Ngày đăng: 15-10-2021 Lượt xem: 1763
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021), cùng tìm hiểu về những nét độc đáo, sáng tạo, những kỳ tích của con đường huyền thoại này. Những chiến công, những bài học kinh nghiệm từ con đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh giải phóng chắc chắn sẽ góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: Tư liệu.
Sau Nghị quyết Trung ương 15, miền Nam Đồng khởi. Thắng lợi của Đồng khởi đã đẩy chính quyền Sài Gòn vào thế bị động và tạo nên một thời kỳ mới của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Từ nhu cầu tăng cường chi viện cho các chiến trường miền Nam ngày càng lớn, sau khi nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những chuyến vượt biển từ Nam ra Bắc ban đầu của 4 tỉnh Nam Bộ[1], ngày 23/10/1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759. Đề án chỉ rõ trước mắt tận dụng những phương tiện thô sơ, nửa hiện đại, sau đó tổ chức nghiên cứu để có các đội tàu tương đối hiện đại, tải trọng lớn, có thể hoạt động quanh năm không phụ thuộc vào thời tiết, gió bão; khi có thời cơ, sẽ sử dụng những đội tàu có sức chở 200-500 tấn/chiếc; về phương châm hoạt động kết hợp hợp pháp và bất hợp pháp, lấy hợp pháp làm phương thức chủ yếu; chủ động, táo bạo, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đến bến; nếu bị địch phát hiện thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần thì nổ tàu để giữ bí mật; xác định Nam Bộ là hướng đột phá, sau đó sẽ phát triển ra Khu 5.
Sau một thời gian xây dựng, ổn định tổ chức, biên chế, cùng các địa phương ở Nam Bộ chuẩn bị bến bãi, trung tuần tháng 8/1962, Đoàn 759 bước vào thực hiện vận chuyển để làm nên con đường huyền thoại trên biển Đông - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125) rời Bến Nghiêng (Hải Phòng), sau 9 ngày vượt biển đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn, đem theo 30 tấn vũ khí. Nhận được tin đó, Bác Hồ đã gửi điện động viên, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và căn dặn rút kinh nghiệm để tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều vũ khí hơn nữa cho đồng bào miền Nam đánh giặc. Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự trên biển (1961 - 1975), Đoàn 759 - Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và quân đội Sài Gòn[2].
Có thể nói, tuyến vận tải chiến lược trên biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một huyền thoại, một kỳ tích của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp bảo đảm cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.
Độc đáo bởi, đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược, một sáng tạo ở tầm chiến lược trong giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương - nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh với tiền tuyến. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên hai tuyến vận tải chiến lược, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giải quyết nhu cầu của hai hướng chiến lược của chiến trường Nam Bộ: cánh Đông và cánh Tây. Mỗi tuyến vận tải chiến lược có vị trí, vai trò khá độc lập, nhưng đặt trong tổng thể đã tạo nên hệ thống giao thông chủ đạo và hoàn chỉnh để chi viện kịp thời, hiệu quả sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng quân thù. Đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sinh động quyết tâm chiến lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sơ đồ tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển
Độc đáo bởi, nó ra đời vào thời điểm khó khăn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí hiện đại, tối tân, ta mới chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ, nhưng với tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, ý chí và khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc, chúng ta đã biết dựa vào khả năng, sức sáng tạo to lớn của nhân dân, của lực lượng vũ trang để vượt qua khó khăn, từng bước đánh bại âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn ác liệt nhất.
Độc đáo bởi, lực lượng vận tải trên biển tuy số lượng ít, phương tiện vận chuyển có hạn, nhưng đã tạo nên hiệu quả cao vì có sự chuẩn bị và phối hợp kỳ công, chu đáo của nhân dân, của lực lượng vũ trang các địa phương tiếp nhận hàng và sử dụng hiệu quả, tạo nên hiệu ứng quân sự rõ rệt trên chiến trường.
Từ bến đỗ đầu tiên ở Vàm Lũng, Bến Tre, về sau là hàng loạt các bến bãi ở các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, ở đâu các con tàu, các cán bộ, chiến sĩ hải quân cũng được sự phối hợp của cấp ủy, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương chuẩn bị bến bãi bí mật, an toàn, tiếp nhận, cất giấu vũ khí nhanh chóng, kịp thời cung cấp cho các chiến trường. Những vũ khí đó đã đem lại hiệu quả lớn cho các trận đánh, các chiến dịch tiến công địch khiến chúng hết sức bất ngờ như Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài…, tăng cường sức mạnh cho các địa phương trong chiến đấu chống địch càn quét, khủng bố. Điều này chính đối phương cũng phải thừa nhận. Báo cáo ngày 15/9/1963 của Nguyễn Thành Hoàng, Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau) ghi rõ: “Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả ước tính của chúng ta. Việt Cộng đã dùng cối 81, súng 12,7 mm, ĐKZ75… là những thứ mà Quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của chúng rất dồi dào, điều mà trước đây chúng ta chưa bao giờ làm được”[3].
Độc đáo còn ở chỗ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, với một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển được, dám đánh, biết đánh và biết thắng Mỹ. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo đường lối và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược trên biển.
Trong thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta đã tổ chức chuẩn bị chu đáo, lực lượng, phương tiện, nhất là yếu tố con người; tổ chức chỉ huy thống nhất, quyết đoàn, linh hoạt; biết chọn đúng thời cơ; kết hợp vận chuyển bí mật và công khai; đi nhiều cung, tuyến khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, ra hải phận quốc tế; kiên quyết chiến đấu, chấp nhận hy sinh, có trường hợp phải phá hủy tàu để giữ bí mật nhiệm vụ. Nhiều cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên tuyến đường này.
Đường Hồ Chí Minh trên biển thật sự là con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng giá trị lịch sử và những bài học từ con đường này vẫn mãi trường tồn và phát huy giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay và mai sau./.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam