flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ: Nữ chiến sĩ cộng sản gan dạ, kiên trung

Ngày đăng: 20-10-2020 Lượt xem: 2377

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020), Cờ đỏ TPHCM đăng tải bài viết về đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (1930 - 1933).

Đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ (1909 - 1946)

Đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ (bí danh Việt Hoa) sinh năm 1909 trong một gia đình buôn bán nhỏ ở chợ Ngã Tư, xã Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí là con thứ 5 trong gia đình 7 anh em. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, như anh trai là ông Nguyễn Văn Nhung, một trong những người thành lập Chi bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên đồng chí hội đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long và là Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Long năm 1930 và em gái là Nguyễn Thị Phụng, một đảng viên hoạt động ở Chợ Lớn, thời chống Thực dân Pháp. 

Thời thơ ấu, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ đã từng chứng kiến những cảnh bất công trong xã hội và truyền thống giáo dục của gia đình nên đồng chí sớm có lòng yêu nước, yêu quê hương, đồng bào, căm ghét bọn thực dân và quan làng. Sau khi học ở trường xã, Nguyễn Thị Nhỏ lên học trường tỉnh Vĩnh Long. Tháng 3/1926, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ tham gia phong trào học sinh - sinh viên và quần chúng lao động khắp Nam kỳ xuống đường để tang Phan Chu Trinh.

Năm 1927, sau khi đậu sơ học, Nguyễn Thị Nhỏ được bổ nhiệm dạy trường nữ ở Hương Điểm (Bến Tre). Tại đây, đồng chí luôn tuyên truyền giáo dục học sinh về lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước, chống lại quyền thống trị của thực dân Pháp. Không lâu sau, đồng chí chuyển về dạy ở "Sa Đéc học đường". Tại Sa Đéc học đường đồng chí đã được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, sinh hoạt chung với các đồng chí Nguyễn Văn Phát, Hà Huy Giáp và thường xuyên liên lạc với đồng chí Châu Văn Liêm ở Chợ Mới (Long Xuyên). Do gần gũi lại cùng lý tưởng, cùng chí hướng nên giữa đồng chí và đồng chí Nguyễn Văn Phát sớm nảy nở tình yêu, sau này thành vợ chồng.

Năm 1929, đồng chí được cử đi dự lớp huấn luyện chính trị của Kỳ bộ do các đồng chí Phạm Văn Đồng - Bí thư Kỳ bộ, Nguyễn Kim Cương, Châu Văn Liêm giảng dạy. Với sự thông minh và tinh thần hăng say học tập nên đồng chí nắm rất vững và nhanh những nguyên lý cách mạng, được các đồng chí lãnh đạo đánh giá cao. Sau lớp học về, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ được cử vào Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tỉnh Sa Đéc.

Giữa năm 1929, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ và đồng chí Nguyễn Văn Phát được điều lên Sài Gòn công tác tại trụ sở của Kỳ bộ ở nhà số 14 hẻm đường Lacaze (nay là Nguyễn Tri Phương). Đồng chí hăng hái công tác, tham gia vào việc in phát tạp chí Bôn-sê-vích và báo Công - Nông - Binh, in tài liệu Đại hội lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Ngày 23/7/1929, Hồ Cao Cương (tự Sường) - một thành viên trong cơ quan Kỳ bộ phản bội chỉ điểm, thực dân Pháp đã vây trụ sở của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, bắt các đồng chí Trần Ngọc Quế, Nguyễn Văn Phát, Nguyễn Thị Nhỏ. Trong tù, bị tra tấn dã man khiến đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ bị mất khả năng thính giác (về sau gọi là Sáu Điếc).

