flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Đừng để tâm lý đám đông dẫn dắt bạn!

Ngày đăng: 15-09-2018 Lượt xem: 8438

Sách giáo khoa công nghệ giáo dục vừa rồi đã bị “đánh” tơi bời, dù nó đã được thí điểm 40 năm rồi. Tác giả của nó là GS. Hồ Ngọc Đại cũng bị ném đá dữ dội dù ông từng được ca ngợi là người sáng tạo ra một phương thức giáo dục tiến bộ, hiệu quả. Người ta còn kéo cả PGS.TS. Bùi Hiền vào trong vụ việc này, gắn công trình nghiên cứu cải tiến về chữ viết tiếng Việt vào cách dạy đọc tiếng Việt ở lớp 1 dù rằng hai việc này hoàn toàn khác nhau. Một số người rất “sáng tạo” bằng cách dựng các clip hoặc các bài hát công kích, mỉa mai cách dạy đọc này, mặc định chữ cái tiếng Việt giờ chỉ là các ký hiệu “tròn, vuông, tam giác”. Mạng xã hội gần như đã đồng thanh lên tiếng công kích, chỉ trích, phê phán bằng những lời lẽ rất mạnh mẽ, thậm chí thô tục. Một số báo, nhất là báo điện tử, dường như bị trào lưu phản đối trên mạng xã hội cũng tỏ ra “xuôi chiều” với các ý kiến đó. Mãi sau thì mới có những ý kiến “nói lại”, những nhận xét khách quan hơn, cũng như những phản hồi của những “người trong cuộc” là chính GS. Hồ Ngọc Đại và các thế hệ học sinh từng học theo mô hình công nghệ giáo dục. Trong khoảng 3 tuần, chỉ đến những ngày cuối của tuần thứ ba, ý kiến ủng hộ và phản đối mới tỏ ra khá cân bằng nhau. Tức là đến lúc đó, mới có nhiều người hiểu khá cặn kẽ vấn đề lên tiếng, trong khi cũng còn nhiều người khác chưa rõ thực hư ra sao vẫn cứ lớn tiếng công kích.

Rõ ràng có hiện tượng “tâm lý đám đông” trong vấn đề này. Dù có những nghi vấn về nguồn gốc và động cơ của những ý kiến đầu tiên phản đối sách giáo khoa công nghệ giáo dục nhưng xét cho cùng, những ý kiến đó có thể chỉ lạc lõng nếu không được sự “đón nhận”, “ủng hộ”, “khuếch tán” của nhiều người khác, mà trong số đó có lẽ phần đông là những người chưa kịp tìm hiểu đầy đủ vấn đề hoặc vội vàng tin theo ý kiến “cắt khúc” của ai đó.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, tâm lý đám đông là sự mô tả cách một số người bị ảnh hưởng bởi những người gần gũi của họ thông qua những hành vi nhất định, theo xu hướng, và/hoặc theo những điểm tựa, hay những ý kiến, quan điểm mà họ được tiếp nhận. Ta có thể mô hình hóa quá trình này trong vấn đề sách công nghệ giáo dục: Ý kiến phản đối/phê phán sách công nghệ giáo dục vì có những điểm a, b, c, d >>> được tiếp nhận bởi cộng đồng mạng >>> một số cá nhân trích dẫn lại sách công nghệ giáo dục sai lầm vì a, hoặc b, hoặc c, hoặc d >>> tiếp tục được các cá nhân khác dẫn lại rằng sách công nghệ giáo dục sai lầm vì a’, hoặc b’, hoặc c’, hoặc d’ >>> tiếp tục được truyền dẫn và lây lan…

Như vậy, cứ cho rằng ý kiến phản đối ban đầu mang tính chỉnh thể (dù trên thực tế có thể chỉ rất phiến diện) nhưng qua nhiều tầng nấc tiếp nhận, với tính chất “tam sao thất bản”, các ý kiến sau đó ngày càng sai lệch và xa rời so với ý kiến ban đầu, khiến những thông tin mà người tiếp nhận càng về sau càng sai lệch nên sự bức xúc càng lớn và phản ứng càng quyết liệt. Khi đã thấy có nhiều người phản ứng thì sự bức xúc của họ lại càng mạnh mẽ, dù rằng nguyên nhân thực sự của bức xúc đó có thể khó lý giải được đầy đủ!

Nhưng chân lý không do đám đông quyết định. Một vấn đề đúng hay sai sẽ do những yếu tố khác thuộc về tính khoa học, tính khách quan quyết định.

Bài viết này không nhằm nêu ra ai đúng ai sai, đám đông phản ứng kia hay hay dở mà chỉ dừng lại mô tả hiện tượng để từ đó đi đến một nhận thức: tại sao một số người dễ dàng để đám đông dẫn dắt khi không tự chủ được ý kiến, không tự phán đoán và suy luận được điều gì hợp lý, điều gì không hợp lý, điều gì đúng, điều gì sai?

Trong tâm lý học, có một hiện tượng tâm lý gọi là “ì tâm lý”, đó là một số người mặc nhiên thừa nhận điều gì đó theo thói quen, theo quán tính, theo đám đông mà không chịu suy nghĩ, không chịu phản biện. Chẳng hạn, trong câu đố sau đây, sẽ có nhiều người trả lời sai. Có một vòi nước chảy vào bể, sau 2 giờ thì đầy. Hỏi, có hai vòi nước thì chảy bao lâu sẽ đầy bể? Sẽ có người trả lời là 1 giờ. Nhưng sau khi nghĩ kỹ có thể họ sẽ không trả lời như vậy, vì thực ra đề bài không cho biết vòi thứ hai đó chảy với dung lượng nước ra sao, hay liệu 2 vòi có cùng chảy một lúc không hay có vòi chảy trước, vòi chảy sau?... Sự vội vàng đó là một biểu hiện “ì tâm lý”. Điều này là hoàn toàn bình thường, không có gì sai trái cả và ai cũng có thể mắc phải.

Tuy nhiên, đôi lúc, sự nhầm lẫn hay vội vàng của chúng ta có thể trở thành công cụ cho người khác lợi dụng, lôi kéo, tác động. Giả sử với một số vấn đề có liên quan đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia hoặc đơn giản hơn là liên quan đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của một cá nhân nào đó (nhất là những người nổi tiếng), nếu chúng ta thiếu thận trọng, thiếu suy xét có thể bị kẻ xấu lợi dụng và chúng ta vô tình công kích vào những đối tượng không đáng bị công kích, do thông tin sai lệch hoặc do thông tin bị cắt xén, bị suy diễn sai lầm.

Do đó, mỗi người chúng ta nên cố gắng tự chủ với ý kiến và cảm xúc của mình. Điều đó không chỉ khẳng định sự tồn tại độc lập của bản thân mà còn có thể tránh bị vướng vào những cuộc thị phi, những công kích sai lầm, có thể gây thiệt hại cho ai đó một cách không lường hết được!

Trúc Giang