Ngày đăng: 05-06-2019 Lượt xem: 3674
Những ai nghiên cứu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hẳn đều biết đến câu chuyện nổi tiếng sau đây, được trích trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của tác giả Trần Dân Tiên – Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2005[1].
“...Một vị trí thức ở Sài Gòn kể lại cho tôi:
"Trong khi còn học ở trường Chasseloup Laubat, tôi gặp một người thanh niên ở Trung bộ vào Sài Gòn ở nhà một người bạn. Vì cùng một lứa tuổi, cho nên chúng tôi lập tức trở nên đôi bạn thân. Tôi đưa anh đến trước tiệm cà phê của Pháp xem đèn điện, xem chiếu bóng và máy nước. Những cái đó trước kia anh chưa hề thấy.
Một hôm tôi mời anh ăn kem. Anh rất lạ. Lần đầu tiên anh mới nếm mùi kem.
Sau ít hôm, anh đột nhiên hỏi tôi: "Anh Lê, anh có yêu nước không?"
Tôi ngạc nhiên và đáp: "Tất nhiên là có chứ!"
"Anh có thể giữ bí mật không?"
"Có".
"Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm… Anh muốn đi với tôi không?".
"Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?"
"Đây, tiền đây" – Anh bạn của tôi vừa nói vừa giơ hai bàn tay – "Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi…”.
Cảng Sài Gòn - Nơi lưu dấu Người ra đi tìm đường cứu nước
Vậy là Bác Hồ của chúng ta đã ra đi từ bến cảng Sài Gòn, vào ngày 5-6-1911 trên con tàu Latouche Tréville với tên gọi là Văn Ba và bắt đầu bằng công việc phụ bếp. Trần Dân Tiên đã dẫn lại lời của một nhân chứng: “Phụ bếp trên tàu, mỗi ngày anh ta phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, tối đốt lửa trong các lò. Sau đó đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt cá, nước đá...
Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng và trong hầm rất rét. Nhất là khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang trong khi tàu tròng trành.
Xong công việc ấy, phải dọn cho bọn chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, nhặt rau, rửa chảo nồi và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày.
Nhà bếp lo cho bảy, tám trăm người cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Và những cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi nồi…”. Câu chuyện này sẽ giúp nhiều người hình dung được chặng đường gian nan của vị lãnh tụ trong buổi đầu đi tìm đường cứu nước. Đôi khi, để hoàn thành một hành trình lênh đênh trên biển hàng tháng trời để đến nước Pháp với một số người cũng không hề dễ dàng, thì vị lãnh tụ của chúng ta không chỉ vượt qua các thách thức thông thường ấy mà còn làm việc một cách nhọc nhằn, vất vả, đầy hiểm nguy nhưng vẫn không quên tự học, đầu tiên là học tiếng Pháp, điều mà nhiều người đã kể lại.
Ngày 6-7-1911, tàu Latouche Tréville đã ghé qua cảng Marseille, rồi đến Le Havre ở miền Bắc nước Pháp và dừng lại để sửa chữa. Văn Ba xuống tàu và kiếm sống bằng nghề làm vườn ở thị trấn Saint Adresse gần cảng Le Havre. Công việc hàng ngày của Người là chăm bón hoa với người làm vườn hoặc làm những việc vặt trong gia đình nhà chủ. Năm 1912, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Charges Réunis đi vòng quanh châu Phi, Người đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algeria, Tunisia, Congo, Dahomey, Senegal, Réunion… Đến tháng 12-1912, Người đến nước Mỹ; Người đã sống ở New York, đi làm vườn thuê cho một gia đình nông dân làm nghề trồng nho ở Brooklin. Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời Mỹ sang Anh. Ở Luân Đôn, Nguyễn Tất Thành vẫn mang tên Văn Ba, làm nhiều việc, từ đi làm công ở cảng Liverpool, quét tuyết cho một trường học, vét bùn ở đường tàu điện ngầm, đốt lò… cho đến phụ bếp ở khách sạn Trayton Court, sau đó làm phụ bếp ở khách sạn Carlton để kiếm sống và học tiếng Anh. Khoảng năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp và từ năm 1917 - 1923, Người sống và hoạt động ở Paris bằng nghề rửa ảnh và phóng ảnh, sơn vẽ đồ giả cổ Trung Quốc... Đặc biệt, Người bắt đầu tham gia viết bài cho các báo, công việc mà Người vừa học vừa làm từ năm 1919…
