Ngày đăng: 03-01-2022 Lượt xem: 2943
Ngày 31 tháng 12 năm 2021, Việt Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Chủ tịch nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp về sự kiện này. Trong thông điệp của mình, Chủ tịch nước khẳng định: "Chung tay với cộng đồng quốc tế ngày nay, là một Việt Nam mới tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế vì hoà bình và phát triển bền vững". Ngay sau phát biểu này của Chủ tịch nước, trên các trang mạng xã hội xuất hiện những bài viết và bình luận thiếu thiện chí, xuyên tạc với những lời lẽ kiểu “đầu đường, xó chợ”. Đặc biệt, dưới bài viết của một trang facebook khá nổi tiếng có nhiều bình luận với những lời lẽ xúc phạm Chủ tịch nước và xuyên tạc, phỉ báng đất nước.
1. Ngày 31 tháng 12 năm 2021 này, Việt Nam hoàn thành trọng trách là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ lần thứ 2. Việc Việt Nam đã 2 lần được bầu vào cơ quan có tầm quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế này là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. HĐBA LHQ (tiếng Anh: United Nations Security Council, viết tắt UNSC) là cơ quan chính trị quan trọng nhất và hoạt động thường xuyên của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an được thông qua mà phù hợp với Hiến chương LHQ thì bắt buộc các nước hội viên của LHQ phải thi hành. HĐBA không phụ thuộc vào Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. HĐBA LHQ bao gồm 15 nước thành viên, trong đó bao gồm 5 thành viên thường trực là Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Các thành viên thường trực không phải thông qua bầu cử mà theo quy định các nước này đương nhiên là ủy viên thường trực. Ngoài 5 thành viên thường trực, còn có các nước thành viên không thường trực và hiện nay là 10 thành viên. 10 thành viên không thường trực này phân chia định mức: 2 ghế cho các khu vực châu Phi, châu Á, châu Mỹ, và Tây Âu, 1 ghế cho Đông Âu, ghế còn lại luân phiên giữa châu Phi và châu Á.
Mọi nghị quyết của HĐBA chỉ được thông qua khi có 9/15 nhất trí và không có phiếu không nhất trí của 1 nước thường trực. Nếu một nghị quyết khi thông qua bị 1 nước thành viên thường trực bỏ phiếu chống, đó chính là phiếu phủ quyết và nghị quyết ấy sẽ không thể được thi hành. Như vậy, các nước ủy viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng HĐBA vẫn cần thêm ít nhất 4 phiếu của các nước không thường trực để một nghị quyết được thông qua.
2. Ngày 16 tháng 10 năm 2007, Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ cho nhiệm kỳ 2008 - 2009 với 183/190 phiếu ủng hộ, đạt 96%, trong khi chỉ cần 127 ủng hộ là đủ để Việt Nam được giao đảm nhiệm trọng trách này. Sau 10 năm đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và để lại nhiều dấn ấn, sau những quá trình nỗ lực khẳng định vị thế quốc gia, phiên họp toàn thể lần thứ 89 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73 ngày 7 tháng 6 năm 2019, Việt Nam tiếp tục được tín nhiệm đảm nhiệm trọng trách lần 2 cho nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể, Chủ tịch Đại hội đồng Maria Fernanda Espinosa Garces thông báo, Việt Nam đã đắc cử ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 với kết quả 192 phiếu ủng hộ, trên tổng số 193 phiếu. Sau khi công bố kết quả, cả khán phòng Đại hội đồng LHQ đã vỗ tay chúc mừng Việt Nam.
LHQ hiện có 193 nước thành viên, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 nước. Thế nhưng đã có 192/193 nước bỏ phiếu bầu cho Việt Nam trong sự kiện này. Như vậy có nghĩa có những nước - dù không có quan hệ ngoại giao với Việt Nam -cũng đã bỏ phiếu cho Việt Nam. Số phiếu mà Việt Nam nhận được là cao nhất trong bầu cử lần này cùng các quốc gia khác, đây cũng là cuộc bầu cử có tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa trái) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN
3. Khi Việt Nam được bầu đảm nhiệm trọng trách này lần thứ 2, rất nhiều các quốc gia đã lên tiếng chúc mừng Việt Nam. Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Thứ trưởng Nhật Bản Suzuki khẳng định: “Nhật Bản rất vui mừng khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và xin chúc mừng toàn thể người dân Việt Nam. Tôi mong muốn Việt Nam phát huy sự lãnh đạo đối với cộng đồng quốc tế trong việc ổn định nền hòa bình thế giới”. Đại sứ Burhan Gafoor, Trưởng phái đoàn Singapore tại LHQ viết trên trang Twtter: "Chúc mừng Việt Nam đã được bầu vào HĐBA LHQ với số phiếu cao nhất" và khẳng định: "Vinh dự khi đại diện Singapore bỏ phiếu bầu cho Việt Nam. Singapore có quan hệ tuyệt vời với Việt Nam và chúng tôi tin trưởng Việt Nam sẽ đảm nhận xuất sắc vai trò này". Đại sứ Anh tại Việt Nam viết trên trang cá nhân: “Chúc mừng Việt nam sắp trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam". Đại sứ Australia tại LHQ Gillian Bird chúc mừng các nước được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 và viết Twitter: "Thật tuyệt vời khi có hai quốc gia láng giềng ASEAN là Việt Nam và Indonesia cùng có mặt trong HĐBA LHQ năm 2020". Tờ Washington Times có bài viết nhận định: "Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã tăng lên đáng kể sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng”. Đại diện thường trú của Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam - bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: "Việt Nam có thể đóng góp trên 3 khía cạnh khi đảm nhận vị trí này. Thứ nhất là ổn định hòa bình thế giới. Ví dụ cụ thể là Việt Nam đã tham gia bệnh viện dã chiến cấp II đến Nam Sudan trong năm 2018. Và tôi biết Việt Nam đang muốn tăng cường tham gia vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình khác như các vấn đề về bom mìn. Khía cạnh thứ hai là biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là thành viên sáng lập của nhóm V20 - 20 nước chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Việt Nam đóng vai trò kết nối các nước này lại với nhau để cùng tìm ra lời giải cho các vấn đề về biến đổi khí hậu. Cuối cùng, Việt Nam sẽ là cầu nối giữa HĐBA LHQ và ASEAN". Bà Lianys Torres Rivera, Đại sứ Cộng hòa Cuba tại Việt Nam cho rằng: "Uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đã được chứng thực bằng việc đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực LHQ. Hơn bất cứ quốc gia nào, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình, của sự phát triển và tôi tin rằng đó là lý do giúp Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề an ninh thế giới trong nhiệm kỳ ở HĐBA LHQ" v.v…Nhiều quốc gia thành viên khác đã gửi lời chúc mừng tới Việt Nam và bày tỏ kỳ vọng vào những đóng góp tích cực của Việt Nam cho cộng đồng quốc tế…
Theo Bộ Ngoại giao, trong 2 năm đảm nhiệm trọng trách này, Việt Nam đã đề xuất và được HĐBA thông qua 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch về Tôn trọng hiến chương LHQ, Tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; một Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; Tuyên bố Hà Nội về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Các sự kiện do Việt Nam chủ trì đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các nước, trong đó Nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu được 65 nước và tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ (chỉ có 1% số Nghị quyết của HĐBA có được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên HĐBA ở mức tuyệt đối như vậy); lần đầu tiên HĐBA đưa ra Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương LHQ; Tuyên bố Hà Nội được hơn 60 nước đại diện cho 5 châu lục tuyên bố đồng bảo trợ v.v…
Từ những kết quả nêu trên chỉ có thể khẳng định rằng không chỉ được bầu với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh thế giới diễn ra những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đây là những minh chứng rõ nét nhất để khẳng định rằng Việt Nam “tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế vì hoà bình và phát triển bền vững” như thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cũng để bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc./.
Viết Phước