Ngày đăng: 09-07-2020 Lượt xem: 2526
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí - luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 - 10/7/2020), Cờ đỏ Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới bạn đọc cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí - một con người trung, hiếu, tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức của người cộng sản, sống có tình, có nghĩa; một trí thức cách mạng lớn, một nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ quân giải phóng. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh là Ba Nghĩa) sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An), trong một gia đình công chức trung lưu. Thân phụ của đồng chí là cụ Nguyễn Hữu Tuấn (1890-1944) thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Phong (1891-1934).
Mùa hè năm 1921, khi 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ được gia đình gửi sang Pháp học tại Trường Trung học Mignet tại thị trấn Aix-en-Provence. Sau bảy năm học xuất sắc ở bậc phổ thông, năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được Trường Đại học Aix-en-Provence nhận vào học tại khoa Luật của trường. Năm 1932, Nguyễn Hữu Thọ tốt nghiệp loại xuất sắc và nhận bằng Cử nhân Luật tại đây. Tháng 5 năm 1933, Nguyễn Hữu Thọ rời thành phố Marseille trở lại Sài Gòn. Trong thời gian sống và học tập tại nước Pháp, mặc dù không được gặp nhưng Nguyễn Hữu Thọ được biết những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và có ý thức đi theo con đường cách mạng của Người, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bộc bạch: “Điều may mắn và cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi là được đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được người dẫn dắt từ khi lớp thanh niên trí thức chúng tôi còn bàng hoàng trước ngã ba đường trong đêm dài nô lệ”[1].
Trở lại Việt Nam ông về thị xã Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang sống cùng cha mẹ và xin vào tập sự tại Văn phòng của luật sư Duquesnay Tiền Giang khá nổi tiếng thời bấy giờ. Năm 1939, sau 5 năm làm luật sư tập sự, Nguyễn Hữu Thọ tham gia kỳ thi sát hạch của Luật sư Đoàn để trở thành luật sư thực thụ, hành nghề độc lập. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã mở văn phòng đầu tiên ở Mỹ Tho, sau đó mở thêm văn phòng ở Vĩnh Long, Cần Thơ. Ở tuổi 30, với tài năng và sự chính trực bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nổi tiếng khắp Nam Kỳ. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, do được các đồng chí Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng vận động, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia hoạt động cách mạng trong Hướng đạo sinh, tích cực trong phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, vận động cứu đói cho đồng bào Bắc Kỳ.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận ra rằng khát vọng độc lập dân tộc đã thành hiện thực và ông cũng biết rằng Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam mới chính là Nguyễn Ái Quốc ông đã từng ngưỡng mộ khi còn học bên Pháp, cho nên ông tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vị trí của người trí thức hành nghề luật.
Khi kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ, thực dân Pháp, đánh chiếm các tỉnh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Giữa năm 1946, chính quyền thực dân bổ nhiệm luật sư trẻ Nguyễn Hữu Thọ làm Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long nhưng ông vẫn bí mật liên lạc với kháng chiến. Khoảng cuối năm 1946, từ Vĩnh Long, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ bí mật đón ra căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười và đề nghị ông: Dù làm bất cứ việc gì ở vùng tạm chiếm, cũng phải tìm cơ hội giúp đỡ đồng bào, giúp đỡ kháng chiến. Ông xem đây là chuyến đi đổi đời và từ đây ông chính thức trở thành người của kháng chiến hoạt động trong lòng địch theo yêu cầu của cách mạng.
Đầu năm 1947, sau chuyến về căn cứ ở Đồng Tháp Mười thảo luận với những nhà lãnh đạo kháng chiến, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ bỏ chức Chánh án Tòa án Vĩnh Long của địch, đưa gia đình lên Sài Gòn mở Văn phòng luật sư riêng tại 152 đường Charles de Gaulle (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Ông được tổ chức phân công hoạt động trong Ban Trí vận của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại Sài Gòn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng những nhà trí thức lớn của thành phố đưa ra bản Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lập lại hòa bình trên cơ sở độc lập, tự do của nước Việt Nam mới. Cũng thời gian này, ông cùng nhóm trí thức thành lập Hội Văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn do chính ông làm Chủ tịch. Cuối năm 1947, lần thứ hai luật sư Nguyễn Hữu Thọ bí mật ra chiến khu và xin ở lại để trực tiếp tham gia kháng chiến và đào tạo cán bộ cho cách mạng. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, tổ chức đề nghị ông ở lại Sài Gòn hoạt động trong Ban Trí vận của Thành phố.
