flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Ngày đăng: 04-11-2019 Lượt xem: 3560

Đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2019) - Người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Xứ Lạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được nhân dân yêu mến và biết ơn sâu sắc.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ

Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng

Đồng chí Hoàng Văn Thụ có tên khai sinh là Hoàng Ngọc Thụ, sinh ngày 4/11/1909 trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học ở thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

Năm 1926, đang học tại trường tiểu học Pháp - Việt Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng nhiều học sinh trong lớp tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh và lập ra nhóm “Thanh niên yêu nước” ở Lạng Sơn.

Năm 1929, đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi trong nước và ngoài nước. Tháng 9/1939, đồng chí được phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; trên cương vị này, đồng chí đã có những chỉ đạo quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng của các địa phương ở Bắc Kỳ phát triển đi lên một bước.

Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm trước sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, với bí danh là  "Giáo", đồng chí Hoàng Văn Thụ đã len lỏi tới các cơ sở quần chúng trong các thành phố, đặc biệt là Hà Nội, vận động, tuyên truyền, giác ngộ anh chị em công nhân, binh lính yêu nước, từng bước xây dựng các cơ sở cách mạng ở nhiều nơi.

Tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng Việt Nam, tận tụy vì nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng, giữa lúc phong trào cách mạng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội).

Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

Dụ dỗ, tra tấn cực hình không khuất phục nổi đồng chí Hoàng Văn Thụ, cuối tháng Giêng năm 1944, thực dân Pháp mở phiên tòa đưa Hoàng Văn Thụ ra xét xử. Tại tòa, khi bị kết án tử hình, đồng chí đã hướng về phía các đồng chí mình dự phiên tòa nói to: "Các đồng chí cần luôn luôn nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, tiêu diệt bè lũ phát xít Nhật - Pháp... Tuy tôi không còn được cùng các đồng chí tiến hành hoàn thành công cuộc cách mạng của Đảng, nhưng tôi vẫn có thể chết với một tâm hồn nhẹ nhàng của người đã làm tròn nhiệm vụ. Phải vì cách mạng mà chết thì tôi cũng rất vui lòng".

Trước giờ phút hy sinh, vào rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, hô vang: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm! Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.

Tác phong người lãnh đạo cách mạng

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã để lại những bài học quý báu. Đó là bài học về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân. Ngay từ khi chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, với lập trường của người yêu nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sớm tham gia hưởng ứng các cuộc vận động do tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát động.

Quá trình chuyển biến tư tưởng của đồng chí từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin trải qua những giai đoạn thâm nhập thực tiễn trong nước và nước ngoài. Với khả năng bình tĩnh, nhạy cảm, khôn khéo biết thuyết phục và cảm hóa người khác, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công đặc trách công tác binh vận. Nhận nhiệm vụ này, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy đến, đồng chí thường lui tới các trạm, trại gặp gỡ vận động anh em binh lính lầm đường lạc lối quay trở về với nhân dân, với cách mạng. 

Đặc biệt, khi được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Thời gian bị giam cầm trong nhà tù Hoả Lò, đồng chí tỏ rõ nghị lực phi thường, ý chí quật cường, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, có niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù và tình cảm nồng thắm, nhân văn với đồng bào, đồng chí.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức người cộng sản, chấp hành tổ chức, kỷ luật; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng của người cộng sản với phong cách giai cấp công nhân Việt Nam.

Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân; mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là bài học về tác phong của người lãnh đạo cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một nhà lãnh đạo có tác phong dân chủ, gần gũi, hoà đồng với nhân dân. Đồng chí luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung. Điều đó làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cho nhân dân tin vào Đảng, tự nguyện tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về xây dựng tình đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình rất hữu ích cho công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ trong sạch; xây dựng đoàn kết nội bộ, gây dựng tình cảm thân ái, tôn trọng lẫn nhau.

Anh Minh

Tài liệu tham khảo:

1. http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/949496/dong-chi-hoang-van-thu-voi-phong-trao-cach-mang-o-ha-noi

2. http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dong-chi-hoang-van-thu-nguoi-chien-si-cong-san-kien-trung-541502.html