Ngày đăng: 10-07-2020 Lượt xem: 1269
Trong điếu văn tiễn biệt luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Võ Văn Kiệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vượt khỏi tầm ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một đảng viên cộng sản kiên định”. Có thể khẳng định rằng, đó là một trong những đánh giá cơ bản đúc kết đầy đủ về tầm vóc Nguyễn Hữu Thọ, về những đóng góp to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đối với đất nước và đặc biệt là những phong trào của tầng lớp trí thức Sài Gòn thời bấy giờ.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, xuất thân trong một gia đình giàu có nên 11 tuổi ông đã được gia đình cho xuống tàu sang Pháp du học và trải qua suốt thời thanh thiếu niên trên đất Pháp. Về nước với tấm bằng cử nhân luật, sau một thời gian tập sự, ông mở văn phòng luật sư ở Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư riêng vào năm 1946 và trở thành luật sư của Tòa Thượng thẩm. Ngày 16/10/1949, Luật sư được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1950, Nguyễn Hữu Thọ tham gia thành lập phái đoàn đại biểu các giới tại Sài Gòn, làm trưởng đoàn đại biểu đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, chống khủng bố, đàn áp của thực dân Pháp. Trong thời gian hoạt động, vào tháng 2/1962, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bầu Luật sư làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6-6-1969, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu Luật sư giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ (giữa).
Dấu ấn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh
Sau khi nhận lời của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lên đường vào chiến khu tham gia kháng chiến. Thực hiện nhiệm vụ của kháng chiến giao, Luật sư đã trở lại Sài Gòn hoạt động trong lòng địch (mở văn phòng luật sư). Văn phòng đã trở thành đại bản doanh của phong trào đấu tranh công khai với nhiều hoạt động và cách thức khác nhau. Năm 1947, Nguyễn Hữu Thọ tham gia phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn - Chợ lớn. Trên cương vị này, Luật sư cùng các trí thức lớn ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã đưa ra một Bản Tuyên ngôn của giới trí thức Sài Gòn kêu gọi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh xâm lược. Sinh nhật Hồ Chủ tịch năm 1947, Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đoàn đại biểu của giới trí thức trao tận tay Bản Tuyên ngôn cho Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Bản Tuyên ngôn sau đó đã được đăng công khai ở Việt Nam và Pháp, gây tiếng vang lớn trong dư luận. Nội dung bản tuyên ngôn như sau:
“Chúng tôi, những người trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn ký tên dưới đây không phân biệt tôn giáo và màu sắc chính trị, nhận định rằng:
1. Dân tộc Việt Nam tồn tại từ lâu đời, có quyền hưởng độc lập, tự do.
2. Chính phủ Hồ Chí Minh do Nhân dân Việt Nam bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là chính phủ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân Việt Nam.
3. Cuộc chiến tranh hiện nay đang tàn phá đất nước chúng ta.
4. càng kéo dài cuộc chiến tranh ấy càng phương hại đến tình hữu nghị của hai dân tộc Pháp và Việt Nam.
Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Pháp mở lại các cuộc thương thuyết với Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để sớm chấm dứt chiến tranh”.
Bằng bản tuyên ngôn này, giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước và thái độ kiên định của giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn trong việc ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Tại Việt Bắc, ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lá thư “Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ” khen ngợi nhóm trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn đã kịp thời thực hiện bản tuyên ngôn.
Tháng 4/1949, Chính phủ Pháp cử tướng Georges Revers sang Đông Dương, giới trí thức sài Gòn - Chợ Lớn đã quyết định công bố bản tuyên ngôn thứ hai để nêu rõ nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn khẳng định giới trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn cùng toàn thể dân tộc Việt Nam chỉ thừa nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ hợp pháp duy nhất và đòi chính phủ Pháp ngưng bắn và thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Ngày 9/1/1950, trong cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn trước dinh Thủ hiến Nam phần, Trần Văn Ơn, một học sinh đã bị chính quyền thực dân Pháp bắn bị thương và mất sau đó. Trong lễ tang Trần Văn Ơn ngày 12/1/1950, trước hơn nửa triệu học sinh, sinh viên, giới trí thức, thợ thuyền, người lao động…luật sư Nguyễn Hữu Thọ thay mặt giới trí thức đọc điếu văn, tố cáo việc đàn áp đẫm máu học sinh, sinh viên của chính quyền thực dân. Ngày 16/3/1950, khi Mỹ đưa hai tàu chiến cập cảng Sài Gòn với ý định can dự vào tình hình Việt Nam, trước cuộc mít tinh khổng lồ của các giới đồng bào tổ chức tại Sài Gòn ngày 19/3/1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có báo cáo quan trọng và tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh đặc biệt này…
Tiếng thơm còn mãi
Ngày 24/12/1996, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đi hết hành trình của một nhà trí thức yêu nước vĩ đại trọn đời vì dân tộc. Sự ra đi của Luật sư – dẫu theo quy luật của tự nhiên song đã gây xúc động mạnh mẽ trong các giới đồng bào, trong sự kính thương, tiếc nuối vô hạn của đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế.
Trong bài viết “Vĩnh biệt luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nhà yêu nước và người trí thức cách mạng tầm vóc lớn”, nhà cách mạng Trần Bạch Đằng đã viết: “…Quả cuộc đời của luật sư Nguyễn Hữu Thọ bàng bạc màu huyền thoại. Anh đi vào cách mạng và trở thành lãnh tụ một trong những phong trào yêu nước vĩ đại ở miền Nam không qua kênh thành phần giai cấp, truyền thống gia đình mà bằng sự giác ngộ dân tộc - điểm hội tụ của tấm lòng và tri thức. Bằng con đường đó, anh thành người cộng sản”.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đánh giá: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại đã hi sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy”.
Trong điếu văn tiễn biệt ông, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định Nguyễn Hữu Thọ đã suốt cuộc đời “mong muốn và đã cố gắng được nhiều nhất cho việc xây dựng một Tổ quốc Việt Nam vững mạnh, phồn vinh, hạnh phúc… với tất cả tấm lòng chí công, thanh bạch, niềm tin sắt đá…”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá về Luật sư: “Anh Thọ là con người của công lý, của đạo nghĩa. Anh mong muốn mọi người đều đem hết tài trí phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Anh có thái độ nghiêm khắc đối với mọi hành vi sai trái vi phạm phép nước, xâm phạm tài sản của dân, ức hiếp Nhân dân. Với trách nhiệm và tính cương trực của mình, anh đấu tranh thẳng thắn để phân rõ đúng, sai; khi cần nói lên sự thật để bảo vệ chân lý, bảo vệ chính sách của Đảng và Nhà nước thì anh luôn tỏ ra cương trực, không hề tránh né. Ở anh không có đặc quyền, đặc lợi cho bất cứ ai”.
Sinh thời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ có nói một câu nổi tiếng: "Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác". Có lẽ vì vậy mà ông đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, vị thế xã hội của mình để hòa mình vào các phong trào đấu tranh lao khổ của Nhân dân. Năm 1992, gặp lại người bạn, người tù, người mà ông đã tìm cách bảo vệ khi làm luật sư: nhà cách mạng Lý Hải Châu, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, luật sư đã khẳng định rằng: “Nếu phải đi lần nữa. Tôi lại đi đường này”. Con đường đó là con đường đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào.
Vũ Trung Kiên