flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Đồng chí Mai Chí Thọ - Một tấm gương chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân

Ngày đăng: 11-07-2022 Lượt xem: 754

Thiếu tướng, PGS.TS. Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Nói đến Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống, thường gọi là Năm Xuân), chúng ta thường nhắc ngay đến vị Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, từng là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM. Đó là một con người cách mạng kiên trung, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân, luôn có mặt ở những nơi tuyến đầu gian khổ, ác liệt. Ông là một tấm gương của người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng dân.

Sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà nội và mẹ, ông "đã học được không những ở mẹ tôi và cả ở bà nội những bài học vỡ lòng sâu sắc ngay từ tuổi thơ về tình người, về lòng nhân ái, về tính vị tha"[1]. Chính những bài học vỡ lòng sâu sắc ấy như là hành trang đầu đời làm nên cái căn bản của con người Mai Chí Thọ, theo ông trong suốt hành trình hơn 70 năm hoạt động cách mạng, giúp ông thấm đẫm chất nhân văn của lý luận mác xít, của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Chính ông đã khẳng định rằng dấu ấn sâu sắc nhất, có tính chất quyết định đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, "đó là nhân cách truyền thống của con người Việt Nam: Nhân ái, tự trọng, tình nghĩa trước sau, nền nếp gia phong, yêu nước thương nòi, anh hùng sáng tạo…" như ông ghi trong hồi ức.

Mai Chí Thọ tham gia cách mạng rất sớm, chấp nhận khó khăn, ác liệt. Năm 1936, ông đã tham gia phong trào học sinh Huế, hòa nhập phong trào cách mạng “như một việc tất yếu phải làm, không đắn đo suy nghĩ và cũng không được tuyên truyền, tổ chức trước"[2]. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng khi mới 17 tuổi.

Từ tháng 4-1940, Mai Chí Thọ bị thực dân Pháp bắt, bị giam tại các nhà tù Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn) và bị đày ra Côn Đảo. Trong thời gian này, ông đã kiên cường chiến đấu, giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản và cùng với các đồng chí của mình biến nhà tù của bọn thực dân, đế quốc thành trường học của những người cộng sản.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi được giao làm Trưởng ty Công an Cần Thơ, rồi Mỹ Tho, ông đã đề xuất và tổ chức lực lượng công an vũ trang trừ gian, phá tề. Kinh nghiệm xây dựng những đội trinh sát vũ trang, trực tiếp chỉ đạo hoạt động phá tề, trừ gian của ông, sau này được phổ biến rộng rãi ở Nam bộ và nhiều nơi khác, góp phần đánh thẳng vào hang ổ của thực dân Pháp, buộc chúng phải phân tán binh lực ra đối phó với lực lượng của ta ngay trong vùng địch hậu. Đó thật sự là một đóng góp thực tiễn làm phong phú quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng và Bác Hồ ở Nam bộ. 

Đại tướng Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cùng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an TP Hồ Chí Minh. Ảnh: tư liệu

Đầu năm 1953, Giám đốc Sở Công an Phân liên khu miền Đông Mai Chí Thọ trực tiếp chỉ đạo củng cố lại bộ phận điệp báo của Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm tăng cường đánh vào cơ quan đầu não của địch, kịp thời phát hiện thủ đoạn hoạt động của bọn tình báo, âm mưu của thực dân Pháp và bọn ngụy quyền tay sai. Có thể nói, ông đã trực tiếp góp phần xây dựng, chỉ đạo lực lượng làm công tác điệp báo tại Sài Gòn - Chợ Lớn ngay từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây cũng có thể là lý do mà sau đó, ông được tin cậy giao nhiệm vụ lãnh đạo việc tổ chức mạng lưới tình báo ngay trong thời kỳ đầu cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Tháng 12-1954, khi Ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy được thành lập, ông được giao trách nhiệm làm Thường trực của Ban, sau đó làm Trưởng ban. Trong 5 năm, từ 1954 đến 1959, "Ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy đã làm nên sự nghiệp vẻ vang, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân và của Đảng"[3]. Hàng loạt cán bộ tình báo của ta gài vào đã đạt được những vị trí then chốt trong hàng ngũ địch. Trong chiến công chung ấy, Mai Chí Thọ đóng góp một phần hết sức quan trọng. Ông đã cùng tập thể Ban Nghiên cứu địch tình Xứ ủy bước khởi đầu tạo nên một đội ngũ cán bộ điệp báo huyền thoại, hoạt động hết sức hiệu quả ngay giữa lòng địch, đem về những chiến công hiển hách.

