Ngày đăng: 03-02-2020 Lượt xem: 2611
Năm 1960, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 30 tuổi. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”. Ngày 3-2-2020, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 tuổi. Ngày thành lập Đảng là dịp để cùng nhìn lại những gì đã làm được, những tồn tại hạn chế và cả những khó khăn, thách thức để vượt qua. Kỷ niệm ngày thành lập Đảng năm nay cũng không ngoài quy luật ấy.
1. Đảng ta thật là vĩ đại bởi trong bối cảnh đất nước chìm đắm trong nô lệ, biết bao những người con ưu tú của dân tộc trăn trở tìm con đường cứu nước cho dân tộc nhưng không tìm ra. Không phải các thế hệ người Việt Nam khi ấy không có lòng yêu nước thiết tha cháy bỏng, thế nhưng các phong trào yêu nước đều thất bại bởi chưa tìm được con đường đi thích hợp cho dân tộc Việt Nam. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam khi mà con đường của các sỹ phu, các nhà yêu nước trước đó gần như đã đi vào ngõ cụt. Mang trong mình dòng máu yêu nước của dân tộc, bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành quốc tế III của Lênin và trở thành một trong những người só công sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Cẩm nang cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ở Paris, thủ đô nước Pháp đã dần được truyền vào Việt Nam tạo nên niềm hứng khởi sâu sác của rất nhiều các tầng lớp Nhân dân để rồi ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong bổi cảnh tiền đồ dân tộc đen tối như không có đường ra ấy, ngày 3-2-1930, Nhân dân Việt Nam đã có một lực lượng xứng đáng lãnh đạo dẫn lối, chỉ đường.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời từ sự thôi thúc cấp bách của lịch sử cần có một đội tiên phong lãnh đạo để giành lại độc lập cho dân tộc. Bởi vậy, khát vọng lớn nhất của mọi người Việt Nam yêu nước khi ấy là đoàn kết dưới ngọn cờ tập hợp của Đảng để đấu tranh giành độc ;ập, giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc vốn là những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người. Ra đời từ nhân dân, chiến đấu trong lòng nhân dân và vì hạnh phúc của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt đảm nhận sứ mệnh lịch sử trọng đại trước dân tộc, đó là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, mang lại cơm áo và hạnh phúc cho nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vĩ đại bởi từ khi ra đời, đảng đã hòa mình vào các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tiến hành các cuộc cách mạng mang lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Được nhân dân chở che đùm bọc, Đảng đã hòa mình trong các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân, cùng nhân dân dấy lên các phong trào cách mạng rộng khắp trong cả nước từ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, cuộc vận động dân chủ 1936-1939, cao trào cách mạng 1941-1945. Năm 1945, chỉ có hơn 5 nghìn đảng viên mà mất phân nửa vẫn còn trong nhà tù của đế quốc Pháp, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nền độc lập vừa giành được đã đứng trước thử thách cam go khi kẻ thù quyết quay trở lại xâm lược một lần nữa. Hàng loạt đội quân viễn chinh của các nước đế quốc với quân đông, vũ khí mạnh đã không thể khuất phục được dân tộc ta, nhân dân ta một lần nữa bởi nhân dân Việt Nam đã có đội tiên phong dẫn lối, chỉ đường. chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, rồi 30-4-1975 đã kết thúc cuộc hành trình dài 30 năm đấu tranh đầy gian khổ, hi sinh của cả dân tộc. Đảng vĩ đại vì từ khi thành lập, Đảng không rơi vào chủ nghĩa cơ hội, không giáo điều, ít khi chệnh hướng và với mục đích tất cả vì nhân dân. Vĩ đại bởi khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng vẫn vững vàng trong phong ba bão táp bởi Đảng biết dựa vào nhân dân, biết khơi dậy và phát huy sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Vĩ đại bởi Đảng luôn nhận ra sai lầm, khuyết điểm và nhanh chóng khắc phục những sai lầm, khuyết điểm ấy bằng việc điều chỉnh đường lối chiến lược một cách phù hợp và chắc chắn.
2. Sau men say của chiến thắng 30-4-1975, đã xuất hiện những vấp váp trong xây dựng đất nước. Nền kinh tế Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX lâm vào khủng hoảng trầm trọng trong bối cảnh hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên xô đi vào giai đoạn thoái trào trước khi sụp đổ. Bằng bản lĩnh chính trị và trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, một lần nữa Đảng Cộng sản Việt lại thể hiện bản lĩnh và năng lực cầm quyền của mình: Quyết định đổi mới đất nước để đưa đất nước tiến lên.
