Ngày đăng: 30-04-2019 Lượt xem: 2544
Cứ đến dịp 30-4 hàng năm, dù nhiều người vẫn ra rả nói về “hòa hợp”, “hòa giải dân tộc”…, nhưng vẫn tỏ ra cay cú khi nhắc đến những cụm từ hoặc nêu các nội dung mang hàm ý “bên thắng cuộc”, “bên thua cuộc”. Thực sự thì, kết thúc 30 năm chiến tranh, trong đó có hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ và các chính quyền tay sai, cả nhân dân Việt Nam đều là người thắng cuộc.
Trước hết, cần phải có một nhận thức thống nhất về cuộc chiến 1954 – 1975 tại Việt Nam, không được lập lờ về bản chất của cuộc chiến này. Đó là một cuộc chiến chống xâm lược của đế quốc Mỹ, từ việc chống chính quyền tay sai của Mỹ rồi đến việc chống đế quốc Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến. Nên chiến thắng năm 1975 thực sự là chiến thắng của dân tộc Việt Nam đối với chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Nếu nói rằng có một kẻ thực sự thua cuộc thì đế quốc Mỹ sau nhiều năm can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp, hao tốn nhiều tiền của và sinh mạng, đồng thời cũng gây bao nhiêu đau thương, mất mát cho dân tộc ta, mới chính là kẻ thua cuộc!
Chúng ta đều nhớ rằng sau ngày 30-4-1975, khi Tổng Bí thư Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, ông nắm tay đưa lên cao, nói với giọng đầy cảm xúc: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Vâng, đối với người Việt Nam, đây là một thắng lợi chung của cả dân tộc chứ không phải thắng lợi của ai đó và số khác bị thua cuộc. Nhìn lại suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hầu như gia đình nào cũng có mất mát. Rất nhiều gia đình có người theo bên này hoặc bên kia, ngay cả sự đối đầu nhau về ý thức hệ, về chiến tuyến cũng đã là mất mát. Rồi tính mạng và tài sản, tự do và hạnh phúc…, buộc người ta phải lựa chọn, đánh đổi ở hầu hết các gia đình tại miền Nam. Điều này đã được chính nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu vào năm 2005: “Đối với Việt Nam, nhất là ở miền Nam, tôi thường biết và hiểu nhiều gia đình đều có hai bên hết. Chính trong thân tộc của tôi, các anh em tôi, các cháu ruột của tôi cũng có số bên này và số bên kia. Cái đó có hoàn cảnh của nó. Có những gia đình một người mẹ có con đi chiến đấu, chết ở bên này và đứa con khác thì đi chiến đấu chết ở phía bên kia...". Vì vậy, khi chiến tranh kết thúc thì những lo lắng, sợ hãi tên bay đạn lạc của chiến tranh, về sự “đối đầu” bất đắc dĩ đó mới thực sự chấm dứt.
Không chỉ vậy, rất nhiều đàn ông hiện tuổi trên dưới 70, trước năm 1975 đã phải hủy hoại thân thể để tránh đi quân dịch, người chặt ngón tay, kẻ làm hỏng mắt… Cũng có không ít người khác đã đi quân dịch rồi phải tự hủy hoại thân thể của mình để được giải ngũ hoặc chỉ để được… ở tù nhằm tránh phải hy sinh vô nghĩa cho chiến tranh dù họ là những người được trả lương cao, được “trang bị tận răng”. Họ đều là nạn nhân của chiến tranh. Và, khi chiến tranh kết thúc, mọi người đều vui mừng, bởi người ta không còn lo bị bom rơi đạn lạc, không trở thành nạn nhân của những vụ thảm sát kiểu Sơn Mỹ, Thạnh Phong, không phải tự hủy mình để khỏi đi quân dịch…
Trong khi đó, chúng ta cũng đều biết có những cá nhân trưởng thành, thành danh từ chế độ cũ và tài năng đã thăng hoa sau ngày thống nhất đất nước. Diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín là một thí dụ. Anh thực sự được mọi người nhớ đến với vai chính Nguyễn Thành Luân - hình tượng nghệ thuật của nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo - trong bộ phim “kinh điển” Ván bài lật ngửa. Hay nhà kinh tế học, một nhân sĩ rất nổi tiếng là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (1921 - 2003), người từng 2 lần làm quyền Thủ tướng của chế độ Sài Gòn, sau này trở thành đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là cố vấn kinh tế cho các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…
Cũng với phát biểu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đó, người ta hay nhắc lại câu: "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn", để nhấn mạnh đến cái vế “hàng triệu người buồn" mà cố tình lờ đi ý phía trên. Thậm chí, trong từng cá nhân có thể có cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Chẳng hạn, người ta có thể vui với nỗi mừng kết thúc chiến tranh nhưng cũng có thể buồn khi phải nhớ lại những cảnh tang thương, mất mát trước đó. Nhưng trên hết, nỗi buồn thực sự đã bị đẩy lùi và tương lai của đất nước, của mỗi cá nhân được bắt đầu bằng một trang mới. Dẫu biết rằng có một số cá nhân phải chịu những xử lý cụ thể thì suy cho cùng cũng là kết cục cho những gì họ đã làm trước đó, không thể nói họ là nạn nhân của chế độ mới!
Dịp 30-4 là một dịp vui mừng lớn của dân tộc, vì kỷ niệm ngày thắng lợi trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, vì kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Nếu thực lòng muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc thì đừng nên nhắc đến các cụm từ “bên thắng cuộc”, “bên thua cuộc” nữa. Suy cho cùng, không có niềm vui nào mà không phải đánh đổi, nên niềm vui và nỗi buồn có thể đan xen nhau. Khi tận hưởng niềm vui, ta có thể không quên những điều không vui trước đó nhưng đừng khơi gợi quá nhiều ký ức đau buồn để không làm tái phát vết thương cũ vốn đã lành rồi!
NGŨ YÊN