flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Hiểu đúng lịch sử để càng thêm yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng: 27-03-2022 Lượt xem: 622

Xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là bẻ cong sự thật về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc sau khi miền Nam được giải phóng, cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội rồi thông qua đó phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghề bồi bút của cái gọi là "Tập hợp Dân chủ đa nguyên", của những Phạm Trần, B. Giang, Đ. Mỹ Linh, Nguyễn Thị Cỏ M, Tưởng Năng T... nhất là mỗi dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975) hằng năm.

Lâu nay, những kẻ bồi bút này theo đuôi các thế lực thù địch, phản động thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" thường dùng chiêu "bình mới rượu cũ" để tung tin bài xấu, độc lên mạng xã hội nhằm quy chụp, nhận định theo chủ kiến cá nhân để kích động, chia rẽ lòng dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiểu đúng sự thật lịch sử bằng bản lĩnh và trái tim của nười Việt Nam yêu nước chân chính là góp phần nhận thức đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; là thêm yêu hơn giang sơn gấm vóc mà bao thế hệ cha anh đã không quản mồ hôi, xương máu để giành và giữ lấy.

Từ các nguồn sử liệu chính thống, khách quan, khoa học và tin cậy trong các kho lưu trữ của Đảng và Nhà nước Việt Nam; trong các công trình nghiên cứu về lịch sử, về chiến tranh… ở cả Việt Nam và thế giới, giới nghiên cứu, người muốn tìm hiểu đều có thể thấy rằng: Lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử thế giới hiện đại đã ghi nhận cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước là cuộc chiến tranh nhân dân của nhân dân Việt Nam để giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ, thống trị, xâm lược của ngoại bang.

Từ trong các nguồn sử liệu đó, người có tri thức và khách quan đều nhận thấy, các cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, dân tộc và thống nhất trong lịch sử dân tộc nói chung, nguyên nhân, bản chất và chủ trương tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng nói riêng, chắc chắn không phải là cuộc "nội chiến huynh đệ tương tàn", lại càng không phải là sự tranh giành quyền lực "giữa các thế lực thống trị" mà mục đích, xét cho cùng, cũng chỉ là để đổi một ách nô lệ ngoại bang lấy một ách nô lệ bản xứ" như những luận điệu phản động, vu khống, xuyên tạc trên mạng xã hội.

1. Đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh là khát vọng của mọi người Việt Nam yêu nước chân chính, là "con đường sống của nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng"[1]

Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, thì không có việc dùng "chiêu bài chống thực dân, đế quốc" và "chiêu bài giải phóng miền Nam" để tiến hành cuộc trường chinh kháng chiến dài 30 năm (1945-1975) như những quy chụp hồ đồ, xuyên tạc, mà chỉ có một sự thật lịch sử:

Đó là, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn; đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đoàn kết "muôn người như một" trong Mặt trận dân tộc thống nhất, rộng rãi để tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945; đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đồng thời đưa những "thần dân", những người nô lệ xứ An Nam thuộc Pháp trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập, tự do.

Đó là, trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, của đế quốc Mỹ và để bảo vệ nền độc lập, tự do đã giành được; để thực hiện tâm nguyện của đồng bào và chiến sĩ cả nước về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất trong bối cảnh vận mệnh đất nước như "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hứa: "Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi tới bến bờ hạnh phúc của nhân dân"[2].

Đồng thời, Người đã cùng Trung ương Đảng bình tĩnh, sáng suốt phân tích tình hình, kịp thời đề ra đường lối đúng đắn và những biện pháp khôn khéo để từng bước giải quyết nạn đói, phát triển kinh tế, văn hóa; tiêu diệt nạn dốt; tổ chức thành công tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, soạn thảo và thông qua Hiến pháp 1946; đồng thời tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại khẩn cấp (ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946…), góp phần kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá cho việc chuẩn bị tinh thần và lực lượng của dân tộc khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 sau đó!

Đó là, hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước không chỉ là khát vọng ngàn đời của mỗi một quốc gia, dân tộc mà đó còn là quyền thiêng liêng nhất, là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc đó trong cộng đồng thế giới. Vì thế, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi (1945-1954), khi đế quốc Mỹ cam tâm phá hoại Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương (20/7/1954), chia rẽ hai miền Nam, Bắc; nhất là khi vĩ tuyến 17, Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Luật 10/59, chính sách “tố cộng, diệt cộng”, dồn dân lập ấp chiến lược, đàn áp, bắt bớ, tù đầy và ngăn cản sự thống nhất Bắc - Nam được Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực thi ở miền Nam, thì một “địa ngục trần gian” ở miền Nam có thể chia cắt đất nước ta về không gian và thời gian, song đã không thể chia cắt ý chí và niềm tin của cả dân tộc về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ!

Thực tế, đến cuối năm 1958 đầu năm 1959, cách mạng miền nam đứng trước những thử thách ác liệt. Kẻ thù đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên (7/1955 - 2/1956); riêng ở Nam Bộ, chúng đã giết hại khoảng 68.000 cán bộ, đảng viên, bắt 446.000 người (1955- 1958)… Cho nên, đứng trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới, nhằm duy trì và phát triển phong trào cách mạng, đáp ứng đòi hỏi bức xúc của cán bộ, đảng viên, của đồng bào yêu nước miền Nam và cũng là đòi hỏi cấp bách của lịch sử, Hội nghị lần thứ 15(mở rộng, từ ngày 12-22/1/1959) đã nhận định: "Cách mạng Việt Nam do Ðảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội"[3].

