flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Góp phần kiểm soát quyền lực

Ngày đăng: 15-12-2017 Lượt xem: 871

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, khi Đảng ta mới giành được chính quyền và tình thế nhà nước cách mạng non trẻ như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy vấn đề lạm dụng quyền lực là một nguy cơ của đảng cầm quyền. Dù bận trăm công, nghìn việc, Người vẫn cảnh báo, nhắc nhở, phê phán bằng nhiều cách khác nhau, trong đó gửi thư, đăng bài phê phán trên báo. Trong bài báo “Sao cho được lòng dân” ký tên Chiến Thắng, đăng Báo Cứu quốc ngày 12-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hiện tượng và lên án tệ nạn này. 

Người viết “Thứ nhất, dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng”. “Người ta còn bĩu môi nói đến bà “thủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều”. Sau đó không lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” trong đó, Người chỉ ra “nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề, trong đó có hàng loạt lỗi lầm chung quanh việc lạm dụng khi có quyền lực trong tay như: trái phép, cậy thế, tư túng, kiêu ngạo...Người viết: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng, dân bầu mình ra để làm việc cho dân chứ không phải để cậy thế với dân”.

Ảnh minh họa

So với ngày nay, sự lạm quyền của một số cán bộ ngày đầu độc lập như “một trời một vực”. Mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều quy định, bộ luật khá toàn diện, cụ thể, nhưng qua các vụ án, những sai phạm nghiêm trọng của không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý được đưa ra xét xử, công bố trước toàn dân cho thấy, nhiều cán bộ lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, mất hết cả ý chí lẫn tình cảm, đạo đức. Kiểm soát quyền lực trong Đảng chính là kiểm soát quyền lực của các tổ chức, cấp ủy đảng gắn liền với kiểm soát quyền lực các cá nhân đảng viên có chức vụ trong các tổ chức đảng, bộ máy nhà nước. Đảng ta là đảng cầm quyền, đồng thời một trong những nguyên tắc nêu ra trong Cương lĩnh, Điều lệ là “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị”.

Việc kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị trước hết thuộc về trách nhiệm của các tổ chức, cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy. Có ba khâu quan trọng nhằm kiểm soát tốt quyền lực là: bằng sự kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng; của cấp trên đối với cấp dưới, cấp dưới đối với cấp trên; của quần chúng, người dân đối với cán bộ, đảng viên. Một trong những khâu quan trọng kiểm soát quyền lực là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan của đảng, nhà nước, các tổ chức sự nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trong việc cụ thể hóa, thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong hệ thống chính trị nước ta, hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó có những cán bộ cấp cao, người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể đều là đảng viên được các cấp ủy đảng giới thiệu tham gia, ứng cử các cơ quan, tổ chức, đơn vị của cả hệ thống chính trị đồng thời những người này tham gia cấp ủy ở chính các nơi đó. Như vậy, có thể nói, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu bị tha hóa, biến chất, lợi dụng quyền lực để lộng hành, thậm chí “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, trách nhiệm trước hết thuộc về các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy. Một khi người đứng đầu cấp ủy đảng bị biến chất, tha hóa, sai phạm kỷ luật thì trách nhiệm lại thuộc về cấp ủy cấp trên, người đứng đầu cấp ủy cấp trên.  

Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều của dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ, Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Như vậy, quyền lực Nhà nước ở ta thực chất là quyền lực của nhân dân và nhân dân ủy quyền cho Quốc hội, các cơ quan, chính quyền nhà nước thực thi quyền lực ấy. Theo lôgic và thực tiễn cuộc sống, chính người dân là người bảo vệ, giám sát quyền lực Nhà nước.

Trong lịch sử 87 năm xây dựng và trưởng thành của mình, ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Với trách nhiệm xây dựng Ðảng, nhân dân đóng góp nhiều ý kiến, phản ánh, tố cáo đúng về đảng viên hoặc tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm cho tổ chức đảng có thẩm quyền, tham gia giám sát thông qua các cơ quan, người đại diện của mình. Tuy nhiên, việc nhân dân trực tiếp tham gia giám sát đối với các tổ chức, cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, cơ quan nhà nước, kể cả khi đã có Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, cũng còn có nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, thậm chí có nhiều “lỗ hổng” trong kiểm soát quyền lực thời gian qua. Chính vì vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực, sử dụng quyền lực trong thực thi công vụ tại các cơ quan đảng, nhà nước, chính quyền các cấp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí lỏng lẻo, tình trạng “con voi chui lọt lỗ kim”, kéo theo hàng loạt cán bộ các ngành, các cấp, các địa phương bị kỷ luật, vẫn diễn ra. Do vậy, muốn quyền lực của nhân dân ủy quyền cho cán bộ, đảng viên thừa hành, thực thi được kiểm soát chặt chẽ hay nói một cách hình ảnh phải xây dựng cái “lồng” để nhốt được quyền lực thì ắt phải có sự tham gia của người dân thì mới thành công. Cần thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp bách sau đây:

Thứ nhất, trong điều kiện một Đảng cầm quyền, Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không tạo ra đặc quyền, đặc lợi, “chế độ riêng” cho mình. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đối với những người nắm quyền lực trong tay: Việc gì có lợi cho dân thì phải cương quyết làm. Việc gì có hại đến dân phải cương quyết tránh. Bởi từ những lợi ích nhỏ sẽ dễ dẫn đến đặc quyền to, lợi dụng quyền lực để phục vụ lợi ích nhóm và mưu lợi cá nhân. Không có gì là không thể xảy ra, khi đã ngồi vào ghế quyền lực thì rất nhiều sự cám dỗ, mời chào, tự dưng người ta mang đến. Nếu cán bộ không tự nghiêm khắc tu dưỡng, không khép mình vào kỷ luật thì sa ngã lúc nào không biết. Mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải gương mẫu thực sự tuân theo luật pháp và mọi việc làm theo luật pháp.

Thứ hai, công khai, minh bạch, chấp nhận đối thoại. Công khai minh bạch là một trong những điều kiện tiên quyết để phát huy dân chủ, hạn chế, loại bỏ tiêu cực, là tiêu chuẩn của một chế độ văn minh. Không có lý do gì mà Đảng không lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cán bộ, đảng viên cần công khai những hoạt động của mình (trừ bí mật quốc gia), nhất là thu nhập, tài sản của người nắm trong tay quyền lực cũng như gia đình, người thân của họ, cần được công khai cho quần chúng, nhân dân được biết và giải trình về sự chính đáng những tài sản của cán bộ. Câu hỏi lớn được quần chúng đặt ra là tại sao nhiều cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng chỉ sau một thời gian có chức có quyền, rằng việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn chỉ “nằm trong tủ”, quần chúng không biết sự giàu nghèo của những “người đày tớ”, “công bộc” của mình ra sao mà giám sát? Nếu làm rõ và xử lý công khai, minh bạch được vấn đề này thì sẽ giải tỏa được nỗi băn khoăn của dân, Đảng sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lấy lại niềm tin của quần chúng, nhân dân.

Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thật sự tin dân, dựa hẳn vào dân để giám sát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đảng cầm quyền muốn dân chủ thì chỉ có cách phải dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Thoát ly, tránh né sự giám sát của nhân dân thì nhiều cán bộ lãnh đạo sẽ lạm dụng quyền lực để làm lợi cho bản thân. Ðiều lệ Ðảng quy định một trong những nguyên tắc cơ bản là Ðảng "gắn bó mật thiết với nhân dân", đồng thời Ðảng "chịu sự giám sát của nhân dân". Tuy nhiên, cho đến nay, nguyên tắc này vẫn chỉ hô hào chung chung, chưa có quy định cụ thể thế nào là dựa vào dân, thế nào là chịu sự giám sát của nhân dân. Thực hiện đúng quan điểm phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng là nhằm thực hiện tốt một trong năm phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng, góp phần đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát của Ðảng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong tình hình mới.

Thứ tư, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ và kiểm tra, giám sát. Công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát là vô cùng phức tạp, có nhiều khó khăn, nhất là sẽ không hiệu quả nếu không có cơ chế kiểm tra, giám sát cấp ủy đảng cùng cấp và nếu thiếu đi những cán bộ kiểm tra có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, đạo đức và có uy tín. Do vậy, muốn biết cách điều khiển công tác kiểm tra, thì cần phải có những người có uy tín đứng đầu, nếu không chúng ta sẽ sa lầy và sẽ chìm ngập trong những công việc sự vụ.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lê-nin đã yêu cầu các tổ chức đảng cần phải có các cách thức “lôi cuốn những người ngoài đảng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát Đảng”. Trong điều kiện lúc đó Lê-nin yêu cầu cần phải hợp nhất hai cơ quan Kiểm tra của Đảng và Thanh tra Nhà nước làm một thì việc kiểm tra, kiểm soát quyền lực sẽ có hiệu quả hơn. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của Chính phủ, sự giám sát của quần chúng, nhân dân thì mới có khả năng giám sát quyền của nhân dân giao cho cán bộ, đảng viên.

 

 

Nguồn: http://xaydungdang.vn/