Ngày đăng: 13-07-2020 Lượt xem: 2602
Đồng chí Phan Kiệm (bí danh Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân) đã cống hiến cả thanh xuân, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), người dân nơi ông sinh sống lại thấy một Phan Kiệm dung dị, luôn hy sinh lợi ích cá nhân vì cái chung, vì tập thể. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Kiệm (15/7/1920 - 15/7/2020), Cờ đỏ TPHCM khái quát lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đồng chí.
Đồng chí Phan Kiệm và 2 con gái
Đồng chí Phan Kiệm sinh năm 1920 tại Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nghèo, một quê hương giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Đồng chí tham gia cách mạng từ rất sớm (năm 1936), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 15 tháng 12 năm 1937, chính thức ngày 15 tháng 02 năm 1938.
Mới 18 tuổi (năm 1938), đồng chí đã là Bí thư Chi bộ, khi tròn 19 tuổi (năm 1939) trở thành Huyện ủy viên huyện Triệu Phong.
Năm 1940 đồng chí là Phó Bí thư Huyện ủy huyện Triệu Phong.
Cùng năm này, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và kết án 20 năm tù. Tháng 11 năm 1940, chúng chuyển đồng chí từ Nhà tù Lao Bảo về Nhà tù Buôn Mê Thuột. Thời gian bị giam ở Nhà tù Buôn Mê Thuột, đồng chí vẫn kiên cường giữ vững khí tiết người cộng sản, đồng thời tham gia tổ chức nhiều cuộc đấu tranh. Sau nhiều lần đấu tranh trong lao tù, thực dân Pháp giam đồng chí vào Nhà lao 2 (nhà lao cấm cố).
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 09 tháng 3 năm 1945, những cuộc đấu tranh trong nhà lao diễn ra liên tục, buộc chính quyền Pháp phải thả một số tù chính trị của ta, trong đó có đồng chí Phan Kiệm.
Trong thời gian này, cơ sở Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc phát triển khá rộng rãi. Tháng 5 năm 1945, Hội nghị thành lập Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh Đắk Lắk họp đã phân công đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng ban phụ trách công tác binh vận, nắm tình hình các đồn điền, thôn buôn, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh.
Từ tháng 4 năm 1945 đến tháng 01 năm 1946 đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Trong những ngày gần Cách mạng tháng Tám, đồng chí tổ chức nhiều điểm giành chính quyền trên toàn tỉnh Đắk Lắk. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình khởi nghĩa ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh. Đồng chí Phan Kiệm được bầu làm Trưởng ban Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk. Với cương vị là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, Trưởng ban Ủy ban Khởi nghĩa, đồng chí Phan Kiệm đã cùng với Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa tổ chức giành chính quyền tại Buôn Mê Thuột thành công vào ngày 24 tháng 8 năm 1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, với trách nhiệm là người phụ trách chung Ban Cán sự Đảng tỉnh Đắk Lắk, đồng chí chăm lo củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ, chuẩn bị cho ngày Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của tỉnh Đắk Lắk.
Từ tháng 01 năm 1946, đồng chí Phan Kiệm được phân công về Khu V công tác, phụ trách mặt trận Bình Định, An Khê, là Chính trị viên tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 95 Khu V.
Từ tháng 6 năm 1947, Trung ương điều đồng chí vào chiến trường Nam Bộ, là Chính ủy Trung đoàn phụ trách các lực lượng có nhiệm vụ đưa đồng chí Lê Duẩn và Ủy ban Kháng chiến miền Nam vào Nam Bộ. Năm 1948, đồng chí là Chính ủy trường Lục quân Nam Bộ.
Từ tháng 01 năm 1949 đến tháng 5 năm 1949, đồng chí là Phó Phòng Dân quân Khu VIII Nam Bộ.
Từ tháng 6 năm 1949 đến năm 1950, đồng chí là Trưởng Phòng Dân quân Khu Sài Gòn - Gia Định rồi Khu VII, Khu ủy viên và Quân khu ủy viên.
