flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Mấy suy nghĩ về hành trang văn hóa của Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 05-06-2022 Lượt xem: 1087

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

             Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố chúng ta là cả một vấn đề hết sức rộng lớn, sâu sắc và mang ý nghĩa chiến lược. Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Sài Gòn, hành trang của Người là cả một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, trong đó có những dấu ấn không phai mờ về vùng đất và con người Sài Gòn - Gia Định - nơi đã thay cho cả nước, thay cho cả dân tộc đưa tiễn Người đi năm ấy. Tìm hiểu và gắn kết hai vấn đề đó thiết nghĩ rất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn hiện nay.  

Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi từ Bến cảng Sài Gòn, mở đầu cho công cuộc tìm kiếm con đường cứu dân, cứu nước, có thể nói đó là sự mở đầu cho cho một cuộc trải nghiệm thực tiễn hết sức sâu sắc, một cuộc khảo nghiệm và so sánh những hiểu biết đã có để đi tới khẳng định con đường cứu nước, cứu dân của Người. Đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong hành trình đó, Người đã thay cho cả dân tộc đem bản sắc văn hóa Việt Nam đến với thế giới văn minh, hội nhập với tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bến cảng Nhà Rồng.

1. Trước Hồ Chí Minh đã có rất nhiều người yêu nước nhiệt thành, thừa dũng khí để tìm kiếm một con đường cứu dân, thay đổi xã hội đương thời mục ruỗng. Nhưng rốt cuộc họ đều thất bại vì không nhận thức được thực chất xã hội Việt Nam hiện tại; không chỉ ra được đúng đối tượng cần đánh đổ và mục tiêu, hướng đích Việt Nam cần đi tới; chưa nhận thức được sức mạnh to lớn của lực lượng công nhân và nông dân, chưa tin thậm chí là không tin vào sức mạnh nội lực của dân Việt Nam mà lại đi cầu ngoại viện; và họ nhìn nhận sai lầm về lực lượng thống trị, sai lầm về phương pháp cách mạng.

Việc Hồ Chí Minh - Nguyễn Tất Thành không đi theo những xu hướng cứu nước trên đây cho thấy mặc dù lúc đó Người chưa tìm được một hướng đích cụ thể nhưng đã có một chủ kiến về việc cần tìm một con đường cứu nước mới, phù hợp hơn, khả dĩ hơn.

Với hai bàn tay, xuống tàu làm công nhân, lao động, học hỏi, đến nước Pháp và nhiều nước khác, hòa mình vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động quốc tế, lao động để sống và học tập. Có thể nói đó cũng là quá trình Người từng gắn bó với phong trào yêu nước Việt Nam, nay gắn bó với phong trào công nhân quốc tế.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì nhiều người đã làm, nhiều người Việt Nam đã sang đến Pháp và nhiều nước khác để kiếm sống, học hỏi và cũng có cả những ý định làm một cái gì đó có lợi cho dân, cho nước. Vậy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có gì khác biệt? Điều gì làm nên một con đường Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh? Chỉ có thể lý giải điều này bằng câu trả lời rằng, cái khác biệt đó, cái làm nên giá trị đích thực của Người là tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong Người và trí tuệ siêu việt sáng tạo của Người.

Sinh ra và lớn lên khi nước mất, dân làm nô lệ, lầm than và chính cuộc sống của Người và gia đình đã gắn bó Người với dân, sớm thấu hiểu nỗi suy tư “thương người như thể thương thân”. Chính cuộc sống đó đã cho Người hiểu hơn ai hết rằng yêu nước là phải yêu dân, thương dân, làm gì cũng phải “dĩ dân vi thượng”. Đến khi ra nước ngoài, gia nhập đội quân lao động quốc tế, không chỉ đến nước Pháp mà còn đến nhiều nước khác ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, ở đâu người dân lao động cũng cùng cực. Cũng từ thực tiễn đó, Người cho rằng “nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn”. Sinh ra trong một dân tộc mà ở đó luôn “dĩ dân vi bản”, tôn trọng và am hiểu lịch sử dân tộc, hơn ai hết Người yêu và thương dân, nhưng cũng hết lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, rằng một khi dân đã “nổi can qua” thì “sức dân như nước”. Vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào ngọn cờ lãnh đạo đủ sức quy tụ lòng dân, biến sức mạnh tinh thần ấy trở thành sức mạnh vật chất để quét sạch lũ bán nước và lũ cướp nước.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một quyết sách độc đáo của Đảng bộ Thành phố

2. Chủ nghĩa Mác là văn hóa ở đỉnh cao lý luận và có tính phổ quát. Đó là triết lý từ thực tiễn lịch sử, từ chính cuộc sống của con người, của xã hội loài người. Vậy nên, để hiểu chủ nghĩa Mác, hiểu sự phát triển lý luận Mác xít của Lê nin, hiểu từ bản chất, cốt lõi của lý luận này, đòi hỏi mỗi người phải trang bị cho mình một khối kiến thức nhất định, phải có tầm tri thức và văn hóa đến độ thông tuệ. Nguyễn Ái Quốc không những đã đến với lý luận Mác xít, đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, mà còn đưa tinh hoa của lý luận ấy, đưa con đường cách mạng vô sản về với đất nước Việt Nam, cùng với những người cộng sản và nhân dân Việt Nam sáng tạo và vận dụng thành công lý luận ấy ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, biến đổi một đất nước từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành một nước độc lập, hùng cường sánh vai cùng bầu bạn quốc tế hôm nay.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người con ưu tú của nhân dân Việt Nam, tự nhận mình là học trò của Lê nin, nhưng chính người học trò ấy lại được cả nhân loại tiến bộ tôn vinh là nhà văn hóa kiệt xuất, là anh hùng giải phóng dân tộc. Và hình ảnh của Người luôn gắn bó máu thịt với hình ảnh của nước Việt Nam trong lòng bè bạn quốc tế: Việt nam - Hồ Chí Minh!

