flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Đóng góp của báo chí trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 06-05-2019 Lượt xem: 1685

Những đóng góp của báo chí trong chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ tác động trực tiếp đến cán bộ, chiến sĩ, dân công, nhân dân tham gia chiến dịch mà còn tác động đến nhân dân cả nước, đến cán bộ, chiến sĩ các chiến trường khác. Khi cả nước là một chiến trường lớn thì thế và lực của quân ta ở từng chiến trường có tác động qua lại lẫn nhau; do đó thông tin về các thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ dĩ nhiên có tác động đến việc giành thắng lợi của các chiến trường khác và ngược lại, thắng lợi ở các chiến trường khác càng cổ vũ và tạo điều kiện để chiến trường Điện Biên Phủ được thuận lợi cho quân dân ta hơn.

Có thể khái quát về các đóng góp của báo chí trong chiến dịch này thể hiện ở các mặt chủ yếu sau:

Thứ nhất, thông tin tình hình chiến sự, các chỉ đạo của Trung ương và bộ chỉ huy chiến dịch.

Trong tình hình chiến đấu ác liệt, bên cạnh những thông tin phục vụ chiến đấu có tính bảo mật thì còn có nhiều thông tin khác bộ đội và đồng bào cần biết để thực hiện cho đúng mà không lo bị địch khai thác. Chẳng hạn, vấn đề kỷ luật chiến trường, chống bắt lính, diễn tiến chiến dịch, hoạt động của hậu phương, tình hình chiến sự ở các chiến trường khác… Các thông tin này vừa để cán bộ, chiến sĩ thực hiện, vận dụng trong điều kiện cụ thể của mình vừa tác động đến tâm lý, tình cảm của quân và dân. Báo Nhân dân số 163, ra ngày 1-2-1954, đăng thư của Bác Hồ gửi cán bộ, chiến sĩ và thanh niên nam nữ vùng địch tạm chiếm. Bác kêu gọi cán bộ và chiến sĩ phải tiêu diệt thật nhiều giặc để giữ nước, giữ làng; thanh niên nam nữ thì cùng đồng bào quyết không đi lính cho giặc, hăng hái tham gia du kích và bộ đội; ra sức vận động ngụy binh quay về với Tổ quốc[1].

Báo Quân đội nhân dân số 130, ra ngày 10-3-1954 đăng quy định 5 điều kỷ luật chiến trường thi hành trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là các vấn đề kỷ luật về giữ vững quyết tâm, chấp hành mệnh lệnh, chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công…; kỷ luật về bí mật, phòng không, phòng gian, tinh thần cảnh giác; giữ kỷ luật về thời gian, hợp đồng tác chiến chặt chẽ; kỷ luật về tích cực, khẩn trương, nhanh chóng chấn chỉnh bộ đội để chiến đấu, nắm vững thời cơ; kỷ luật về chính sách thương binh, tử sĩ, chiến lợi phẩm, hàng binh… Số 137 ra ngày 28-3-1954 đăng thư của Đại tướng nói về 3 mục đích của cuộc tấn công lớn vào quân địch ở Điện Biên Phủ, phân tích 4 điều kiện tất thắng, 2 vấn đề khó khăn và các yêu cầu về tư tưởng, tinh thần chiến đấu… Bên cạnh đó, báo còn đăng nhiều thư và điện ở các nơi phản ánh tình hình của địa phương.

Trong khi đó, Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia tích cực vào việc thông tin tình hình chiến sự và định hướng dư luận. “Được phái viên từ bộ chỉ huy chiến dịch điện về hằng ngày tin tức và bình luận do tổ báo chí tiền phương cung cấp và hướng dẫn viết, nên đài đưa rất nhanh và chính xác. (…) Đến khi mở màn chiến dịch thì tin càng nhanh…”[2].

Thứ hai, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Một trong những lời động viên, khích lệ lớn lao nhất chính là các thư, bài viết của Bác Hồ. Thư gửi dịp Tết Giáp Ngọ năm 1954, Bác viết: “Bác chờ tin thắng trận các chú gửi về làm quà tết cho Bác. Bác chuẩn bị sẵn giải thưởng cho đơn vị và cá nhân có nhiều chiến công…” (Báo Quân đội nhân dân số 120 xuất bản tại mặt trận, ngày 1-2-1954)[3]. Cũng trong số báo này, Tổng Bí thư Trường Chinh gửi thư đến cán bộ, chiến sĩ nhân dịp Tết Nguyên đán. Một tháng sau, Bác Hồ lại gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ: “Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới…”. (Báo Quân đội nhân dân số 131, ngày 14-3-1954)[4]. Ngay trong số ra sau đó, Báo Quân đội nhân dân xuất bản ngay tại mặt trận số ra ngày 18-3-1954 tiếp tục đăng điện của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”[5].

