Ngày đăng: 13-08-2018 Lượt xem: 5037
NHỮNG TIẾNG NÓI VÔ DUYÊN, LẠC LÕNG
Tổ chức khủng bố phản động Việt Tân cùng với Tổ chức Phóng viên không biên giới đã vận động một số nghị sĩ ở Hoa Kỳ phản đối Luật An ninh mạng của Việt Nam với những lý do được họ lập luận như “luật này hạn chế các quyền tự do ngôn luận”, “gây cản trở cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ”. Họ còn kêu gọi các dân biểu, các thượng nghị sĩ yêu cầu Facebook, Google không hợp tác với Việt Nam... Một số đài báo nước ngoài như VOA, BBC, RFI… như thường lệ lại đưa ra những bài viết theo giọng điệu “dọa dẫm”, “cả vú lấp miệng em”, thổi phồng thông tin. Họ đưa bức thư có tên 17 dân biểu Mỹ thuộc Nhóm Vietnam Caucus soạn thảo, trong đó có đoạn: “Nếu chính phủ Việt Nam buộc các công ty của quý vị phải hỗ trợ và kiểm duyệt thông tin, thì đây là vấn đề cần được nêu thông qua kênh ngoại giao và ở cấp cao nhất.”
LUẬT AN NINH MẠNG CỦA VIỆT NAM TUÂN THỦ PHÁP LUẬT VÀ THÔNG LỆ QUỐC TẾ
Phần lớn những ý kiến thiếu khách quan về Luật An ninh mạng của Việt Nam như trên đều xuất phát từ mục đích riêng và những quan điểm thiếu thiện chí của một số tổ chức, cá nhân từ lâu luôn tìm cách xuyên tạc, chống phá Việt Nam, trong đó có cả những người luôn bất chấp thực tế và chân lý. Trên thực tế, Luật An ninh mạng của Việt Nam đã được nghiên cứu xây dựng kỹ lưỡng, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn chứ không phải là bản sao của bất kỳ quốc gia nào.
Việc xây dựng Luật An ninh mạng cũng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm thực hiện, trong đó có nước Mỹ. Theo thống kê của Liên Hợp quốc, đến nay đã có 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) ban hành Luật An ninh mạng. Vào tháng 2-2013, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Obama đề xuất Sắc lệnh Cải thiện Cơ sở hạ tầng an ninh mạng chủ chốt. Tháng 1-2015, Obama đã ký công bố một Dự luật An ninh mạng mới. Ngày 11-5-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh mới về An ninh mạng.
Trên thực tế, đã có một số quy định trong Luật An ninh mạng của Việt Nam bị một số đối tượng hiểu sai, thậm chí bị xuyên tạc, cho rằng, người dân sẽ không còn được sử dụng dịch vụ tiện ích như: Gmail, Facebook, Youtube… Nhưng sự thực không phải như vậy.
Ai đánh giá nội dung thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công an? Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đã nhấn mạnh trên diễn đàn Quốc hội, nêu thực tiễn những thông tin quy định tại Điều 15 đều được cơ quan chức năng thông qua một cơ chế, đó là trưng cầu giám định. Rất nhiều vụ án về tuyên truyền chống Nhà nước hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích Nhà nước, tổ chức và lợi ích hợp pháp của công dân đều thực hiện chặt chẽ chế định này. Tất cả những tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định nên không thể có sự lạm dụng, tùy tiện.
Về vấn đề yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng phải lưu trữ tại Việt Nam và phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua dự án Luật An ninh mạng
Trên thực tế, Facebook, Google đã đặt hàng ngàn máy chủ tại các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu của Việt Nam, như đến tháng 8-2017, Facebook có khoảng 300 máy chủ với dung lượng khoảng 1.900 Gbps; Google có 1.238 máy chủ với dung lượng khoảng 8.158 Gbps… Chưa có một công ty nào phàn nàn rằng, việc yêu cầu lưu trữ dữ liệu là ngăn cấm các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Giáo sư Vladimir Kolotov, Đại học Tổng hợp Saint Peterburg (Nga) nhận xét: “Luật An ninh mạng mới được thông qua tại Việt Nam là rất cần thiết. Đạo luật tương tự cũng được thông qua ở Nga và nhiều nước trên thế giới. Đạo luật này không hề vi phạm hay can thiệp tự do ngôn luận”.
XỬ LÝ VI PHẠM - NHIỀU NƯỚC QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ HƠN VIỆT NAM
Tại Singapore, ngày 4-1-2018, Dự luật An ninh mạng đã được trình lên Quốc hội, với trọng tâm gia tăng quyền lực cho Cơ quan An ninh mạng Singapore (CSA) trong việc quản lý. Theo đó, khi một vụ tấn công mạng xảy ra, CSA sẽ được phép tiến hành cuộc điều tra và có quyền yêu cầu khai báo về việc xảy ra tấn công mạng “trong vài giờ” nếu không sẽ bị phạt khoản tiền lên tới 100.000 đôla Singapore hoặc bị phạt tù lên đến 10 năm.
Tại Thái Lan, Chính phủ đã lên kế hoạch chi hơn 128 triệu Baht (tương đương 3 triệu USD) để trang bị công nghệ theo dõi mạng xã hội; nỗ lực vận động Quốc hội nước này thông qua một dự luật An ninh mạng mới, trong đó có yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải gỡ bỏ, chặn các nội dung và trang mạng nhạy cảm khi được yêu cầu. Nước này cũng đã từng yêu cầu Facebook chặn khoảng 300 tài khoản đăng tải bình luận, tài liệu phỉ báng Hoàng gia và chính quyền…
Ngày 14-6-2018, trang điện tử Thời gian (Zeit) ở Ðức đăng bài “Kích động trên internet: cuộc tiến công trên toàn Liên bang chống lại các bình luận thù địch”, cho biết, 20 đơn vị cảnh sát ở Berlin và 9 bang khác đã kiểm tra nhiều căn hộ, bắt giữ 29 người do bị cáo buộc đã đăng trên internet các bình luận gây hận thù, kêu gọi hành vi phạm tội. Người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên tới 5 năm.
Luật về an ninh mạng của Ðức hiện đang được thi hành và tuân thủ nghiêm theo quy định của Liên hiệp châu Âu (EU) (vào tháng 5-2016, EU cùng những nhà quản lý các mạng xã hội ký bộ quy tắc ứng xử nhằm chống lại các phát ngôn gây thù hận trên mạng). Theo đó, các nhà quản lý của Facebook, Microsoft, Twitter, YouTube cam kết sẽ ngăn chặn sự phát tán phát những bình luận thù hận trên mạng xã hội của họ, 24 giờ sau khi nhận được thông báo phải xét duyệt, xóa bỏ các phát ngôn tiềm ẩn nội dung gây thù hận.
Như vậy, khuyến nghị của các nghị sĩ, các dân biểu Mỹ đề nghị Google, Facebook không gỡ bỏ thông tin theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam rõ ràng là những khuyến nghị “ngược đời”, can thiệp thô bạo vào pháp luật của các quốc gia khác cũng như các tiêu chí cộng đồng của các trang mạng xã hội. Trong một số báo cáo minh bạch gần đây, Google cho biết trong 6 tháng cuối năm 2017, Mỹ có 16.054 yêu cầu Google tiết lộ dữ liệu của người dùng, Ðức 6.960 yêu cầu, Anh 3.773 yêu cầu, Pháp 5.842 yêu cầu… (xem trang transparencyreport. google.com).
Tương tự, báo cáo minh bạch của Facebook cho biết, năm 2017 Mỹ có 47.127 yêu cầu về dữ liệu, Canada có 1.334 yêu cầu, Brazil có 1.596 yêu cầu, Ấn Ðộ 1.284 yêu cầu… (xem trang transparency.facebook.com). Trong khi đó, yêu cầu cung cấp số liệu người dùng từ cơ quan chức năng của Việt Nam rất ít, thậm chí bằng “0”.
Việc cơ quan chức năng nhà nước yêu cầu cung cấp dữ liệu về người dùng khi cần thiết là điều bình thường, phổ biến trên thế giới và chính Mỹ là quốc gia có yêu cầu lớn nhất. Vậy thì căn cứ vào đâu để các nghị sỹ và dân biểu Mỹ lại phản đối Việt Nam đưa quy định chính đáng này vào trong một đạo luật để quản lý tốt hơn an ninh mạng, vì lợi ích của cộng đồng?
Nếu xem kỹ Khoản 2 Ðiều 26 Luật An ninh mạng của Việt Nam xác định một trong các trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng: “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng” chúng ta sẽ thấy ngay đây là một quy định hết sức bình thường, phù hợp thông lệ quốc tế.
Tháng 4-2018, Tổ chức khủng bố Việt Tân công bố thư của gần 50 cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập Việt Nam” gửi Chủ tịch điều hành Facebook để phản đối việc mạng xã hội này gỡ bài, khóa tài khoản. Trong thư trả lời, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook khẳng định: “Cũng có lúc chúng tôi phải tháo gỡ hay chặn không cho truy cập nội dung vì nó vi phạm luật pháp của một quốc gia nào đó, mặc dù nội dung đó không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi có một thủ tục xử lý đã quy định rõ, không có gì khác biệt cho Việt Nam so với trên thế giới”.
PHÙ HỢP THÔNG LỆ QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN
Theo TS. Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Luật An ninh mạng không những không vi phạm quyền con người mà còn tăng cường bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Điều 16, Luật An ninh mạng đã quy định cụ thể về việc bảo vệ thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Đây là quy định cụ thể hóa Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013, theo đó, “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.” Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể trường hợp lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được tiếp cận thông tin người dùng là khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Quy định này phù hợp với nội dung Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Cần nhớ rằng: Nhằm ngăn chặn sự lợi dụng tính phổ quát của quyền con người can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, Hội nghị Nhân quyền thế giới năm 1993 ở Viên (Áo) đã thống nhất quan điểm quyền con người như sau: Quyền con người vừa có tính phổ biến (phổ quát) hoặc còn gọi là tính toàn cầu, đồng thời, vừa có tính đặc thù, tức là những đặc trưng do truyền thống lịch sử, phong tục tập quán và văn hóa ở các khu vực hoặc ở mỗi quốc gia quy định. Quyền con người được thể hiện thông qua tính đặc thù, tính đơn nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia. Điều này thể hiện tập trung trong các quy định về “hạn chế quyền” trong những bộ luật nhất định. Những hạn chế này nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia; trật tự công cộng; sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc các quyền và tự do của người khác”.
Các thế lực thù địch vẫn thường xuyên tạc khái niệm về quyền con người nhằm khuyến khích, kích động sự thiếu thận trọng, ảo tưởng của một bộ phận người sử dụng internet và mạng xã hội, nhất là với giới trẻ. Họ rêu rao rằng quyền con người là quyền không có bất cứ hạn chế nào; mọi hành vi chống chế độ một cách “ôn hòa”, “bất bạo động” là hợp pháp; cơ quan chức năng trấn áp tội phạm là “vi phạm quyền con người”… Những giọng điệu đó cộng với sự tiếp nhận thiếu hiểu biết, khiến cho một số người ngộ nhận về quyền con người, dẫn đến vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý./.
Nguyễn Văn Minh
(Tạp chí Tuyên giáo)