flag header

Tin tứcChống DBHB

Giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Tám!

Ngày đăng: 21-08-2019 Lượt xem: 2078

Cách đây 74 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc. Hào khí, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám đã hun đúc tinh thần quật khởi của dân tộc trong hơn 7 thập kỷ qua, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn thách thức, giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hơn ai hết, người dân Việt Nam luôn hiểu rõ giá trị và ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Thắng lợi đó là kết quả của quá trình đấu tranh, hi sinh xương máu của toàn thể dân tộc Việt Nam suốt 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng kể từ khi thành lập vào năm 1930. Và đó còn là kết quả hơn 30 năm tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Để cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, Đảng, Bác Hồ và toàn dân ta đã phải chuẩn bị toàn diện thực lực cách mạng từ nhiều năm trước.

Vào đầu năm 1941, trước những chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, Bác Hồ về nước và Người đã cùng Trung ương Đảng kịp thời nắm bắt tình hình, đề ra chiến lược, sách lược, xây dựng căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng, đào tạo, huấn luyện cán bộ, tổ chức, động viên, lãnh đạo toàn dân chớp thời cơ chín muồi đứng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cũng trong những năm này, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, lực lượng cách mạng từ cuối năm 1941 đến năm 1942 đã tổ chức ra các hội: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc… Ở căn cứ địa Việt Bắc, Đội Cứu quốc quân và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lần lượt ra đời. Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và các lực lượng vũ trang là chủ lực quân của cách mạng.

Năm 1943, trước diễn biến mới của tình hình, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị đề ra chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều, lập ra Hội văn hóa cứu quốc ở các thành phố… nhằm đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng.

Ngày 11/3/1945, do được phát xít Nhật đã hứa sẽ giúp để trao trả nền độc lập cho Việt Nam, vua Bảo Đại đã ký đạo dụ tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Giáp Thân ký với Pháp. Thực chất, với mưu đồ thành lập ra bộ máy thống trị để thiết lập nền cai trị lâu dài trên lãnh thổ Việt Nam, phát xít Nhật có kế hoạch dựng lên một Chính phủ bù nhìn theo mô hình quân chủ lập hiến, trong đó, Trần Trọng Kim là Thủ tướng và Bảo Đại là vua. Tuy nhiên, khi cuộc đảo chính của Nhật nổ ra vào đêm 9/3/1945, Đảng ta không bị động trước thời cuộc mà trái lại, chủ động vạch ra những nhiệm vụ chiến lược sát, đúng để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ra đời vào ngày 12/3/1945.

Trong Chỉ thị, Ban Chấp hành Trung ương nhận định: “Cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa chưa thực sự chín muồi, tuy vậy cũng đã tạo ra những tiền đề cần thiết thúc đẩy cuộc khởi nghĩa chóng tới”. Chỉ thị cũng xác định kẻ thù mới và đề ra khẩu hiệu đấu tranh mới, còn dự báo hai khả năng làm xuất hiện thời cơ cho nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền trên cả nước, đó là thời điểm quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật hoặc thời điểm Nhật đầu hàng Đồng minh. Cũng chính vì dự kiến thời cơ thuận lợi đang đến gần mà Thường vụ Trung ương đã kịp thời triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ra nghị quyết thành lập Ủy ban quân sự miền Bắc Đông Dương, thống nhất lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, lập xưởng vũ khí, tích trữ lương thực, khẩn trương đón thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Lúc này, trên chiến trường châu Âu, phát-xít Đức đã hoàn toàn bại trận, tại châu Á, phát xít Nhật cũng đang ngắc ngoải thì Hội nghị Potsdam ra quyết định mở cuộc tiến công cuối cùng vào các đạo quân của Nhật Bản cho tới khi Nhật Bản chấm dứt mọi sự kháng cự. Ngày 15/8/1945, Nhật Bản chính thức tuyên bố “Chấp nhận bản Tuyên bố Potsdam  để tránh đổ máu kéo dài”.

Tự vệ và nhân dân Hà Nội trong ngày Tổng khởi nghĩa, ngày 19/8/1945

Ngày 19/8, trong khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật Bản và làm chủ Mãn Châu thì tại Hà Nội, cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. Ngay sau đó, các địa  phương trong cả nước lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thành công trong những ngày cuối tháng 8/1945. Ngày 2/9/1945, Nhật Bản chính thức ký các văn kiện chấp nhận đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, thì tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lãnh tụ Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Như vậy, chỉ trong 15 ngày, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, đón niềm “Vui bất tuyệt” mà nhà thơ Tố Hữu đã diễn tả bằng những vần thơ giầu cảm xúc: “Ngực lép bốn ngàn năm/ Trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên/ Tim bỗng hóa mặt trời”.

Nhìn lại những sự kiện lịch sử trên, có thể thấy rõ, có hai điều kiện chủ quan đóng vai trò quyết định đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đó là quá trình chuẩn bị lâu dài của Đảng ta và việc dự đoán thời cơ rất đúng, trúng, để rồi sau đó chớp thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Thực tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã chuẩn bị “củi lửa” cho cuộc nổi dậy lịch sử từ năm 1939, chuẩn bị về đường lối, về căn cứ địa và con người, vũ khí.

Vậy mà hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 1945, trên các trang mạng, các thế lực thù địch lại tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện này. Chúng tuyên truyền rằng: Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền chỉ là sự "ăn may" khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh... Chúng còn “tìm kiếm” và cố tình đưa ra những thông tin hằn học, nhai lại những luận điệu cũ rích nhằm hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận công lao của Người; vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hạ uy tín nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, gây mất niềm tin trong nhân dân, làm cho dân xa Đảng, mất đoàn kết nội bộ, kích động tâm lý xã hội.

Nhưng sự thật đã khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết và truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử và khi thời cơ đến, đã bùng lên mạnh mẽ đấu tranh giành chính quyền cách mạng. Và thành quả của Cách mạng Tháng Tám đến từ đường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm chắc, tận dụng thời cơ, biết tổ chức và tập hợp lực lượng, động viên được toàn dân tộc. Đó còn là vai trò tiền phong, gương mẫu, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, quyết chiến đấu vì quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân của 5.000 đảng viên cộng sản. Và trước sự xuyên tạc lịch sử dân tộc của các thế lực thù địch nhằm đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hơn lúc nào hết chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc tới mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Đó chính là tư tưởng bất hủ mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với tất cả chúng ta cách đây 74 năm - khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời. Và chính đó cũng là điều mà suốt 74 năm qua, biết bao thế hệ người Việt Nam hy sinh, phấn đấu để xây dựng một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, chứ không phải một xã hội “mất dân chủ” như ai đó rắp tâm xuyên tạc...

Có thể nói, nhờ đường lối đúng đắn và bằng những chủ trương, biện pháp phù hợp đó, chúng ta đã xây dựng được chính quyền của dân, do dân, vì dân vững mạnh, với cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội phù hợp, bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành thắng lợi, Tổ quốc thống nhất, Đất nước trọn niềm vui Đại thắng mùa Xuân 1975. Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,… Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên. Trên bình diện quốc tế, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 nước ở tất cả các châu lục; tham gia vào hầu hết các tổ chức, định chế quốc tế và khu vực và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Tất cả những điều đó là minh chứng cho những giá trị mà Cách mạng Tháng Tám đưa lại; đồng thời, là bằng chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự kiện lịch sử trọng đại, vẻ vang này.

Anh Minh