Ngày đăng: 22-02-2021 Lượt xem: 9124
53 năm trước, ngày 21-2-1968, tức ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân, đã xảy ra một trong những vụ thảm sát đẫm máu do quân đội Mỹ và đồng minh gây ra đối với dân thường Việt Nam, đó là thảm sát Hà My. Vào sáng ngày 21-2[1], tại khu vực xóm Tây, làng Hà My, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), hai đại đội của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến Rồng xanh (Hàn Quốc) đã thảm sát 135 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. Trong số đó, có cả những trẻ sơ sinh thậm chí còn chưa được đặt tên cũng bị giết hại dã man ngay trong vòng tay ôm của người mẹ... Trong bối cảnh lính Hàn Quốc gặp ai giết nấy, có gia đình bị giết 4 - 5 người, cùng nhiều người khác bị thương. Sau cuộc thảm sát, họ đưa xác chôn chung tại một khu đất trong làng; ngày hôm sau, tốp lính Hàn Quốc còn quay lại với xe ủi và thiết bị khác, san phẳng cả làng và san lấp cả những hố chôn tập thể, như để xóa dấu vết…
Năm 2001, chính quyền địa phương đã dựng bia tưởng niệm thảm sát Hà My tại nơi xảy ra sự kiện đau thương năm 1968 để nhắc nhở mọi người không quên những mất mát của đồng bào ta trong cuộc chiến chống Mỹ xâm lược, có sự tham gia của quân đội một số nước khác. Từ dịp kỷ niệm 45 năm cuộc thảm sát, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt thường xuyên đưa những người Hàn Quốc đến Việt Nam, nhất là các tỉnh miền Trung, để tạ lỗi với nạn nhân và thân nhân người Việt đã bị binh lính Hàn Quốc thảm sát trong chiến tranh chống Mỹ. Ngày 11-3-2018, tròn 50 năm xảy ra vụ thảm sát Hà My, ông Kang U-il, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, dẫn đầu đoàn gồm các giáo sư, thầy thuốc, giáo viên, nghệ sĩ, nông dân, sinh viên và đại diện cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp Hàn Quốc đến khu tưởng niệm tại làng Hà My để thắp hương, tưởng niệm nạn nhân. Tại buổi lễ, ông Kang xúc động đọc điếu văn: “17 năm trước, bia tưởng niệm đã được dựng lên ở nơi đây để rồi, vào dịp lễ tưởng niệm lần thứ 45 của vụ thảm sát, chúng tôi đã tìm đến đây để dâng hương, cúi đầu tủi hổ. Thời gian thấm thoát, hôm nay đã là ngày tưởng niệm tròn 50 năm và chúng tôi vẫn tìm về, vẫn cúi mặt trong niềm hổ thẹn khôn nguôi. (…) Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu. Thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất. Để rút ra từ đây bài học lịch sử cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi chỉ khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ thì nút kết ấy mới có thể trở thành bàn đạp của tương lai. Hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính. Xin lỗi. Thành thật xin lỗi. Chúng tôi sẽ không quên. Chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ. Và xin hứa. Giây phút cử hành lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Hà My này sẽ là sự khởi đầu cho nửa thế kỷ tới của một nền hòa bình mới”...
Trong số khoảng 300.000 lính tham chiến tại Việt Nam trong những năm 1965 – 1973 (dưới thời Tổng thống độc tài Park Chung-hee), quân đội Hàn Quốc (Nam Triều Tiên) có những biệt đội được cho là “thiện chiến”, “dũng mãnh”, thực chất là những đám quân tàn bạo, dã man, phi nhân tính. Ngoài lữ đoàn Rồng xanh (được cử sang Việt Nam vào tháng 9-1965, với hơn 5.000 lính), còn còn sư đoàn Mãnh hổ (sang tháng 8-1965, với hơn 18.100 lính), Bạch mã (tháng 9-1966, với khoảng 5.000 lính)…, đều là các biệt đội nổi tiếng khát máu. Được huấn luyện kỹ càng, được trang bị tốt về vũ khí, phương tiện, lại được nhồi sọ tinh thần chống Cộng triệt để, lực lượng đã gây nhiều nợ máu với nhân dân Việt Nam[2].
Bên cạnh thảm sát Hà My, quân đội Hàn Quốc còn gây ra nhiều cuộc thảm sát khác trong thời gian tham chiến tại Việt Nam. Đó là thảm sát Bình An (Tây Vinh) diễn ra tại xã Bình An (nay là 3 xã Tây Vinh, Tây Bình, Tây An thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) vào đầu năm 1966, trong một cuộc đột kích ở 15 thôn của xã Bình An (cũ), họ đã lùng sục và bắn chết 68 người, chỉ có 3 thường dân sống sót. Trong khoảng thời gian này, nhiều vụ thảm sát liên tiếp diễn ra ở huyện Tuy Phước (Bình Định) như Tân Giảng (xã Phước Hòa), Nho Lâm (xã Phước Hưng) và nhiều nơi khác; điển hình nhất là vụ thảm sát ở Bình An, từ ngày 23-1 đến 26-2-1966, khoảng 1.200 người dân thường của xã này bị lính đánh thuê Hàn Quốc giết. Đặc biệt, chỉ trong một giờ ngày 26-2, có 380 dân thường ở thôn Gò Dài đã bị giết, tất cả nạn nhân được chôn chung cùng một hố.
Đó là thảm sát Diên Niên - Phước Bình, diễn ra vào tháng 10-1966. Sáng 9-10-1966, một trung đội lính Hàn Quốc thuộc Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn Rồng Xanh bắt đầu tập kích từ căn cứ đồi tranh Quang Thạnh (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vào thôn Phước Bình. Sau đó, chúng đổ quân càn quét, lùng sục tất cả nhà dân và hầm chống phi pháo, cưỡng bức nhân dân xóm Bình Trung (thôn Phước Bình) tập trung về sân trường học của thôn. Tại đây, chúng bắt đầu xả súng và ném lựu đạn vào nhóm dân thường, làm 68 người chết, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em. Ngày 13-10, quân Rồng xanh tiếp tục càn quét và hại thêm 112 người dân vô tội ở thôn Diên Niên gần đó. Tổng cộng, trong hai ngày 9-10 và 13-10-1966, lính Hàn Quốc đã tàn sát 280 phụ nữ và trẻ em ở hai thôn Diên Niên, Phước Bình.
Đó là thảm sát Bình Hòa diễn ra vào các ngày 3, 5, 6-12-1966 tại 5 địa điểm: buồng đất nhà ông Trắp, hố bom Truông Đình, Dốc Rừng, Đồng Chồi Giữa, đám ruộng giếng xóm Cầu, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Đây là chiến dịch có chủ đích và có tính toán nhằm trả đũa lực lượng du kích của ta được người dân địa phương che chở. Trong nhiều ngày, lính Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc càn quét có quy mô lớn và giết hại 430 người, trong đó có 269 phụ nữ (có 12 phụ nữ bị cưỡng hiếp đến chết), 104 người già, 174 trẻ em, 3 gia đình bị giết sạch không còn một ai.
Đó là thảm sát Phong Nhất và Phong Nhị vào ngày 12-2-1968 tại khu vực làng Phong Nhất và Phong Nhị, nay thuộc phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, các đơn vị quân đội Hàn Quốc đã thảm sát hàng loạt dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, làm ít nhất 74 người thiệt mạng và 17 người bị thương…
Theo một số tài liệu chưa chính thức và đầy đủ, trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Hàn Quốc đã gây ra 43 vụ thảm sát, trong đó ít nhất có 13 vụ mà mỗi vụ làm chết trên 100 người dân Việt Nam. Cùng với thảm sát là các vụ cướp bóc, đốt phá, tra tấn, hãm hiếp... mà số lượng nạn nhân và thiệt hại cụ thể khó thống kê chính xác và đầy đủ.
Dĩ nhiên, không chỉ có các cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc. Trong thời gian xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ cũng đã thực hiện nhiều cuộc thảm sát dã man khác như Mỹ Lai (Quảng Ngãi), Khánh Giang – Trường Lệ (Quảng Ngãi), Thạnh Phong (Bến Tre), chiến dịch Speedy Express, chiến dịch thả chất độc khai quang…, mà hậu quả có thể đến con số trăm năm.
Trong nhiều năm qua, quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao… giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng gắn bó và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Cũng vì mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa hai nước, nhiều người Hàn Quốc đã không cố tình tránh né các tội lỗi, nợ máu của quân đội nước họ với nhân dân Việt Nam, thể hiện rõ quan điểm tiến bộ và nhân bản. Bên cạnh các hoạt động mang tính xin lỗi (đến thăm các khu vực từng xảy ra thảm sát do lính Hàn Quốc gây ra, trực tiếp xin lỗi thân nhân của các nạn nhân, quyên góp để xây dựng trường học và các công trình phục vụ dân sinh…), nhiều người Hàn Quốc còn thông tin rộng rãi các vụ việc mang tính ô nhục của quân đội nước họ cho người dân biết.
Khép lại quá khứ không có nghĩa là quên quá khứ, xóa bỏ quá khứ, hay lật lại quá khứ. Nhắc lại quá khứ cũng không có nghĩa là khơi gợi hay kích động hận thù đối với các quốc gia, dân tộc khác đối với các tội ác của chính quyền hay quân đội của họ gây ra trước đây. Nhắc lại quá khứ là để mỗi người Việt Nam không quên lịch sử đau thương và anh dũng của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến giữ nước, là để không được mơ hồ, mất cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực chống phá Việt Nam, là để chúng ta cùng rút ra những bài học xương máu về việc xây dựng và bảo vệ đất nước, là để hun đúc lòng yêu nước và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ…
Và, khi càng nhìn rõ quá khứ đau thương, chúng ta càng cùng siết tay nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm chung sức xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh trong thời gian tới!
Ngũ Yên
[1] Hiện có một số tài liệu ghi nhận sự kiện này diễn ra ngày 25-2-1968. Chúng tôi tra các thông tin thì nhận thấy cơ bản thống nhất ngày xảy ra cuộc thảm sát là 24 tháng Giêng năm Mậu Thân, đối chiếu với ngày dương lịch là 21-2-1968.
[2] Trang vi.wikipedia.org ở mục “Park Chung-hee” đã viết: “Đội quân này cũng gây ra một danh sách dài những tội ác chiến tranh, những vụ thảm sát thường dân Việt Nam và những người bị nghi ngờ là du kích, cán bộ Việt Cộng khi tham chiến và đã bỏ lại nơi đây hàng ngàn đứa con lai sau khi rời đi (Hàn Quốc thống kê lính của họ đã giết tổng cộng 41.000 người Việt Nam, phần lớn là thường dân)”.