Tháng 1-1960, thực hiện Nghị quyết Trung ương 15, được sự đồng ý và phân công của Xứ ủy, ông cùng các đồng chí chỉ huy lực lượng vũ trang của Xứ ủy tổ chức chuẩn bị và tiến công Tua Hai ngày 26-1-1960. Trong trận này, ông được phân công làm Bí thư Đảng ủy. Trận đánh kéo dài không tới một giờ, tất cả mục tiêu và yêu cầu đều đạt được. Sau này, ông nhớ lại: "Trận Tua Hai tuy không phải là một trận đánh lớn nhưng lại có ý nghĩa chính trị cũng như lịch sử quan trọng, vượt rất xa tầm vóc và kích cỡ của nó. Đây là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của Nghị quyết 15, của Đồng khởi, của cách mạng miền Nam, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử chống Mỹ và tay sai"[4].

Những năm 1960 - 1965, Mai Chí Thọ là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ và là Chính ủy Quân khu miền Đông Nam bộ. Tháng 4-1965, ông được Trung ương Cục điều động, nhận chức vụ Thường trực Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Từ năm 1965 đến 1975, ông được cử làm Ủy viên Thường vụ, rồi Phó Bí thư và Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và là Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định.

Ngay trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, Mỹ đẩy mạnh các hoạt động càn quét, mở những cuộc hành quân quy mô lớn vào vùng ven Sài Gòn, nhất là khu vực Củ Chi. Trong những năm tháng ác liệt đó, Mai Chí Thọ trực tiếp bám trụ tại đất thép Củ Chi, cùng nhiều cơ quan của Khu ủy lãnh đạo cuộc sống, chiến đấu tại đây và chỉ đạo các nơi trong địa bàn Sài Gòn - Gia Định. Để chuẩn bị cho cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968, Khu trọng điểm được thành lập. Mai Chí Thọ làm Bí thư Phân khu 1, sau đó làm Phó Chính ủy Mặt trận Tiền phương phía Bắc. Là người trực tiếp tham gia lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành cuộc tổng tiến công Mậu Thân, ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Mậu Thân 1968.

Là Bí thư Thành ủy, ông trực tiếp nhận chỉ thị của Bộ Chính trị và triển khai công tác tổ chức chuẩn bị và tiến hành nổi dậy của nhân dân thành phố trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

5 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, quân ta từ bốn hướng đồng loạt tiến công vào nội thành. 11 giờ 30 phút, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên cột cờ nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút lịch sử vinh quang của nhân dân ta, của Đảng ta, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Trong khắp thành phố, toàn bộ lực lượng cơ sở phường xã của ta đồng loạt nổi dậy chiếm các trụ sở của chính quyền ngụy, các nhà máy điện, nhà máy nước, các bệnh viện…  rồi treo cờ Giải phóng. Sự phối hợp tuyệt vời của các mũi tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng đã làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng Sài Gòn nhanh gọn, gần như giữ nguyên vẹn thành phố.

Ngay sau đó, với cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản, Phó Bí thư, Bí thư Thành ủy, rồi Chủ tịch UBND thành phố, ông đã cùng lãnh đạo thành phố, nhất là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách đặt ra trong bối cảnh đầy những khó khăn, thách thức của một thành phố đông dân bậc nhất sau giải phóng: ổn định trật tự trị an, ổn định đời sống nhân dân, phát triển bước đầu kinh tế xã hội, nhất là ổn định và phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn ngoại thành, thương nghiệp. Những thành công của TP.HCM ngay trong 10 năm đầu sau giải phóng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của thành phố mang tên Bác Hồ, mà còn đóng góp thiết thực vào công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước cả về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn.