Ngày 8-5-1954, sau thắng lợi cuối cùng trong chiến dịch, Bác Hồ đã gửi thư khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc. Bác viết: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình…”. Bức thư này được đăng trên Báo Nhân dân số 187, ra ngày 22-5-1954.

Những bức thư đó kịp thời đến ngay mặt trận trong lúc chiến sự đang ác liệt có tác dụng động viên tinh thần chiến sĩ ta hăng hái xung phong tiến lên tiêu diệt quân thù.

Thứ ba, giới thiệu các kinh nghiệm sinh hoạt.

Trong chiến đấu, sinh hoạt luôn xuất hiện những sáng kiến, sáng tạo. Báo chí tích cực tìm hiểu để giới thiệu cho các đơn vị bạn học tập. Báo Quân đội nhân dân số 124 ra ngày 22-2-1954 có bài Phát triển ngâm giá thay rau xanh chia sẻ một cách bổ sung chất tươi (sinh tố) vì bộ đội vốn thiếu rau xanh. Báo số 125 ra ngày 24-2-1954 có bài Có công đào đất có xôi củ mài nêu kinh nghiệm cải thiện bằng cách đào củ mài và bẫy thú rừng.

Báo số 127 ra ngày 3-3-1954 có bài Chuyện rau thịt ở đơn vị, kể đơn vị nọ luôn chủ động tìm ra những thức mới để cải thiện. Đơn vị lúc thì tìm ra rau muống mèo, rau má, cải soong, nõn bông sa nhân… lúc lại phát hiện cần rừng, lá lốt, riềng, nõn chuối… Còn chuyện thịt thì bộ đội nghĩ ra cách ninh thịt cho nhừ và khô lại, bỏ thêm muối, vừng để ăn dần, có khi đến cả tuần… Bài viết kết luận rất phấn khởi: “Cấp trên săn sóc, anh nuôi tận tâm; cả đại đội lo lắng, lính còn là khỏe lên, Tây còn là chết nhiều”…

Báo số 128 ra ngày 5-3-1954 có bài Vài nét sinh hoạt ngoài trận địa bao vây giới thiệu về cách tổ chức một hầm sao cho thoải mái, sạch sẽ, tiện lợi; đó là hầm được lót sàn tre, trải lá lên trên, mắc được màn… Rồi chuyện đào bếp Hoàng Cầm ngay bên hầm súng để nấu nước cho anh em uống, về cách làm bếp khoét hàm ếch sâu vào trong núi… Còn nước thì lấy túi ni lông buộc vào sọt để gánh… Các kinh nghiệm đó được giới thiệu khá đều đặn, đa dạng về lĩnh vực, phong phú về chuyện kể… có tác dụng tích cực để giúp các đơn vị điều chỉnh cách sinh hoạt của mình.

Thứ tư, biểu dương các điển hình chiến đấu, lao động…

Đây là loại bài xuất hiện rất thường xuyên trên các báo. Đặc biệt với Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận, do bám sát tình hình chiến sự, gắn chặt chẽ với các đơn vị nên các gương điển hình thường được miêu tả sinh động, thuyết phục. Báo số 119 ra ngày 26-1-1954 biểu dương dân công Nguyễn Thị Xuân, trên đường đi công tác bất ngờ tiểu đội của chị bị trúng bom nổ chậm, nhiều người bị đất đá vùi, bản thân chị bị lăn xuống vực sâu nhưng tìm cách leo lên khỏi vực và cố gắng đào đất đá để giải cứu 7 người trong đoàn… Báo số 120 ra ngày 1-2-1954 biểu dương đồng chí Nông Văn Thùy dũng cảm, khéo léo cùng đồng đội và đồng bào vận động 130 tên lính ngụy ra hàng, thu nhiều súng. Số báo này còn giới thiệu đồng chí Chu Mai Lâm luôn chú ý quan sát để xác định xem số bom quân Pháp thả xuống, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ nằm ở chỗ nào để  tìm cách phá; đồng chí tiểu đội trưởng Mai Văn Phái luôn bình tĩnh, gan dạ để phá bom chưa nổ, kể cả lúc máy bay địch đang bay trên đầu…

Báo số 122 ra ngày 11-2-1954 biểu dương 3 anh nuôi Thổ, Cồ và Long chấp hành nghiêm chính sách đối với thương binh, không nhận rau của một trạm quân y mà trèo đèo lội suối vào rừng để tìm được 3 gánh rau để phục vụ đơn vị… Các anh còn tìm cách nấu nước ngay trên mặt đường mà không để lộ máy bay địch phát hiện rồi cho vào các bi đông mang đến tận nơi cho anh em. Báo số 123 ra ngày 18-2-1954 có bài của nhà văn Nguyễn Đình Thi biểu dương tiểu đội trưởng Vương có nhiều sáng kiến và biết cách động viên đồng đội để đào đất vượt mức… Những tấm gương này thường được viết ngắn gọn, sinh động, thuyết phục mà vẫn giữ được tính bí mật.

