Động lực lớn không chỉ cho bóng đá!
Ngày đăng: 03-09-2018 Lượt xem: 2565
Nối tiếp thành công của đội U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á hồi đầu năm, khi những Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng, Tiến Dũng… lọt vào trận chung kết, đội Olympic Việt Nam với thành phần nòng cốt của đội U23 và có bổ sung một số cầu thủ trên 23 tuổi, đã đạt được thành tích cao nhất trong lịch sử tham gia ASIAD kể từ ngày thống nhất đất nước – hạng tư ASIAD. Những chiến thắng oanh liệt của đội tuyển trước nhiều đội bóng có trình độ cao hơn Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ và tạo ra những động lực lớn lao cho người dân cả nước.
Chẳng hạn, trong bóng đá, sự tự tin và niềm khát khao chiến thắng cần được truyền đến tất cả các đội tuyển ở các tuyến, ở bóng đá nam cũng như bóng đá nữ, luôn ở tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, “quyết chiến quyết thắng vì màu cờ sắc áo”. Ở các môn thể thao khác, tinh thần khát khao chiến thắng của đội U23, Olympic Việt Nam cũng cần được khẳng định một cách mạnh mẽ. Nhìn cách các tay chèo đội rowing hay vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo đoạt huy chương vàng ASIAD 2018 thì có thể thấy, bên cạnh sự chuẩn bị kỹ càng về chiến thuật, kỹ thuật, thể lực, yếu tố tâm lý, tinh thần cũng hết sức quan trọng. Đó là trạng thái thi đấu hết mình, đặt thành tích của quốc gia lên trên hết, có thể xả thân để có kết quả tốt nhất. Ở một số nội dung thi đấu khác, dù vận động viên của chúng ta chưa đạt thành tích cao nhất nhưng cũng đã khẳng định được bản lĩnh, ý chí thi đấu ngoan cường. Tinh thần này cần được thể hiện ở tất cả các cuộc thi đấu, ở tất cả các môn thi đấu, bởi khi khoác lên người chiếc áo thi đấu đại diện cho đất nước, cho dân tộc thì cuộc thi đấu dường như trở thành chiến đấu và phải có thái độ thi đấu tích cực nhất.
Không chỉ vậy, trong đời sống xã hội, sự kiên cường, quả cảm, ý chí quyết tâm, sự hy sinh… cũng cần được thể hiện rõ nét. Đôi khi chúng ta say sưa với thành tích của các đội tuyển mà chưa bình tâm nghĩ thêm về vai trò, trách nhiệm của mình với đất nước, với xã hội. Các cầu thủ đã vắt kiệt sức, thậm chí đã đổ máu, để thi đấu vì niềm tự hào dân tộc thì mỗi người chúng ta cũng nên lấy đó làm động lực để đóng góp cho địa phương, cho xã hội, cho đất nước trong điều kiện cụ thể của mình. Chúng ta biểu dương những bạn trẻ lặng lẽ dọn dẹp vệ sinh một số nơi tổ chức truyền hình trực tiếp trận tứ kết ASIAD thì chúng ta cũng nên phê phán nhiều người khác cứ vô tư xả rác, không chỉ khi xem trận đấu này mà còn trong nhiều lúc khác, ở nhiều nơi khác. Chúng ta hòa mình với không khí vui vẻ sau trận thắng nhưng chúng ta cũng nên quan tâm đến việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, không gây phiền hà cho mọi người, không chỉ khi đi “bão” mà còn trong các hoạt động thường ngày. Chúng ta ca ngợi sự chăm chút từng pha bóng của các cầu thủ thì hẳn chúng ta cũng nên nghĩ đến việc mình chăm chút, đầu tư cho từng hoạt động để có thể hoàn thành công việc, nhiệm vụ của mình tốt hơn, làm nhiều điều có ích cho cộng đồng, cho xã hội hơn, tránh chỉ kêu gọi suông mà bản thân không làm gì thiết thực, tránh phê phán kiểu “anh hùng bàn phím”… Chúng ta xúc động với niềm khát khao chiến thắng, niềm tự hào dân tộc của các tuyển thủ thì cũng nên đặt trách nhiệm của mình nhiều với đất nước, với xã hội, chứ không phải chỉ khen và kêu gọi người khác…
Cũng như thành công của đội U23 Việt Nam, thắng lợi của đội Olympic Việt Nam tiếp tục tạo ra nhiều xúc cảm và những gợi mở tích cực. Chẳng hạn, đó là tinh thần đoàn kết, là thái độ lạc quan, là niềm tin vào tương lai tốt đẹp của đất nước… Nên ý nghĩa của những chiến thắng trong bóng đá không chỉ dừng lại ở sân bóng, ở các cầu thủ, ở các đội bóng mà đã lan rất rộng đến mọi người, mọi giới, mọi địa phương…, có thể biến thành những hành động thiết thực và mạnh mẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Điều quan trọng là sau những ngất ngay chiến thắng, dù trở nên thực tại thì mỗi người chúng ta cũng còn tìm thấy dư vị ngọt ngào đó mà tạo thành động lực để có những hành động tích cực hơn, thiết thực hơn, lớn lao hơn, không chỉ trong vài ngày tới!
Trúc Giang