

Huyền Nguyễn