Thứ năm, làm công tác tư tưởng, chấn chỉnh, phê bình một số biểu hiện chưa tích cực.

Báo Nhân dân số 149 ra ngày 21-11-1953 có đăng bài “Anh hùng” giả và anh hùng thật của C.B. (tức Bác Hồ), phê bình một hiện tượng không lành mạnh trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Bài viết phê phán: “Khi có chút ít thành tích thì họ liền ra mặt "anh hùng". (…) Họ tự cao tự đại, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không cầu tiến bộ nữa. Tiếp đến, việc to họ không làm được, việc nhỏ họ không muốn làm. Rồi họ than phiền "Đại tài, tiểu dụng", quần chúng quên "ơn" họ, đoàn thể quên "công" họ…”[6].

Báo Quân đội nhân dân số 124 ra ngày 22-2-1954 đã nghiêm khắc phê bình đơn vị X “mất 42 cuốc xẻng, 400 viên đạn (riêng đại đội trưởng mất 150 viên), 2 hòm đạn để mốc xanh, mất 1 gói thuốc nổ và 12 quả lựu đạn”. Báo Quân đội nhân dân số 141 ra ngày 11-4-1954 có bài Không chịu sống lúi sùi (luộm thuộm), đó là việc chấn chỉnh, củng cố công sự ngủ, giải quyết nước ăn nước rửa, tổng vệ sinh hầm…, nhờ vậy mà “đời sống trong công sự dần dần trở lại bình thường dễ chịu”. Những hình thức sinh hoạt tư tưởng, phê bình này có tác dụng thiết thực trong việc chỉnh đốn tác phong, nâng cao nhận thức, vừa bảo đảm chấp hành nghiêm kỷ luật chiến đấu vừa đảm bảo nâng cao điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ.

Thứ sáu, tham gia công tác địch vận.

Ở mảng nội dung này, một mặt, báo chí phản ánh phong trào đấu tranh chống cuộc chiến phi nghĩa của thực dân Pháp tại Việt Nam, mặt khác thể hiện tình cảnh khốn cùng của quân đội Pháp, tạo điều kiện để quân dân ta tiến lên. Trong bài viết Thanh niên Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam, đăng trên Báo Nhân dân số 144, ra ngày 26-10-1953, Bác Hồ đã viết: “Chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp theo đuổi ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. (…) Vì vậy địch nhất định thua, ta nhất định thắng”[7]. Báo Nhân dân số 147, ra ngày 11-11-1953 tiếp tục đăng thư của Hồ Chí Minh gửi thanh niên Pháp. Thư có đoạn: “Chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta”.

Báo Quân đội nhân dân xuất bản ngay tại mặt trận số 127 ra ngày 3-3-1954 có bài Điện Biên Phủ, một trại lính quái gở của Chiến Kỳ, ghi lại lời khai của 3 tên lính Pháp bị quân ta bắt được. Bài viết mô tả tình trạng thiếu đói, bệnh tật và bị ức hiếp của lính Pháp thật thê thảm, như phải giành ăn, tình trạng bị sĩ quan chèn ép, lợi dụng… Báo số 133 ra ngày 18-3-1954 ghi lời kể của một tên quan ba, phản ánh tình trạng thảm não của bọn lính Pháp tại Điện Biên Phủ... Những câu chuyện “người thật việc thật” này lọt đến bọn lính Pháp và lính ngụy, không chỉ làm dao động hàng ngũ của địch mà còn tác động đến việc rã ngũ, quy hàng, đồng thời khích lệ tinh thần quân dân ta về một thắng lợi tất yếu.

Trong nhiều số, Báo Quân đội nhân dân còn đăng một số biếm họa thể hiện tình cảnh bi đát của lính Pháp tại Điện Biên Phủ, như việc tranh ăn, việc làm tiền của các chỉ huy…, kể cả biếm họa vẽ hình ảnh các tù binh Pháp được ngủ ngon giấc sau khi… bị bắt!

*

Báo chí cách mạng đã phối hợp phục vụ đắc lực cho thắng lợi cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những nhà báo cũng là chiến sĩ, cũng xông pha trận mạc, chấp nhận gian khổ, hi sinh. Những tờ báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn là tiếng kèn xung trận, là sự biểu dương, chia sẻ thiết thực, là góp ý sửa chữa chân tình, là món ăn tinh thần bổ ích, là công cụ để làm công tác địch vận… Báo chí kháng chiến nói chung và báo chí trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật hoạt động báo chí cách mạng!

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.257.

[2] Nhiều tác giả, Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.72.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.256.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.265.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.266.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.167.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.157-158.