flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Đôi điều suy nghĩ về hợp tác Việt - Trung

Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 719

(Codotphcm) Bạn phản đối khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch? Bạn tẩy chay Trung Quốc?

Bạn nói vậy là chưa đúng rồi, nhân dân Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, ăn chơi nhảy múa, đồng nghĩa là họ phải mở hầu bao ra trả. Mỗi bước đi, mỗi miếng ăn, mỗi trò chơi, mỗi phòng ngủ khách sạn, mỗi chuyến du hí không hề rẻ.

Du lịch là ngành công nghiệp không khói, nhàn nhã và lợi nhuận hơn rất nhiều so với ngành nghề khác. Tại sao bạn lại phản đối?

Nếu nói ý thức nhân dân Trung Quốc này nọ. Thực tế chỉ vài cá thể riêng lẻ, dân ta cũng vậy thôi, ra nước ngoài du lịch, một vài cá nhân ích kỷ, ý thức kém, nước sở tại họ phàn nàn.

Chẳng là chúng ta có ác cảm, từ vấn đề tranh chấp biển đảo. Đây là câu chuyện dài, quốc tế cũng đang đau đầu bởi các tranh chấp như: Trung Quốc tranh chấp chủ quyền biển đảo Điếu Ngư- Senkaku với Nhật Bản.

Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền tại đảo Dokdo/Takeshima trên biển Nhật Bản, do Seoul quản lý.

Nhật Bản cũng đang đau đáu về quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, hay quần đảo Chishima theo cách gọi của Nhật Bản nay thuộc tỉnh Sakhalin của Nga quản lý.

Tranh chấp trên biển Aegean giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thềm lục địa và chủ quyền của một số đảo kéo dài từ năm 1973 đến nay. Xung đột thường xuyên diễn ra giữa hai nước, đặc biệt số sự vụ tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2013.

Xung đột trên biển Baltic giữa NATO và Nga: Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra và Nga sát nhập Crimea, căng thẳng tại vùng biển này đã tăng lên nghiêm trọng. Cuối tháng 4 năm nay, 1 máy bay Su-27 của Nga đã thực hiện màn "lộn nhào" nguy hiểm ngay trên đầu máy bay RC-135 của Mỹ đang làm nhiệm vụ trinh sát ở không phận quốc tế trên biển Baltic.

Tranh chấp và đã đổ máu trong chiến tranh dài nhất lịch sử thế giới là cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp, còn được biết đến với tên gọi "Cuộc chiến tranh trăm năm". Cuộc chiến này bắt đầu nổ ra từ năm 1337 đến năm 1453 tranh giành nhau về Aquitaine, giờ thành Tây Nam nước Pháp.

Trong suốt hơn 100 năm qua, người Palestine đã chịu nhiều mất mát trong công cuộc kháng chiến giành quyền tự quyết và cùng tồn tại với Nhà nước Do Thái, vốn đi xâm chiếm lãnh thổ, trục xuất và chiếm đóng quân sự trên các vùng lãnh thổ của người Palestine. Còn đối với người Do Thái, sự trở lại miền đất của tổ tiên sau nhiều thế kỷ phiêu bạt và bị ngược đãi trên khắp thế giới cũng không mang lại hòa bình và an ninh. Người Do Thái cũng đã phải đối mặt với nhiều cuộc xung đột khi các nước láng giềng Arab muốn xóa bỏ mảnh đất Israel trên bản đồ thế giới.

Xung đột đổ máu giữa Anh và Argentina đối với quần đảo Falkand/ Malvinas. Hiện nay quần đảo này thuộc Anh quản lý.

Cũng đang nóng hôi hổi là bán đảo Crưm, hiện nay do Nga quản lý. Ukraina đang tức sôi máu.

Đấy, chỉ mới sơ sơ qua vài nước trên thế giới, chúng ta cũng đã thấy được cảnh tranh chấp dai dẳng, đẫm máu để mong giành lại biển đảo. Chuyện tranh chấp chưa bao giờ có hồi kết, tuy nhiên, vì tranh chấp mà tự cô lập mình, hoặc bất chấp để nổ súng thì chẳng ai thắng được đâu. Tranh chấp dùng vũ lực để giành lại thì muôn đời khó hóa giải được tranh chấp. Chẳng thà có chủ quyền thì phải răn đe, be bờ mà giữ. Những thứ ta mất, hãy để khi ta giàu có, lời nói mới có trọng lượng, mới có khí phách chân lý. Lúc nào thời cơ chín muồi, ta lấy lại êm đẹp. Còn nghèo thì nói ai nghe nào. 

Đã là nước nhỏ, lại vừa nghèo ắt sẽ là nước yếu. Đã yếu được cố to mồm ra đòn nha. Lúc này cần, hãy nghe Đảng, nghe chính phủ mà đoàn kết, dặn nhau ráng học tập, làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ doanh nghiệp, làm doanh nhân ...vân vân và vân vân. Khi giàu rồi như tay Zack Ma, ổng nhỏ con mà cả thế giới ngả mũ tôn trọng đấy.

