flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

KÝ ỨC KHÓ QUÊN TẠI NHÀ IN KHU TUYÊN HUẤN SÀI GÒN - GIA ĐỊNH

Ngày đăng: 20-09-2018 Lượt xem: 3148

Nhà in Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định là nơi in ấn các tài liệu tuyên truyền phục vụ chiến đấu như: Các tài liệu, văn bản, chỉ thị của mặt trận, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hình ảnh cách mạng, truyền đơn, chính sách, khẩu hiệu tuyên truyền, lôi kéo người dân đấu tranh… Đó là những vũ khí tư tưởng phụ vụ cho cuộc kháng chiến. Nhà in sử dụng có một máy in bằng gỗ (máy épreuve) độ 100kg chữ chì. Trong tình hình chiến tranh chia cắt, ác liệt, nhà in vẫn đảm bảo công tác in liên tục theo chỉ thị, yêu cầu của Thường vụ Khu ủy và Ban Tuyên huấn. Có giai đoạn nhà in phải di chuyển ra Tây Ninh, Bình Dương để thực hiện nhiệm vụ. Chú Tư Thắng (đồng chí Trần Văn Thắng - Chánh văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, sinh năm 1938, quê ở xã Phước Hòa, Tân Uyên, Bình Dương) hoạt động tại nhà in, lúc này đang đóng tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, do đồng chí Lữ Văn Tám - Tám Gân lãnh đạo và những cán bộ, công nhân nhà in luôn bám chắc tình hình địch, mưu trí trong việc che giấu cơ sở.

Cuối năm 1961, do tình hình chiến tranh bước vào giai đoạn mới, Mỹ tiến hành các kế hoạch quân sự tàn bạo nên Ban Tuyên huấn Đặc khu Sài Gòn - Gia Định đã chia nhà in thành hai bộ phận: Bộ phận in, phục vụ vùng nông thôn vẫn đóng ở rừng Sến và bộ phận in phục vụ đô thị, đồng chí Tám Kiếng phụ trách đóng ở vùng kinh Ba Reng (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Vùng kinh Ba Reng, nơi đóng quân của nhà in gần vùng Mỏ Vẹt (biên giới Việt Nam - Campuchia), là căn cứ Khu ủy đóng quân trong giai đoạn này. Sở dĩ nhà in chia thành hai bộ phận để hoạt động in ấn tài liệu phục vụ kháng chiến luôn được đảm bảo. Nếu bộ phận in ở thành phố bị tê liệt, khó khăn thì bộ phận in bên ngoài sẽ tiến hành nhiệm vụ và ngược lại. Theo phân công, chú Tư Thắng bắt đầu những năm tháng xây dựng và bảo vệ nhà in của Ban Tuyên huấn Khu ủy ở ngoài địa bàn thành phố.

Việc chuẩn bị cơ sở, mở rộng quy mô của nhà in để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ của Khu ủy được mọi người làm khẩn trương. Chữ in được gửi mua ở Sải Gòn, phải mất một vài tháng mới chuyển xuống được cơ sở Long An. Chữ in là chữ chì, những hộp chữ lộn xộn, gồm 60 chữ mỗi hộp. Người thợ in phải ngồi sắp xếp từng con chữ một để in thành một tài liệu. Trong thời điểm này, quận ngụy tăng cường trực thăng loại hai chong chóng để tiến hành chiến thuật “trực thăng vận”, đổ quân xuống gần nhà in. Mặc dù là vùng giải phóng nhưng giữa đồng mênh mông nước và cỏ lác của vùng Vàm Cỏ Đông, trực thăng của địch đã càn quét, đánh phá nhiều đơn vị đóng quân. Trước tình thế đó, nhà in phải hủy ngay những kế hoạch in ấn, chuyển xuống cơ sở ở xã An Tây, Nam Bến Cát, Sông Bé.

