flag header

Tin tứcTin tức

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nhà cách mạng kiên trung của Đảng

Ngày đăng: 29-09-2020 Lượt xem: 1967

Ngày 26-9-2020, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30-9-1910 – 30-9-2020). Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Với 31 tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho chúng ta những bài học hết sức quý giá về một tấm gương hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình…

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ra và lớn lên tại thành phố Vinh - Nghệ An trong một gia đình công chức nhỏ nên được cho học chữ quốc ngữ rất sớm. Được học với thầy giáo Trần Phú (người sau nay là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương), chứng kiến cảnh áp bức, bất công dưới chế độ nô lệ, được chính thầy Trần Phú giác ngộ, năm 16 tuổi Nguyễn Thị Vịnh đã dấn thân vào con đường cách mạng.

Năm 1927, Nguyễn Thị Vịnh với bí danh Minh Khai, đã tham gia Đảng Tân Việt, chủ trương "Đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái...". Năm 1929, đồng chí bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Khi Đông Dương Cộng sản đảng ra đời, đồng chí được kết nạp vào Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Là cán bộ năng nổ, có óc tổ chức, đồng chí đã nhanh chóng trở thành cán bộ cốt cán trong phong trào cách mạng: Bí thư Phụ nữ đoàn, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tân Việt tỉnh Nghệ An, thành viên Đông Dương Cộng sản Đảng... Đồng chí thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân ở Vinh và công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy. Năm 1928, Phụ nữ đoàn phát triển thêm được nhiều thành viên, số chị em phụ nữ tham gia các tổ chức quần chúng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ ngày càng đông.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục đảm trách công tác tuyên truyền, vận động, huấn luyện phụ nữ, đảng viên ở Nghệ An, tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh cách mạng và tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng, nhiều người trở thành lực lượng nòng cốt trong Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931.

 

Cuối năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc), công tác ở Văn phòng Đông phương Bộ của Quốc tế Cộng sản, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh là Lý Thụy) trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Vừa công tác, đồng chí vừa tranh thủ học và sử dụng thành thạo các thứ tiếng Anh, Pháp và Trung Quốc.

Những năm 1931 - 1934, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù nhưng vẫn kiên trung với cách mạng dù bị tra tấn tàn bạo. Ra tù, đồng chí được cử đến Thượng Hải, công tác ở Ban Lãnh đạo Đảng ở nước ngoài.

Cuối năm 1934, Minh Khai cùng các đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Nọn được cử là đại biểu chính thức được cử đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Moscow (Liên Xô). Nguyễn Thị Minh Khai lấy bí danh là Phan Lan. Trong thời gian chờ Đại hội khai mạc (cuối 1934 – 7-1935), theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí vào học Trường Đại học Phương Đông. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản, trong phiên họp thứ 40 ngày 16-8-1935, lần đầu tiên trên diễn đàn của một đại hội quốc tế, một người phụ nữ Việt Nam đã dõng dạc đọc bài tham luận lên án, tố cáo chế độ thực dân, phong kiến đã thi hành chính sách tàn bạo, dã man đối với nhân dân Đông Dương, nhất là đối với phụ nữ, đề cao vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hòa bình. Tham luận khẳng định: “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, cho sự thành lập mặt trận thống nhất chống bọn gây chiến”.

Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên (tháng 9 – 10-1935), Nguyễn Thị Minh Khai đã tham dự, phát biểu nêu rõ tình cảnh, những hoạt động và nhiệm vụ trước mắt của thanh niên trong đó có nữ thanh niên Đông Dương. Sau Đại hội, đồng chí tiếp tục học tại Trường Đại học Phương Đông. Thời gian này, đồng chí kết hôn với đồng chí Lê Hồng Phong.

Đầu năm 1936, Lê Hồng Phong được phái về nước hoạt động, còn Nguyễn Thị Minh Khai ở lại học tiếp. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí nhận nhiệm vụ về hoạt động tại Thượng Hải (Trung Quốc), sau đó được tổ chức phân công về công tác tại Sài Gòn (năm 1937). Về nước, Nguyễn Thị Minh Khai được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, phụ trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, thường được gọi là chị Năm Bắc.

