flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Không thể gán ghép một vụ tiêu cực cá biệt để phủ nhận những thành tựu phổ biến!

Ngày đăng: 13-06-2022 Lượt xem: 1105

Fanpage Đài Á châu Tự do (RFA) ngày 9/6/2022 đã đăng một trạng thái (status) ngắn: “Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Tiêu cực trong y tế không ảnh hưởng đến ngành!”. Status này được đăng 2 ngày sau khi ông Nguyễn Thanh Long bị cách chức và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, sau đó bị khởi tố và bị tạm giam. Mấy dòng đó dù không thể hiện rõ tính dẫn dắt cũng như không bày tỏ quan điểm cụ thể nhưng đưa vào một thời điểm liền sau sự kiện như vậy và có cắt cúp, rõ ràng đã có ý “gợi mở” cho cho mỉa mai, công kích của một số người đọc.

Sau 3 ngày, status này đã có hơn 1.600 người bày tỏ cảm xúc, trong đó có nhiều người thể hiện sự phẫn nộ; đồng thời có gần 600 bình luận, gần 140 lượt chia sẻ. So với nhiều cập nhật khác, lần này RFA có vẻ không được “ủng hộ” nhiều, nhưng phần lớn các bình luận trong status này có thái độ và nội dung không tốt, nhiều bình luận công kích trực tiếp đến sự lãnh đạo của Đảng, xúc phạm đến các đồng chí lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước.

Thực ra, câu nói ở trên được RFA dẫn lại từ nội dung trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Đề cập các trường hợp vi phạm, tiêu cực trong ngành y tế đã bị phát hiện và xử lý, ông Nguyễn Thanh Long đã nói: “Trong ngành y tế thời gian qua, có những vụ việc xảy ra rất đáng tiếc cho vấn đề về quản lý, do một số vấn đề liên quan đến cá nhân. Thế nhưng, chúng tôi cho rằng đây là một vài trường hợp không ảnh hưởng đến, tác động đến ngành. Có thể nói rằng, trong thời gian qua, ngành đã hết sức nỗ lực, cố gắng cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân triển khai rất quyết liệt tất cả các biện pháp để phòng chống dịch. Chúng tôi cho rằng những trường hợp có vi phạm, có sai phạm (thì) phải xử lý theo quy định của pháp luật và thời gian tới đây tiếp tục như vậy…”. Trong buổi trả lời chất vấn này, về tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc, Bộ trưởng Y tế còn cho rằng: “Đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Mặc dù các quy định về đấu thầu đã có nhưng vẫn có vi phạm, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi lên án, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng pháp luật"…

Rõ ràng, trong một đoạn phát biểu có nhiều ý, việc cắt và dẫn lại một câu như cách làm của RFA là không trung thực và có dụng ý không tích cực. Trong đoạn trích ở trên, ông Nguyễn Thanh Long đã nói nhiều ý, như lấy làm tiếc về các vụ việc tiêu cực, các vụ việc liên quan đến cá nhân chứ không phải do hệ thống, dù đáng tiếc nhưng các vụ việc không ảnh hưởng đến ngành, bởi nỗ lực của toàn ngành trong phòng chống dịch là rất lớn, ai vi phạm thì sẽ bị xử lý, trước mắt cũng như sắp tới…

Nhưng nếu cắt cúp chỉ một ý ở trên như RFA đã làm thì thực sự phát biểu của ông Nguyễn Thanh Long cũng không phải không có cơ sở. Kể cả đến lúc này, khi chính ông được cho là có một số sai phạm, thì điều đó vẫn phù hợp.

Trước hết, ngành y tế là sự tập hợp của rất nhiều người, cơ quan, đơn vị, chứ không phải chỉ một số cá nhân hay tổ chức. Đến thời điểm này, đã có hơn 60 cá nhân và nhiều tổ chức có liên quan đến vụ kit test Việt Á, cũng như có một số cá nhân liên quan đến các vụ sai phạm, tiêu cực khác thì so với tổng thể cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, các y bác sĩ, nhân viên, sinh viên… của cả ngành y tế thì vẫn rất nhỏ. Không chỉ vậy, trong thời gian phòng chống dịch, ngành còn được sự giúp sức của nhiều cán bộ, y bác sĩ đã nghỉ hưu, vốn hiện tại gần như không còn hoạt động trong ngành, thì các con số vi phạm lại chiếm tỷ lệ càng nhỏ.

Bên cạnh đó, sự đóng góp trong công tác phòng chống dịch của ngành y tế là rất lớn. Rất nhiều cán bộ, y bác sĩ, nhân viên, sinh viên… đã tích cực tham gia các hoạt động với tinh thần “ở đâu có dịch thì ta cứ đi”. Nhất là với đợt dịch lần thứ tư ở TP.HCM, hàng ngàn nhân viên y tế đã tình nguyện lao vào tâm dịch, không quản ngại hiểm nguy, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ phòng dịch, dập dịch và cứu chữa cho người bệnh Covid-19 cũng nhiều bệnh khác. Nhiều người đã nhiễm bệnh và trong số đó có người đã mãi mãi ra đi khi chưa kịp thấy vùng xanh đã trở lại với địa bàn mình trực chiến…

Trong số những người đã bị xử lý, đang chờ bị xử lý do có những sai phạm liên quan đến công tác quản lý, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị phòng chống dịch, thực sự có không ít người đã xả thân ở các tâm dịch, dù có nhiễm bệnh vẫn không rời bỏ trận địa. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, người đứng đầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch tại TPHCM, đã xông pha cùng các lực lượng ở những điểm “nóng” nhất nhằm xử lý kịp thời các vấn đề đặt ra, hỗ trợ nhanh chóng nhất có các bệnh nhân hay các đơn vị gặp khó khăn. Hay chính Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng có nhiều quyết sách được cho là ứng phó hữu hiệu với tình hình bùng phát dịch, nhất là vấn đề cung ứng vaccine và tổ chức tiêm vaccine trong giai đoạn dịch bùng phát dữ dội tại TPHCM và một số địa phương… Nhiều cán bộ y tế khác trước khi bị xử lý cũng là những điển hình trong công tác phòng chống dịch tại địa phương, đơn vị đó, được đội ngũ tại chỗ và dư luận ghi nhận, đánh giá cao…

Nêu một số nhận xét như vậy không phải để bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Long hay các cán bộ y tế có sai phạm. Thực sự nhiều người có động cơ cá nhân không trong sáng và thậm chí đã có vụ lợi cụ thể trong các sai phạm; nhưng bên cạnh đó, cũng còn có sự chưa chặt chẽ của các quy định, nhất là trong điều kiện phải ứng phó rất nhanh với tình hình dịch bệnh, và công tác giám sát của các cơ quan chức năng. Trong khi ngành y tế có khẩu hiệu “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, Đảng có định hướng “Cán bộ càng cao thì càng phải gương mẫu”, việc nhiều cán bộ y tế sai phạm, trong đó có cả “tư lệnh ngành” rõ ràng là điều rất đáng tiếc và cũng rất đáng trách.

Nhưng dẫu vậy, sai phạm, tiêu cực của một số cá nhân không che lấp và cũng không ảnh hưởng đáng kể đến ngành, bởi ngành còn rất nhiều người tốt khác, nhiều gương sáng khác và ngày đêm vẫn nỗ lực để làm tròn trọng trách của mình. “Có công được thưởng, có tội phải trừng”, đó là điều phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch, kịp thời. Những ai có lỗi để bị xử lý thì phải mạnh mẽ phê bình nhưng dẫu sao cũng không được quên các đóng góp của họ trước đó.

Do đó, việc làm của RFA rõ ràng là có dụng ý xấu. Nên người tiếp nhận thông tin này cần tỉnh táo và có chủ kiến của mình một cách phù hợp, khách quan, tôn trọng sự thật. Chúng ta không thể gán ghép một sai phạm của cá nhân mang tính cá biệt để phủ nhận những thành tựu mang tính phổ biến của rất nhiều người, của cả hệ thống. Đồng thời, chúng ta phải tranh đấu mạnh mẽ với luận điệu xấu đó!

NGŨ YÊN