Ngày đăng: 24-11-2020 Lượt xem: 1469
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra đêm 22 rạng sáng 23 tháng 11 năm 1940 đã làm tan rã bộ máy cai trị của Pháp ở một số vùng nông thôn Nam Bộ, đồng thời làm rung động cả hệ thống cai trị của Pháp ở các nước thuộc địa. Nó là đòn tấn công trực diện của Nhân dân ta vào nền thống trị của chế độ thực dân phong kiến và cũng là cuộc tổng diễn tập ở Nam Kỳ để cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước được tôi luyện, trưởng thành trước khi bước vào trận chiến đấu mới. Cuộc khởi nghĩa đã khơi dậy truyền thống cách mạng, chủ động sáng tạo của vùng đất Nam Bộ “Đi trước về sau”; “Thành đồng Tổ quốc”, vận dụng linh hoạt kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang của quần chúng để giải phóng dân tộc.
Nhân dân Nam Bộ vùng lên đấu tranh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ - (Tranh vẽ- Ảnh TLBTLSQG)
1. Từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 11 năm 1939, tại xã Tân Thới Nhất (Bà Điểm, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định, nay là huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), Trung ương Đảng họp hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đại biểu của các Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Đây là hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt, được xem là cột mốc lịch sử vì đã có những quyết định chuyển hướng chiến lược trong lãnh đạo cách mạng. Nghị quyết của cuộc Hội nghị lịch sử này là mốc quyết định chuyển phong trào cách mạng Đông Dương từ một giai đoạn đấu tranh chính trị sang một giai đoạn đấu tranh võ trang và từ đấy phát động hai cuộc khởi nghĩa nổi tiếng, đó là cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn và cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Hội nghị chú trọng phương pháp cách mạng, nêu ra một số chuyển hướng về tổ chức, xây dựng các đoàn thể quần chúng bí mật, hướng các cuộc đấu tranh của quần chúng vào bọn đế quốc tay sai, “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”[1]. Điều đó có nghĩa là Đảng đã đặt chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang thành nhiệm vụ trung tâm. Hội nghị khẳng định: “Bước sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”[2].
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 đã được các Xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ tiếp thu và truyền đạt xuống đến từng chi bộ. Từ tháng 11 năm 1939 đến giữa năm 1940, trong cả nước, các chi bộ đã nghiên cứu và thảo luận bản Nghị quyết lịch sử này. Mặc dù hoàn cảnh hoạt động bí mật rất khó khăn, các chi bộ đã lấy việc thảo luận bản Nghị quyết này làm nội dung chủ yếu của các buổi sinh hoạt. Các đảng bộ suốt từ Nam chí Bắc đã liên tiếp bàn việc chuẩn bị khởi nghĩa và nhận định thế nào là thời cơ khởi nghĩa. Tại Nam Kỳ, với vai trò là Bí thư Xứ ủy đồng chí Võ Văn Tần - người trực tiếp tham dự Hội nghị, có những đóng góp quan trọng cho sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng, sau Hội nghị Trung ương 6, đồng chí Võ Văn Tần đã chủ trì Hội nghị của Xứ ủy, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết Trung ương 6 - đây là yếu tố quan trọng trong phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đã có sự phát triển sau những đợt khủng bố của địch.
2. Trong khi đó, tình hình trong nước và thế giới có những chuyển biến, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn bị bắt tại Sài Gòn. Ngày 20 tháng 6 năm 1940, phát xít Đức chiếm đóng Paris (Pháp). Sự kiện này càng thôi thúc các Đảng bộ xúc tiến việc chuẩn bị khởi nghĩa. Ngay sau khi được tin Chính phủ Pháp đã đầu hàng quân đội Đức, đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng đã cùng Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ họp cấp tốc để bàn việc triệu tập Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng vào tháng 7 năm 1940 và quyết định chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị được tổ chức ở làng Tân Hương (Châu Thành, Mỹ Tho) do đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trì với 24 đại biểu đại diện cho 19/21 tỉnh Nam Kỳ tham dự.
Hội nghị cho rằng, sự tàn bạo của Pháp - Nhật làm lòng căm phẫn của quần chúng Nhân dân Nam Kỳ được đẩy lên cao độ, họ muốn nổi dậy khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của Pháp - Nhật và tập trung bàn ba vấn đề lớn: (1). Vấn đề vũ khí để trang bị cho quân khởi nghĩa lấy ở đâu; (2). Điều kiện để phát động khởi nghĩa; (3). Có thể tiến hành khởi nghĩa ở Nam Kỳ trước hay phải chờ khởi nghĩa trong cả nước gần cùng một lúc với nhau. Ngoài ra, Hội nghị còn quyết định thành lập các Ban quân sự, Ban khởi nghĩa ở tất cả các cấp, vận động quần chúng tích cực thành lập các đội du kích, vũ trang rèn đúc và mua sắm vũ khí. Xứ ủy đề nghị đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc để báo cáo và xin sự chuẩn y của Trung ương cho việc tổ chức khởi nghĩa.
Ngày 04 tháng 9 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ ra Thông cáo đối với thời cuộc hiện tại với nội dung đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa vào lúc phát xít Nhật sắp nhảy vào Đông Dương. Thông cáo viết “muốn khởi nghĩa thành công giành lại được chính quyền ngay từ bây giờ (tháng 9 năm 1940), chúng ta phải có một đội quân cách mạng giác ngộ và có tổ chức chặt chẽ”. Nhằm tiếp tục đưa phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ tiến lên thành một cao trào mới, đặc biệt chú ý tới công tác tranh thủ trong hàng ngũ địch. Thông cáo chỉ rõ “Phải thi hành ngay Nghị quyết của Trung ương về việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”[3].
Tiếp đó, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 9 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ lại triệu tập Hội nghị tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định đi đến thống nhất về thời gian tiến hành cuộc khởi nghĩa (vào tháng 11 năm 1940), đề ra đường hướng cho cuộc khởi nghĩa, chọn Sài Gòn - Chợ Lớn làm trọng điểm và là nơi phát lệnh khởi nghĩa chung cho toàn xứ. Hội nghị nhận định: “Về chủ quan… chưa chín muồi. Nhưng nếu không khởi nghĩa thì có hại, quần chúng sẽ tan rã mất tinh thần, nếu ta lùi bước, quần chúng sẽ xa rời Đảng, Đảng sẽ mất ảnh hưởng và mất tín nhiệm trong quần chúng”[4]. Tuy còn có ý kiến chưa đồng ý khởi nghĩa, song Hội nghị đã quyết định nhiều việc cụ thể về công tác chuẩn bị. Đồng chí Tạ Uyên được phân công phụ trách chung và đặc trách lãnh đạo khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nơi được coi là trọng điểm hàng đầu. Hội nghị còn quyết định những vấn đề cụ thể khác như: Quốc kỳ nền đỏ sao vàng năm cánh, thành lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ (nếu thắng lợi), hoặc không thành công thì rút lực lượng về các căn cứ Truông Mít (Tây Ninh), Đồng Tháp Mười, U Minh chiến đấu lâu dài. Đến đầu tháng 10 năm 1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị ra Thông cáo uốn nắn những sai lầm trong lúc chuẩn bị khởi nghĩa.
Sau Hội nghị, để khắc phục tình trạng “địa bàn quan trọng nhưng cơ sở đảng còn chưa vững chắc”[5], Xứ ủy Nam Kỳ đã tăng cường nhiều đồng chí cốt cán về Đảng bộ các tỉnh, thành hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa. Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn lại họp mở rộng để kiểm điểm việc chấp hành các nghị quyết của Xứ ủy về việc chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị ghi nhận tích cực của đại đa số đảng viên, cơ sở đảng bám sát quần chúng, ý thức của Thành ủy đã sẵn sàng chấp nhận lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy. Hội nghị nhất trí thành lập các ủy ban khởi nghĩa cấp thành, quận; quyết định tổ chức các tổ và đội tự vệ vũ trang ở các xí nghiệp, đường phố, trường học, lập tổ du kích ở ngoại thành. Tại Long Xuyên, Châu Đốc, Nghị quyết và các Thông cáo của Xứ ủy Nam Kỳ đã tác động mạnh mẽ đến quyết tâm khởi nghĩa ở đây. Ngày 17 tháng 10 năm 1940, Liên tỉnh Long Xuyên đã họp chỉ đạo các nơi ráo riết chuẩn bị và chuyển một số cấp ủy thành “Ban khởi nghĩa”; lập các Ban tuyên truyền, Ban cứu thương, Ban hậu cần, Ban liên lạc, Ban địch vận, Ban tài chính… và quyết định ngay việc lạc quyên 6.000 đồng Đông Dương để Xứ ủy chi tiêu cho “chiến tranh"[6].
Nam Kỳ quật khởi
3. Trước đó, để hướng tất cả các cuộc đấu tranh lẻ tẻ vào phong trào đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, đầu tháng 3 năm 1940, đồng chí Võ Văn Tần, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Xứ ủy đã vạch ra “Đề cương chuẩn bị bạo động”[7], chủ trương lấy khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Các phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng phát triển mạnh, mít-tinh, biểu tình nổ ra khắp nơi, lúc đầu mỗi cuộc có năm bảy trăm, rồi cả nghìn người tiến hành giữa ban ngày. Nhiều nơi khi bọn cò, mật thám kéo đến bắt cán bộ cách mạng, Nhân dân nổi trống mõ, kéo ra uy hiếp địch, đánh tháo cho cán bộ. Đến tháng 7 năm 1940, nhiều xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, F.A.C.I, Bến Tàu, nhà máy đèn Chợ Quán, Trường Bách Nghệ và nhiều khu phố đã tổ chức được đội tự vệ, các tổ, tiểu đội du kích, Chi bộ Nhà Đèn (Rạch Giá) đã có kế hoạch phá hoại máy móc, thành lập đội tự vệ của nhà máy. Những khẩu hiệu trong chương trình cách mạng của Đảng là nội dung để các chiến sĩ du kích trao đổi, nắm vững nhiệm vụ của mình. Việc chuẩn bị vũ khí được tiến hành một cách ráo riết. Nông hội các làng tổ chức lò rèn để sản xuất vũ khí trang bị cho đội tự vệ, du kích. Nhân dân quyên góp mâm thau, nồi đồng, lư hương cho du kích đúc đạn, lựu đạn… Một số cơ sở làm bom, lựu đạn, xi măng và súng thô sơ được lập ra ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá). Tuy còn thô sơ nhưng đây là xưởng sản xuất vũ khí đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng.
Cùng với bước phát triển của phong trào, số lượng đảng viên ở Nam Kỳ cũng được tăng lên nhanh chóng. Đối với việc chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định rất chú trọng đến việc củng cố và phát triển cơ sở Đảng ở các nhà máy, xí nghiệp, các khu lao động, trường học… Trong vòng ba tháng từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 10 năm 1940, số đảng viên đã tăng 60%[8]. Đảng bộ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã có trên 50 Chi bộ với 300 đảng viên. Điểm đáng chú ý là trong nhiều nhà máy, xí nghiệp, trường học như Pétrus Ký, Huỳnh Khương Ninh, trường Kỹ nghệ, trường máy, trường dạy lái ôtô… đã tổ chức được những đơn vị vũ trang tự vệ đáng tin cậy. Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định quyết định mở ngay những lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho đảng viên, cán bộ cốt cán về tình hình nhiệm vụ mới. Đó là những điều kiện cơ bản để Đảng lãnh đạo trong hoàn cảnh mới.
Công tác tuyên truyền chống bắt lính và vận động binh lính được đẩy mạnh. Những bài thơ, bài hát, ca dao được phổ biến rộng rãi trong quần chúng và trong hàng ngũ địch như: “Dù con có đặng chữ quy vang hiển/ Con cũng trở lụng về thăm cội, viếng nhành”. Hoặc: “Hò… ơ tàu đi Tây ống khói bằng đồng/ Trách ai cưỡng bức bắt chồng tôi đi/ Đau lòng tử biệt sanh ly/ Ngày đi thì có ngày về thì không”. Hay: “Anh em binh lính kíp xây lưng, mau bóng súng quyết bắn cho quân đế quốc tan thây” đã dấy lên thành phong trào và lôi kéo được một số binh sĩ bỏ ngũ về với gia đình. Mặt khác, nhiều truyền đơn được rải ở xã Hòa Hảo (Tân Châu), Tân Long (Hồng Ngự) tỉnh lỵ Long Xuyên, tỉnh lỵ Châu Đốc, Chợ Mới kêu gọi Nhân dân chống đế quốc Pháp, chống bắt lính, chống chiến tranh. Đêm 09 rạng ngày 10 tháng 7 năm 1940, ta treo cờ và 2 biểu ngữ rải một ngàn truyền đơn ở ngoại ô tỉnh lỵ trên các tuyến đường đi Sóc Trăng về Cần Thơ, Long Phú, Đại Ngãi, Bãi Xàu. Ở chợ An Lạc Thôn, Quận Kế Sách truyền đơn được rải với những lời khẩu hiệu kêu gọi quần chúng tham gia “đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa Pháp, chống phát xít Nhật xâm lược, Đông Dương hoàn toàn độc lập, tinh thần Nghệ An Xô viết muôn năm”[9]. Tại Cà Mau, quần chúng nhiều nơi trong tỉnh được tuyên truyền và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay trong báo cáo tháng 8 năm 1940 của bọn thực dân Pháp có đoạn viết: “Trong tháng 8 năm 1940, hoạt động của những người Cộng sản ở Nam Kỳ được đặc trưng bằng rải truyền đơn ở nhiều tỉnh thành nhân dịp ngày “Quốc tế chống chiến tranh đế quốc” và phát tán nhiều tài liệu tuyên truyền… Đêm 26 và đêm 27 tháng 10 năm 1940, các làng thuộc quận Cà Mau mít-tinh có 150 người dự, hôm sau 70 người ở Vĩnh Thuận tiếp tục mít-tinh…”.
Từ những hoạt động để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, có thể khẳng định rằng, khát vọng độc lập của Nhân dân Nam Kỳ còn thể hiện ở chủ trương của Xứ ủy về việc xác định sẽ thành lập Chính phủ Dân chủ Cộng hòa. Việc thành lập Chính phủ Cộng hòa khẳng định quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa, quyết tâm xây dựng chế độ mới. Một việc đáng chú ý là trong xác định thành lập Chính phủ mới, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định sẽ thành lập “Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Truyền đơn cách mạng rải ở Chợ Lớn đêm 29 tháng 9 năm 1940 có khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp phản động… Thành lập Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Trong thông báo của Xứ ủy Nam Kỳ ngày 03 tháng 10 năm 1940 cũng viết: “Phải giải thích cho Nhân dân hiểu rằng sau khi đánh thắng thực dân Pháp, chúng ta sẽ thành lập một Chính phủ dân chủ cộng hòa”[10]. Xứ ủy còn bầu ra “nội các” của Chính phủ mới, người đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm đấu tranh với kẻ thù mà còn thể hiện nguyện vọng độc lập, tự do của một nước Việt Nam Cộng hòa dân chủ.
4. Sau khi Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra vào ngày 27 tháng 9 năm 1940, thực dân Pháp đã đầu hàng phát xít Nhật để đối phó với phong trào cách mạng mỗi ngày một lên cao. Tháng 10 năm 1940, bọn quân phiệt Thái Lan lại gây chiến với thực dân Pháp ở vùng biên giới Thái Lan - Campuchia. Thực dân Pháp đã phải đưa lính từ Sài Gòn và Nam Bộ đi tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa ấy. Trong hai ngày 15 và 16 tháng 11 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại một địa điểm ở Hóc Môn, ngoại thành Sài Gòn, có mặt đủ các ủy viên và do đồng chí Tạ Uyên chủ trì. Hội nghị cân nhắc so sánh lực lượng giữa địch và ta về quân sự, chính trị; cho rằng ưu thế chính của cách mạng là về chính trị, cụ thể là phong trào phản đế dâng cao; trong binh lính người Việt Nam tại ngũ có sự thúc bách đòi hỏi khởi nghĩa không chịu đi chết thay cho thực dân Pháp ở biên giới Thái Lan. Phong trào đấu tranh của Nhân dân Sài Gòn trong đó có anh em binh lính lên cao và đẩy mạnh phong trào đấu tranh của cả miền lục tỉnh tức toàn Nam Kỳ Khởi nghĩa giành chính quyền của địch.
Lúc này, một số ủy viên trong Xứ ủy vẫn kiên trì cho rằng tình hình chưa chín muồi cho khởi nghĩa và phải chờ sự chỉ đạo của Trung ương. Thêm vào đó, một số cơ sở bị vỡ do có sự phá hoại của bọn tờ-rốt-kít và gián điệp chui vào nội bộ, địch đã bắt được tài liệu kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa nên chúng đã đối phó. Xứ ủy Nam Kỳ đứng trước tình thế cấp bách ấy đã quyết định phát động khởi nghĩa. Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 năm 1940 cả Nam Kỳ vùng dậy khởi nghĩa diễn ra trên phạm vi 21 tỉnh của toàn Xứ ủy. Cả Nam Bộ rung chuyển. Già trẻ, trai gái trong Xứ ủy nhất tề xông lên tấn công vào bộ máy thống trị của thực dân Pháp. Chính quyền địch bị phá vỡ từng mảng lớn. Mặc dù kế hoạch khởi nghĩa bị tan vỡ, quân chủ lực là binh lính không nổi dậy được, nhưng ngoài Sài Gòn - Chợ Lớn, 9 tỉnh khác như Gia Định, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng… do các cán bộ địa phương lãnh đạo vẫn nổi dậy đúng hẹn. Nhiều đồn bốt và châu quận bị tấn công. Đồng bào các xã lân cận nổi trống mõ, hô khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Đả đảo chính quyền thực dân Pháp và tay sai, chính quyền về tay Nhân dân”. Nhiều quãng đường giao thông bị phá đứt. Tại các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… đã thành lập chính quyền Nhân dân và tòa án cách mạng. Có nơi, chính quyền cách mạng được thành lập và tịch thu thóc của địa chủ phản động chia cho dân nghèo. Cuộc chiến đấu diễn ra rải rác ở các nơi đến hết một tuần. Màu đỏ của cờ đỏ sao vàng, của cờ búa liềm lần đầu tiên rực sáng ở nhiều vùng nông thôn Nam Bộ. Đặc biệt, cao trào đã kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang của quần chúng.
Cùng với quần chúng khởi nghĩa, quân Khởi nghĩa Nam Kỳ đã chiến đấu vô cùng oanh liệt, nêu lên nhiều tấm gương chiến đấu quên mình, sáng tạo, nhiều cách đánh phong phú. Quân Khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của quân đội ta. Theo báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gửi cho toàn quyền Đông Dương tháng 12 năm 1940, thì sau cuộc khởi nghĩa này, chúng đã bắt tới 5.648 vụ trong vòng 40 ngày; nhiều nhất là ở các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ, Gia Định và Long Xuyên. Số người bị kết án hơn 8.000, người bị xử tử hơn 100, còn giết bừa bãi không kể[11]. Trong số tử hình có các đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Tự, Tạ Uyên, Phan Đăng Lưu…
5. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ có thể coi là một cuộc tổng diễn tập với quy mô rộng lớn cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến ở Việt Nam. Cuộc tổng diễn tập này thể hiện trên các mặt: sự quán triệt về đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng và vận dụng vào tình hình cụ thể của địa phương là một tỉnh hay một Xứ như Nam Kỳ; sự tập trung chỉ đạo của cấp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Xứ ủy Nam Kỳ, xây dựng lực lượng cho cách mạng ở nông thôn và thành thị, phát động được đông đảo và rộng rãi trong quần chúng Nhân dân nhất tề đứng lên khởi nghĩa khi có mệnh lệnh được phát ra; vai trò của cán bộ, đảng viên trong cuộc khởi nghĩa. Sự kết hợp giữa các yếu tố: đường lối chính trị, những sách lược trong đấu tranh, khẩu hiệu đúng đắn, sự gương mẫu tiên phong của cán bộ, đảng viên và lòng căm thù của quần chúng Nhân dân đối với kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai, cùng với đó là sự tin tưởng của Đảng trong quần chúng Nhân dân Nam Kỳ trong suốt quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung và thời điểm diễn ra cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ nói riêng. Chính điều này đã thể hiện được sự nhạy bén với tình hình và thời cuộc cách mạng, thống nhất với sự chỉ đạo của Trung ương, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của quân và dân Nam Bộ.
Những gương chiến đấu hy sinh oanh liệt của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã có tác động lớn đối với phong trào cách mạng chung của cả nước. Trung ương Đảng đã ra lời hiệu triệu cho các cấp bộ Đảng lãnh đạo quần chúng đứng lên hành động cùng với Đảng bộ Nam Kỳ. Sau khởi nghĩa 10 ngày, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra tiếp tục thông báo khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng ủng hộ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ: “Muốn được như vậy, nhiệm vụ của Đảng bộ Trung, Bắc Kỳ là phải lập tức tổ chức những cuộc hưởng ứng Nam Kỳ đặng gây thêm thanh thế cho quân bạo động, đặng phân chia lực lượng đế quốc không để chúng tập trung quân đội đàn áp phong trào cách mạng”[12]. Hưởng ứng lời kêu gọi, các Đảng bộ trong nước đã có những hoạt động tích cực ủng hộ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ: ra truyền đơn, in sách báo về Khởi nghĩa Nam Kỳ, chặn đường tàu tốc hành Bắc - Nam ở Hà Nội để hưởng ứng khởi nghĩa, tổ chức mít-tinh, treo cờ, phát động đấu tranh phối hợp với Nam Kỳ chống thực dân Pháp. Một phong trào cả nước phối hợp Nam Kỳ đã diễn ra, tạo thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam phát triển đến ngày toàn thắng. Sự ủng hộ của Trung ương Đảng đã khích lệ tinh thần đấu tranh của Nhân dân Nam Kỳ.
Không những thế, Khởi nghĩa Nam Kỳ đã thu hút được sự quan tâm của giới cần lao và Nhân dân quốc tế, trong bức thư gửi Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Cộng sản Pháp đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ: “Trong giờ phút mà bọn đế quốc dã man chuẩn bị một cuộc chiến tranh toàn diện, khốc liệt, giết hại từ những đứa trẻ sơ sinh cho đến những người chiến sĩ đang chiến đấu, trong giờ phút đó, những người Cộng sản Pháp xin nói với các bạn rằng: “Đảng Cộng sản Pháp luôn luôn mạnh mẽ đứng về phía các bạn! Đồng bào quần chúng lao động Pháp đứng về phía các bạn! Ngày nay cũng như ngày hôm qua, chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ tự do hy sinh hồi tháng mười một trước súng liên thanh của Đờ Cu, Bodiunh, Petanh. Chúng tôi kính cẩn cúi chào những người anh hùng đó, và trước hết, chào những anh chị em ruột thịt anh hùng Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương”[13].
Tóm lại, Khởi nghĩa Nam Kỳ là “tiếng súng báo hiệu cuộc khởi nghĩa toàn quốc đang đến, Nhân dân các dân tộc Đông Dương đã kiên quyết đứng lên dùng bạo lực cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của bọn thực dân và bè lũ tay sai”[14], điều này đã được nhấn mạnh trong Văn kiện Đảng 1939-1945: “Khởi nghĩa Nam Kỳ là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc Đông Dương”[15]. Giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định: “Nam Kỳ Khởi nghĩa là sự kiện nổi bật nhất ở Việt Nam cuối năm 1940. Đó là cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ rộng lớn nhất từ sau cuộc Khởi nghĩa Trương Định”[16]. Đây chính là thành quả của tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của đồng bào Nam Bộ. Họ không chịu sống quỳ, họ đã đứng lên, quyết giành lại độc lập cho xứ sở, dưới lá cờ của những người cộng sản. Dù thất bại nhưng cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ghi nhận công lao “Đảng bộ Nam Kỳ đã dẫn đạo Nhân dân ra oanh liệt hưởng ứng với Bắc Sơn đi đôi với Bắc Sơn chống lũ ăn cướp tham tàn Pháp - Nhật - Xiêm”[17], ngày 14 tháng 4 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 163/SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho “Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ” nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ trong lịch sử cách mạng Việt Nam./.
Hoàng Minh
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.552.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.536.
[3] Thông cáo ngày 04 tháng 9 năm 1940 của Xứ ủy Nam Kỳ đối với thời cuộc, Tài liệu lưu trữ tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (Viện Lịch sử Đảng).
[4] Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ: Lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.70-72-73.
[5] Dự thảo Nghị quyết Hội nghị đại biểu Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9 năm 1940.
[6] Báo cáo chính trị tháng 10 năm 1940 của Thống đốc Nam Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương - Hồ sơ IIA/204 - Trung tâm lưu trữ quốc gia II Thành phố Hồ Chí Minh.
[7] Theo một số nhân chứng còn có tên gọi Đề cương khởi nghĩa.
[8] Ban nghiên cứu Lịch sử Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử Quân đội Việt Nam (tập 1), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.44.
[9] Tài liệu Lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II. Hồ sơ IIA.45/326.
[10] Phạm Thị Hồng Vinh: “Đóng góp của Khởi nghĩa Nam kỳ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945”, Hội thảo Cách mạng ở Nam Bộ, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr.62.
[11] Theo tài liệu trong cuốn Nền độc lập của Hội Tân Văn hóa xuất bản tại Thuận Hóa.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.89.
[13] Báo Nhân Dân ngày 23 tháng 11 năm 1980.
[14] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 2, tr.117.
[15] Văn kiện Đảng năm 1939 - 1945, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963.
[16] Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập III, tr.499-500.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.86.