Thực hiện Nghị quyết 15 và sau đó là Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960) cùng nhiều Nghị quyết chuyên đề khác, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cứu nước của nhân dân ta từng bước giành được thắng lợi, tiến tới cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

2. Lịch sử là không thể phủ nhận! Sự thật cũng không thể bẻ cong!

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 15 năm đấu tranh cách mạng đầy gian khó "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" để giành lại độc lập, tự do từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp (1930-1945); trong hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được cũng đồng thời là 30 năm đầy hy sinh, đau thương, mất mát đã giúp cho mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính hiểu sâu sắc hơn, trân trọng hơn giá trị của một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất; nhân dân Việt Nam được sống trong bình yên, hạnh phúc kể từ sau khi Tổ quốc thống nhất.

Trong hành trình đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đó, đồng bào miền Bắc, hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã làm hết sức mình để chi viện cho miền Nam ruột thịt. Và cũng trong những năm tháng đầy hy sinh oanh liệt đó, đã có biết bao cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân Việt Nam không tiếc máu xương của mình để hiến dâng cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu xương của họ đã hóa thành hồn thiêng sông núi. Mỗi tấc đất trên đất nước này đều thấm máu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước và chính sự hy sinh cao cả của mỗi người "đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chứ không phải là "miền Bắc vào thống trị miền Nam" như các thế lực thù địch kích động lòng dân, bẻ cong sự thật!.

Lịch sử cuộc chiến tranh nhân dân của nhân dân Việt Nam để thực hiện khát vọng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đã được minh định. Trên những chặng đường lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chính trị phù hợp; với phương pháp lãnh đạo đúng đắn đã huy động và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để làm nên thắng lợi cuối cùng. Vì thế, đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa của cả một dân tộc cho tương lai; là sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào và chiến sĩ cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ đó không phải là "Hà Nội quyết định tiến hành chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam" nhằm gây ra "nội chiến kéo dài đến năm 1975, gây ra nhiều đổ vỡ cho đất nước và người dân" như các thế lực thù địch bôi đen, bịa đặt.

Đặc biệt, khi cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, khi khát vọng về một đất nước Việt Nam "non sông liền một dải" đã trở thành hiện thực; khi những hồi ức "ngày Bắc đêm Nam", "kẻ Bắc người Nam" đã trở thành quá khứ và đi liền cùng đó, chế độ Việt Nam cộng hòa thân Mỹ cũng không còn hiện diện thì những kẻ luôn bị "ám ảnh bởi bóng ma quá khứ" đã không chỉ điên cuồng xuyên tạc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn công kích, bôi đen sự thật vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sự thật là, sau khi cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội thì hòa bình, độc lập, tự do và một đất nước Việt Nam khởi sắc, ngày một phát triển sau 30 năm chiến tranh tàn khốc đã mang lại cho mỗi người dân trên mọi miền của Tổ quốc một đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Sự thật cũng là, hòa hợp, hòa giải dân tộc luôn là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, được khẳng định từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 và trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không chỉ được nhân dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế công nhận.

Sự thật còn là, dù tiếp cận từ phương diện lý luận hay thực tiễn cuộc sống, thì vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc nói chung, sau năm 1975 nói riêng ở Việt Nam cũng được triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, theo đúng tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới", việc đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, xoá bỏ mặc cảm, định kiến; đồng thời, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc giữa mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài… để cùng hướng tới tương lai đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế, Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành chức năng không chỉ quan tâm mà còn nỗ lực đề ra các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong tư tưởng trên tinh thần cởi mở, chân thành, kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; thông qua việc đa dạng hoá và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ; mở rộng vận động, tiếp xúc những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng…

Hằng năm, những chương trình Xuân Quê hương- đón yêu thương trong vòng tay Đất mẹ có biết bao người đã từng rời Tổ quốc ra đi lại trở về; đã từng có biết bao người vì hiểu sai mà muốn chống phá Đảng, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân lại trở về trong tình thương yêu, bao dung của Tổ quốc và nhân dân, mà một trong số đó chính là luật sư người Mỹ gốc Việt Hoàng Duy Hùng. Câu chuyện về luật sư Hùng, hành trình hiểu ra sự thật và trở về Tổ quốc của ông là một minh chứng sinh động nhất bác bỏ mọi sự xuyên tạc của những kẻ phản động, cơ hội theo đuôi các thế lực thù địch xuyên tạc, bẻ cong, kích động vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc ở Việt Nam.

Cuối cùng, phải khẳng định rằng, mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường đi của dân tộc mình. Với Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên trì đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu nhất quán, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta từ mùa Xuân năm 1930. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là kiên định một hành trình đi đến tương lai tươi sáng, song rất khó khăn và gian khổ. Tuy nhiên, với mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính thì tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết muôn người như một trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng lòng đi theo Đảng để hướng tới tương lai luôn là niềm tin son sắt trong trái tim và khối óc của mình, bất chấp sự chống phá điên cuồng, bẫy "dân chủ cuội", "nhân quyền dạo", "lái vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc sang hòa hợp với những người bất đồng chính kiến" của các thế lực thù địch!

Mai Luân

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.360

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.191

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.63