flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Khi người ta thiên kiến...

Ngày đăng: 08-10-2018 Lượt xem: 3336

Đành rằng hầu hết con người đều hay bị những nhận thức chủ quan, những định kiến chi phối khi nhìn nhận về một sự vật, hiện tượng nào đó, nhưng trên thực tế có không ít người luôn tỏ ra thiên kiến với một số vấn đề. Trong nhiều trường hợp trong xã hội ta, sự thiên kiến đó thực ra một thái độ thiên lệch trong việc tiếp cận các vấn đề mà thực ra bản chất của nó không đáng bị “phân biệt đối xử” như vậy, nhất là những vấn đề có liên quan đến Trung Quốc, đến sự lãnh đạo của Đảng, đến các góc nhìn mới…

Chẳng hạn, liên quan đến đề xuất về chữ viết tiếng Việt của PGS. Bùi Hiền, trong nhiều công kích nhắm vào ông, có không ít ý kiến cho rằng đề xuất của ông làm cho tiếng Việt đọc có vẻ giống với… tiếng Trung Quốc quá! Kỳ thực, qua một số clip “đọc thử” tiếng Việt theo “phiên bản mới”, đã có một sự nhầm lẫn rất lớn đó là người ta áp dụng cách đọc mới cho những chữ viết mới, trong khi tiếng Việt thì chỉ có một cách đọc và đề xuất của ông Bùi Hiền cũng chỉ đề cập việc cải tiến cách viết chứ không cải tiến cách đọc! chẳng hạn, “Luật záo zụk” thì vẫn phải đọc là “Luật Giáo dục” chứ không bẻ miệng bẻ mồm như một số người đã làm, rồi xỉa xói người đề xuất ra nó. Như vậy là thiên kiến!

Hay liên quan đến Luật Đặc khu, không ít người xoáy vào việc luật này nếu được thông qua sẽ cho Trung Quốc thuê đất đến 99 năm, dù rằng trong dự án luật, việc cho thuê đất áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhà đầu tư), không phân biệt trong nước hay ngoài nước, không phân biệt Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác. Dù rằng, căn cứ vào thực tiễn diễn ra ở các nước, chúng ta cần phải cảnh giác việc một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng việc thuê đất để sản xuất, kinh doanh có thể có ý đồ khác, nhưng khi đã cảnh giác thì không thể nói rằng nước này nguy hiểm hơn nước kia hay nước này không đáng ngại bằng nước kia. Lịch sử nước ta đã chứng minh rành rành điều này, nếu soi lại các trường hợp bị xâm lược! Như vậy là thiên kiến!

Hay mấy năm trước, khi nước Pháp xảy ra khủng bố làm nhiều người chết, một số người sử dụng mạng xã hội đã đưa avatar quốc kỳ Pháp, như một cách bày tỏ sự chia sẻ, tình đoàn kết với nước Pháp và nhân dân Pháp. Điều đó rất đáng trân trọng. Nhưng, nếu xét kỹ, dường như lại có một sự thiên kiến khác, bởi vì hằng ngày, hằng giờ, có biết bao cuộc khủng bố hay tai nạn làm chết nhiều người, nhất là đang diễn ra liên tục ở Afghanistan, Libya, Syria, Iraq…, thế có ai thể hiện tinh thần ấy với các nước này không? Phải chăng, người ta chỉ quan tâm đến những nơi vốn yên bình, còn những nơi thường xuyên xảy ra đau thương thì “người ở đó đã quen rồi”, không cần phải chia sẻ?