Ngày 16 tháng 10 năm 1949, tại Sài Gòn, tổ chức đã bí mật kết nạp luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào Đảng, trở thành nhân sĩ trí thức Cộng sản hoạt động công khai trong lòng địch, nhưng cả chính quyền thực dân Pháp lẫn số đông đồng bào, đồng chí ít ai biết ông là người cộng sản.
Cuối năm 1949, đầu năm 1950, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phản đối chính phủ bù nhìn của Bảo Đại diễn ra sôi nổi; trí thức và học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp dã man, học sinh Trần Văn Ơn bị bắn chết trong cuộc biểu tình ngày 09 tháng 01 năm 1950. Thay mặt các giới đồng bào, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng ra chủ trì lễ truy điệu trò Ơn, kêu gọi đồng bào đoàn kết đấu tranh chống chính quyền thực dân, chống đàn áp.
Ngày 15 tháng 3 năm 1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã vận động các luật sư tiến bộ đứng ra biện hộ cho 22 trí thức của Ban Chấp hành Mặt trận Liên - Việt Sài Gòn - Chợ Lớn, đòi tòa án thực dân xử trắng án cho những trí thức yêu nước.
Đặc biệt, ngày 16 tháng 3 năm 1950, khi hai tàu chiến Mỹ cập cảng Sài Gòn, công khai ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, thì luật sư Nguyễn Hữu Thọ vận động nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức cuộc mít tinh lớn với hàng chục vạn người tham gia phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ trên đất nước ta.
Trong giai đoạn lịch sử này, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nổi lên như một biểu tượng, linh hồn của phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Sài Gòn - Chợ Lớn và của cả miền Nam đang bị thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, ngày 19 tháng 3 năm 1950, chính quyền địch đã bắt giam luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đóng cửa văn phòng luật sư của ông và giải tán Phái đoàn đại biểu các giới do ông đứng đầu. Ngày 28 tháng 3 năm 1950, Tòa án Sài Gòn mang ông ra xét xử nhưng không thể kết tội một luật sư yêu nước nên buộc phải trả tự do cho ông. Nửa tháng sau, vào ngày 13 tháng 4 năm 1950, lo sợ trước uy tín và tầm ảnh hưởng của người đứng đầu phong trào đô thị, chính quyền thực dân tổ chức bắt luật sư lần thứ hai khi ông tổ chức in ấn, vận chuyển truyền đơn kêu gọi đồng bào đấu tranh, vạch mặt những thủ đoạn lừa bịp của chính quyền địch. Tuy bắt luật sư nhưng kẻ địch không dám đưa ra xét xử công khai mà bí mật dùng máy bay đưa ông ra vùng Tây Bắc núi cao rừng thẳm lưu đày biệt xứ.
Từ tháng 6 năm 1950 đến tháng 10 năm 1951, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị thực dân Pháp giam lỏng tại Bản Giẳng thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, là vùng lam sơn chướng khí, cách thị xã Lai Châu ba ngày đường đi bộ. Tháng 10 năm 1951, khi bộ đội ta hành quân vào Tây Bắc, giải phóng Lai Châu thì kẻ địch bí mật đưa luật sư về giam lỏng ở Thị xã Sơn Tây. Một năm sau, trước sự đấu tranh quyết liệt của phong trào ở đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn, tháng 10 năm 1952, kẻ địch buộc phải trả tự do cho luật sư. Từ đây cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, ngày 01 tháng 8 năm 1954, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng giới trí thức tiêu biểu của Thành phố thành lập Phong trào bảo vệ hòa bình do dược sĩ Trần Kim Quang làm Chủ tịch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Phó Chủ tịch điều hành mọi hoạt động của phong trào. Vừa ra đời, Phong trào bảo vệ hòa bình đã tổ chức cuộc mít tinh, diễu hành lớn với khoảng 50 ngàn người tham gia mừng hòa bình, ủng hộ Hiệp định Genève.
