flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Luật An Ninh Mạng là để bảo đảm quyền tự do!

Ngày đăng: 16-06-2018 Lượt xem: 10365

Ngày 12-6-2018, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng. Một số sử dụng mạng xã hội đã bày tỏ thái độ phản đối luật này, cho rằng việc thông qua luật sẽ tước mất nhiều quyền tự do của cá nhân, rằng sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước, rằng từ nay sẽ không còn được sử dụng mạng xã hội… Vì nhận thức đó nên nhiều người đã công kích Đảng và Nhà nước ta đã định hướng việc ban hành luật này, đã xúc phạm các đại biểu Quốc hội, cho rằng các đại biểu chỉ… “nhắm mắt ấn nút”… Thực sự có phải như vậy không? Hay nhiều người chưa từng đọc dự thảo luật đã “ăn theo nói leo” một cách vô lối?

Ngay Điều 1 của Luật đã xác định rõ: “Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng…”. Khoản 1 Điều 2 của Luật này giải thích: “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Như vậy, Luật An ninh mạng được ban hành là nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp của quốc gia, của các tổ chức, cá nhân trong không gian mạng. Trên thực tế, không gian mạng luôn gắn liền với đời sống thực tiễn của mỗi tổ chức, cá nhân; do đó, bảo đảm an ninh mạng cũng đồng nghĩa với bảo đảm đời sống thực tiễn của tất cả chúng ta.

Từ khi mạng internet được đưa vào sử dụng, đã có rất nhiều tiện ích, tiện lợi và gần như đã thay đổi cơ bản về một số mặt hoạt động của con người, như hoạt động sản xuất – kinh doanh, giao tiếp, thông tin liên lạc, lưu trữ tài liệu, trao đổi – giao lưu văn hóa…, không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn ở mức độ quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều vấn đề bất cập đã phát sinh và có chiều hướng ngày càng phức tạp, nguy hiểm, như tội phạm mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điện mạng, chiến tranh mạng, sự cố an ninh mạng… Trong một số trường hợp, nếu an ninh mạng không được bảo đảm thì thiệt hại của cá nhân, tổ chức, thậm chí là quốc gia, có thể không lường hết được. Chẳng hạn, thời gian qua, ở nước ta đã có những trường hợp mất an ninh mạng, để lại nhiều hệ lụy phức tạp, như website cảng hàng không bị tin tặc tấn công, khiến việc làm thủ tục an ninh gặp trở ngại, nhiều khách hàng bị chậm chuyến bay; hay một số tờ báo điện tử bị tin tặc tấn công khiến người đọc không thể truy cập được; có trường hợp tài khoản ngân hàng của khách mạng bị đột nhập và rút hết tiền; một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng, phát thông tin sai trái, bịa đặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, thậm chí có trường hợp ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức… Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện. Trong đó, số cuộc tấn công vào hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước có tên miền “.gov.vn” cũng lên tới hàng trăm. Năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 12.300 tỷ đồng (540 triệu USD), vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016 và đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, riêng tháng 2 và 3 có tới hơn 1.500 vụ tấn công mạng... Với các sự cố này, thiệt hại rõ ràng thuộc về tổ chức, cá nhân, người dùng mạng internet ở Việt Nam.

Do đó, nếu không có một hàng lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm an ninh mạng thì sẽ còn phát sinh nhiều loại hình vi phạm khác, kể cả những trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Để bảo đảm an ninh mạng, đồng thời bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức, Luật đã nêu khá chi tiết, cụ thể việc phòng ngừa các hành vi xâm phạm an ninh mạng. Trong đó, Điều 8 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, đáng chú ý là hành vi sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người, đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội… Bên cạnh đó, Điều 15 nêu các nội dung về “phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”; Điều 16 nêu các nội dung về “Phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng”; Điều 17 nêu các nội dung về “Phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự”… Hay Điều 30 quy định về “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, thể hiện quan điểm rất nhân văn và tiến bộ. Điều này có một số nội dung như, “Trẻ em có quyền được bảo vệ, quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, quyền vui chơi, giải trí, quyền bí mật đời sống riêng tư và các quyền trẻ em khác khi tham gia trên môi trường mạng” (Khoản 1) hoặc “Chủ quản hệ thống thông tin, cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do cơ quan, tổ chức cung cấp, không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; tiến hành ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em” (Khoản 2)…

Trong luật này, chúng ta có thể thấy rằng, Luật không hề nói từ nào, câu nào hạn chế các cá nhân và tổ chức sử dụng mạng xã hội. Ở khoản 1 Điều 26 có nêu: “Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia”. Như vậy, hành vi cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin sai trái thì luôn bị chế tài, xử lý, dù đăng tải, phát tán ở bất kỳ đâu, chứ không chỉ riêng trên không gian mạng hay mạng xã hội. Điều đó sẽ xây dựng môi trường sử dụng không gian mạng tiến bộ, lành mạnh, thì không thể nói rằng Luật sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, các chuyên gia cũng khẳng định, Luật An ninh mạng không cản trở Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như là biện pháp bảo đảm an ninh mạng phổ biến đối với nhiều nước trên thế giới.

Như vậy, Luật An ninh mạng không những không hạn chế các quyền tự do ngôn luận và các quyền hợp pháp khác của mọi tổ chức, cá nhân mà còn bảo vệ các cá nhân và tổ chức tránh bị các hậu quả của tình trạng mất an ninh mạng, đồng thời tăng cường việc xử lý, chế tài các trường hợp lợi dụng không gian mạng để có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi tổ chức, cá nhân. Do đó, việc thông qua Luật là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội chứ không phải sự đồng ý cho có.

Chẳng lẽ, người dùng internet, dùng mạng xã hội có quyền tự do thông tin sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, kích động bạo lực, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc và tôn giáo, thực hiện các hành vi trái pháp luật… thì mới được coi là tự do?

Cần nhắc lại rằng, các nhà tư tưởng trong cách mạng tư sản Pháp vào cuối thế kỷ XVIII đã nêu lên một quan điểm rất tiến bộ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là, tự do là được làm tất cả những gì mà không xâm phạm đến tự do của người khác. Hiện nay, công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền tự do mà Hiến chương Liên hiệp quốc về quyền con người đã khẳng định. Nhưng tự do là một phạm trù có giới hạn, dù chiếu theo quan điểm nào, áp dụng ở quốc gia, dân tộc nào và vào thời gian nào đi nữa. Do đó, Luật An ninh mạng hoàn toàn không hạn chế các quyền tự do mà trái lại sẽ tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết để các tổ chức và cá nhân có thể thể hiện quyền tự do của mình mà không xâm phạm đến quyền tự do của người khác, cũng như người khác có thể thể hiện quyền tự do của họ nhưng không xâm phạm đến quyền tự do của chúng ta. Tinh thần đó nên được coi là một nguyên tắc nhất quán và cần được tôn trọng!

Trúc Giang