Ngày đăng: 21-03-2018 Lượt xem: 2799
Xuyên tạc, bóp méo, diễn biến tình hình... là các “chiêu bẩn” của thế lực thù địch thường dùng để chống phá nước ta trong thời gian qua. Cái gọi là “Dự báo diễn biến tình hình chính trị Việt Nam trong thời gian tới” của Phạm Hưng Quốc là chiêu trò bẩn thỉu như thế. Sau khi bài viết xuất hiện, nhiều trang phản động hải ngoại, mạng xã hội, facebook đăng tải nhằm mục đích xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo đời sống, thể chế chính trị Việt Nam.
Một trong những luận điệu xuyên tạc xuyên suốt bài viết gồm hai phần này là tập trung công kích vào công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Đây là một sự cố gắng lèo lái dư luận của những kẻ “góa đĩ la làng” một cách vô lối có chủ đích “diễn biến hòa bình” tình hình Việt Nam với luận điệu cho rằng: Tham nhũng ở Việt Nam là “dòng nước lũ tham nhũng có tính đặc thù”, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống được tham nhũng”…
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thì tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới; suy cho cùng khi nào xã hội còn tư hữu và tồn tại các hình thức sở hữu khác nhau, còn tồn tại nhiều giai cấp thì tham nhũng còn xuất hiện, tồn tại ở những mức độ và tính chất nhất định.
Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực phát triển đất nước, xã hội.
Do đó, phòng, chống tham nhũng được hầu hết các quốc gia trên thế giới, dù là thể chế chính trị nào đều được quan tâm. Thế mà chúng lại cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là “dòng nước lũ tham nhũng có tính đặc thù” thì thật là phiến diện, cố tình quy chụp, xuyên tạc, tâng bốc với mục đích “diễn biến” tình hình, hạ thấp bản chất, tính ưu việt của thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay một cách có chủ đích.
Có thể khẳng định, thời gian qua, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được về kinh tế xã hội, đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Đảng, Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được quan tâm; thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN tiếp tục được hoàn thiện; công tác cải cách hành chính, công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tăng cường; nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân trong PCTN từng bước được phát huy; hợp tác quốc tế về PCTN tiếp tục được mở rộng, củng cố.
Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, đạt được những kết quả tích cực, góp phần thiết thực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đạt được những kết quả trên đây là do có sự quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Với kết quả tích cực như vậy thì luận điệu xuyên tạc “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống được tham nhũng” có còn quá lạc hậu của những kẻ thiếu hiểu biết hay cố tình không hiểu? Mặt khác, bằng chủ trương lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.
Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Bằng cách làm bài bản, được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động có trọng tâm, trong điểm.
Như vậy, từ nhận thức thống nhất, quan điểm kiên quyết, nhất quán, cách làm quyết liệt, bài bản và khoa học như vậy thì luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống được tham nhũng” liệu có là nhận định còn quá sớm, mang tính chủ quan, thiếu cơ sở của những kẻ bất hảo có bề dày xuyên tạc, chống phá cách mạng của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trong bài viết, chúng cố tình suy diễn, xuyên tạc “cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam là mang màu sắc thanh trừng nội bộ, tranh giành quyền lực giữa những phe nhóm”.
Có thể thấy, Phòng chống tham nhũng được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn PCTN, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, PCTN đã được xác định một cách có hệ thống trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) và Văn kiện Đại hội XII của Đảng; được cụ thể hóa và thể chế hóa bởi nhiều quy định của Đảng và Nhà nước, như: Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Luật PCTN, Luật cán bộ, công chức và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác…
Trong đó xác định “mỗi công dân đều có quyền lợi, nghĩa vụ như nhau trước pháp luật”, bất luận đó là người nào, vị trí, chức vụ lớn hay nhỏ, dù là ai cũng đều chịu sự chi phối, điều chỉnh của pháp luật phòng, chống tham nhũng. Về thực tiễn, phòng, chống tham nhũng được Đảng và cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành một cách thường xuyên, lâu dài, có hệ thống, logic trên cơ sở khoa học, những vụ việc được phát hiện, điều tra, xét xử cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, tùy từng vụ việc với tính chất, mức độ cụ thể đều được xem xét, xử lý, kỷ luật có tình, có lý trên cơ sở quy định của pháp luật; mang lại sự nghiêm minh thượng tôn pháp luật và niềm tin phẩm giá con người.
Phần 2 bài viết, tác giả lòng vòng với những điều “to tát”, “hoành tráng”… có lúc sang tận bên kia bờ Đại Dương bằng những luận điệu suy diễn không logic, chẳng ăn nhập; gán ghép điểm xuyên suốt là phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam chịu sức ép chính trị, chi phối của nước này, nước kia, để cuối cùng lòi ra cái đuôi cũ rích bằng cái kết luận “to chình ình” là: “Nếu ví tình hình chính trị Việt Nam như chiếc bình rượu chứa đựng những giọt rượu ngọt, bùi, đắng, cay của lịch sử Việt Nam từ ngày thoát khỏi ách thực dân đến nay thì rõ ràng cái bình này đã không phù hợp với những gì chứa trong nó”.
Thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường “Độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là sự lựa chọn của lịch sử và nhân dân Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khẳng định, đó là con đường đúng đắn với cơ sở khoa học kim chỉ nam là Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đưa lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong đó phòng, chống tham nhũng là một trong những hoạt động nhằm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh do dân và vì dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với mục đích nhằm vào tình hình, thể chế chính trị để chia rẽ, làm suy yếu nội bộ Đảng; lôi kéo, kích động nhân dân xa rời Đảng, đi theo quỹ đạo chính trị, tư tưởng đối lập; xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu thành quả cách mạng, thành tựu đổi mới... là mục tiêu nhất quán phản ánh bản chất phản cách mạng của các thế lực thù địch.
Do vậy chúng sử dụng các luận điệu xuyên tạc, vu khống bản chất, đường lối, quan điểm của Đảng, trong đó có những luận điệu xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng, tình hình nội bộ của Việt Nam.
Không ít cán bộ, đảng viên non kém về tư tưởng chính trị, một số quần chúng nhân dân bị tác động, tiêm nhiễm có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” và tự đẩy mình vào quá trình “tự chuyển hóa”. Đó là mưu đồ thâm độc, xảo quyệt của thế lực thù địch cần có nhận thức đúng đắn trong điều kiện hiện nay.
Lê Thế Cương
Theo CAND