Trong bộn bề công việc chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Mai Chí Thọ đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng, tổ chức và đội ngũ cán bộ đảng viên, cán bộ của bộ máy chính quyền. Không những mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc, ông còn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực thông tin, tuyên truyền. Về việc này, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng, ông đã tổ chức gặp mặt tất cả các phóng viên báo chí trong và ngoài nước ở thành phố. Trong sự kiện ấy, trước hàng trăm nhà báo, ông rất thẳng thắn trong nhìn nhận những thành tựu và hạn chế của thành phố, nhưng cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm của Đảng về độc lập dân tộc gắn với thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông sẵn sàng làm việc thâu đêm với các nhà báo nước ngoài nếu họ có yêu cầu và trả lời thẳng thắn những câu hỏi gai góc mà báo chí đưa ra về mọi lĩnh vực của thành phố đã và đang giải quyết. Đối với nhiều tờ báo của thành phố, ông thường xuyên tham gia cung cấp thông tin, viết bài, phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền, cổ động tập thể đối với toàn dân, toàn xã hội, chung tay góp sức vì thành phố.

Đồng chí Mai Chí Thọ - Quyền Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cùng các chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định đã tham gia bảo vệ đồng chí từ khi ở căn cứ về lãnh đạo quần chúng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975). (Nguồn: Ảnh tư liệu)

Là người sớm gắn bó với ngành Công an, dày dạn kinh nghiệm trong sự nghiệp vì an ninh Tổ quốc, khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), ông đã quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm đổi mới của Đại hội VI, lãnh đạo và chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác công an.  Điểm nổi bật trong tư tưởng và việc làm của ông là đổi mới phải quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”. Ông kiên quyết chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngành từ chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương pháp công tác, lề lối làm việc, trong đó hết sức chú ý đào tạo, rèn luyện cán bộ, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm lịch sử của ngành.

Trong cương vị của mình, Mai Chí Thọ kiên quyết đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, rất sớm có quan điểm và hành động đúng đắn trong đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Ngay khi còn đang là Chủ tịch UBND thành phố, ông đã kiên quyết đấu tranh, có lý có tình với chính một số cán bộ có biểu hiện suy thoái về quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống. Bản thân ông đã nêu gương mẫu mực về sự liêm chính. Có lần, một thương gia Hoa kiều quen biết ông, đem đến biếu một chiếc đồng hồ rất có giá trị. Ông không nhận và nói với người bạn này rằng: “Ông có để tôi làm việc không? Nếu nhận của ông tôi còn làm Chủ tịch thành phố này sao được nữa!”… Ông là tấm gương về sự trong sáng, đức độ trong ứng xử với đồng chí, đồng bào. Khi ông được phong hàm Đại tướng, người dân Nam bộ và TP.HCM trân trọng gọi ông là “Tướng con dân”!

Thực tiễn đã cho thấy trong suốt thời gian đảm nhiệm những trọng trách trong cương vị người lãnh đạo thành phố, đứng đầu Bộ Công an, và cả khi đã nghỉ hưu, ông vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trên nhiều lĩnh vực. Vượt lên tất cả, ông tiếp tục thể hiện bản lĩnh trung kiên của một người cách mạng, một nhân cách bình dị, nhân hậu với nhân dân và hết sức năng động trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt kiên quyết với những thế lực thù địch, với hoạt động chống phá của lực lượng phản cách mạng. Trong thời kỳ mới, ông tiếp tục có những đóng góp mới sáng tạo, hiệu quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của thành phố.

Đại tướng Mai Chí Thọ vẫn còn mãi trong lòng dân!

 

[1] Hồi ức Mai Chí Thọ, tập 1: Những mẩu chuyện đời tôi, Nxb. Trẻ, 2001, tr.13.

[2] Hồi ức Mai Chí Thọ, tập 1, sđd, tr.20-21.

[3] Hồi ức Mai Chí Thọ, tập 2: Theo bước chân lịch sử, Nxb. Trẻ, 2001, tr.72-73.

[4] Hồi ức Mai Chí Thọ, tập 2, sđd, tr.102-103.