Ngày đăng: 10-07-2020 Lượt xem: 2544
Cách đây hơn một trăm năm, ngày 10 tháng 7 năm 1910, vùng đất cổ thuộc miền quê sông nước thơ mộng, làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bến Lức, thuộc tỉnh Long An) là quê hương của một người mà sau này trở thành một tên tuổi lớn với cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
1. Hành nghề luật sư những năm tháng trẻ tuổi, với tấm bằng cử nhân Luật loại xuất sắc tại một trường đại học danh tiếng Aix-en-Provence (Pháp), những ngày cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) bị thực dân Pháp dìm trong bể máu; những ngày đất nước chưa kịp vui niềm vui chiến thắng thì tròn một năm sau giặc Pháp trở lại(1946); cũng là những ngày tối tăm đau khổ của dân tộc… Từ tinh thần yêu nước sục sôi, một tấm lòng nhân ái và kiến thức uyên bác về luật pháp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tìm mọi cách để bênh vực quyền lợi cho người dân bị chính quyền thực dân và tay sai đàn áp, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân hoạt động vì mục đích cao cả, chính nghĩa.
Chính vì như thế, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị xem như “cái gai trong mắt”, là “một phần tử nguy hiểm” đối với giặc, trong thời gian đấu tranh hoạt động công khai ở Sài Gòn. Từ năm 1950 đến năm 1961, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị bắt rất nhiều lần, bị giam ở hầu hết các nhà tù Sài Gòn (Khám Lớn, Chí Hòa, bót Catinat, nhà lao Gia Định…), bị lưu đày đến những nơi xa xôi, cách trở như: Mường Tè (Lai Châu), Sơn Tây, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Yên… Đối với người bình thường, những khổ ải đó gần như có thể khiến họ bỏ cuộc, giơ tay đầu hàng, nhưng đối với những người chiến sĩ cách mạng, chẳng biết từ đâu họ có được ý chí sắt đá kiên cường đến vậy, niềm tin mãnh liệt với cách mạng khiến họ có thêm sức mạnh vượt qua tất cả những cái đau, cái tủi trước mắt.
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận ra rằng khát vọng độc lập dân tộc đã thành hiện thực và ông cũng biết rằng Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là Nguyễn Ái Quốc, người ông đã từng ngưỡng mộ khi còn học bên Pháp, vì thế ông đã tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với vị trí của người trí thức hành nghề luật.
Sau nhiều hoạt động đấu tranh trên mặt trận chính trị, công khai mít tinh, biểu tình chống Pháp, đặc biệt là cuộc mít tinh khổng lồ ngày 19 tháng 3 năm 1950, Nguyễn Hữu Thọ bị bắt ngay đêm hôm đó và bị giam ở Khám lớn Sài Gòn. Ngày 27 tháng 3 năm 1950, các nhà cầm quyền đưa ông ra tòa xét xử. Các luật sư nổi tiếng Nguyễn Văn Huyền và Trương Đình Dzu,... đã tranh cãi bảo vệ ông trước tòa, cùng với đó là khí thế đấu tranh phản đối mạnh mẽ của các giới đồng bào đòi trả tự do cho ông khiến tòa án buộc phải trả tự do “tạm” cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào ngày 23 tháng 3 năm 1950.
2. Ngày 12 tháng 4 năm 1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị bắt lần thứ hai vì ký tên trong truyền đơn của Phái đoàn đại biểu các giới, vạch rõ thủ đoạn xấu xa của chính quyền thực dân. Ông bị đưa ra tòa xét xử ngày 29 tháng 4 năm 1950, dù tòa án không thể buộc tội ông nhưng để cách ly ông với phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, địch vẫn giam giữ ông liền sau phiên tòa tại Công an Sài Gòn, rồi Công an Hà Nội. Tháng 8 tháng 1950, chúng lưu đày ông đến Bản Giẳng, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, một nơi rừng thiêng nước độc tận cùng biên giới Tây Bắc, núi cao vây bọc chung quanh Mường Tè như những bức tường thành. Bản Giẳng vỏn vẹn chỉ có vài nhà, chỉ có một số ít đồng bào dân tộc Thái, rất ít người biết tiếng Kinh, không trường học, không bịnh xá, họ sống rất cực khổ, bám vào nương rẫy và săn thú rừng nên thiếu đói quanh năm, ăn cơm với muối là chính, bệnh sốt rét rừng luôn đe dọa mạng sống của con người nơi đây.
Đau khổ nhất cũng không phải là thiếu đói mà chính là không có bất cứ tin tức gì của cách mạng, vợ con bạn bè thân thiết muốn lên thăm cũng khó tìm được đường đến nơi. Chưa kể, địch còn mưu giết ông nhưng không thành… Khoảng thời gian bị lưu đày ở đây, luật sư Nguyễn Hữu Thọ giải thích cho bà con hiểu vì sao ông phải chịu cảnh sống khổ cực như vậy, ông dặn bà con cố gắng làm ăn lao động sản xuất để sau này no đủ,không đi lính đi phu cho Pháp, ông còn dạy người dân trong bản kiến thức phổ thông, dạy trẻ em tiếng Kinh để biết đọc chữ. Sau này, ông nhớ lại: “Nếu so với cuộc sống ở Sài Gòn thì khác một trời một vực; và nếu không chịu nổi thì có thể về Sài Gòn bất cứ lúc nào tôi muốn, nếu tôi chịu ăn năn hối lỗi. Nhưng không bao giờ. Gần hai năm ở Bản Giẳng, đồng bào các dân tộc anh em đã chia sẻ đói no, vui buồn, tiếp sức mạnh và niềm tin cho tôi trên con đường đi với cách mạng”.
