flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong giảng dạy lý luận

Ngày đăng: 09-03-2018 Lượt xem: 2932

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải đi vào chiều sâu, thành phong cách của mỗi người cụ thể. Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh là quá trình tổng hợp, vận dụng, phát triển phong cách tư duy của Người vào quá trình rèn luyện tư duy của mình.

Tư duy bao giờ cũng gắn với một chủ thể và vì thế tư duy là nhân tố khởi đầu, nội dung cơ bản tạo nên phong cách của họ. Tất cả các hoạt động của con người đều bắt đầu từ tư duy. Tư duy phát triển đến trình độ độc lập, sáng tạo mới có thể trở thành phong cách tư duy ở một chủ thể. Phong cách tư duy thể hiện trình độ độc lập, sáng tạo và có sắc thái riêng của một chủ thể trong phản xạ với các tình huống từ thực tiễn. Hồ Chí Minh có một phương pháp tư duy vừa khoa học, vừa mang sắc thái riêng, thể hiện một phong cách tư duy rất độc đáo và có ý nghĩa định hướng khoa học, nhất là đối với những người làm công tác giảng dạy lý luận.

Thứ nhất, học tập và làm theo phương pháp xác định điểm xuất phát, mục đích phát triển tư duy.

Ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã lấy hiện thực xã hội Việt Nam làm điểm xuất phát cho hình thành, phát triển tư duy và lấy giải phóng dân tộc là mục đích nhất quán. Tư duy là cái phản ánh, cho nên điểm xuất phát cho phát triển tư duy là hiện thực khách quan - hiện thực xã hội. Sự kết hợp giữa hai tiền đề trên vừa là điểm xuất phát, vừa là động lực cho Hồ Chí Minh trăn trở, nung nấu tìm đường cứu nước theo phương pháp mới. Hồ Chí Minh không tán thành với phương pháp, con đường cứu nước của các nhà yêu nước đương thời. Theo Người đó “chẳng khác nào đuổi hùm cửa trước, rước beo cửa sau”. Người ra nước ngoài tìm đường khác cứu nước, cứu dân. Khi vận dụng vào học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh, các chủ thể nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị cũng phải xác định được điểm xuất phù hợp, mục đích phát triển tư duy của riêng mình. Điểm xuất phát cho học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh hiện nay là sự nghiệp đổi mới đất nước, thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam có đặc điểm mới. Mục đích có tính đặc thù của các chủ thể nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay là nâng cao chất lượng truyền thụ tri thức lý luận; rèn luyện tư duy độc lập sáng tạo của mình và dẫn dắt người học đạt mục tiêu, yêu cầu của giáo dục và đào tạo. Khi điểm xuất phát cho phát triển tư duy và mục đích có tính đặc thù ấy được chuyển hóa vào chương trình, nội dung, kế hoạch, phương pháp phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của từng chủ thể cũng có nghĩa đã diễn ra qua trình học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Trên cơ sở những vấn đề có tính chung ấy, mỗi cán bộ, giảng viên nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị tiếp tục cụ thể hóa hơn, sát hợp hơn với từng cương vị, vị trí, chức trách của mình một cách sát thực, làm cho học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh thực sự có tính phong phú, sinh động.

Thứ hai, học tập và làm theo phương pháp kế thừa tri thức nhân loại. 

Hồ Chí Minh đã thể hiện phương pháp kế thừa tri thức nhân loại một cách khoa học trong phát triển tư duy của Người. Hồ Chí Minh tiếp xúc với nhiều lý thuyết, học thuyết và luôn thể hiện phương pháp kế thừa, phê phán mang tính độc đáo, riêng biệt, nhưng rất khoa học. Trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người cũng đã tiếp xúc với nhiều lý thuyết, nhưng không đi theo một lý thuyết nào. Bởi những lý thuyết ấy không giúp làm sáng tỏ hiện thực, mâu thuẫn xã hội Việt Nam; không thực hiện được mục đích giải phóng dân tộc. Đến khi đến với Sơ thảo các vấn đề về quyền tự quyết các dân tộc của V.I. Lênin, Người đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam.

Lý luận về con đường cách mạng Việt Nam là sản phẩm của kế thừa tri thức nhân loại với tri thức được tích lũy từ hoạt động thực tiễn cách mạng và chuyển hóa thành tư duy của Người. Ở đó, Hồ Chí Minh đã thể hiện một phương pháp khoa học trong kế thừa và thực hiện phát triển tư duy độc lập sáng tạo. Lý luận về con đường cách mạng Việt Nam là “tri thức mới” được Hồ Chí Minh sáng tạo ra. Nó thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất cách mạng, khoa học, nhưng đặc sắc riêng về tư duy của Người. Ở đó không  có  biểu hiện của giáo điều, rập khuôn máy móc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ta không thể giống Liên xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử, địa lý khác…”.

Phương pháp kế thừa tri thức nhân loại trong phát triển tư duy độc lập, sáng tạo có ý nghĩa định hướng khoa học cho học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh hiện nay. Định hướng ấy được cụ thể hóa bằng lời chỉ dẫn học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là “học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác -Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm nhưng không nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là những công thức có sẵn”.

