flag header

Tin tứcChống DBHB

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều : Một cái tát vào mặt các nhà "rận chủ"!

Ngày đăng: 27-02-2019 Lượt xem: 15279

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2-2019 tại Hà Nội. Trong khi người dân cả nước hướng đến sự kiện này với niềm lạc quan, tin tưởng, hào hứng thì có vẻ như một số nhà “rận chủ” - những kẻ “theo đóm ăn tàn” của các thế lực phản động nước ngoài, những người có thành kiến với chế độ, những kẻ thù hằn dân tộc… - dường như rất thất vọng!

Không thất vọng sao được, bởi lâu nay, họ vốn rất hăm hở với việc một số quốc gia, tổ chức quốc tế “vô công rỗi nghề” chuyên xen vào công việc nội bộ của nước khác hay tạo ra các cái gọi là “bản phúc trình”, “báo cáo”, “điều trần”… về tình hình tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, nhân quyền… của Việt Nam. Họ lấy điều đó là “minh chứng” cho các “hiện trạng tiêu cực” trong nước, rồi hô hào phải cải cách, cải tổ này nọ. Như về tự do ngôn luận, họ mượn cớ Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng để làm điều mà họ cho là “bóp nghẹt tự do ngôn luận”, rằng “không thể tự do viết facebook”…, rồi xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền ở nước ta. Kỳ thực sau 2 tháng Luật An ninh mạng có hiệu lực, trừ những người lợi dụng không gian mạng để xâm phạm đến an ninh quốc gia, đến lợi ích hợp pháp và chính đáng của các cá nhân, tổ chức và xã hội bị xử lý, còn lại mọi người vẫn có quyền sử dụng không gian mạng, trong đó có mạng xã hội, một cách tự do và bình thường như trước giờ. Tức là, một số kẻ đã phóng đại quá mức về cái mà họ gọi là “khả năng đàn áp tiếng nói dân chủ” – thực sự chỉ là việc xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật mà bất kỳ quốc gia nào cũng thực hiện – để hòng dựng thành các chiêu bài, các ngọn cờ thu hút những người nhẹ dạ tham gia, hưởng ứng. Nhưng dĩ nhiên, như mọi lần, họ đã hoàn toàn thất bại!

Với Hội nghị Mỹ - Triều, sau lần thành công ở Singapore, nhiều nước đã đặt vấn đề nếu có một cuộc gặp thượng đỉnh mới, Việt Nam sẽ là ứng viên đăng cai sáng giá. Ngoài những lý do về yếu tố địa-chính trị, yếu tố an ninh, an toàn của Việt Nam hẳn nhiên là điều kiện tiên quyết để được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên. Đến khi Việt Nam được chọn đăng cai, đâu đợi người Việt Nam tự khen mình, truyền thông thế giới đã đồng loạt ca ngợi Việt Nam với những nhận định khách quan, chính xác chứ không phải là những lời có cánh cho vui vẻ các bên. Truyền thông Séc cho rằng, một trong những lý do quan trọng khiến Mỹ và Triều Tiên nhất trí lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức cuộc gặp, đó là Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Washington cũng như Bình Nhưỡng và hai nước đều có đại sứ quán tại Hà Nội. Tờ Japan Times của Nhật đánh giá, “Việt Nam là một lựa chọn lý tưởng cho cuộc gặp. Việt Nam có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên, có bộ máy an ninh hoạt động rất hiệu quả, luôn được các nhà lãnh đạo nước ngoài đánh giá cao”. Kênh truyền hình Al-Jazeera nhận định, “sẽ thật có ý nghĩa khi hòa bình đạt được ở Hà Nội, thủ đô duy nhất trong 15 năm qua ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận giải thưởng “Thành phố vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)”…[1]

Nhân sự kiện được cả thế giới quan tâm này, truyền thông quốc tế đã đổ về Việt Nam. Dự kiến có khoảng 2.600 phóng viên từ tất cả các hãng truyền thông lớn của thế giới đều có mặt (so với 2.500 phóng viên tại Hội nghị Thượng định Singapore năm 2018). Các từ khóa “Việt Nam”, “múi giờ Việt Nam”, “Hà Nội”… đã được truy cập rất nhiều trên Google và các trang tìm kiếm khác, không chỉ của cánh phóng viên, của người dân Mỹ và Triều Tiên mà còn của người dân nhiều nước khác. Các phóng viên sẽ đưa tin đến toàn thế giới không chỉ các nội dung và các thông tin bên lề của Hội nghị mà còn rất nhiều điều khác của Việt Nam. Về cơ bản, đây là một cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, quảng bá du lịch không thể tuyệt vời hơn!

Nhiều người trong dịp này cũng nhắc lại những hình ảnh đẹp đẽ và hiếm có về các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo nước ngoài đã đến Việt Nam và có những trải nghiệm độc đáo, nào là tổng thống ăn bún chả hay đi bách bộ, thủ tướng chạy bộ hoặc uống cà phê vỉa hè… Hay hình ảnh nhiều nhà lãnh đạo có thể thoải mái trò chuyện với người dân Việt Nam trên phố cũng để lại ấn tượng sâu sắc về một đất nước yên bình, hiếu khách mà không phải nơi nào cũng có được.

Vậy nên, sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều như là một cái tát vào mặt các nhà “rận chủ”. Vì tư tưởng vọng ngoại, tự ti, mang đầy “căn tính nô lệ”, họ luôn mong mỏi đất nước mình nghèo hèn, bị bao vây, bị phân biệt đối xử, rồi lớn tiếng kêu gọi “nước ngoài giúp đỡ” thực chất là cúi đầu mời kẻ khác về làm chủ đất nước mình, uốn lưng xin kẻ khác “rủ lòng thương”. Khi thấy Hội nghị vẫn diễn ra ở Việt Nam, một số kẻ quá thất vọng nên đâm ra rối trí, vội vã bịa ra những tình tiết như Tổng thống Donald Trump sẽ gặp gỡ “các nhà tranh đấu”, gặp mặt “dân oan”, “tặng tiền cho nạn nhân của chế độ cộng sản”… Có kẻ còn kêu gọi tổng biểu tình để “Đưa đất nước Việt Nam tự do trở lại”, hay đặt các khẩu hiệu kêu gọi “Trump Trump Trump – Giúp chúng tôi làm Việt Nam tự do trở lại”... Thực ra những tiếng nói, những hành động này tự nó đã cho thấy sự lạc điệu, khi chính người dân bình thường cũng nhận ra sự vô nghĩa và tào lao của nó!

Vậy nên, sự kiện Hội nghị Mỹ - Triều một lần nữa cho những nhà “rận chủ” sáng mắt mà quay đầu là bờ!

NGŨ YÊN

 

[1] Xem thêm Việt Nam - “nguồn cảm hứng của hòa bình” của tác giả Mỹ Hạnh, Báo Nhân dân, ngày 24-2-2019.