Ngày 07 tháng 11 năm 1954, luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng 26 vị nhân sĩ, trí thức của Phong trào hòa bình bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ vì chúng cho rằng các vị xâm phạm an ninh quốc gia, xúi giục dân chúng khuynh đảo chính phủ. Ngô Đình Diệm đề nghị luật sư Nguyễn Hữu Thọ giải tán Phong trào hòa bình và mời ông tham gia hệ thống chính quyền địch nhưng ông đã thẳng thừng từ chối. Không khuất phục được ông và các trí thức yêu nước, ngày 09 tháng 02 năm 1955, chính quyền Diệm đã cho máy bay chở luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng 26 vị trong Phong trào hòa bình ra an trí ở vùng Pháp tạm chiếm tại Hải Phòng. Sau 77 ngày giam giữ đây, ngày 23 tháng 4 năm 1955, chính quyền Diệm lại phải đưa các vị trở lại Sài Gòn, thả một số người. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng và ba người khác trong Phong trào hòa bình bị chuyển thẳng ra quản thúc ở xã Hòa Thịnh, Tuy Hòa, Phú Yên và bị giam giữ ở đây tới 6 năm rưỡi.
Năm 1960 trên toàn miền Nam, đặc biệt là ở Nam Bộ nổ ra phong trào Đồng Khởi, là điều kiện chín muồi để cách mạng miền Nam thành lập mặt trận riêng tập hợp lực lượng chung một bóng cờ để chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Người được dự kiến làm Chủ tịch Mặt trận là luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang bị lưu đày nơi rừng thiêng nước độc, cho nên cần giải thoát ngay luật sư về với cách mạng. Ngày 10 tháng 9 năm 1960, lần giải thoát thứ nhất cho luật sư bất thành vì cơ sở đi đón luật sư bị bắt. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại căn cứ Bắc Tây Ninh, thuộc xã Tân Lập, huyện Châu Thành, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, ra Tuyên ngôn, thông qua Chương trình hành động 10 điểm và cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời nhưng để trống chức Chủ tịch sẽ bầu sau này khi ông được giải thoát. Ngày 19 tháng 6 năm 1961, ta tổ chức vũ trang tấn công quận lỵ Củng Sơn để đón luật sư nhưng không thành vì địch đã cho ông về thị xã Tuy Hòa. Phải đến ngày 30 tháng 10 năm 1961 ở lần giải thoát thứ ba, mới đón được luật sư từ Phú Yên về căn cứ Bắc Tây Ninh.
Sau khi luật sư Nguyễn Hữu Thọ được giải thoát, từ ngày 16 tháng 02 đến ngày 03 tháng 3 năm 1962, tại căn cứ Kà Tum - Tây Ninh, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được tiến hành và bầu ông làm Chủ tịch Mặt trận, thông qua Báo cáo chính trị và công bố Chương trình hành động bổ sung của Mặt trận. Từ đây cho đến khi thống nhất đất nước, luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam liên tục trong 15 năm.
Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã triệu tập Đại hội bất thường thông qua Cương lĩnh mới của Mặt trận.
Tháng 6 năm 1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam được triệu tập tại căn cứ Bắc Tây Ninh để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được Đại hội cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời tại Hà Nội để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí - nhất là nhân dân miền Nam đang chiến đấu. Mặc dù chiến tranh rất ác liệt, thay mặt nhân dân miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đoàn đại biểu miền Nam từ căn cứ kháng chiến trong rừng già Tây Ninh ra Hà Nội dự lễ tang Người. Dấn thân theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, luật sư Nguyễn Hữu Thọ khát khao được một lần gặp Bác, trở thành nỗi ân hận, sự day dứt suốt đời mình vì chưa được diện kiến Người.
