flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Không thể xuyên tạc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 15-07-2022 Lượt xem: 1140

Lâu nay, các phần tử phản động, cơ hội vẫn theo đuôi các thế lực thù địch bôi nhọ, xuyên tạc cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh (di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh) bằng những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Luận điệu phản động của chúng không chỉ xuyên tạc giá trị và ý nghĩa di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn phủ nhận những kết quả đạt được khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo chúng, việc học và làm theo đó “có nhét đầy tai cũng không vô”; là “nước đổ đầu vịt”, “nước đổ lá khoai”, vì Việt Nam “lợi dụng sự sùng bái cá nhân”, nên bắt buộc phải học và làm theo Bác! Hơn nữa, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Chỉ thị 05) và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Kết luận 01) đã rất rõ ràng, song khi triển khai hành động vẫn “nhạt như nước lã ao bèo”, vì việc học, làm theo đó chỉ là hình thức; vì hiện nay "hình tượng Hồ Chí Minh phai nhạt" trong đời sống xã hội.

Trước những luận điệu phản động này, cần phải khẳng định rằng:

Không thể phủ nhận giá trị và ý nghĩa di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước hết, phải khẳng định rằng, dù tiếp cận ở chiều cạnh nào thì cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng luôn là tài sản quý báu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam làm nên thời đại Hồ Chí Minh lịch sử - thời đại vinh quang nhất trong tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là sự thật không thể cãi bàn, càng không thể phủ nhận.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ, song cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn được giới nghiên cứu quan tâm, vẫn in đậm trong trái tim và khối óc của nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh; yêu tự do, công lý, hạnh phúc, mong muốn xóa bỏ đói nghèo, dịch bệnh… Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người “thuộc về tương lai, vì Hồ Chí Minh đã tạo ra tương lai vĩ đại ấy... Người là một người làm nên lịch sử hiện đại. Người đã trở thành một nhà kiến trúc và tạo hình của quá trình cách mạng thế giới trong thời kỳ có tính chất bùng nổ nhất ... Người đã trở thành ngọn đèn biển soi sáng đường đi cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới... Có lẽ hơn bất  kỳ người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc mình và đối với cả thế giới, Hồ Chí Minh là hiện thân của cách mạng... Người là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng yêu nhất của thời đại chúng ta”[1]. Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau là hệ thống quan điểm, lý luận toàn diện, sâu sắc về đường lối cách mạng Việt Nam mà tính khoa học, đúng đắn của đường lối đó chính là ánh sáng soi đường đưa dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam thoát khỏi ánh thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng và phong cách mẫu mực về cách sống, cách nghĩ, cách nói, cách làm việc của một vị lãnh tụ hết lòng yêu thương nhân dân, suốt đời sống “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, vì nhân dân tận tâm phụng sự, để các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mãi học tập, làm theo.

Xuyên suốt lịch sử hơn 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng thực hiện/học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, khẳng định ý nghĩa và giá trị hiện thực của việc triển khai cuộc vận động chính trị sâu rộng này trong cả hệ thống chính trị. Trong quá trình thành lập Đảng và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tập trung ở tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927). Khi nước nhà giành được độc lập, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua các tác phẩm: Sao cho được lòng dân (12/10/1945); Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945); Sửa đổi lối làm việc (10/1947); Tự phê bình và phê bình (14/2/1952); Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (31/7/1952); Đạo đức cách mạng (12/1958); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (3/2/1969); Di chúc (1969),v.v.. Sau khi Người qua đời, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nỗ lực thực hiện khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình thực hiện học và làm theo Bác gắn với các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; gắn với các Quy định 47, 101, 55, 08 về nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu…

Thực tế, việc học và làm theo Bác không phải mới được triển khai 16 năm kể từ Kết luận số 39 Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX cho đến Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII; không chỉ được thực hiện bởi các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề như Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 06); Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 03); Chỉ thị 05, Kết luận 01… mà đã thấm sâu trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân kể từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến nay.

Những kết quả đạt được của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận

Từ những thông tin được cập nhật trên hệ thống báo chí, truyền thông, có thể thấy được rằng, trong những nhiệm kỳ gần đây, việc triển khai sâu rộng Chỉ thị số 03 gắn với thực hiện Nghị quyết ương 4 khóa XI; Chỉ thị 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và giờ đây là việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (Kết luận 21) với Kết luận 01… đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động của mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng thì vẫn còn một số tổ chức, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" đã sa vào tham ô, tham nhũng. Thực trạng này đã được nêu trong báo cáo hằng năm và tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06, Chỉ thị 03, Chỉ thị 05… của các cấp ủy trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Cho nên, không chỉ vì một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, rời xa lý tưởng cách mạng, sa vào cá nhân chủ nghĩa mà bỏ qua và phủ nhận sự cần thiết cũng như những kết quả đạt được khi triển khai cuộc vận động chính trị sâu sắc này.

Vì thế, việc cho rằng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là không cần thiết, là không có kết quả, vì càng đẩy mạnh học tập và làm theo Bác thì càng nhiều cán bộ, đảng viên “suy thoái, tham ô, tham nhũng” chỉ là sự bôi đen, xuyên tạc và kích động nhằm chống phá Đảng, chế độ của các thế lực thù địch. Đồng thời, những nhận định không khách quan như: Hiện nay, rất nhiều người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ đã “không còn quan tâm” đến cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nữa. Những cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết về Người cũng như các bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng “ít đi”, chỉ được xuất hiện trong dịp kỷ niệm sinh nhật hoặc ngày 2/9; "không còn chiếm nhiều chỗ nữa" trong các hiệu sách… không chỉ là sự suy diễn phản động mà còn bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, gây hoang mang trong cộng đồng.

Bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch; bất chấp các chiêu trò, thủ đoạn bẻ cong sự thật, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Vì thế,  trên các phương tiện truyền thông, các nhà xuất bản, các hiệu sách, những ấn phẩm/tác phẩm, bộ phim, kịch… về Chủ tịch Hồ Chí Minh; trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xuất hiện như một phần không thể thiếu trong đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần của người Việt Nam, chứ không phải "ít đi", như suy diễn thiển cận của một vài cá nhân nào đó. Và cũng vì thế, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ trở thành nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như của các tầng lớp nhân dân trên cả nước, chứ không phải là “không cần thiết”, là “hình thức” như các thế lực thù địch ảo tưởng, xuyên tạc!

Mai Anh

 

 


[1]Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1990, tr.19-20