Đường lối Đổi mới được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1986 đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, có tính quyết định trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đổi mới không chỉ là một ý chí chính trị, một khẩu hiệu hành động màu - đã lan tỏa, tác động trong suy nghĩ, việc làm của mỗi người dân Việt Nam. Sau hơn 33 năm đổi mới đất nước, quy mô GDP khoảng 266 tỷ USD, tăng gần 20 lần so với trước đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Nếu như năm 1987, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 2.5% thì năm 2019 là 7.02%. Năm 2019, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh, từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, từ bất ổn của nền chính trị nhiều khu vực trên thế giới thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao và thuộc nhóm những nước tăng trưởng cao nhất thế giới. GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD thì đến năm 2019 đã là 2.800 USD. Dự trữ quốc gia đến hết năm 2019 là gần 80 tỷ USD, một con số kỷ lục từ trước tới nay của Việt Nam. Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia nhiều tổ chức quốc tế, nhiều hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Kể từ Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước. Nếu như trước năm 1975, Việt Nam vẫn chưa là thành viên của Liên hợp quốc thì đến nay, sau hơn 30 năm (kể từ 20/9/1977) được kết nạp là thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã 2 lần được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ 192/193 nước thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam được chọn tổ chức nhiều hoạt động, nhiều hội nghị, nhiều diễn đàn lớn của quốc tế, trong đó có cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Hội năm 2019…Tất cả những thành tựu ấy ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực đem lại hiệu quả và hiệu ứng xã hội sâu sắc. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019 cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017) toàn hệ thống chính trị đã giảm 4 đầu mối trực thuộc trung ương, 100 đầu mối thuộc cấp tỉnh, 496 đầu mối trực thuộc cấp huyện, hơn 2.600 phòng và tương đương, hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập…, giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó. So với thời điểm tháng 4-2015 đã giảm 6,58% số biên chế, với số lượng cụ thể là 236.000 người. “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm được khoảng 10.000 tỉ đồng khi bố trí ngân sách nhà nước năm 2019 cho hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiết kiệm chi thường xuyên". Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường. Nhiều vụ án lớn đã được đem ra xét xử, nhiều cán bộ có chức vụ đã bị xử lý kỷ luật và truy tố…
3. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đảng là một thực thể sống, vì vậy Đảng không thể không có sai lầm, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Chúng ta sẽ không bao giờ quên những sai lầm, khuyết điểm và Đảng đã phạm phải trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là những đường lối tả khuynh đã đưa đến những tổn thất trong phong trào 1930-1931; là những giáo điều, duy ý chí thời kỳ cải cách ruộng đất, trong vụ việc “Nhân văn giai phẩm”; kéo dài quá lâu nền kinh tế quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa sau năm 1975…Một con người ngày hôm qua là vĩ đại, ngày hôm sau chưa chắc đã là vĩ đại. Cũng vậy, một chính đảng ngày hôm qua là vĩ đại, ngày hôm nay và mai sau chưa chắc đã là vĩ đại khi chính đảng ấy xa rời tôn chỉ mục đích của mình, xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng. Những biểu hiện ấy gần đây đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ và khẳng định những hạn chế, khuyết điểm “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải chịu trách nhiệm chính trị toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội; chịu trách nhiệm trước nhân dân về toàn bộ mọi mặt đời sống xã hội, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình. Một đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, mọi việc to nhỏ, lớn bé, tốt xấu hay không đều ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, và có quan hệ trọng đại với vai trò trách nhiệm trọng đại của Đảng. Một Đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cán bộ Nhà nước do mình lãnh đạo. Quyền lực lãnh đạo và quản lý giao cho đảng viên càng cao thì trách nhiệm phục vụ nhân dân càng nặng nề. Những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân chính là thước đo uy tín của Đảng trước nhân dân. Tình cảm của nhân dân đối với Đảng thể hiện tập trung và sâu sắc nhất ở sự cảm nhận trực tiếp về chủ trương, chính sách và các hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân và cảm nhận trực tiếp về tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước. Do đó, nếu đảng lãnh đạo tốt, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, nhân dân sẽ tin tưởng, tôn vinh Đảng, uy tín của Đảng sẽ được nâng cao và ngược lại. Để vươn tới mục đích ấy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được xem là phương cách hữu hiệu nhất. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì vậy trở thành công việc thường xuyên của Đảng để Đảng luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn mình. Xây dựng, chỉnh đốn đảng vì vậy không phải là việc làm khi Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm mà là công việc thường xuyên như “đánh răng, rửa mặt” hàng ngày. Chỉ thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng mới trở thành một chính đảng chân chính, cách mạng vì nhân dân.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, mỗi đảng viên, mỗi người dân lại có cách đánh giá, cách bình xét riêng của mình đối với Đảng xuất phát từ những thành tựu, hạn chế của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đằng sau những đánh giá, bình xét ấy là sự kỳ vọng và gửi gắm lớn lao của người dân đối với Đảng.
Vũ Trung Kiên