Anh em nhà in phải thay nhau cõng vác và bảo vệ máy móc, chữ in. Trong năm 1962, nhà in của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định xây dựng thành công cơ sở ở Bến Cát, Sông Bé. Cơ sở bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ sau gần một năm bị gián đoạn. Một ngày đồng chí Trần Văn Thắng và công nhân in, lực lượng biên tập phải làm việc mười bốn, mười lăm tiếng để đáp ứng yêu cầu tài liệu cho chiến trường và tài liệu phục vụ đấu tranh trong nội thành. Trong thời gian này, ngoài những truyền đơn, cương lĩnh, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, đội ngũ cán bộ, công nhân nhà in đã tham gia thực hiện in ấn nhiều tờ báo như báo Giải phóng, Ngọn cờ Gia Định, Ngọn cờ giải phóng, in hồi ký Đường vào vũ trụ của Yuri Alekseivich Gagarin. Đây là quyển sách dày đầu tiên của nhà in, gần 500 trang. Đặc biệt nhà in cũng tiến hành in sách ngụy trang, sử dụng các bìa sách được các nhà in của ngụy phát hành để ngụy trang các nội dung tuyên truyền. Điển hình như cuốn Nửa chừng xuân in nội dung về chính sách binh vận, chính sách đoàn kết dân tộc của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Các ấn phẩm ngụy trang đã được lưu hành, phổ biến rộng rãi, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền đạt được những kết quả lớn. Trong thời gian này, tại nội ô Sài Gòn diễn ra cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm, 5 cán bộ, công nhân nhà in đã tăng cường lực lượng in ấn ở nội thành, phục vụ tài liệu tuyên truyền, kêu gọi người dân xuống đường đấu tranh.

Năm 1963, giặc tiếp tục tiến hành những trận càn lớn tại Nam Bến Cát. Nhà in gặp biến động, phải ngưng hoạt động. Đội ngũ anh em nhà in tiếp tục di chuyển, hành quân, xây dựng nhà in tại ấp Trảng Cỏ, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Nhà in hoạt động gần một năm lại phải chuyển cơ sở từ ấp Trảng Cỏ qua ấp Lợi Thuận để gần nơi đóng quan của lãnh đạo Khu ủy, nhanh chóng trao đổi và tiến hành các nhiệm vụ in ấn tuyên truyền.

Năm 1965, tình hình cuộc chiến tranh có những diễn biến phức tạp: Chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ đang bước vào giai đoạn ác liệt. Sau thất bại Đồng Xoài, Bình Giã, Mỹ tăng cường lực lượng triển khai ấp chiến lược Chiến tranh cục bộ. Chủ trương khởi nghĩa cướp chính quyền không thực hiện được nên lãnh đạo Khu ủy đã chủ trường chuyển sang chiến đấu lâu dài. Thực hiện chủ trương này, nhà in được xây dựng trong một hầm ngầm lớn, sử dụng đèn măng-sông để làm việc. Trong hầm có gần 300m địa đạo cùng một hệ thống hầm ngủ, hầm để giấy, giếng nước… Phía trên mặt đất là rừng, hầm được nghi trang cẩn thận. Phương tiện in lần đầu tiên được dùng là máy pê-đan và đèn măng-sông làm việc ban đêm, nhờ đó, sản phẩm tài liệu in ấn tăng nhanh.

Mặc dù hoạt động trong hầm bí mật, nhưng nhiều lần nhà in phải đối diện với những trận xả bom B.52 của Mỹ. Đặc biệt ngày 26/10/1965, ở căn cứ Lợi Thuận, lúc mọi người chuẩn bị in ấn cuốn Tri thức mới (đây là cuốn sách ngụy trang để tuyên truyền chính sách mặt trận đối với đội ngũ trí thức, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong cuộc chiến đấu ở nội ô). Mỹ dội bom làm lá cây đổ như lá rụng mùa thu, gió thổi ào ào, cả vùng đất ở căn cứ chấn động, không thể chạy được, anh em nhà in trong tình trạng té lăn, té ngửa. Giấy in, chữ in thì bay tứ tung. Trái bom gần nhất cách nhà in độ 30m, nhưng may mắn đó là bom đào, loại có miểng chôm dưới đất, khi phát nổ không văng vào cán bộ ta. Mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng anh em nhà in luôn chủ động đối phó, đào sẵn giao thông hào để ẩn nấp và chiến đấu bảo vệ nhà in, bảo vệ tài liệu, sách vở tuyên truyền.

