flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Không phải hình thức bày tỏ ý kiến nào cũng là phản biện!

Ngày đăng: 09-09-2018 Lượt xem: 8079

Trên thực tế, có nhiều hình thái thể hiện quan điểm, chính kiến, ý kiến của một tổ chức, cá nhân đối với các vấn đề của xã hội, của đất nước. Mỗi hình thái mang sắc thái tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm, thậm chí cả ý đồ khác nhau. và không phải hình thức bày tỏ ý kiến nào cũng là phản biện hay phản biện xã hội!

Phản biện là đặt lại, xét lại một sự việc, một vấn đề trên cơ sở lập luận, phân tích một cách khách quan khoa học có sức thuyết phục, nhằm phát hiện hoặc đưa các chính kiến trở về đúng giá trị của nó. “Phản biện xã hội là sự phản ánh chính kiến của xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật do hệ thống lãnh đạo, quản lý đề ra, thể hiện qua những nhận xét, đánh giá, phân tích có căn cứ và có sức thuyết phục, được thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các chủ thể phản biện; có chức năng chuyển tải nhu cầu, nguyện vọng của xã hội đến hệ thống lãnh đạo và quản lý; có tác dụng thúc đẩy nền dân chủ xã hội và củng cố thể chế xã hội[1].

 

Ngoài phản biện, còn có một số hình thái bày tỏ ý kiến khác.

Trưng cầu dân ý

Trưng cầu dân ý hay bỏ phiếu toàn dân là một cuộc bỏ phiếu trực tiếp, trong đó toàn bộ các cử tri được yêu cầu chấp nhận hay phủ quyết một đề xuất đặc biệt. Trên thực tế, trưng cầu dân ý là việc nhà nước hỏi để người dân trả lời, đồng ý hay không đồng ý đối với phương án đưa ra mà không cần tranh luận và cũng không thể tranh luận. Hình thức này chỉ thật sự có tác dụng khi người dân có đầy đủ thông tin cần thiết về vấn đề được hỏi ý kiến; nếu người dân không ý thức được đầy đủ sự đúng - sai của phương án đã lựa chọn, không lường được những hậu quả bởi quyết định lựa chọn của bản thân mình hoặc cuộc trưng cầu dân ý thực chất là mưu đồ của ai đó, hoặc các câu hỏi gợi ý không thực sự minh bạch thì kết quả có thể không phản ánh được ý chí, nguyện vọng thực sự của người dân[2].

Còn phản biện xã hội là việc để cho nhân dân nhận xét, đánh giá, góp ý với người lãnh đạo và quản lý nhằm tìm ra phương án tốt nhất có lợi cho nhân dân; trong nhận xét, đánh giá có thể có phê bình, chê trách… Phản biện xã hội phải thông qua tranh luận, có khi tranh luận dài lâu, trên tinh thần khách quan, khoa học, tôn trọng lẫn nhau, mới đi đến quyết định đồng ý hay không đồng ý.

Phản bác

Phản bác là bác bỏ một phần hoặc hoàn toàn đối với một vấn đề. Phản bác trong nhiều trường hợp vẫn có tính xây dựng nhưng tính xây dựng đó thể hiện chưa đầy đủ, thường mới dừng ở góc nhìn là “điều đó chưa tốt nhưng chưa nêu lên được giải pháp tốt hơn”.

Phản biện có nội hàm rộng hơn so với phản bác. Trong quá trình phản biện có thể đi đến phản bác, nhưng phản biện không chỉ có phản bác mà còn có bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh và khẳng định cái đúng, cái hay, cái ưu điểm trong những vấn đề được phản biện mà tác giả của nó nhiều khi chưa tự thấy rõ.

Phê phán, công kích

Có rất nhiều người lầm tưởng rằng phê phán, công kích nhắm vào ai đó hoặc vào chủ trương, chính sách nào đó là phản biện; hoặc phê phán các vấn đề mang tính xã hội thì là phản biện xã hội. Kỳ thật, phê phán chỉ là không hài lòng, mỉa mai, bức xúc, chê bai, chỉ trích thậm chí chửi rủa ai đó chứ không đề ra được một giải pháp nào tích cực hơn, có tính xây dựng hơn.

Trong phản biện có thể có tính phê phán nhưng thường không có sự công kích mà trên cơ sở phê phán sẽ gợi mở những giải pháp khác mà người phản biện cho là tích cực hơn, hiệu quả hơn.

Phản kháng

Phản kháng là hoạt động chống đối hoặc có tính chống đối nhằm phản đối, đả kích, gạt bỏ phương án xã hội được đưa ra, do có sự đối lập về mục tiêu, lợi ích hoặc bản chất xã hội. Phản kháng không có tính xây dựng nhưng cũng là một biểu hiện cần được quan tâm, xem xét thấu đáo trong quá trình ban hành các kế hoạch, phương án mang tính xã hội. Bởi trong một số trường hợp, khi chính quyền để mất lòng tin với nhân dân thì dù họ đưa ra chủ trương đúng, tích cực nhưng cũng không thuyết phục được người dân nên họ vẫn cứ phản kháng.

Phản biện và phản biện xã hội không bao giờ là sự phản kháng, nếu mang danh nghĩa phản biện nhưng đã mang tính phản kháng thì đó không phải là phản biện; phản biện mà luôn vì mục đích lựa chọn phương án tốt nhất. “Phản biện xã hội và phản kháng xã hội tuy khác nhau về bản chất, nhưng đôi khi lại có quan hệ với nhau. Phản kháng xã hội có thể xảy ra nếu không làm tốt phản biện xã hội. Phản biện xã hội là một giải pháp để phát hiện mâu thuẫn và hóa giải mâu thuẫn, tạo nên sự đồng thuận xã hội, phòng ngừa nguy cơ xảy ra phản kháng xã hội”[3].

*

Xét về động cơ, mục tiêu, người phản biện và người bị phản biện luôn có cùng một đích đến và ở cùng một nền tảng (nền tảng quan điểm, tri thức, nhận thức…) và chỉ khác nhau về phương thức, cách thức. Trong phản biện, gần như không thể có trường hợp tranh luận mà đi đến mục tiêu khác nhau, đối lập nhau (lưu ý, mục tiêu chứ không phải kết quả).

Trên thực tế, muốn phản biện xã hội thành công, người phản biện trước hết phải kiến thức vững chắc ở lĩnh vực mình muốn phản biện, đồng thời phải có quan điểm, lập trường rõ ràng, phản biện vì mục tiêu gì, phản biện với đối tượng cụ thể nào, vì lợi ích của ai… Nếu người phản biện không thể hiện được chính kiến phù hợp, không xác định rõ đối tượng phản biện, không vì lợi ích xã hội… thì phản biện không có kết quả hoặc sa vào phản bác, từ đó đi đến phản kháng.

Hiện nay, với sự phát triển của internet, mạng xã hội, nhiều người có thể bày tỏ ý kiến của mình về gần như mọi vấn đề trong xã hội. Trong số đó, có không ít người hầu như chỉ chê bai, chỉ trích, thậm chí bài bác các phát biểu, các chủ trương, chính sách, các hoạt động của các vị lãnh đạo, các cơ quan Đảng và Nhà nước mà không phân tích hay chứng minh được điều mình nói bằng các lý lẽ hợp lý, khoa học. Hoặc không ít trường hợp vì tiếp nhận thông tin sai lệch, không đầy đủ đã vội vàng phê phán, công kích cá nhân và tổ chức, khi có thông tin phản hồi chính xác và đầy đủ hơn thì cũng không “nói lại”, không thừa nhận sai lầm, không cải chính… Chẳng hạn, đã từng có người chụp màn hình trang thông tin điện tử của báo Hòa Bình phiên bản tiếng Mường rồi cho rằng “ai đó” đã sử dụng tiếng Việt một cách sai trái, rằng đó là “tiếng Việt của PGS. Bùi Hiền”, rằng tỉnh này đã “chạy theo Trung Quốc”…

Hay có người tự nhận mình là người chuyên phản biện, hoặc cũng được một số người coi họ là người tích cực phản biện, nhưng thực ra họ chỉ bày tỏ ý kiến một cách hồ đồ, vô trách nhiệm, không có tính xây dựng. Gần như vấn đề gì họ cũng tìm cách nói ngược lại, khi thì mỉa mai, khi thì công kích. Trong số này, có một số facebooker mang danh là nhà báo, luật sư, nhà văn hóa…, nhưng thái độ và các hành xử của họ hoàn toàn không thể hiện được các danh xưng mà họ trưng ra. Đó là biểu hiện mà dân gian hay gọi là “nói cho sướng miệng”, đôi lúc không phải không gây ra những hậu quả xấu, bởi lắm khi thông tin sai lệch, ý kiến sai lầm được một số người khác tiếp nhận, tán phát rồi tưởng rằng điều đó là đúng đắn.

Do đó, bản thân mỗi người cần tỉnh táo trước các thông tin không có nguồn chính thức, các nhận xét cá nhân, không vội tin, không vội chia sẻ, tán phát nếu không chắc chắn rằng điều đó là chính xác và cần thiết. Trong một số trường hợp, chúng ta cần mạnh dạn “nói lại”, phản bác các ý kiến chưa đúng và không nên tung hô những kẻ đó như là người phản biện, càng không phải là người đang tham gia phản biện xã hội!

TRÚC GIANG

 

 

 

[1] PGS.TS. Trần Hậu, Phản biện xã hội, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12-2014.

[2] Ngày 23-6-2016, Vương quốc Anh (UK) tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Đối với những người thuộc phe ủng hộ việc ở lại EU, khái niệm Bremain được nhắc đến song song với từ Brexit, tức là rời khỏi EU. Kết quả chính thức được công bố vào ngày 24-6, phe Brexit giành chiến thắng với khoảng cách 1 triệu phiếu (51,89% số phiếu). Tuy nhiên, ngay sao khi có kết quả, nhiều người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit tỏ ra hối hận với quyết định của mình và biểu tình đòi tiến hành trưng cầu dân ý lại.

[3] PGS.TS. Trần Hậu, tài liệu đã dẫn.