Đừng vì tranh chấp mà cho rằng người ta cái gì cũng xấu xa. Đất nước họ là đất nước công nghiệp, nước họ giàu có, nếp sống của một đất nước phát triển bậc thứ 2 thế giới. Chúng ta không thể chê hết thảy họ tồi tệ văn minh được.

Vậy nên, theo mình, hãy dẹp bỏ những ác cảm, hãy tự tin là chính mình để khai thác kinh tế và bất kỳ lĩnh vực nào có lợi. Chúng ta phải khẳng định mình, chơi với họ tự tin bình đẳng. Chứ không phải mồm hô hào chống Trung Quốc. Hãy thử đặt mình vào vị trí có khách sạn nhưng khách họ không thuê khách sạn mình, không vào nhà hàng mình. Liệu bạn có than trời....ôi sao ế ẩm thế này cơ chứ?

Vậy nên xin đừng ghét nhân dân Mỹ hay nhân dân Trung Quốc.

Một đất nước giàu có thứ 2 thế giới, tiềm lực quân sự nó mạnh vào tốp đầu thế giới. Thời gian qua Trung Quốc không gây chiến tranh với bất kỳ nước nào trên thế giới. Như vậy là họ cũng đạo đức hơn so với hàng tá nước phương Tây chuyên làm nghề ném bom, lật đổ và nhảy vào kiếm chác hợp đồng tái thiết.

Tuy vậy, bản chất của bất kỳ nước lớn nào cũng tham lam, tạo dáng uy quyền. Đó là quy luật, ngay cả dân tộc nhỏ bé như Việt Nam chúng ta cũng vậy thôi, từ thời phong kiến, vì lợi ích dân tộc Việt, vì không gian sinh tồn, chúng ta phải "cạnh tranh" với nước Champa. Thường thì chúng ta dùng mỹ từ...mở rộng bờ cõi (!)

Phát triển kinh tế gắn liền an ninh quốc gia, cái gì lợi cho dân tộc thì chúng ta hợp tác, cái gì có hại thì chúng ta đấu tranh. Đấu tranh cũng phải linh hoạt, hãy biết mình là ai, nước nhỏ hơn, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự quá chênh lệch thì không nên hô hào huyết chiến. Hãy ra sức tạo môi trường tốt nhất để phát triển kinh tế, tạo tiền đề củng cố, phát triển quốc phòng một cách chiều sâu, tinh nhuệ, vững chắc nhất. Bờ có mạnh thì biển đảo mới mạnh, bờ có mạnh thì biên giới mới chắc chắn.

Nhiều bạn bảo, sự linh hoạt trong đấu tranh là nhục? Xin thưa, nhục là khi chúng ta bị cả thế giới quay lưng, coi khinh. Chúng ta thấy đấy, các nguyên thủ các nước lớn và hơn 100 quốc gia vừa và nhỏ, họ tìm sang Việt Nam ve vãn hợp tác này kia. Họ răm rắp gập người, ngay ngắn cúi đầu chào quốc kỳ Việt Nam, họ vào tận lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bái vọng. Như vậy là họ trân quý một nước Việt Nam bé nhỏ mà đàng hoàng, tử tế, ứng xử rất chi người lớn.

Việc nữa, trong thời đại toàn cầu hoá, việc học tiếng Anh, Tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật là cần thiết để giao lưu hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tiếng Trung là ngôn ngữ giao dịch quốc tế song hành cùng tiếng Anh. Việt Nam muốn hội nhập phát triển thì phải bắt tay làm ăn với bất kỳ nước nào, trong đó Trung Quốc là bạn hàng cực lớn. Hà cớ chi chúng ta không học tiếng Trung? Xin lỗi nhé, không học tiếng nước họ thì chúng ta thiệt thòi, chứ Trung Quốc chả ảnh hưởng gì nhiều.

Mai này, khi Việt Nam giàu có, bạn hãy tin tôi, hàng tá nước trên thế giới họ đổ xô đi học tiếng Việt đấy.

Lợi ích quốc gia dân tộc, không nên dựa theo cảm tính, kích hoạt chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ tạo ra một đống bầy nhầy đổ nát, tang thương. Nếu để đất nước nghèo nàn, lạc hậu, như vậy mới là có tội với tiền nhân, có tội với lớp lớp xương máu liệt sĩ.

Khi viết ra những dòng chia sẻ này, nhìn chủ tịch nước Trần Đại Quang điềm đạm, chủ trì họp APEC, bắt tay, cụng ly sâm banh, ký kết hợp tác kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, quốc phòng với rất nhiều cường quốc trên thế giới. Hẳn đâu phải nước nhỏ nào như Việt Nam mà cũng được các nước lớn khác tôn trọng, quý mến...

Từ những minh chứng cụ thể về vị thế của Việt Nam mà tôi nghe tâm tư ấm vọng lời người xưa: Xã tắc từ đây vững bền/ Giang sơn từ đây đổi mới/ Càn khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh/ Muôn thuở nền thái bình vững chắc/ Âu cũng nhờ trời đất tổ tông.

                                                                                                                                                                           Hoàng Hải Lý