flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Hành trình về nguồn Sáng mãi niềm tin: Học Bác từ điều bình dị nhất

Ngày đăng: 25-07-2019 Lượt xem: 3922

Sau 44 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thực hiện Di chúc Bác Hồ, TP.HCM đã "cùng cả nước" không ngừng nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn để ổn định và phát triển đi lên. Và "vì cả nước", Thành phố đã tích cực đóng góp vào quá trình tìm tòi sáng tạo và thử nghiệm vận dụng mô hình cơ chế quản lý mới, nhằm đóng góp có ý nghĩa vào việc hình thành và thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới và nhiều cơ chế, chính sách của Ðảng ta.

Nhân thực hiện 50 năm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thành phố đã tổ chức 10 chuyến Hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin” cho hơn 800 đại biểu ưu tú, điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách cũng như thực hiện Di chúc của Người. Chuyến hành trình cũng là dịp kỉ niệm 72 năm Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 (1947-2019).

Đoàn đại biểu TPHCM chụp hình tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Học Bác từ điều nhỏ nhất

Chuyến hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin” nhằm tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có dịp giao lưu, học tập kinh nghiệm thực tế, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa của đất nước, những nơi gắn liền với các hoạt động cách mạng lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến gian khổ. Cụ thể, Đoàn đến tham quan, dâng hương, dâng hoa tại quê ngoại của Bác tại Làng Hoàng Trù và quê nội của Bác tại Làng Sen, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tham quan Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh (tỉnh Nghệ An), tưởng niệm 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong Khu Di tích Ngã Ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn; thắp hương tưởng niệm tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình); tham quan Di tích Thành cổ Quảng Bình, tượng đài Mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ.

Trong cái nóng oi nồng của miền Trung gió Lào nắng gắt, tấp nập những đoàn xe chở du khách nối đuôi nhau hướng về làng Sen quê Bác với bao tâm nguyện thành kính bồi hồi nỗi nhớ, được trực tiếp nghe nữ thuyết minh chia sẻ về cuộc sống, thân thế gia đình Bác thấy được sự hy sinh, mất mát mà Bác đã phải trải qua. Nhưng vượt lên tất cả, tấm lòng yêu nước, yêu nhân dân, Bác đã dành trọn vẹn cuộc đời của mình cho con đường cách mạng kiên trung là giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân. Về thăm lại nơi lưu giữ tuổi thơ của Bác Hồ tại làng Hoàng Trù (quê ngoại) và làng Sen (quê nội), một tuổi thơ êm đềm trôi trong sự giáo dục nghiêm cẩn của cha và tình yêu thương, cũng như đức hy sinh cao cả của mẹ. Mẹ Bác, cụ bà Hoàng Thị Loan - một người mẹ Việt Nam anh hùng tảo tần và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con, mặc dù vất vả trăm bề vì cuộc mưu sinh, nhưng vẫn toàn tâm lo chồng ăn học thành tài và chăm lo đàn con nhỏ. Có lẽ những giọt nước mắt của các thành viên trong mỗi đoàn hành trình đã nói lên tất cả. Bác Hồ - một nhân cách vĩ đại, và đức độ, giản dị nhưng thanh cao đã làm nên một tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách mà mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

Phát biểu cảm tưởng tại Đền thờ của Bác, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng rưng rưng: “Thưa Bác, chúng con là những cá nhân điển hình tiêu biểu ở hầu khắp lĩnh vực với những việc làm thiết thực, cụ thể, ngày đêm lao động, học tập, nghiên cứu, sáng tạo; là những cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo ở các cấp ủy, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, nhà giáo, biên tập viên, chuyên viên, văn nghệ sĩ, bảo vệ, tổ dân phố, những người dân bình thường ở đủ các thành phần và tầng lớp xã hội… bình dị, khiêm nhường, tử tế, giàu đức hy sinh, lặng lẽ sống, lặng thầm cống hiến, góp phần làm cho cơ quan, đơn vị, khu phố - ấp, thành phố và đất nước ngày càng thêm tươi đẹp.

Trước anh linh Người, chúng con xin hứa sẽ không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; không ngừng phấn đấu học tập, nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong cuộc sống và công tác. Lãnh đạo và người dân Thành phố mang tên Bác sẽ hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng chung sức phấn đấu để sớm đạt mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Lần đầu tiên tôi được về thăm quê Bác, mỗi bước chân đi đều bồi hồi xúc động. Được thăm ngôi nhà lá đơn sơ, nơi Bác đã gắn bó trong những năm tháng thiếu niên, nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức về thời cuộc của Người, chúng ta càng có cơ hội hình dung một cách trọn vẹn hơn về cuộc đời của Bác; về tình yêu bao la, vĩ đại của Bác đối với quê hương đất nước; về khát vọng hòa bình độc lập cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân mà Bác đã dành trọn cuộc đời mình để thực hiện”, chị Huỳnh Thị Kim Ân, Bí thư Huyện đoàn Bình Chánh, thành viên Đoàn 6 chia sẻ.