Tháng 10 năm 1951, trước nhiều kiến nghị phản đối của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng thời, bị quân ta uy hiếp ở Mường Tè, Thủ tướng Trần Văn Hữu ra nghị định chuyển ông về quản thúc tại Sơn Tây. Đoàn luật sư Sài Gòn tiếp tục đấu tranh phản đối chính quyền cưỡng bách cư trú luật sư Nguyễn Hữu Thọ mà không qua xét xử công khai. Đồng thời, trước sức ép dư luận, tháng 11tháng 1952, thực dân và bù nhìn Bảo Đại phải trả tự do cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông về lại Sài Gòn, tiếp tục những hoạt động như trước đây: Biện hộ trước tòa cho những chiến sĩ bị bắt, tham gia bản Tuyên ngôn thứ ba của tri thức Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia phong tròa Bảo vệ Hòa bình đòi thi hành hiệp định Genève. Ngày 15 tháng 11 năm 1954, ông lại bị bắt giam tại Sài Gòn và sau đó bị đưa đi quản thúc ở Hải Phòng. Trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ thị Thành ủy Hải Phòng tìm cách liên lạc, bảo vệ, giúp đỡ “đoàn Hòa Bình”. Tại đây, luật sư Nguyễn Hữu Thọ họp triển khai chỉ thị của Đảng, kiên quyết đấu tranh đòi nhà cầm quyền đưa đoàn trở lại miền Nam và trả tự do.
3. Cùng với làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của tổ chức và nhân dân Sài Gòn, địch phải nhượng bộ, ngày 23 tháng 4 năm 1955, quân địch Pháp nhượng bộ đưa các “nhân vật Hòa bình” về lại Sài Gòn. Nhưng luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp tục bị địch bắt trở lại. Ngày 24tháng 4 năm 1955, ông bị đưa đi quản thúc tại xã Hòa Thịnh (huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) - nơi rừng thiêng nước độc, bệnh sốt xuất huyết hoành hành, bị địch đánh đập hành hạ và làm nhục đủ điều. Không thể khuất phục được ông, chính quyền Sài Gòn tiếp tục chuyển ông đến thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), với những đòn tra tấn “thần kinh” và khí hậu khắc nghiệt, năm 1958, luật sư Nguyễn Hữu Thọ mắc bệnh rất nặng, mọi người sợ ông không qua khỏi, nhưng thật may mắnnhờ ý chí kiên cường, nghị lực của một người cách mạng cộng sản, sức khỏe của ông bình phục.
Bảy năm ông bị lưu đày gần bảy năm ở Phú Yên,cũng là lúc gia đình ông rơi vào hoàn cảnh gia đình ông vô cùng khó khăn, vợ ông bị bệnh tâm thần, vì không có tiền chữa trị nên bệnh ngày càng nặng hơn, ngôi nhà thuê trước đây của cả gia đình bị chủ lấy lại, đuổi cả gia đình ra đường, con cái vô cùng khổ tâm. Là một người đàn ông trụ cột của gia đình, một người chồng một người cha, trước tình cảnh gia đình như thế hẳn ông đã vô cùng đau đớn và bất lực, nhưng bằng sức mạnh phi thường, ông gạt bỏ mọi tâm tư cá nhân, lợi ích bản thân mà đặt lợi ích dân tộc, cách mạng lên hàng đầu.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 2 về Đường lối cách mạng miền Nam: “Cách mạng miền Nam cần lập mặt trận sớm và rộng rãi để tập hợp các lớp Nhân dân chống Mỹ, cứu nước”. Năm 1960, cuộc họp Xứ ủy Nam Bộ mở rộng thống nhất thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và quyết định người đứng đầu Ủy ban Trung ương Mặt trận là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đây là quyết định vô cùng đặc biệt bởi lúc bấy giờ, luật sư vẫn còn đang nằm trong nanh vuốt của kẻ thù tại Phú Yên.
Giữa năm 1960, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam theo yêu cầu của Xứ ủy Nam Bộ, Khu ủy Khu V chỉ đạo các tỉnh tổ chức kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Theo đó, Tỉnh ủy Phú Yên đã triển khai “kế hoạch chị Nghĩa” (mật danh kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ). Đây là nhiệm vụ khẩn cấp nhưng đầy khó khăn, mãi đến lần thứ ba, ngày 30 tháng 10 năm 1961, các cơ sở cách mạng, lực lượng vũ trang thị xã Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên mới giải thoát thành côngvà đưa ông về chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Về đến căn cứ, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đã tập trung trí tuệ tham gia soạn thảo Báo cáo chính trị - văn bản pháp lý đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 16 tháng 02 năm 1962 đã chính thức bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hơn 10 năm tù đày, hơn 10 năm bị địch hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, 10 năm sống xa gia đình, xa vợ con, mấy lần bị mưu sát cận kề cái chết, chịu khổ chịu nhục, dù chỉ cần ông nói lời đầu hàng trước kẻ thù thì ông hoàn toàn được tự do, sống sung sướng xa hoa. Nhưng khí chất kiên trung của một người cách mạng cộng sản thúc giục ông bước tiếp trên con đường giải phóng dân tộc. Nhớ về những cống hiến của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Võ Văn Kiệt nhấn mạnh:“Đứng đầu các giới ở Thành phố Sài Gòn, Anh dứt khoát chọn chỗ đứng trong hàng ngũ dân tộc. Tất nhiên kẻ thù dành cho Anh cách cư xử như với những ai yêu nước. Ngoài đời hay trong tù, Anh khảng khái trước uy vũ, trước chức tước cao do kẻ thù nhử Anh và lòng tin của Anh đã được đền đáp, cách mạng giải thoát Anh”.
Ngọc Huyền