Năm 1970, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân miền Nam dự Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương đoàn kết chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, cổ vũ nhân dân ba nước chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược. Trong những năm tháng gian khổ này, lúc thì Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ở vùng rừng núi Tây Ninh, khi thì ra vùng giải phóng Quảng Trị tiếp nhận quốc thư của các đại sứ nhiều nước đến đặt quan hệ ngoại giao và dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân miền Nam thì thăm một số nước xã hội chủ nghĩa và các nước Á - Phi.
Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie (tháng 9-1973) . Ảnh: Tư liệu
Sau 21 năm chiến đấu lâu dài, gian khổ và vô cùng oanh liệt, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta toàn thắng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử. Sau đúng 20 năm xa cách, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các cơ quan kháng chiến từ căn cứ Tây Ninh trở lại Sài Gòn để bắt tay vào xây dựng chính quyền mới và chuẩn bị cho công cuộc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, tại Dinh Độc Lập đã diễn ra Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước của đoàn đại biểu cấp cao hai miền Nam - Bắc. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn khai mạc và bế mạc cuộc họp lịch sử này. Theo quyết định của hội nghị, ngày 25 tháng 4 năm 1976 đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất của cả nước, Quốc hội khóa VI, luật sư Nguyễn Hữu Thọ trúng cử với số phiếu rất cao tại thành phố Sài Gòn - Gia Định và ông liên tiếp là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI diễn ra từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 1976, ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần, ngày 05 tháng 4 năm 1980, ông được Quốc hội cử giữ chức Quyền Chủ tịch nước. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, ngày 19 tháng 12 năm 1980, trước sự chứng kiến của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch, ông ký lệnh công bố Hiến pháp năm 1980.
Từ ngày 31 tháng 01 đến ngày 04 tháng 02 năm 1977, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất. Chính thức từ đây, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam kết thúc vẻ vang nhiệm vụ lịch sử của mình để hòa chung vào khối đại đoàn kết dân tộc là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Là một luật sư, một nhà cách mạng có uy tín lớn, ngày 04 tháng 7 năm 1981, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 04 tháng 11 năm 1988, ở tuổi 78, khi đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, với uy tín cao của mình, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Và đến Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 8 năm 1994, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được suy tôn là Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Do tuổi cao sức yếu, ngày 24 tháng 12 năm 1996, luật sư Nguyễn Hữu Thọ qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi.
Cả cuộc đời mình luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hiến dâng cho đất nước, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ghi nhận những cống hiến của ông, tại lễ quốc tang, đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đảng - Nhà nước đã nêu bật những cống hiến của ông cho đất nước: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung kiên, một nhân cách khả kính”[2].
Ngay khi còn tại thế, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã được Đảng và Nhà nước ta tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương, huy chương cao quý; Nhà nước Liên Xô tặng giải thưởng quốc tế mang tên Lênin và Huân chương Hữu nghị; Nhà nước Cuba tặng Huân chương Đoàn kết chiến đấu; Nhà nước Bungari tặng giải thưởng Dimitrov, Hội đồng hòa bình thế giới tặng Huân chương Jolio Cunie.
Để tưởng nhớ luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhiều thành phố, thị xã trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh Nam Bộ đều có đường phố mang tên Nguyễn Hữu Thọ.
Tại Bến Lức Long An quê hương ông có khu tưởng niệm lớn, khang trang, một trường trung học phổ thông mang tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Tại thủ đô Hà Nội có đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc quận Hoàng Mai, từ đường giải phóng qua bán đảo Linh Đàm nối vào đường Vành đai ba.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, con đường mới mở, đẹp, rộng và rất dài, từ Quận 2 qua Quận 7, huyện Nhà Bè được Thành phố đặt là đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 2 có trường trung học phổ thông, Quận 7 có trường trung học cơ sở được vinh dự mang tên vị Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ái Nhi