Bấy giờ, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền nhưng không khí chiến tranh đang bao trùm, đồng chí vẫn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển. Đồng chí đã lãnh đạo các cuộc đấu tranh của công nhân và phụ nữ, mở các lớp huấn luyện cho cán bộ và cán bộ nữ, viết nhiều bài đăng trên báo Dân chúng làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề chống phản động thuộc địa, chống phong kiến và vận động phụ nữ tham gia Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Là người có tư tưởng tiến bộ về phụ nữ, đồng chí đã kêu gọi thực hiện bình đẳng nam nữ, phát huy vai trò của phụ nữ nhất các mặt của đời sống. Đồng chí viết: “Nếu mỗi người đều lấy việc nuôi con làm trách nhiệm tột bực mà bỏ công việc xã hội thì công việc giải phóng phụ nữ không biết đến đời nào sẽ thực hiện được? Phụ nữ giải phóng là công việc của toàn thể phụ nữ đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của mọi người”. Đồng chí vạch rõ nhiệm vụ quan trọng của giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng nam nữ, từng bước nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động cách mạng cho chị em phụ nữ.

Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, bị giam 6 tháng rồi bị trục xuất về Nghệ An. Ngày 6-2-1940, đồng chí bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo. Đến ngày 30-7-1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị bắt. Chúng đưa đồng chí về Khám Lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Dù vậy, đồng chí vẫn không nao núng và tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh; đồng chí đã dùng máu viết lên tường xà lim nhưng câu thơ nêu cao phẩm chất, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản: “Đừng nhận mà cũng đừng khai. Khai nhận đều giúp cho quân thù” Đồng chí còn viết:

Đã chen vai chung gánh việc đời

Phong trần đâu nữa để xem chơi

Hình ngục chính cho mình lưu dưỡng

Tù ngục là nơi nghỉ thảnh thơi

Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết

Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời

Hi sinh phấn đấu vì nhiệm vụ

Triệt để thực hành chết mới thôi.

Khi địch biết đồng chí là vợ của người từng là Tổng Bí thư Đảng Lê Hồng Phong, chúng đưa hai người về giam chung hòng dùng tình cảm lung lạc nhưng cả hai vẫn nén tình riêng để đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù. Đã có lần chúng đưa Lê Hồng Phong vào cho Nguyễn Thị Minh Khai nhận mặt nhưng đồng chí Minh Khai đã trả trả lời với chúng: Tôi không biết người này.

Tuy bị giam nhưng Nguyễn Thị Minh Khai với cương vị là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, là Ủy viên Xứ ủy vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Ngày 23-11-1940 cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Thực dân Pháp quy trách nhiệm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đối với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai nên chúng đã kết án tử hình và xử bắn các đồng chí vào ngày 28-8-1941 tại Hóc Môn. 

Trước lúc hy sinh Nguyễn Thị Minh Khai còn nhắn nhủ cùng đồng bào, đồng chí:

Vững chí bền gan ai hỡi ai

Kiên tâm giữ dạ mới anh tài

Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ

Con đường cách mạng vẫn chông gai.

Cuộc đời cách mạng tuy khá ngắn ngủi nhưng hết sức oanh liệt của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã động viên, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ cách mạng, để tiếp nối sự nghiệp dở dang của đồng chí. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của đồng chí được khắc ghi cho đời sau với những tên đường, tên trường và cả những học bổng mang tên Nguyễn Thị Minh Khai để giúp đỡ cho những học sinh nghèo, học giỏi, vượt khó.

Người con gái duy nhất của đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là Lê Nguyễn Hồng Minh, sinh năm 1939, từng là cán bộ nghiên cứu của Đảng; sau năm 1975 công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM và nghỉ hưu vào năm 1995.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai có hai người em cũng rất vẻ vang là người em trai Nguyễn Huy Dung, giáo sư, bác sĩ tim mạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Người em gái là đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (1915- 1944), một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam trong thập niên 1930, là người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng đã hy sinh khi còn rất trẻ đang lúc bị tù đày...

NGŨ YÊN