Ngày đăng: 18-11-2019 Lượt xem: 11593
Đoàn kết là truyền thống quý báu, là tài sản vô giá của dân tộc ta được hình thành qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ ngày có Đảng lãnh đạo, truyền thống vẻ vang ấy càng được phát huy mạnh mẽ, đặc biệt là trong giai đoạn cao trào cách mạng đầu tiên mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra rầm rộ khắp cả nước, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh, đây là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Hội phản đế đồng minh đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp quần chúng, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận.
Nhân dân miền Bắc nghe đọc cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 9/1955
Trong những năm 1936 - 1939, trước tình hình thế giới phức tạp, chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Đảng ta xác định mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình và ra quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Nhờ có chính sách đúng đắn và phương pháp khôn khéo, Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi không chỉ công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ tư sản mà còn bắt tay với các đảng phái cải lương, kể cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình… điều này đã lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu quần chúng, uy tín của Đảng càng được mở rộng và ăn sâu trong nhân dân lao động, để lại cho Đảng và Mặt trận nhiều những kinh nghiệm quý báu.
Năm 1941, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước để trực tiếp cùng Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn này, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) ra đời, Mặt trận bao gồm các Hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân. Nhờ có chính sách đúng đắn của Đảng, phong trào Việt Minh đã phát triển nhanh chóng và lan tỏa khắp cả nước. Tháng 10/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Đây là lần đầu tiên một Mặt trận Dân tộc thống nhất trình bày rõ ràng đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.
Tháng 3/1945, Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương, phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào trong hai ngày 16 và 17/8/1945 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị. Sau Đại hội, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, Ủy ban nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Để bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật. Từ đó, vai trò của Mặt trận Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao, ngày càng thu nhận thêm những thành viên mới, góp phần ngăn chặn và phân hóa hàng ngũ các đảng phái chính trị phản động; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào sản xuất cứu đói, Tuần lễ vàng, hũ gạo tiết kiệm... Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thật sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tháng 9/1955
Bước sang thời kì cách mạng mới, để đáp ứng được yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất, ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập. Cương lĩnh của Hội chỉ rõ: “Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường”. Sau khi Hội Liên Việt ra đời, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt ngày càng sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc. Việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trở thành yêu cầu khách quan của kháng chiến và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nhằm củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành xuất sắc vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng lớn mạnh, các tầng lớp, giai cấp trong quần chúng nhân dân được vận động chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, điều này làm đập tan mọi hoạt động tàn bạo và âm mưu thâm độc của kẻ thù, tăng cường khí thế cách mạng trong quần chúng nhân dân, củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương, Pháp buộc phải rút khỏi miền Bắc nước ta. Nhưng Mỹ lại tìm trăm phương nghìn kế để có thể thế chân Pháp, trở thành kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam. Trước một kẻ thù lớn mạnh như Mỹ, ngay từ năm 1955, Đảng ta đã chủ trương xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm động viên nhân dân cả nước tham gia sự nghiệp chống Mỹ - cứu nước.
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích "đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Ở miền Nam, nhiệm vụ của Mặt trận là đoàn kết rộng rãi bất kì người nào yêu hòa bình, tán thành thống nhất, độc lập dân tộc, dân chủ và muốn đấu tranh bảo đảm tính mạng, tài sản, an ninh trật tự, thi hành quyền tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, đòi lập lại quan hệ Bắc - Nam, và đòi mở hội nghị hiệp thương, ủng hộ chế độ dân chủ ở miền Bắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Ở miền Bắc, Mặt trận góp phần đẩy mạnh nhiệm vụ khôi phục kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành hiệp định Giơnevơ. Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và sự hướng dẫn của Mặt trận, nông dân nước ta đã đi vào con đường làm ăn tập thể, xây dựng chế độ xã hội mới - Xã hội chủ nghĩa.
Tại miền Nam Việt Nam, để đáp ứng đòi hỏi của cách mạng miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, chính sách 10 điểm của Mặt trận nhằm giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng Miền Nam Việt Nam. Trước mắt là vấn đề độc lập, dân tộc, dân chủ và hòa bình, điều này phù hợp với nguyện vọng của đồng bào quần chúng, do đó, Mặt trận đã tạo ra làn sóng ảnh hưởng rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng lên một bước. Sau khi thành lập, Mặt trận không những đoàn kết rộng rãi hơn các lực lượng yêu nước, mà còn tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên thế giới.