Thực hiện Nghị quyết của Xứ ủy Nam Bộ (tháng 4 năm 1950), Hội nghị cán bộ Khu Sài Gòn công bố thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Địa bàn Đặc khu bao gồm thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và một phần các huyện vùng ven thuộc tỉnh Gia Định, Chợ Lớn như Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè, Trung Huyện, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch Đặc khu. Đặc khu ủy được bầu ra do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, đồng chí Phan Kiệm được bầu làm Khu ủy viên, Ban Chỉ huy Quân sự Đặc khu cũng được bầu ra, đồng chí Phan Kiệm là Chỉ huy phó và sau đó là quyền Chỉ huy trưởng.
Cuối năm 1953 đến năm 1954, đồng chí đi học chỉnh Đảng của Trung ương mở ở Khu V, là Khu ủy viên Khu V.
Sau Hiệp định Genève, trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến tháng 10 năm 1957, đồng chí Phan Kiệm được phân công ở lại miền Nam tiếp tục nhiệm vụ Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Bí thư Liên quận 1, 4, nơi trọng điểm của Khu ủy, rồi được bổ nhiệm Ủy viên Thường vụ Khu ủy và sau đó là Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đây là thời kỳ địch khủng bố rất ác liệt, lại nhận trọng trách ngày càng lớn, hoạt động “lúc ẩn, lúc hiện” cạnh hang ổ kẻ thù, đồng chí Phan Kiệm luôn tỏ rõ là người lãnh đạo tốt, quan tâm chăm lo, giữ gìn và tạo dựng cơ sở cách mạng, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, được đồng chí, đồng bào yêu thương, tin tưởng.
Cuối năm 1957, đồng chí Phan Kiệm không may sa vào tay giặc, bị giam ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Phú Lợi. Đồng chí đã vượt qua mọi cuộc hỏi cung, tra tấn và những cuộc đấu trí căng thẳng trong nhà tù của địch. Tháng 7 năm 1959, đồng chí Phan Kiệm cùng 400 tù nhân bị đày ra Côn Đảo.
Ngày 06 tháng 01 năm 1961, trên chuyến tàu bị địch giải trở về Sài Gòn để khai thác tiếp, đồng chí Phan Kiệm đã dùng mưu trí vượt ngục thành công, trở về với đất liền, với cách mạng.
Từ năm 1961 đến năm 1965, đồng chí Phan Kiệm được phân công là Phó Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền kiêm Tổ trưởng nghiên cứu tổng hợp của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
Từ năm 1965 đến năm 1971 là Trưởng Tiểu ban đô thị của Ban Công vận Trung ương Cục Miền Nam.
Từ năm 1971 đến năm 1972 là cán bộ biệt phái của Trung ương Cục xuống công tác tại Khu Sài Gòn - Gia Định.
Từ năm 1973 là học viên Trường Nguyễn Ái Quốc của Trung ương Cục miền Nam[1].
Do hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt và thiếu thốn, lại bị tù đày, nên đồng chí được tổ chức đưa ra miền Bắc trị bệnh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1978 đồng chí Phan Kiệm về công tác tại Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và nghỉ hưu năm 1983.
Đồng chí Phan Kiệm mất ngày 07 tháng 10 năm 1998.
Hơn 60 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng với nhiều cương vị công tác khác nhau, đồng chí Phan Kiệm đã để lại cho bạn bè, đồng chí và nhân dân một tấm gương về lòng tin và sự tất thắng của cách mạng, về đạo đức của người cộng sản, về cách sống chân thật, giản dị, chan hòa, về đức tính khiêm tốn và gần gũi với mọi người, với đồng chí, bạn bè[2].
Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Phan Kiệm đã được Đảng, Nhà nước trao tặng và truy tặng những phần thưởng cao quý:
- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
- Huân chương Độc lập hạng Nhì.
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- 02 Huân chương Quân công hạng Ba.
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì.
- Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, trung kiên bất khuất.
Tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện có một con đường mang tên Phan Kiệm. Đây là sự ghi nhớ xứng đáng của các thế hệ Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đối với đồng chí Phan Kiệm, Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Đắk Lắk".
HM
[1] Sơ yếu lý lịch đảng viên Phan Kiệm, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, sao tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng. Lịch sử Truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Quận 4 (1930 - 1975), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
[2] Điếu văn tại Lễ truy điệu đồng chí Phan Kiệm, ngày 09 tháng 10 năm 1998. Tiểu sử tóm tắt các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk qua các thời kỳ - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, tháng 12 năm 2005.