flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - 90 năm hình thành và phát triển: Dấu ấn của cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 11-11-2020 Lượt xem: 1333

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. 

Sứ mệnh giải phóng dân tộc

Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), đặc biệt, giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Chỉ thị xác định Hội phản đế Đồng minh phải bảo đảm được tính công nông, đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”.

Ngày 20/12/1960, các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập Mặt trận. Ảnh tư liệu

Thực hiện Chỉ thị, trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập cho đất nước, đoàn kết là sợi dây xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc của mình. Để phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Hội nghị BCH Trung ương Đảng tổ chức vào tháng 3/1938 quyết định đổi tên thành Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương. Nhờ những chính sách Mặt trận đúng đắn, có phương pháp vận động khôn khéo, phương pháp đấu tranh linh hoạt nên Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi các giai tầng xã hội như công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ tư sản nhỏ, đồng thời còn bắt tay với các đảng phái cải lương, kể cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình.

Đầu năm 1941, nhận thấy sự chuyển biến của tình hình thế giới cũng như trong nước có lợi cho cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước và triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị nhận định: “Cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, trước mắt tạm gác khẩu hiệu “cách mạng thổ địa” để lôi kéo địa chủ tiến bộ, mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp, Nhật nhằm giải quyết nhiệm vụ sống còn của dân tộc lúc này là giải phóng dân tộc”. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh) bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp Nhân dân. Tháng 10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về mục đích cứu nước của mình. Tháng 10/1944, đồng chí Nguyễn Ái Quốc có thư kêu gọi đồng bào ra sức chuẩn bị để họp toàn quốc Đại hội đại biểu cho tất cả các đảng phái cách mạng và đoàn thể trong nước để bầu cử ra “một cơ cấu đủ lực lượng và uy tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.

Tình hình chuyển biến càng mau lẹ khi phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ngày 16 và 17/8/1945, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương kiến nghị, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. “Đại hội đã cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, sau này là Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, Cách mạng tháng Tám thành công, Ủy ban Nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đại đoàn kết toàn dân bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể. Vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao nhằm ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ các đảng phái chính trị phản động bám gót quân Tưởng, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào sản xuất cứu đói, tuần lễ vàng, hũ gạo tiết kiệm… Đánh giá công lao to lớn của Việt Minh, Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc Thông nhất Việt Minh - Liên Việt tháng 3/1951 nhấn mạnh: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử của Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang lịch sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm và chúc mừng các Chư tôn đức giáo phẩm tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2017.

Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Hội Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên - Việt) được tiến hành nhằm chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc Thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Bắc và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành: “Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ Nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc; là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”.

Để Mặt trận không ngừng phát huy vai trò, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm theo dõi và chỉ đạo công tác Mặt trận. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III năm 1960 của Đảng đã nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đoàn kết các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước và tán thành chủ nghĩa xã hội, nhờ đó đã động viên mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ của dân tộc để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”. Tại lớp huấn luyện cán bộ Mặt trận vào tháng 8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính sách Mặt trận là một trong chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”.

Từ cao trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, Nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.

Trách nhiệm lớn lao trong giai đoạn đổi mới

Sứ mệnh của tổ chức Mặt trận trong mọi thời điểm là đại đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của quần chúng Nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người được phân công làm công tác Mặt trận, muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, đại độ với con người.

Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp nhau lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ; ta phải nhận rằng: đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm qua, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận vẫn luôn là mái nhà chung, khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm trao phương tiện cho các gia đình chính sách khó khăn.

Giai đoạn hiện nay đặt ra cho công tác Mặt trận nhiều trách nhiệm mới, đòi hỏi một đội ngũ cán bộ Mặt trận tương ứng, có tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Nhưng thời nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Thời nào cũng vậy, khối đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Điều quan trọng là mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp.

Mặt trận đã dấn thân trong vai trò là người giám sát, phản biện, hội tụ sức mạnh của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí… để cùng góp sức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Mặt trận dấn thân trong đại dịch toàn cầu COVID-19. Thông qua những cách làm, việc làm cụ thể, đích đến cuối cùng của Mặt trận là kêu gọi từng người dân trong nước và ở nước ngoài chung tay, một lòng góp sức chiến đấu với dịch bệnh. Trong bão lũ, Mặt trận lại đứng lên kêu gọi người Việt Nam chung tay với đồng bào mang tấm lòng của những người bạn, những đứa con xa quê mong mỏi được trở về, sẻ chia gian khó và xoa dịu những nỗi đau. Đó chính là những hình ảnh tiêu biểu nhất để Việt Nam trở thành biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết trước những thử thách và gian khó.

Trải qua gần một thế kỷ, với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của Nhân dân, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc, là biểu tượng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam. Đoàn kết là sức mạnh vượt qua mọi lực cản. Và để kết nối, nhân lên tinh thần đoàn kết ấy, hơn lúc nào hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với sứ mệnh 90 năm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình trong giai đoạn gian khó này./.

Hoàng Minh