Ra khỏi tù, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ liên lạc ngay với đồng chí Châu Văn Liêm (lúc này là Bí thư Kỳ bộ thay đồng chí Phạm Văn Đồng) và được biết là tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã chuyển thành An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí phấn khởi lao ngay vào hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản (tháng 10/1929). Lấy lý do đi thăm chồng, đồng chí được tổ chức cử vào Khám Lớn để liên lạc, truyền đạt chủ trương, quyết định của tổ chức từ ngoài vào nhà tù. Trong đó, có các quyết định kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng của các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và một số thành viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Sau việc này, đồng chí được cử vào hoạt động ở Xí nghiệp Ba Son để gây dựng cơ sở đảng tại đây. Vì không có kỹ thuật lại là phụ nữ nên đồng chí xin vào làm phụ gánh hồ, gần gũi anh em công nhân, tuyên truyền giác ngộ họ. Đồng chí rất hăng hái hoạt động nên chẳng bao lâu đã gây dựng được một số cơ sở quần chúng ở đây.

Giữa năm 1930, Trung ương Đảng tổ chức nhiều cuộc biểu tình nông dân đấu tranh đòi chính quyền thực dân giảm sưu thuế, trong đó có cuộc biểu tình lớn tại Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn. Trong đợt này, đồng chí Châu Văn Liêm, Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, người trực tiếp lãnh đạo các cuộc biểu tình này bị mật thám Pháp bắt được và bị sát hại sau đó. Xứ ủy Nam kỳ đã phải cử đồng chí Lê Quang Sung và Nguyễn Thị Nhỏ về phụ trách Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Châu Văn Liêm để ổn định tình hình, lãnh đạo quần chúng chống khủng bố. Với nhiệm vụ này, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ trực tiếp đi xây dựng cơ sở đảng ở vùng Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn, lập ra chi bộ đảng đầu tiên ở làng Thạnh Lợi (Đức Hòa). Tại cuộc họp các đại biểu vào tháng 11/1930 ở làng Long Hiện, quận Bến Lức, tỉnh Chợ Lớn, đồng chí Lê Quang Sung được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ được bầu làm Phó Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn.

Đến năm 1931, nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ trong toàn Nam bộ, nhiều thành viên trong Xứ ủy Nam Kỳ bị bắt. Đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ cùng với một số lãnh đạo Cộng sản ở Nam Kỳ như Nguyễn Văn Nhung, Ngô Văn Chính, Nguyễn Văn Hoành… đã họp bàn quyết định khôi phục lại Xứ ủy lâm thời Nam kỳ. Đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ cũng được bầu tham gia trong Xứ ủy lâm thời, khi đó đồng chí mới tròn 22 tuổi. Tháng 11/1931, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn Lê Quang Sung bị bắt, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ cùng với các đồng chí còn lại trong Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo khôi phục và phát triển phong trào ở tỉnh Chợ Lớn, địa bàn hoạt động có lúc sang cả tỉnh Tân An.

Đầu năm 1932, một số các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Chợ Lớn… đã họp lại với nhau ở Vĩnh Long bàn việc khôi phục lại Xứ ủy. Các đồng chí quyết định thành lập một Xứ ủy lâm thời gồm 3 đồng chí: Đồng chí Phượng (tức Anh) làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ - Xứ ủy viên, đồng chí Ngô Văn Chính - Xứ ủy viên. Sau một thời gian ngắn tất cả Xứ ủy lâm thời đều bị địch bắt. Trong nhà tù, đồng chí vẫn là một cán bộ Đảng vững vàng và gương mẫu. Đồng chí luôn luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo của địch, chúng đã nhiều lần giam đồng chí vào cát-sô.

Tháng 2/1933, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình đặc biệt xử 121 đồng chí cộng sản bị chúng bắt. Tại phiên tòa có mặt nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Nam Bộ như Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Hà Huy Giáp, Nguyễn Thị Nhỏ, Lê Quang Sung… Các đồng chí ta đã sử dụng toà án của thực dân Pháp để buộc tội và kết án lại chúng. Riêng đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ đã hiên ngang tố cáo chế độ cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, đặc biệt là chính sách của chúng đối với chị em phụ nữ. Đồng chí nêu rõ chính chế độ tàn bạo của địch đã dẫn tới việc đứng dậy của chị em làm cách mạng để đánh đuổi chúng.

