Ngày đăng: 19-06-2020 Lượt xem: 1796
Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta. Nếu tính từ tác phẩm đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18/6/1919 đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời tổng thống Mỹ” đăng trên báo Nhân dân ngày 25/8/1969 thì Hồ Chí Minh đã làm báo cả cuộc đời, để lại hơn 2000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký. Người cũng đã sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ - Le Paria năm 1922; Quốc tế nông dân 1924; Thanh niên 1925; Công nông 1925; Lính Kách mệnh 1925; Thân ái 1928; Đỏ 1929; Việt Nam độc lập 1941 vả Cứu quốc 1942. Người cũng đã sử dụng khoảng 150 bút danh viết nên những tác phẩm báo chí xuất sắc bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt...
Là một nhà báo chính luận tầm cỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sử dụng một cách nhuần nhuyễn thể nghị luận để bình luận một cách sâu sắc các vấn đề thời sự - chính trị - xã hội lớn, mà còn thông qua công tác lý luận trên báo, sáng tạo ra lý luận về cách mạng dân tộc giải phóng ở các nước thuộc địa và lý luận về gìn giữ chính quyền và xây dựng đất nước sau khi cách mạng giành thắng lợi.
Sau những năm bôn ba Hải ngoại, năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại Hội nghị lần thứ tám của Trung ương (tháng 5/1941), Nghị quyết Hội nghị chủ trương: “Trong lúc này không nên đưa chủ nghĩa Cộng sản ra tuyên truyền, huy hiệu cờ đỏ búa liềm không nên dùng luôn. Các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc và Việt Minh thay vào".
Số báo đặc biệt của Báo Việt Nam Độc lập
Vì vậy, sau hội nghị, Nguyễn Ái Quốc chủ trương ra báo Việt Nam độc lập, trực tiếp chỉ đạo biên tập bài, in và phát hành. Báo ra số 1 ngày 1/8/1941 với danh nghĩa là của tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng, sau phát triển thành Cao Bằng - Bắc Kạn rồi Cao - Bắc - Lạng. Tên của Báo bao gồm cả mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, khẩu hiệu hành động. Số 1 được đánh số là 101 với ý nghĩa kế tục lịch sử của những tờ báo cách mạng trước đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lênin - “tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo”, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo nhưng phải làm bí mật vì luôn luôn có mật thám của Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò. Điều kiện sinh hoạt thì bữa đói, bữa no. Làm báo thì phải có đá in. Mấy đồng chí đã đi lấy trộm những tấm bia đá, rồi mài mặt mấy ngày mới thành bản in. In thì phải viết chữ trái lên đá, thế là có một đồng chí phải hì hục tập viết chữ trái. Mấy số báo đầu, ba, bốn anh em cùng làm nhưng in cứ toe toét, chỉ in được ít và xấu xí. Nhưng về sau, cứ tiến bộ dần, mỗi lần in được gần 300 số. Phải đặt ba “nhà in" ở ba chỗ khác nhau. Khi động chỗ này thì chạy đến chỗ khác mà in và báo vẫn ra đúng định kỳ. Địch chịu không làm gì được. Vấn đề giấy cũng gay. Lúc bấy giờ ai mua nhiều giấy, địch cũng nghi và theo dõi. Các chi em phụ nữ đi chợ mua tờ, nói dối là mua cho con cháu học rồi góp lại để in báo. In bàn đá, muốn sửa chữa, phải dùng axit thì mua đâu được? Có đồng chí nghĩ ra cách dùng chanh thay axit. Chị em phụ nữ lại giúp mua chanh để ủng hộ báo. Còn việc phát hành: để báo ở các hang đá bí mật. Các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh cứ thế đến đó mà lấy. Báo bán hẳn hoi chứ không biếu. Thế là mọi việc đều dựa vào quyết tâm của mình, dựa vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng. Đồng bào địa phương rất thích đọc báo vì báo viết gì nói gì cũng thấm với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính giọng đọc báo để làm “binh vận".
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những tổ chức, chỉ đạo mà còn trực tiếp viết báo, sửa bài, tham gia trình bày và in, phát hành tờ báo đến tháng 8/1942. Trong khoảng thời gian đó, báo xuất bản được trên 30 số. Qua tờ báo, người đọc thấy rõ được những chủ trương, đường lối của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình bày một cách rất cụ thể bằng một phương pháp rất đặc biệt, một lối văn rất dễ hiểu, sâu sắc, gây xúc động lòng người. Sau đó, đồng chí Phạm Văn Đồng được Người giao nhiệm vụ tiếp tục phụ trách báo Việt Nam độc lập đến tháng 4/1945. Báo không chủ động được giấy in nên khổ giấy to, nhỏ không đều nhau, màu sắc giấy xanh đậm, nhạt hoặc trắng.