Việc học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh của các chủ thể nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay cũng phải bắt đầu từ hình thành phương pháp kế thừa tri thức nhân loại phù hợp với định hướng của Người. Học tập và làm theo này trước hết thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng như phương pháp của Người. Trên cơ sở ấy tiến đến bước phân loại; thể hiện thái độ kiên quyết loại bỏ những quan điểm sai trái, tập trung vào nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, thành tựu khoa học tự nhiên và giá trị nhân đạo, nhân văn ở các lĩnh vực làm giàu tri thức. Tiếp đến là liên tục thực hiện các bước chuyển hóa trong phát triển tư duy độc lập, sáng tạo. Mỗi kết quả của quá trình làm giàu tri thức phải gắn với một bước tiến về trình độ tư duy bằng các phương pháp chuyển hóa và tạo thành một chuỗi lô gích trong phát triển. Phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có tính hệ thống, cơ bản, có chiều sâu và không ngừng chiếu dọi làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực tiễn đổi mới giáo dục và đào tạo…

Thứ ba, học tập và làm theo phương pháp diễn đạt ngôn ngữ

Ngôn ngữ là cái “vỏ vật chất” của tư duy. Qua ngôn ngữ biểu hiện rõ trình độ tư duy, đồng thời phản ánh tính độc lập, sáng tạo của tư duy của một chủ thể rất sâu sắc. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh biểu hiện rõ nét nhất trong diễn đạt ngôn ngữ của Người, vừa thể hiện trình độ tư duy khoa học rất cao, vừa mang sắc thái riêng, độc đáo sâu sắc. Người đã phổ thông hóa tư duy trình độ cao bằng ngôn ngữ dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với nhận thức của người đọc một cách tài tình. Tư tưởng của Hồ Chí Minh nói cho ai nghe, viết cho ai đọc có giá trị định hướng cần quán triệt, vận dụng định hướng thường xuyên, liên tục. Giảng dạy lý luận chính trị hiện nay có nhiều hạn chế, bất cập ở phương pháp sử dụng ngôn ngữ bị bó hẹp trong giáo trình hay lý luận trong kinh điển. Các chủ thể nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phải bám sát định hướng nói cho ai nghe, viết cho ai đọc để tìm tòi, vận dụng ngôn ngữ một cách sinh động, phong phú. Tích cực nghiên cứu, học tập, làm giàu vốn từ vựng và sử dụng linh hoạt vốn từ ấy vào truyền thụ nội dung lý luận chính trị cho sát với trình độ người học và nhiều kênh tiếp cận. Cùng một nội dung lý luận, luận điểm có tính “hàn lâm” khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng phải sử dụng ngôn ngữ với nhiều tầng, bậc khác nhau trong truyền thụ. Kết hợp giữa dùng ngôn ngữ có tính chất hàn lâm khoa học với ngôn ngữ có tính phổ thông một cách linh hoạt để người học hiểu cái trừu tượng từ cái đơn giản, từ ngôn ngữ dễ hiểu. Muốn vậy, các giảng viên phải đọc nhiều, đọc nhiều loại sách chính thống, thậm chí cả vốn từ vựng thuộc các ngoại ngữ khác nhau.

Sử dụng ngôn ngữ trong nghiên cứu cũng như trong truyền thụ tri thức, các giảng viên lý luận chính trị cũng khắc phục hai xu hướng, một là chỉ dùng ngôn ngữ có tính hàn lâm khoa học, hai là quá lạm dụng ngôn ngữ phổ thông dễ trượt vào thông tục, thô thiển hóa tri thức lý luận. Tăng tính lập luận, chứng minh có tính lô gích trong giảng giải lý luận để có sức thuyết phục về khoa học. Đồng thời sử dụng các điển tích lịch sử, các ví dụ thuộc khoa học tự nhiên, tạo cho người học dễ hiểu trừu tượng của lý luận.

Thứ tư, thường xuyên rèn luyện tư duy

Tiếp cận học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở các phương diện cụ thể, mà còn phải tổng hợp lại để thấy nó là một quá trình biện chứng, thống nhất. Biểu hiện tập trung nhất quá trình ấy là ở sự rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh thể hiện một phương pháp khoa học và đức tính kiền trì, bền bỉ trong rèn luyện tư duy độc lập, sáng tạo. Sự kết hợp giữa phương pháp với đức tính kiên trì trong rèn luyện có giá trị định hướng cho các thế hệ sau học tập và làm theo phong cách tư duy của Người một cách khoa học. Có thể thấy giá trị định hướng cho học tập và làm theo phong cách tư duy của Người trong quan hệ giữa những vấn đề có tính “bất biến” về nguyên tắc, mục đích với tính “vạn biến” về phương pháp, cách thức thực hiện. Sự khái quát cao nhất quan hệ có tính nguyên tắc trong tư duy của Người là dĩ bất biến, ứng vạn biến. Nguyên tắc ấy được Hồ Chí Minh vận dụng vào từng giai đoạn, từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ từ vĩ mô đến vi mô một cách kiên định, nhất quán, nhưng linh hoạt sáng tạo.

 

Đại tá, TS Nguyễn Văn Thanh

Đại úy Trần Mạnh Quân Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng