flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Không thể để dựa vào hình tượng nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử

Ngày đăng: 08-09-2022 Lượt xem: 1845

Xuyên tạc lịch sử, hạ bệ thần tượng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc là chiêu trò thâm độc và không phải gần đây mới có, thế nhưng những thủ đoạn này ngày một tinh vi và dẫn dụ được rất nhiều người tin, nghe theo. Một trong những kiểu xuyên tạc đó là dựa vào hình tượng nghệ thuật nào để để “bẻ lái” nhằm xuyên tạc lịch sử.

1. Xuyên tạc lịch sử, thôi thì muôn hình vạn trạng, dựa vào hình tượng nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử cũng muôn hình vạn trạng và nhiều cấp độ khác nhau. Có 2 câu chuyện gần đây đã được những người xuyên tạc thường sử dụng để dẫn dụ và phủ nhận lịch sử là câu chuyện về sự hi sinh lẫm liệt của Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Trên mạng có một clip cho rằng chị Võ Thị Sáu “bị điên”, chỉ có người bị điên mới không sợ chết nên khi ra pháp trường mới hái hoa cài lên mái tóc. Họ cũng cho rằng nếu là người bình thường tất sẽ sợ chết. Vì vậy trên đường ra sẽ không còn tâm trí đâu để hái hoa cài lên mái tóc. Đúng là tất cả mọi loài, trong đó có con người đều sợ chết. Thế nhưng, trong lịch sử đã có biết bao nhiêu tấm gương của những anh hùng dân tộc, những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản kiên cường đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Biết bao người đã hiên ngang, bất khuất trước cái chết, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.

Portrait of Võ Thị Sáu.jpg

Chân dung Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu

Nếu nói chị Võ Thị Sáu hái hoa cài lên mái tóc, vậy thì ai đã ngắt hoa cài lên mái tóc cho Anh hùng liệt sĩ võ Thị Sáu? Năm 1976, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác bài thơ “Bài thơ chị Võ Thị Sáu”, bài thơ có những câu thơ:

Người con gái trẻ măng

Giặc đem ra bãi bắn

Đi giữa hai hàng lính

Vẫn ung dung mỉm cười

Ngắt một đoá hoa tươi

Chị cài lên mái tóc

Đầu ngẩng cao bất khuất

Ngay trong phút hy sinh

Bây giờ dưới gốc dương

Chị nằm nghe biển hát.

Nhà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã sử dụng hình tượng nghệ thuật để miêu tả về phong thái lẫm liệt, bình thản trước cái chết của Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Trong thực tế, nếu ra pháp trường, tử tù nếu không bị trói trật cánh khuỷu thì cũng bị áp giải chặt chẽ, làm gì có thể ung dung, tự tại tạt bên này, tạt bên kia chạy nhảy để mà “hái hoa cài lên mái tóc”. Xin được nhắc lại, đó chỉ là hình tượng nghệ thuật.

2. Ngày 15-10-1964, anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn vì hành động yêu nước của mình. Cảm phục phong thái lẫm liệt, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù, trước giờ thọ hình, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” trong đó có những câu thơ:

…Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen

Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn

Với cái chết, Anh muốn nhìn giáp mặt

Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!

…..

Súng đã nổ. Mười viên đạn Mỹ.

Anh gục xuống. Không, Anh thẳng dậy.

Anh hãy còn hô: Việt Nam muôn năm!

Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm…

Hiện nay, trên internet có clip bản gốc về vụ xử tử hình người anh hùng, ngay lập tức, những người không có thiện chí vin vào những hình ảnh trong clip này để cho rằng phía cách mạng đã “nói xạo”, đã tuyên truyền không đúng. Cái mà họ đưa ra là “anh Trỗi không hề giật mảnh băng bịt mắt”, anh Trỗi cũng “không gục xuống rồi lại thẳng dậy và hô”….

Nguyen Van Troi.jpg

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi trước khi bị xử bắn. Ảnh TL

Sự thực thì trước khi bị xử bắn, anh Nguyễn Văn Trỗi đã từ chối bịt mắt, tuy nhiên đến phút chót, đội thi hành án đã quyết định bịt mắt anh lại. Tờ báo Miami News (Hoa Kỳ) ngày 15-10-1964 đã có bài tường thuật vụ xử bắn và cho biết trước khi bị xử tử, anh đã hô lớn: "Hãy nhớ lấy lời của tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm!...Người thanh niên hô lớn lời chào vĩnh biệt dành cho Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Từ những chi tiết này, nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa lại hình tượng người anh hùng bất khuất, hiên ngang trước cái chết bằng những vần thơ nêu trên.

Trong thực tế, khi bị xử bắn, anh Nguyễn Văn Trỗi đã bị trói chặt tay vào cột làm sao có thể “giật mảnh băng đen”. Cũng vậy, làm sao một người bị súng bắn vào ngực gục xuống mà còn thẳng dậy để hô to rồi mới gục xuống, cái đó chỉ có trong nghệ thuật. Và, trong câu chuyện này, nhà thơ Tố Hữu cũng đã sử dụng hình tượng nghệ thuật để miêu tả và khắc họa về giây phút thiêng liêng đối mặt trước cái chết của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Một sự thật không thể chối cãi đối với những ai xem clip này là Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã vô cùng hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù, trước cái chết.

3. Bây giờ, nếu hỏi ai đó rằng Lễ Quốc khánh 2-9-1945 được tổ chức vào buổi sáng hay buổi chiều, sẽ có rất nhiều ý kiến trả lời buổi chiều. Vì sao như vậy? Thì đây, rõ rành rành nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Sáng mồng Hai tháng Chín” đã viết:

Hôm nay sáng mồng Hai tháng Chín

Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình

Muôn triệu Tim chờ, Chim cũng nín

Bỗng vang lên tiếng hát ân tình

Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh!!!

Người đứng trên đài lặng phút giây

Trông đàn con đó vẫy hai tay

Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

Độc lập bây giờ mới thấy đây…

Sự thật thì buổi lễ không diễn ra vào buổi sáng mà diễn ra lúc 14h30 ngày 2-9-1945, tức buổi chiều. Thế nhưng không thể vì thế mà bây giờ ai đó “bắt đền” nhà thơ Tố Hữu hoặc quy cho ông là “nói xạo” (nói phét). Nhà thơ Tố Hữu viết thơ, ông không phải người chép sử, mà nhà thơ thì sử dụng hình tượng nghệ thuật. Một ngày bắt đầu vào buổi sáng, sự ra đời của đất nước cho dù buổi lễ diễn ra vào buổi nào thì cũng bắt đầu cho sự mở đầu giai đoạn tốt đẹp của dân tộc, vì lẽ ấy, nhà thơ Tố Hữu viết như vậy để muốn khẳng định rằng nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã chính thức sang trang, bước sang một chặng đường mới.

Nếu cứ vin vào câu chữ, vào hình tượng nghệ thuật để suy diễn, để bắt bẻ thì sẽ có một lúc nào đó người ta sẽ cật vấn đại thi hào Nguyễn Du khi ông viết: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”. Người ta cũng sẽ bắt bẻ nhạc sỹ An Thuyên, tác giả bài hát “Ca dao em và tôi” khi nhạc sĩ viết:

Cắt nửa vầng trăng,

Cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ.

Chặt đôi câu thơ,

Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chéo lướt sóng…

Nếu vin vào hình tượng nghệ thuật ấy để bắt bẻ chắc chắn người ta sẽ cật vấn nhạc sĩ An Thuyên rằng vầng trăng thì làm sao làm sao cắt nửa để làm con đò.

Người ta cũng sẽ tiếp tục bắt bẻ nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khi tác giả viết: Bây giờ dưới gốc dương

Chị nằm nghe biển hát.

Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu đã mất rồi, mất rồi thì làm sao nghe được nữa. Mà, “biển hát”, biển thì làm sao biết hát. Cứ bắt bẻ kiểu này có mà đến tết Công Gô…

Dưới các clip, các bài viết trên mạng xã hội kiểu này có rất nhiều các bình luận. Khi đọc các bình luận ấy, đã có nhiều bình luận bị các clip, các bài viết kiểu như trên dẫn dắt. Vì vậy, có nhiều bình luận cho rằng mình “bị lừa” bao năm qua (!?), rằng từ nay đừng tin vào những gì sách vở viết v.v…

Trước đây thiếu thông tin nên người ta cần thông tin, bây giờ thông tin quá nhiều thì lại xuất hiện nỗi lo mới: lạc lối, chết chìm vì thông tin. Bởi vậy, cẩn trọng và có hiểu biết trong tiếp cận thông tin vẫn chưa bao giờ là câu chuyện cũ, nếu không muốn nói rằng đó là xu hướng tất yếu trong cả hiện tại và tương lai./.

                                                                                     Viết Phước