Tòa án Thực dân Pháp tuyên án tử hình 8 người, trong đó có Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ; 19 án tù khổ sai chung thân, 79 án tù từ 5 năm đến 20 năm. Vụ án này gây chấn động chính trị mạnh trong toàn Nam kỳ và lan rộng ra cả nước, gây làn sóng bất bình trong nhân dân tiến bộ thế giới. Do sức ép dư luận trong nước và ở Pháp, với sự can thiệp của luật sư tiến bộ người Pháp Cancellieri, sau đó, Thực dân Pháp buộc phải hạ mức án của 8 án tù tử hình xuống còn khổ sai chung thân, riêng Nguyễn Thị Nhỏ lãnh án 15 năm tù khổ sai.

Năm 1935, nhân có một đoàn đại biểu Mặt trận Bình dân Pháp đi thị sát các nhà tù ở Đông Dương, trong đoàn có nhà báo tiến bộ Pháp Louis Marie Ferreux, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ đã tiếp cận và đề nghị nhà báo viết bài tố cáo chế độ Thực dân Pháp ở Đông Dương tố cáo chế độ nhà tù tàn bạo của chúng. Nhờ sự vận động tích cực của Ferreux và tổ chức Quốc tế cứu tế đỏ tiếp sức can thiệp, tháng 7/1935, toàn quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải ra lệnh đặc xá Nguyễn Thị Nhỏ. Đồng chí được ra khỏi nhà tù cho về quê nhưng vẫn bị chúng quản thúc cho đến sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ đã cùng với chồng là Nguyễn Văn Phát tích cực hoạt động chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền tại quê nhà.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cuối năm 1946, trong lúc tỉnh Vĩnh Long cũng như toàn Nam Bộ, sau một thời kỳ giặc đánh lan ra, gặp nhiều khó khăn đã bắt đầu khôi phục lại và cuộc kháng chiến đang phát triển thuận lợi thì đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ mất sau một trận ốm nặng tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, để lại sự thương tiếc của đồng chí, đồng bào.

Đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ là một đảng viên phụ nữ tiêu biểu của Đảng bộ Nam bộ và Đảng bộ Thành phố. Sự kiên cường của đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ được chứng minh qua những lời kể lại của đồng chí Hà Huy Giáp, một thành viên Xứ ủy Nam Kỳ bấy giờ, từng bị bắt đưa ra đối chất với đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ: “Thái độ của chị Nguyễn Thị Nhỏ lúc ấy thật là gan góc. Tôi bị bắt giam ở bót Pô-lô trong Chợ Lớn. Chúng đem về Catina đối chất với chị. Catina là cơ quan tra tấn lớn nhất của Pháp ở Nam Kỳ. Chỉ cần một cái gật đầu của chị Sáu Nhỏ là tôi sẽ phải lên máy chém”.

Hay trong những vần thơ mà đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ và nữ đồng chí Bảo Lương cùng khám đã sáng tác bài thơ về xuân ở trong tù tràn đầy lạc quan cách mạng vào giáp Tết năm 1932: “Chào xuân, giữa dãy còng đôi/ Quà xuân, mấy quả tim sôi máu hồng/ Cảm xuân, réo rắt tơ lòng/ Vui xuân, ta hãy hẹn cùng xuân sau”.

Để ghi nhớ công ơn của người phụ nữ gan dạ, kiên cường trong những ngày hoạt động ở Tỉnh ủy Chợ Lớn, ngày 4/4/1985, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đổi tên đường Nguyễn Công Trừng ở Quận 5 thành đường Nguyễn Thị Nhỏ (qua các quận 5611Tân Bình), đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày quân và dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, xóa sạch chủ nghĩa thực dân và đế quốc trên đất nước Việt Nam - điều mà khi còn sống, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ mong ước.[1],[2],[3]. Ngoài ra, trên địa bàn Quận 11 cũng có Trường Tiểu học mang tên Nguyễn Thị Nhỏ.

Ái Nhi

 

[1]Đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ, một nữ đảng viên tiêu biểu - Bản đánh máy tháng 10-1985

[2]Những người con trung dũng của Thành phố - Lưu Phương Thanh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987

[3]Nguyễn Thị Nhỏ người phụ nữ anh hùng -Sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long