Đã có một số người ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành không phải là người đầu tiên. Cũng đã có một số người trong quá trình đi tìm đường cứu nước đã lao động vất vả kiếm sống, mà một trong những người rất nổi tiếng là cụ Phan Chu Trinh[2]. Nhưng với Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh, người lao động vất vả không chỉ để kiếm sống mà còn để tìm hiểu thực trạng xã hội ở các nước, nhất là các nước tư bản. Đó có lẽ là điều tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa Hồ Chí Minh và những người khác. Chẳng hạn, hồi mới sang Pháp, Người đã được chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở của mình, nhận thấy người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương. Người nói với một người bạn: “Tại sao người Pháp không “khai hoá” đồng bào của nước họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”. Hay lúc đi vòng quanh châu Phi, đến đâu anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Người nói: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế”. Ở New York, Người đi xe điện ngầm tới thăm khu Harlem và rất xúc động trước điều kiện sống của người da đen. Ở Anh, trong thời gian làm phụ bếp ở khách Carlton, dưới sự điều khiển của vua đầu bếp người Pháp Escophier, vị đầu bếp này thấy Nguyễn đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng thì anh lại để riêng những thức ăn còn sạch sẽ, có lúc là một phần tư con gà hoặc còn nguyên cả miếng bít tết để đưa lại cho nhà bếp. Ông hỏi anh: “Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng như những người khác? Tất Thành trả lời: “Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”...
Vậy đó, trái tim nhân hậu thấm đẫm cần lao và tinh thần vượt gian khó ở Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn và cao cả. Có lẽ chính từ sự sâu sát đời sống của nhân dân lao động ở các nước, nên Người đã tiếp cận bản sơ thảo lần thứ nhất Luận cương những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin một cách rất tự nhiên và hoàn toàn đồng cảm. Bởi Người đã chia sẻ quan điểm của Lenin bằng góc nhìn của một người vô sản, điều mà nhiều người khác không có, khi họ vẫn đứng trên lập trường của người trí thức hoặc tiểu tư sản. Chính từ đây, Người thực sự hiểu được nguyện vọng của người vô sản cần gì, muốn gì, có thể làm gì và khi liên hệ với nhân dân trong nước, Người đã tìm được cách thức để vận động, giác ngộ đồng bào tham gia cách mạng, điều mà những nhà cách mạng theo các khuynh hướng khác không làm được.
Như vậy, đôi bàn tay vất vả của Hồ Chí Minh trong hành trình đi tìm đường cứu nước không đơn giản là để tự kiếm sống, để học tập, để tồn tại, để tìm kiếm các cơ hội hoạt động cách mạng mà chính là một bước thâm nhập quan trọng để thực sự tìm ra con đường và cách thức cứu nước. Tức là, cùng với đôi bàn tay vất vả là gánh nặng sơn hà và Người đã nâng đất nước lên một tầm cao mới chính từ đôi bàn tay vất vả đó. Thử giả định, năm 1917, Hồ Chí Minh tiếp cận được Luận cương của Lenin nhưng không phải trong tâm thế của một người vô sản, không phải ở nhận thức của một người đã rất hiểu giai cấp vô sản và có sự đồng cảm sâu sắc với những người vô sản, thì có khi sự tiếp thu và vận dụng Luận cương và các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin lại theo một cách thức khác!
Nhìn lại hành trình gian nan, vất vả của Văn Ba – Nguyễn Tất Thành rồi Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sau này ta mới có thể thấu hiểu được vì sao Người đã tìm ra được con đường cứu nước thực sự cho dân tộc mình!
TRÚC GIANG
[1] Đoạn trích này còn được đưa vào sách giáo khoa trong chương trình phổ thông nước ta trong nhiều năm qua.
[2] Cụ Phan Chu Trinh trong thời gian hoạt động ở Pháp đã bị thực dân Pháp ghép tội “làm gián điệp cho Đức” và bắt giam từ tháng 9-1914 đến tháng 7-1915. Sau khi ra tù, cụ học nghề rửa ảnh rồi làm thuê cho các hiệu chụp ảnh để kiếm sống.