Báo Việt Nam độc lập có 4 mục chính: Những câu tuyên truyền in trên đầu trang nhất, xã luận, tin trong nước và thế giới, vườn văn. Mục “Ủng hộ báo” biểu dương những người có thành tích và giới thiệu, quảng cáo một số sách của Việt Minh xuất bản. Trong số 1, Báo đăng bài xã luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là bài trình bày tôn chỉ mục đích của tờ báo: "Báo Việt Nam độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu đần, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”.
“Việt Nam độc lập” thổi kèn hoa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta”.
(Số 101 ngày 1/8/1941)
Ngoài những bài thông tin, thơ ca “Nước Nam là nước của ta/ Nước kia đã mất thì nhà còn đâu” - (Số 102 ngày 11/8/1941) hay “Có Tổ quốc mới có ta/ Nước là rất trọng, ta là rất khinh” - (Số 103 ngày 21/8/1941)… Người đã viết những bài chính luận đanh thép trong khuôn khổ tôn chỉ mục đích của tờ báo. Các bài xã luận trên báo nhằm mục đích làm cho mọi người nhận rõ Pháp, Nhật là kẻ thù của dân tộc ta; cổ động quần chúng hành động cứu nước. Báo Việt Nam độc lập giữ vững tinh thần kiên trì, sáng tạo, khắc phục khó khăn, luôn đề cao cảnh giác trong quá trình biên tập, phát hành và hơn hết đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó với các cơ sở Việt Minh và quần chúng cách mạng địa phương.
Lời giới thiệu Báo Việt Nam độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Việt Nam độc lập theo sát sự phát triển của phong trào Việt Minh được nhen nhóm từ Cao Bằng rồi lan truyền khắp cả nước và hoàn thành xuất sắc các chức năng của báo chí thời cách mạng như tuyên truyền, hướng dẫn và định hướng dư luận, tập hợp lực lượng và đưa quần chúng ra đấu tranh. Trước hết, báo kể tội: “Giặc Nhật cưỡi cổ giặc Tây/ Giặc Tây cưỡi cổ một bầy dân Nam”, làm cho dân ta cực khổ vì sưu cao, thuế nặng, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu muối với đồng bào miền núi, nạn bắt thanh niên đi lính chết thay cho chúng. Dân tộc ta, nhân dân ta muốn sống thì phải mau mau đoàn kết lại đánh đuổi Pháp, Nhật.
Bám sát sự phát triển tình hình chính trị trong nước, Báo Việt Nam độc lập luôn có những bài bình luận sắc sảo về sự kiện chính trị quan trọng xung quanh cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3/1945. Số 208 (ngày 13/3/1945) đăng bài “Một sự chuyển biến to ở Đông Dương: Phát xít Nhật triệt người Pháp” đã viết: “Trên trường chính trị Đông Dương, đoàn thể Việt Minh và dân chúng Đông Dương chỉ có một kẻ thù là quân phát xít Nhật và tất cả lực lượng và mũi tên của người ái quốc Việt Nam hoàn toàn chĩa vào kẻ thù duy nhất ấy là quân phát xít Nhật”. Bài “Thái độ của chúng ta đối với người Pháp” xác định rõ: “Đối với người Pháp có ý chống Nhật và bị Nhật khủng bố chúng ta phải tỏ lòng thân thiện và họ muốn bắt tay với chúng ta đánh Nhật thì chúng ta vui lòng bắt tay”. Số 213, ngày 21/4/1945 có bài “Triều đình Huế đã tự kết án tử hình”.
Mặc dù dưới danh nghĩa là tờ báo địa phương nhưng Báo Việt Nam độc lập đã có những vai trò lớn trong việc tuyên truyền, cổ động và tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng từ năm 1942-1945, Việt Nam độc lập cùng với hệ thống báo chí tuyên truyền của Đảng đã góp phần chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Thời gian sau đó, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách dân tộc của Đảng, tháng 8/1956, Khu tự trị Việt Bắc được thành lập. Khu ủy đã quyết định chuyển báo Việt Nam độc lập từ tỉnh Cao Bằng về làm cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam Khu tự trị Việt Bắc. Đầu năm 1976, Khu tự trị Việt Bắc được giải thể, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang do Đảng và Nhà nước giao cho; đồng thời Báo Việt Nam độc lập cũng ngừng xuất bản. Báo Việt Nam Độc Lập đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Hoàng Minh