Sau nhưng thất bại liên tiếp của đế quốc Mỹ, chúng buộc phải thay thế bọn tay sai, liều lĩnh leo thang chiến tranh ra miền Bắc, và tiếp tục đưa quân đội ồ ạt vào miền Nam hòng khuất phục nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do” quân và dân miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm vùng trời nước ta, quân và dân miền Nam đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, giáng một đòn quyết liệt vào bọn đế quốc xâm lược Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.
Sau thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Đảng chủ trương mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất chống Mỹ cứu nước - Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời, tập hợp những đồng bào yêu nước bị vây hãm trong các thành thị miền Nam tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Sự ra đời của Liên Minh là một bước phát triển mới của khối đoàn kết toàn dân ở miền Nam, đáp ứng kịp thời, tích cực, hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao… làm cho Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa bị cô lập.
Bước sang năm 1969, trước sự sụp đổ của chiến lược “chiến tranh cục bộ”, để cứu vãn tình thế bất lợi, tiếp tục bám giữ miền Nam, ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Dương và Đông Nam Á, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ồ ạt đưa quân vào xâm lược Việt Nam. Đứng trước tình thế khó khăn này, “3 tầng Mặt trận chống Mỹ” bao gồm: Mặt trận đoàn kết dân tộc Việt Nam chống Mỹ, cứu nước; Mặt trận đoàn kết chống Mỹ cứu nước của 3 dân tộc Đông Dương và mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ càng được chú trọng và hoàn thiện…
Sự ra đời của Mặt trận ngay từ đầu đã định ra được những vấn đề cơ bản về chủ trương, chính sách, phương pháp để tổ chức và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất một cách đúng đắn và sáng tạo. Cốt lõi của Mặt trận dân tộc thống nhất là khối đại đoàn kết toàn dân, đây là nhân tố vô cùng quan trọng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, điều này cũng được nhận định rõ trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng lần thứ IV (1976): “Đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Ở mỗi giai đoạn, Mặt trận có những hình thức và tên gọi tổ chức cụ thể khác nhau phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, nhưng luôn có 1 điểm chung là nơi tập hợp các giai tầng trong xã hội, vì những mục tiêu lớn của dân tộc luôn tồn tại và phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024
Lịch sử đã chứng minh rằng, cứ mỗi bước phát triển thắng lợi cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại càng được củng cố, được bổ sung thêm những thành viên mới, ngày trở nên toàn diện, làm cho khối đại đoàn kết toàn dân càng thêm đông đảo, kẻ thù càng bị cô lập và thảm hại hơn. Vị trí nổi bật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cách mạng Việt Nam là một sáng tạo của Đảng ta, đồng thời là một trường hợp hiếm và quý báu của phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế. Mấu chốt của việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường vai trò của Mặt trận ngoài vấn đề hoàn chỉnh đường lối, Đảng còn không ngừng củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Liên minh công nông là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất, khối liên minh công nông càng được củng cố bao nhiêu thì Mặt trận dân tộc thống nhất càng có điều kiện mở rộng bấy nhiêu.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần đại đoàn kết và dũng khí cách mạng phi thường, quân và dân Việt Nam đã đập tan âm mưu nham hiểm của đế quốc Mỹ hòng dùng quân đội Tưởng Giới Thạch xâm chiếm Việt Nam dưới danh nghĩa “quân đồng minh”; đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp cùng sự giúp sức của Mỹ; đập tan các chiến lược “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” và chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng toàn toàn đất nước, đánh thắng hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng…
Bài học xây dựng khối đại đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ phát huy tác dụng to lớn trong thời đại lịch sử đã qua mà còn có ý nghĩa thời sự thực tiễn đối với giai đoạn cách mạng hiện nay. Ngày nay, tuy nước ta đã sạch bóng quân thù xâm lược, nhưng cả nước vẫn đang tiếp tục tiến hành 2 nhiệm vụ lớn lao là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, vai trò của Mặt trận không bị thu hẹp hay mất đi mà trái lại càng phải được củng cố và đẩy mạnh với nhiệm vụ lớn lao là củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Huyền Nhi