flag header

Tin tứcTin tức

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx (05/5/1818 - 05/5/2018) - Karl Marx-Nhà tư tưởng vĩ đại

Ngày đăng: 05-05-2018 Lượt xem: 1244

"Marx là một nhân vật quá lớn khiến chúng tôi ở phương Tây không thể để dành riêng ông ấy cho những người cộng sản. Ông ấy không phải là của riêng những người cộng sản đâu vì ông ấy là một người khổng lồ của khoa học”. Đó là nhận định về Marx của một nhà khoa học người Mỹ, một người được giải thưởng Nobel về kinh tế. Năm 1999, Marx được đại học Cambride (Anh) bình chọn là nhà tư tưởng số một của thiên niên kỷ vừa qua. Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về chủ nghĩa Marx và ngày càng phát hiện ra ở đây những hạt nhân hợp lý và càng không khỏi khâm phục những người sáng lập ra học thuyết này.

Học thuyết Marx-cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới

Cùng với Ăng ghen, bằng sự uyên bác về trí tuệ, Mác đã tiếp thu, chọn lọc, phát triển sáng tạo những giá trị tư tưởng trước đó và đương thời; luôn bám sát phong trào đấu tranh của công nhân cũng như những biến động của chủ nghĩa tư bản đồng thời nghiên cứu nhiều lĩnh vực khoa học khác. Mác là một bậc tài danh đến kẻ thù cũng phải khâm phục trí  tuệ siêu việt của ông. Viên Giám đốc cảnh sát Béclin đã phải thừa nhận: "Bản thân Mác là một người nổi tiếng và cần phải thừa nhận rằng trí tuệ trong đầu ngón tay của ông ta còn nhiều hơn trí tuệ trong đầu của toàn bộ phe đảng khác"

.

Các Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Các Mác đã xây dựng nên phép biện chứng duy vật. Triết học duy vật biện chứng của Mác đã đập tan mọi thứ triết học duy tâm, siêu hình, coi thế giới là do thần linh sáng tạo ra, vĩnh viễn không thay đổi, con người sống hoàn toàn phụ thuộc vào số mệnh, may rủi, lịch sử xã hội là do ý muốn của thượng đế, hay của vua chúa, anh hùng tạo nên. Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào việc xem xét xã hội, Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định sinh hoạt chính trị, tinh thần của xã hội nói chung. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế chế độ xã hội cũ, lỗi thời bằng chế độ xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa.

Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, học thuyết kinh tế của Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. Một trong những phát hiện vĩ đại của Mác, là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật chung của xã hội tư bản. Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Cũng như đối với xã hội có giai cấp trước đây, trong xã hội tư bản, đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội.

Mác chứng minh về mặt lý luận rằng, giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Với những phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa. Lê-nin cho rằng điểm cốt yếu của học thuyết Mác là nó đã soi sáng vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.

Sức sống vững bền của học thuyết Mác

Những năm sau ngày  hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực chống cộng trên thế giới đã hô hoảng về sự cáo chung của Chủ nghĩa Mác; người ta gán cho Marx rất nhiều sai lầm. Thế nhưng, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trong thực tế chứ không phải là sự sụp đổ của một hệ tư tưởng. Tạp chí Spiegel thăm dò “56% người Đức cho rằng chủ nghĩa xã hội là một tư tưởng hay nhưng được thực hành tồi”, hay “các nhà lãnh đạo quốc gia ở khắp nơi đã cải tạo xã hội dựa trên lý thuyết của Marx, nhưng đồng thời đã thay đổi những ý tưởng của Marx đến độ khôi hài” (Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh số 495).

Chủ nghĩa Mác vẫn đang có sức hấp dẫn chinh phục hàng tỷ người trên hành tinh. Năm 1999, Đại học Cambride (Anh) đã bình chọn Marx là nhà tư tưởng số một của thiên niên kỷ vừa qua (nhà bác học Einsteine đứng thứ 2). Marx cũng được xếp đứng thứ 3 trong số 100 nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của nước Đức sau cựu thủ tướng Adenauer và nhà thần học Martin Luther sáng lập đạo Tin lành (Đông La-Bóng tối và ánh sáng). Giới học giả trên thế giới vẫn đang không ngừng nghiên cứu về chủ nghĩa Mác và càng không khỏi khâm phục những người sáng lập ra nó. Năm 1995, một đại hội quốc tế về Mác đã được tổ chức tại Pari quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học trên thế giới; các đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt Mác vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại[1]”. Nhà triết học tư sản đương đại người Pháp Giắc Đeriđa (Jacques Derrida) trong tác phẩm Những bóng ma của Mác đã khẳng định “Không có tương lai nếu không có Mác, không có các di sản của Mác…Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI”. Một nhà khoa học Mỹ, người được giải thưởng Nobel về kinh tế đã từng phát biểu: "Mác là một nhân vật quá lớn để chúng tôi không thể để dành riêng Mác cho những người cộng sản[2]”.

Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng nhờ học thuyết Marx mà chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã điều chỉnh rất nhiều phương pháp và cách thức hoạt động của nó - cái mà ngày nay gọi là CNTB thích nghi. Và, mặc dù nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ngày nay đã phát triển đến một trình độ cao, tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ, nhưng mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất vẫn diễn ra hết sức gay gắt. CNTB đã phải thường xuyên đương đầu với những cuộc khủng hoảng nặng nề, với nhiều nguy cơ suy thoái và nạn thất nghiệp của hàng chục triệu người. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mặc dù hiện đang đứng trước những thử thách nặng nề, nhưng nhìn toàn cục của sự phát triển lực lượng sản xuất vẫn đang bị những tiền đề khách quan để giai cấp coiong nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Cho nên, luận điểm của Mác và Ăng ghen về nền công nghiệp lớn hiện đại tạo ra những tiền đề vật chất và xã hội để thủ tiêu chế độ người bóc lột người vẫn giữ nguyên giá trị khoa học. Mặc dù thay đổi và điều chỉnh, song bản chất bóc lột của CNTB vẫn không thay đổi, những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản còn tồn tại, thì khi ấy chủ nghĩa Mác vẫn còn nguyên giá trị và vẫn sẽ mãi là ánh sáng chỉ đường cho hoạt động của con người vì sự tiến bộ của nhân loại.

Đối với cách mạng Việt Nam, công ơn của Marx thật to lớn. Trong bối cảnh đất nước chìm đắm trong đêm trường nô lệ, khi các phong trào yêu nước nổ ra khắp nơi nhưng đều bị dìm trong biển máu, trong bối cảnh ấy, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin và tìm thấy ở đây con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay,đảng ta luôn kiên trì lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Đường lối cách mạng do Đảng đề ra trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam chính là sản phẩm của sự vận dụng một cách  sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

                                                                     Ngọc Anh

 

[1] Dẫn theo Thế Nguyễn, Vẫn tin một mùa xuân phía trước, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12/01/2013

[2] Hoàng Chí Bảo: Chủ biên (2013), Bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb Chính trị - Hành chính, tr. 292