Ngày đăng: 10-04-2022 Lượt xem: 931
Truyền thuyết Rồng - Tiên về khởi nguồn của dân tộc Việt viết rằng: Sau khi lấy Âu Cơ sinh ra một trăm người con trai, Lạc Long Quân và Ấu Cơ chia đôi, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ về rừng để cùng nhau chia giữ và bảo vệ đất nước. Ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt đã hình thành ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc.
Bây giờ, bằng cái đầu khoa học của mình, nhiều người cố để giải mã và đặt ra câu hỏi rằng nếu chỉ có 100 người con trai ấy thì lấy ai để sinh ra dân tộc này? Thưa rằng cái đầu của khoa học hãy dùng cho khoa học, hãy nhìn về truyền thuyết bằng trái tim rộng mở, bởi chỉ những gì từ trái tim mới đến được dễ dàng với trái tim. Truyền thuyết về khởi nguồn của dân tộc Việt có thể không hẳn là lịch sử, và thời đại Hùng Vương vẫn là câu hỏi lớn mà lịch sử cần tiếp tục giải mã, song thời Hùng Vương là có thật, nền văn hóa Đông Sơn là có thật, văn minh trống đồng là có thật. Hãy quay trở về ngày mà cha mẹ chúng ta tạm thời chia tay nhau. Đó có phải là cuộc ly thân lớn nhất của lịch sử dân tộc này “Nghìn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa” (Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến). Rừng là DƯƠNG, biển là ÂM; cha Lạc Long Quân là DƯƠNG, mẹ Âu Cơ là ÂM. Cha là DƯƠNG nên dẫn con về biển để tìm về với ÂM; mẹ là ÂM nên dẫn con về rừng, tức tìm về với DƯƠNG. Theo thuyết ngũ hành, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn trải qua năm trạng thái là: Hỏa (火), Thủy (水), Mộc (木), Kim (金), Thổ (土). Năm trạng thái này được gọi là Ngũ hành (五行). Học thuyết Ngũ hành diễn giải sinh học của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản Sinh (生) còn gọi là Tương sinh và Khắc (克) hay Tương khắc. Chỉ có ÂM - DƯƠNG hòa hợp mới giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở và trường tồn. Dân tộc chúng ta trường tồn và phát triển vững bền hôm nay chắc hẳn được gieo mầm từ những điều thiêng liêng ấy.
Ngay từ buổi bình minh của lịch sử ấy, CHA - MẸ chúng ta đã phải chia tay nhau, chia tay nhau ra đi để trở về, chia tay nhau ra đi để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì cha xuống biển, mẹ lên rừng nên người Việt gọi Tổ quốc mình với tên gọi bình dị: ĐẤT NƯỚC. Trong tâm thức của người Việt, không gian sinh sống không chỉ là ĐẤT mà còn bao gồm cả NƯỚC, đó là sông hồ, là biển cả bao la. Cũng chính vì những bước chân đầu tiên cha Lạc Long Quân dẫn con xuống biển nên suốt hàng nghìn năm qua, dân tộc Việt là một dân tộc hướng biển. Đã từ rất sớm, dù kỹ thuật và công nghệ thô sơ, người Việt đã khai phá Hoàng Sa, Trường Sa và đó là phần lãnh thổ máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt bao đời, ngư dân miền Trung xem ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống nuôi sống người Việt. Trên thế giới này, có lẽ hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, bởi quan niệm được sinh ra từ một nguồn cội nên người Việt gọi nhau bằng hai tiếng thân thiết: Đồng bào. Cũng bởi được sinh ra từ nguồn cội ấy nên trong huyết quản mỗi người Việt đều chảy chung dòng máu yêu nước thiết tha. Những lúc bình thường người Việt hiền hòa với ruộng lúa, nương dâu, bãi biển; khi đất nước có ngoại xâm, chỉ cần nghe cất lên hai tiếng đồng bào thì dòng máu yêu nước trong mỗi người lại sôi lên sùng sục để vượt lên sợ hãi, hiểm nguy bảo vệ non sông, nòi giống.
Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, CHA Lạc Long Quân và MẸ Âu Cơ đã phải xa nhau nên người Việt tôn trọng, nâng niu sự đoàn tụ và thống nhất và luôn phấn đấu cho sự đoàn tụ và thống nhất. Bởi vậy cho dù đất nước có những giai đoạn bị phân chia song đó chỉ là tạm thời, xu hướng chủ đạo là hợp, là đoàn tụ chứ không phải chia ly. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, người Việt chịu bao cảnh chia ly, mất mát, hi sinh để phấn đấu cho ngày đoàn tụ và thống nhất. Và rồi, người Việt cũng chia sẻ giá trị của đoàn tụ, thống nhất ấy cho kẻ thù nếu họ đã thua với triết lý “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Mỗi khi chiến thắng quân thù, mỗi khi quân thù bỏ vũ khí đầu hàng, người Việt bao giờ cũng tạo những điều kiện nhân đạo để họ được về nước đoàn tụ…
Giỗ Tổ Hùng Vương nhắc nghĩ bao điều!
Vũ Trung Kiên