Ngày 01/01/1966, Mỹ đổ bộ lên 6 xã của Củ Chi, nhất là Sư đoàn “tia chớp nhiệt đới” của Mỹ đã tiến hành đánh phá, biến vùng này trở thành vùng 6 xã trắng. Bộ phận in ở Củ Chi phải chuyển ngược xuống Bến Cát. Giai đoạn này, mặc dù chiến tranh ác liệt nhưng nhà in đang hoạt động dưới hầm bí mật, vẫn đảm bảo an toàn cho cơ sở, không lo giặc càn quét, bảo đảm nhiệm vụ in ấn tài liệu, phục vụ tuyên truyền. Đến năm 1967, Mỹ mở trận Giôn-xơn-xi-ti, tiến hành càn quét đánh phá khu vực Dầu Tiếng – Bến Cát – Bình Hòa – Lái Thiêu. Nhà in không được đốt đèn vì sợ bị phát hiện nên phải tìm cách chuyển xuống khu vực Dương Minh Châu. Giai đoạn này chú Tám Kiếng phải lên R để chữa bệnh nên chú Tư Thắng là người đứng ra lãnh đạo và phụ trách nhà in, lãnh đạo việc xây dựng cơ sở nhà in dưới huyện Dương Minh Châu. Máy in, chữ in lúc này là hàng quốc cấm, không thể mua công khai nên chú tìm cách gây dựng cơ sở, rồi đút lót cho quân cảnh để chở máy in, chữ in ra rừng phục vụ in ấn.

Ít lâu sau, nhà in lại tiếp tục trở về cơ sở Lộc Thuận (Trảng Bàng). Sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968, địch tiến hành đánh phá dữ dội. Chỗ đóng quân của nhà in gần cơ sở quân báo của Trung ương Cục. Cán bộ quân báo có một người bị bắt, một người bị chiêu hồi nên đã khai ra vị trí của nhà in. Tháng 11/1969, trung đoàn thiết giáp ngụy tiến hành quần đảo, cầm cuốc đi tìm và đào hầm để phá hoại nhà in. Cán bộ nhà in đứng trong một căn hầm bí mật cách 300m, chứng kiến máy móc bị địch dùng máy bay cẩu lên khỏi hầm. Ngày 11/11/1969, nhà in bị phá hủy. Cơ sở in khác (B2, B3) cũng hoạt động cầm chừng vì các địa bàn hoạt động không an toàn và đường dây liên lạc với lãnh đạo không thông suốt.

Để giữ an toàn cho nhà in, anh em nhà in nhất là lực lượng bảo vệ bà công nhân cũng tham gia chiến đấu đánh biệt kích. Như năm 1967, sau những trận càn quy mô của Mỹ - ngụy, nhà in di dời đến bìa rừng, những nơi giặc chưa ủi trắng. Lính biệt lích cũng lần theo dấu vết để đánh phá. Lực lượng bảo vệ, vừa đánh vừa lùi về căn cứ, sau ba lần đánh thì ngụy buộc phải rút. Hay trận biệt kích ở Đồng Đất Dưa, lực lượng bảo vệ nhà in phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt 22 tên và thu 2 khẩu đại liên… Không chỉ vậy, lực lượng của nhà in cũng đã hi sinh nhiều trong các trận đánh dê bảo vệ an toàn nhà in, có những người còn nằm lại hầm của nhà in, giờ vẫn chưa được về với quê nhà

Hoàng Minh

(Lược trích từ Hồi ký căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định 1945-1975)