Ngày đăng: 15-07-2025 Lượt xem: 13
Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910 - 15/7/2025), ngày 15-7-2025, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Người cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
PGS, TS Đinh Ngọc Giang phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo_Ảnh: HCMA
Dự và chủ trì Hội thảo có PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS, TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; TS Đinh Ngọc Quý, Phó Viện trưởng.
Dự Hội thảo có TS Trương Công Đắc, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Học viện; đại diện lãnh đạo các vụ, viện của Học viện; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Duy Trinh, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện; các cơ quan báo chí, truyền thông đến dự và đưa tin hội thảo.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Đinh Ngọc Giang khẳng định: Với 75 năm tuổi đời, 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm tri ân, làm rõ thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Nghệ An; góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên phát triển mới.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền), sinh ngày 15-7-1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là phường Vinh Lộc, tỉnh Nghệ An. Trải qua quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách, như: Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ, Bí thư Liên khu ủy 5 kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, v.v. Tại Đại hội II của Đảng (năm 1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đến Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa II (năm 1955), được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (năm 1956), được bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và là đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Toàn cảnh Hội thảo_Ảnh: HCMA
Hơn 20 tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, luận giải sâu sắc và làm sáng tỏ về thân thế, sự nghiệp, hoạt động, cống hiến của đồng chí Nguyễn Duy Trinh - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, nhà ngoại giao tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Thứ nhất, ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh
Nghệ An là vùng đất đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi sản sinh ra nhiều bậc anh hùng dân tộc, chí sĩ yêu nước,... Sinh ra trong một gia đình và dòng họ giàu truyền thống yêu nước, được hấp thụ giá trị tốt đẹp của quê hương đã hun đúc nên nhân cách cao đẹp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Đó chính là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh, để khi đồng chí bắt gặp lý tưởng cách mạng đã dấn thân và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của dân tộc.
Thứ hai, những hoạt động và đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong cuộc đấu tranh giành chính quyền
Là thành viên của Đảng Tân Việt, đồng chí Nguyễn Duy Trinh có đóng góp quan trọng trong việc gây dựng cơ sở của Đảng Tân Việt ở Vinh và Sài Gòn. Sau khi được trả tự do, cuối năm 1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng.
Trở về quê hương khi cao trào cách mạng Xôviết Nghệ - Tĩnh đang diễn ra sôi nổi, đồng chí nhanh chóng hòa nhập và tham gia lãnh đạo phong trào trên địa bàn huyện Nghi Lộc, được tín nhiệm phân công làm Bí thư Huyện ủy. Tuy nhiên, do địch khủng bố dữ dội, cuối năm 1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai.
Gần 14 năm trong các nhà tù đế quốc, nhất là thời gian bị lưu đày ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, trên cương vị Bí thư Chi bộ nhà tù, đồng chí luôn tiên phong tổ chức các cuộc đấu tranh chống chế độ lao tù khắc nghiệt, cải thiện đời sống tù nhân, đồng thời tích cực học tập, nghiên cứu lý luận, góp phần biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng của những người cộng sản. Tháng 5-1945, sau khi được trả tự do, đồng chí tích cực tham gia tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Vinh và Huế trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Thứ ba, hoạt động và đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh trên các cương vị công tác, đặc biệt là khắc họa và làm nổi bật hình ảnh của nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đảm trách các cương vị lãnh đạo của Xứ ủy Trung Bộ, Khu ủy Liên khu V, cùng với Xứ ủy Trung Bộ, Khu ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu V lãnh đạo quân và dân Nam Trung Bộ tiến hành chiến tranh cách mạng, xây dựng lực lượng kháng chiến, củng cố hậu phương vững chắc về mọi mặt, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Trung Bộ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được tín nhiệm bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, rồi Bộ Chính trị và đảm trách những trọng trách trong Chính phủ. Trên các cương vị công tác, đồng chí đã tham mưu Trung ương Đảng, Chính phủ hoạch định những chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp, trong điều kiện đất nước bị chia cắt hai miền, thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
15 năm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1965-1980), đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đóng góp tích cực vào việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và mở rộng đoàn kết quốc tế, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, với các nước xã hội chủ nghĩa anh em; góp phần đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Đồng chí được đánh giá là nhà ngoại giao bản lĩnh, sắc sảo, luôn kiên định nguyên tắc dân tộc - độc lập - hòa bình, đồng thời vận dụng hiệu quả phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong quan hệ quốc tế.
Thứ tư, tấm gương đạo đức mẫu mực, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Trinh
Từ một thanh niên yêu nước chân chính, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và trở thành một chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên. Với ý chí, nghị lực và niềm tin sắt son vào cách mạng, đồng chí không quản ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng đi đến những nơi khó khăn, nguy hiểm nhất. Thời gian bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc, trước kẻ thù hung bạo, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, kiên trung với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Trong hoạt động thực tiễn, đồng chí luôn gương mẫu đi đầu, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng, chủ trương, đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Từ việc làm rõ về cuộc đời và luận giải sâu sắc, toàn diện về cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh với cách mạng Việt Nam, các tham luận, các ý kiến khẳng định: Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là tấm gương sáng ngời để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập, noi theo. Đặc biệt, với bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy nhạy bén, kinh nghiệm hoạt động phong phú và phong cách làm việc cẩn trọng, sâu sát, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thể hiện hình ảnh của một nhà ngoại giao tài năng, góp phần xây dựng nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá trong đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Người cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” được tổ chức trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện 4 nghị quyết trụ cột của Đảng, tích cực chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm tri ân, làm rõ thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Nghệ An; góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên phát triển mới.
Đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo
(Theo Tạp chí Lý luận Chính trị)