flag header

Tin tứcChống DBHB

Không thể xuyên tạc Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm

Ngày đăng: 03-11-2021 Lượt xem: 7185

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW “Về những điều đảng viên không được làm” (từ đây gọi là Quy định số 37), ngay lập tức trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện “như nấm sau mưa” các bài viết xuyên tạc về quy định này.

Họ đã xuyên tạc những gì?

Các luận điệu xuyên tạc ấy cho rằng Quy định số 37 với các nội dung như: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng” là không đúng, vì như vậy là đảng viên “mất hết sáng kiến, sống như người máy” (!?!).

Cũng có những luận điệu cho rằng Đảng ban hành quá nhiều quy định và chồng chéo nhau. Họ cho rằng “đảng viên trước hết cũng là công dân, vậy họ phải tuân thủ pháp luật” nên quy định này của Đảng là…thừa. Họ cũng cho rằng “không thể thực thi theo chỉ thị, nghị quyết, nghị định, quy chế, quy định...của một đảng phái dù đảng phái ấy có cầm quyền” v.v…

Với quy định nghiêm cấm đảng viên: “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”. Các luận điệu xuyên tạc cho rằng vậy là đảng viên “mất quyền công dân”.

Không hiểu hay cố tình không hiểu?

Những người có các quan điểm nêu trên, có người có trình độ thấp, có người có trình độ cao và nhiều người trong số họ là những cây viết quen thuộc và có nhiều bạn trên facebook. Tuy nhiên những đánh giá về Quy định 37 như nêu trên hoặc là chưa hiểu hết, hoặc là cố tình không hiểu.

Quy định đảng viên không được nói, viết, làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị là một yêu cầu bắt buộc của Đảng được quy định trong Điều lệ Đảng. Điều 9, Điều lệ Đảng hiện hành ghi rõ: “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số”. Không những vậy, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW “Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề triệt tiêu sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua ở TP. Hồ Chí Minh, đã có những cán bộ lãnh đạo cấp huyện “vượt rào” với những cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả được ủng hộ và đánh giá cao.

Về luận điệu cho rằng “không thể thực thi theo chỉ thị, nghị quyết, nghị định, quy chế, quy định...của một đảng phái dù đảng phái ấy có cầm quyền” và Quy định số 37 là…thừa là một luận điệu hoàn toàn không hiểu về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, một yêu cầu tối cần thiết đối với những người muốn phản biện hoặc phản đối.

Chúng ta đều biết rằng bất cứ một tổ chức nào cũng có điều lệ của tổ chức đó và các thành viên của tổ chức trước hết khi ở trong tổ chức phải chấp hành điều lệ của tổ chức. Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức của những người cùng chung lý tưởng, tất cả những người vào đảng đều là tự nguyện và không ai bị bắt buộc. Trước khi vào Đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải được học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trong đó có những nội dung rất quan trọng để hiểu về Đảng. Do đó, khi đã chấp nhận tự nguyện vào Đảng đương nhiên đảng viên phải chấp hành các quy định của Đảng.

Công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép; đảng viên thì ngoài việc là một công dân, một cán bộ, công chức, viên chức thì tất cả đảng viên phải chấp hành quy định về những điều đảng viên không được làm, đó là nguyên tắc. Vì vậy, Quy định 37 cũng có nội dung cấm đảng viên không được “nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài” cũng là những quy định riêng của Đảng mà phàm đã là thành viên trong tổ chức phải chấp hành. Nếu ai đó muốn làm khác đi thì cũng rất dễ dàng, chỉ cần xin ra khỏi Đảng.

 Về luận điệu cho rằng Quy định số 37 cấm đảng viên không được tự ứng cử, nhận đề cử là mất quyền công dân (?). Đây là một cách hiểu hoặc ấu trĩ, hoặc có dụng ý xuyên tạc. Ở đây chả có gì gọi là mất quyền công dân cả. Nếu tổ chức đảng thấy đảng viên nào đó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thì tổ chức sẽ giới thiệu. Nếu đảng viên muốn tự ứng cử, đề cử thì cũng không khó khăn gì, chỉ cần xin ra khỏi đảng và tự ứng cử với tư cách một công dân.

Tất nhiên, không thể có một quy định nào của Nhà nước hay của Đảng có thể bao quát hết được mọi mặt của đời sống xã hội, và Quy định số 37 cũng vậy. Tuy nhiên không phải vì thế mà phủ nhận sạch trơn những nội dung của quy định này. Mỗi khi Đảng ban hành các chỉ thị, nghị quyết hay quy định nào đó bao giờ cũng có những bài viết xuyên tạc và phủ nhận, đó là điều không lạ. Đối với mỗi đảng viên, hiểu và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng chính là góp phần trả lời các luận điệu xuyên tạc một cách thuyết phục nhất./.

Viễn Trung