Ngày đăng: 27-10-2021 Lượt xem: 1670
Mới đây, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Phạm Duy, 5/10/2021, một vài người đã nhai lại một luận điệu cũ rích: Rằng thì là một ca khúc hay như bài hát "Việt Nam, Việt Nam" của Phạm Duy xứng đáng là quốc ca nhưng rất tiếc không được chọn.
Trên trang web của đài BBC có bài viết nhan đề “Nhạc sỹ Phạm Duy, người viết quốc ca cho thế hệ mai sau”, tác giả ký tên là luật sư Đặng Đình Mạnh. Thực ra thì những lập luận, lý lẽ của ông luật sư này chả có gì mới, cũng là những thông tin cũ rích đã được báo chí hải ngoại nêu ra nhiều năm về trước. Và ngay trên nhiều mạng xã hội như YouTube, kênh “Go Vietnam Chanel” cũng đưa bài hát này lên từ năm 2017 với cái tiêu đề “Ca khúc xứng đáng là quốc ca Việt Nam” cũng thu hút nhiều ý kiến bàn luận.
Điều đáng buồn là trong số những ý kiến bàn luận ấy, có không ít trí thức, thậm chí có những đảng viên về hưu. Và trên một số dòng trạng thái ở mạng xã hội Facebook có dẫn link bài hát này về để bàn chuyện “quốc ca” ấy – chẳng biết vô tình hay cố ý – có không ít người vào like, chia sẻ, bàn luận lại là những người đang trong hàng ngũ công chức, viên chức. Thái độ đồng tình với những kẻ đề xướng ngang ngược việc đưa bài hát “Việt Nam! Việt Nam!” của Phạm Duy làm quốc ca thực chất là thái độ phủ nhận “Tiến quân ca”. Và trong chừng mực nào đó, có thể nói, đó là thái độ của kẻ phản bội.
Công bằng mà nói, bài hát “Việt Nam! Việt Nam!” của Phạm Duy là ca khúc hay. Đây là ca khúc được nhạc sĩ này sáng tác năm 1966 ở miền Nam và được phổ biến trong chế độ cũ. Bài hát ấy có lời ca như sau:
“Việt Nam! Việt Nam! Nghe từ vào đời. Việt Nam hai câu nói bên vành nôi. Việt Nam nước tôi.
Việt Nam ! Việt Nam ! Tên gọi là người. Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời.
Việt Nam đây miền xinh tươi. Việt Nam đem vào sông núi. Tự do công bình bác ái muôn đời!
Việt Nam không đòi xương máu. Việt Nam kêu gọi thương nhau. Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu...
Một trong những lập luận được những kẻ chủ trương đòi đổi quốc ca Việt Nam hiện nay đưa ra là do ca từ “Tiến quân ca” không còn phù hợp với giai đoạn hòa bình, dựng xây. Những người “đề xuất” này dẫn ra các câu hát như ”Đường vinh quang xây xác quân thù” để cho rằng lời ca của cố nhạc sĩ Văn Cao giờ không còn phù hợp.
Thoạt nghe, thì tưởng chừng như lập luận này cũng hợp lý, nhưng thực tế, thì đó cũng chỉ là cái cớ (và “cái cớ” này cũng không mới) để cho những người này thể hiện thái độ chống phá.
Lời một ca khúc bao giờ cũng có tính lịch sử. Thế hệ trẻ mấy chục năm qua sống trong hòa bình ai cũng biết câu hát ”Đường vinh quang xây xác quân thù” có ý nghĩa biểu tượng, đó là hình ảnh của một thời cha ông đấu tranh, đó là hình ảnh của chủ nghĩa yêu nước, của chú nghĩa anh hùng cách mạng. Không việc gì phải đổi một hình ảnh có tính biểu tượng. Tương tự như vậy, chẳng lẽ giờ đây, khi nông nghiệp bước vào thời kỳ 4.0, thì cái liềm trở nên lạc hậu và phải thay biểu tượng “búa liềm” trong cờ Đảng sao?
Quốc ca không chỉ có lời hát, ca từ, mà nó còn có giai điệu. Giai điệu mới chính là các hồn của quốc ca. Trong nhiều trường hợp không hát quốc ca, chỉ nghe giai điệu (ví dụ khi các vận động viên nhận huy chương vàng ở đấu trường quốc tế) của quốc ca, bất cứ người dân yêu nước nào cũng thấy thiêng liêng.
Cũng cần nói thêm, bài hát “Việt Nam! Việt Nam!” của Phạm Duy là ca khúc không dễ hát tập thể vì có nhiều luyến láy khó thể hiện, chính quyền chế độ cũ cũng không chọn ca khúc này là “quốc ca” cho thể chế “Việt Nam cộng hòa”. Lúc ấy, chính quyền chế độ miền Nam cũng đã chọn một ca khúc của một nhạc sĩ cách mạng là Lưu Hữu Phước, bài “Tiếng gọi thanh niên" (sáng tác từ năm 1948) là “quốc ca”.
Cho nên việc xới lên cái lập luận cũ rích về việc đổi quốc ca chỉ là cái trò chống phá cũ mèm. Xin đừng vì những lý lẽ nghe như ‘”khách quan” ấy mà vội vàng chia sẻ thông tin. Xin đừng để mình bị dẫn dắt bởi những lập luận ngụy biện.
THANH HÒA