Vinh dự được chọn phát biểu cảm tưởng tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, em Đỗ Hoài Nam, học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Bình Chánh, thành viên nhỏ tuổi nhất trong Đoàn 3 cho biết: “Về thăm quê Bác hôm nay, chúng con được hiểu hơn về cuộc đời của Người; về tình yêu bao la, vĩ đại của Bác đối với quê hương đất nước; về khát vọng hòa bình độc lập cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho Nhân dân và cảm nhận rõ hơn về những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp dành cho thiếu niên, nhi đồng”.

“Sau chuyến hành trình về nguồn này, con sẽ cố gắng trong việc học tập, rèn luyện xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, công dân trẻ của Thành phố mang tên Người và tuyên truyền về những kiến thức đầy ý nghĩa em đã được tìm hiểu thực tế cho mọi người xung quanh để noi theo tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Nam nói.

Đoàn hành trình “Sáng mãi niềm tin” tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

          Ngời sáng mãi 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong

Theo dấu chân hành trình, Đoàn đại biểu TP.HCM đã ghé thăm và tưởng niệm 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong Khu Di tích Ngã Ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh). Tại đây, đoàn đại biểu đã thỉnh chuông, kính cẩn nghiêng mình làm lễ dâng hoa, dâng hương gần 4.000 các Anh hùng liệt sỹ tại nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc - các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, Khu mộ 10 cô gái.

Đoàn cũng đã xem những thước phim tư liệu, xem sa bàn tái hiện lại toàn cảnh chiến trường Ngã ba Đồng Lộc trong những năm tháng chiến tranh, được nghe hướng dẫn viên thuyết minh về vị trí chiến lược, về sự khốc liệt của con đường Trường sơn đi qua Ngã ba Đồng Lộc cũng như tinh thần chiến đấu, sự hy sinh anh dũng, hiến trọn tuổi thanh xuân của các lực lượng để nối liền huyết mạch của con đường cho những đoàn xe ra tiền tuyến.

Đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đã bày tỏ nỗi niềm xúc động, lòng biết ơn vô hạn trước anh linh các Anh hùng liệt sỹ và tấm gương nghĩa liệt của 10 cô gái TNXP. Để hôm nay, trên chuyến “Hành trình theo chân Bác” đoàn về với Ngã ba Đồng Lộc, thắp nén tâm hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng liệt sỹ như đọc lại quá khứ đau thương nhưng rất đổi hào hùng của dân tộc, để các đại biểu tiếp thêm sức mạnh, tiếp tục thực hiện tốt di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

Tới thăm khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, ông Vũ Chi Bích, Cựu chiến binh quận 3, thành viên Đoàn 7 với những dòng thơ hết sức xúc động:

Cúc ơi!

“Hôm nay, Đoàn chúng tôi

Đến ngã ba “Đồng Lộc”

Viếng thăm mười cô gái

Đang yên nghỉ nơi này.

Hương trầm, cầm trên tay

Khói thơm bay nghi ngút

Giữa trưa hè ơi bức

Bỗng văng vẳng bên tai

“Cúc ơi! Ơi Cúc ơi!

Em đang ở đâu vậy?

Nhỏ - Xuân – Hà – Hường – Hợi,

Cùng với Rạng – Xuân – Xanh

Nghe chị Tần điểm danh

Nhưng em thì không thấy”

Em ở đâu, có thấy

Mọi người đang tìm em

Thôi em đừng trốn tìm,

Chỉ nơi em nằm nghỉ.

Thổ địa như hiểu ý

Đã chỉ nơi em nằm

Thế là mười chị em

Đã trở về đất mẹ.

Hôm nay Đoàn số 7

“Sáng mãi, vững niềm tin”

Xin tặng Mười chị em

Một tấm lòng kính trọng

Đã hiến dâng cuộc sống

Cho Tổ Quốc Việt Nam

Rời khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, Đoàn tới thăm khu tưởng niệm Lý Tự Trọng. Đây không chỉ là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ mà quan trọng hơn nữa là nơi để những người con dân tộc Việt Nam về đây tri ân Anh - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ Quốc… Đoàn đã đến viếng và thắp hương tưởng niệm tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tỉnh Quảng Bình) - nơi đây vào dịp tháng 7, mỗi ngày trung bình có 5-6 ngàn khách tới viếng mộ Đại tướng, trong đó có rất nhiều cựu chiến binh. 

Trong dịp này, các Đoàn đã về thăm Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung của dân tộc Việt Nam, Người đã có những năm tháng hoạt động sôi nổi trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn năm xưa. Tại đây, Đoàn đã có cơ hội được lắng nghe những câu chuyện kể về quê hương, gia đình và về cuộc đời sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để hiểu thêm về người nữ anh hùng cách mạng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, chuyến hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin” đã hun đúc thêm cho mỗi thành viên đoàn hành trình lòng yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc. Khi được đứng trước anh linh của Bác Hồ và những chiến sĩ cộng sản kiên trung, chúng ta đều tự hứa với lòng sẽ không ngừng rèn luyện, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu, phấn đấu trong học tập, hăng say trong công việc, tích cực trong cuộc sống; góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn những giá trị đặc biệt, những tình cảm thiêng liêng trong Di chúc của Người; đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng Thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh hơn, hiện đại hơn, nghĩa tình hơn./.

Hoàng Minh