Không chỉ vậy, một số người cũng cực kỳ thiên lệch khi không bao giờ nhắc gì đến các vụ xả súng đẫm máu ở Mỹ, cũng không coi đó là vấn đề đáng nói của nước Mỹ, mà nguyên nhân chủ yếu là do cách quản lý súng đạn của chính quyền nước này, nhưng lại rất thích chia sẻ những vụ tai nạn thương tâm, những vụ giết người, các tiêu cực ở trong nước. Có một số người hay mượn những vụ việc đau lòng trong nước để rồi đổ cho Đảng và Nhà nước ta quản lý yếu kém, rằng đạo đức xã hội xuống cấp mà nguyên nhân là do nền giáo dục dưới sự lãnh đạo đó đã “kéo xã hội đi xuống”… Trong khi thực tế cho thấy, tỷ lệ số người chết vì tai nạn giao thông trên số dân ở Mỹ giai đoạn 2010 – 2015 là tương đương ở Việt Nam là 1/10.000 người[1], còn số người bị thương thì Mỹ cao gấp đôi nước ta, 8 so với 3,66, trong khi điều kiện về cơ sở hạ tầng ở Mỹ tốt hơn Việt Nam rất nhiều, còn mật độ lưu thông của Mỹ lại thấp hơn nước ta. Còn số người chết vì xả súng thì không hoàn toàn cần so sánh! Vậy các suy diễn khác cũng có thể không đáng tin cậy nữa!

Mới đây nhất, trong khi thành phố Hà Nội đang bàn biện pháp để hạn chế việc ăn thịt chó của người dân, thì một số người đã “tích cực hưởng ứng” bằng cách phê phán nặng nề thói quen ăn thịt chó của nhiều người Việt chúng ta là kém văn minh, rồi nức nở khen ở một số nước, người ta rất yêu quý động vật. Có người dẫn lại một “thực tế” ở Mỹ (dù thực tế này chỉ là truyền miệng cho vui!) là “thứ tự ưu tiên” ở nước này là “trẻ em, phụ nữ, chó và đàn ông”, để khen rằng bên đó người ta văn minh! Nhưng họ quên mất rằng, ở cái quốc gia tự cho mình luôn tôn trọng dân chủ, nhân quyền này, không biết đã tôn trọng chó đến đâu nhưng con người thì lắm khi bị đối xử thô bạo, nhất là người da màu, từ việc nhiều người da màu bị cảnh sát bắn chết khi mới tình nghi họ phạm pháp hay trong đợt cứu trợ bão Katrina năm 2005, người da màu bị phân biệt đối xử cực kỳ tàn tệ!

Dẫn lại một số việc để thấy rằng, ở từng quốc gia luôn có những vấn đề riêng của mình. Việc so sánh rất khó xác đáng bởi các điều kiện, hoàn cảnh riêng của nó; nhưng nếu đã so sánh thì nên đặt vào cùng hệ quy chiếu. Chẳng hạn, ta hầu như không thể nói đạo đức xã hội ở Mỹ có tốt hơn hay xấu hơn so với Việt Nam, vì rất khó tìm cùng hệ quy chiếu; nhưng ta có thể so sánh được GDP bình quân đầu người của Mỹ cao hơn Việt Nam nhiều lần (hơn 8 lần)[2], còn số vụ xả súng, số người chết do xả súng thì nhiều hơn đến độ không thể so được!

Do đó, khi nhìn nhận các vấn đề đừng vì “yêu nên tốt, ghét nên xấu” mà cần có những góc nhìn, những so sánh, những lý giải hợp lý, khách quan, khoa học. Mà dẫu có sự yêu ghét thì cũng nên yêu cái gì đáng yêu, ghét cái gì đáng ghét, tránh việc sống tại Việt Nam, hít bầu không khí của Việt Nam, ăn cơm gạo của Việt Nam… mà toàn mơ mộng rồi đề cao Mỹ và phương Tây một cách vô lối! Còn với mỗi người tiếp nhận thông tin, nên có sự suy xét thận trọng, đừng vội tin theo một status, một đường link của ai đó mà tưởng rằng đó là tất cả sự thật, rồi có nhận xét, cảm xúc cũng rất thiên lệch như người truyền thông tin đó!

Trúc Giang

 

[1] Năm 2015, Mỹ có 35.200 người chết vì tai nạn giao thông. Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/35200-nguoi-my-chet-vi-tai-nan-giao-thong-nam-2015-d157558.html.

[2] Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP bình quân tính theo sức mua tương đương của Mỹ là 61.687 USD, đứng thứ 11, của Việt Nam là 7.378 USD, đứng thứ 124 trong tổng số 187 quốc gia và vùng lãnh thổ có dữ liệu. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_qu%E1%BB%91c_gia_theo_GDP_(PPP)_b%C3%ACnh_qu%C3%A2n_%C4%91%E1%BA%A7u_ng%C6%B0%E1%BB%9Di.