3. Khi ra đi ở bến cảng Sài Gòn, có người bạn hỏi anh Ba về hành trang đem theo, anh Ba không trả lời mà xòe hai bàn tay, ngụ ý sẽ sống bằng lao động, để cứu mình và cứu nước. Nhưng nếu hiểu rằng Nguyễn Ái Quốc chỉ có hai bàn tay khi ra đi tìm đường cứu nước sẽ là không đầy đủ, mà chỉ dẫn cho đôi bàn tay ấy, chỉ dẫn cho mọi hoạt động của Người là một bộ óc siêu việt, tiêu biểu cho trí tuệ của cả một dân tộc, tiêu biểu cho cả một nền văn hóa với sức sống mãnh liệt. Dân tộc Việt Nam luôn phải đứng trước những cam go, thử thách của thiên tai, giặc giã. Mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước cũng là khoảng thời gian chúng ta phải chống chọi với những thế lực đế quốc, thực dân hùng mạnh, không chỉ với âm mưu xâm lược lãnh thổ mà còn muốn đồng hóa dân tộc ta, không chỉ đem theo sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế mà còn cõng theo cả “văn hóa xâm lăng” để “khai hóa văn minh” cho dân Việt Nam! Lịch sử đã chứng minh, dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có tiếp thu và sẵn sàng tiếp thu những gì tốt đẹp, những tinh hoa của văn hóa thế giới, nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa của mình. Nói đúng hơn, chúng ta tồn tại được qua hàng ngàn năm lịch sử  vì chúng ta biết và đã tự bồi đắp cho mình cả một nền văn hóa với bản sắc riêng có, với sức sống mãnh liệt. Đến lượt nó, văn hóa tạo nên chiều sâu, tạo nên sức mạnh tiềm tàng và bền vững cho công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên tầm vóc và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Đoàn viên, thanh thiếu niên tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại “Không gian Bác Hồ với thiếu nhi” (Nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh).

4. Hồ Chí Minh đến với lý luận Mác xít bởi Người với trí tuệ siêu việt đã thấu hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam và đứng trên tầm cao của nền văn hóa ấy mà tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Lý luận Mác xit có cả một hệ thống hoàn chỉnh, biện chứng và duy vật. Nhưng nếu suy ngẫm về văn hóa Việt, tư duy Việt, cách làm Việt, tuy chưa có một lý luận hoàn chỉnh nhưng có một điều hết sức lý thú là tư duy, cách nghĩ, cách ứng xử, cách làm của người Việt rất sát gần và về bản chất có nhiều điểm tương đồng với lý luận hiện đại, với chủ nghĩa Mác. Chính vì hiểu sâu sắc văn hóa Việt, thấm đẫm tâm hồn Việt nên Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác hết sức tự nhiên, như một điều tất yếu, như một sự kiểm chứng, một sự so sánh những gì mình có, dân tộc mình có được với tinh hoa văn hóa nhân loại.

Mặt khác, Hồ Chí Minh học lý luận Mác - Lê nin nhưng là học và chỉ học những gì tinh túy nhât, bản chất nhất, không rập khuôn, không áp dụng máy móc, học hết sức sáng tạo, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, sáng tạo trong bổ sung, phát triển lý luận. Chính Người đã khuyên rằng học lý luận mác xít là học cái “tinh thần xử trí mọi công việc”, đừng biến mình thành “cái hòm đựng sách”.

Khách tham quan triển lãm nhiếp ảnh chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. ẢNH: DŨNG PHƯƠNG

5. Là thành phố có vinh dự được thay cho cả nước, cả dân tộc đưa tiễn Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, khi nước nhà thông nhất lại được mang tên Hồ Chí Minh, chúng ta vô cùng tự hào về lịch sử hào hùng của địa danh tiêu biểu cho miền Nam “Thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nay lại đã và đang là đầu tàu kinh tế xã hội của khu vực Nam Bộ và cả nước, đang phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam giàu mạnh như mong ước của Bác Hồ.

Khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, văn hóa dân tộc là hành trang của Người, và chính Người đã làm rạng rỡ hơn, sâu sắc hơn, đậm đà hơn bản sắc văn hóa Việt Nam. Sự nghiệp của Người, tư tưởng, đạo đức, phong cách và tấm gương của Người đã tạo nên văn hóa Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh là hiện hữu, là ánh sáng soi đường cho mỗi suy nghĩ và hành động của chúng ta trong hoạt động thực tiễn. Chính vì vậy, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là việc làm không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ đến Hồ Chí Minh mà chính là làm cho mỗi người chúng ta thêm tự hào là người dân đất Việt, là con cháu của Người, là xây dựng nên một không gian sống ấm áp tình cảm và niềm tin vào tương lai tươi sáng của cả dân tộc, để mỗi người dân thành phố này mỗi lần nghĩ đến Bác thấy lòng mình trong sáng hơn, nhìn mọi người sống quanh ta thấy thân thương hơn. Và như thế, mỗi người như thấy được hành trang của chính mình ngày càng phong phú hơn, sâu sắc hơn, gắn bó bền chặt với mảnh đất này, dân tộc này hơn nữa.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Bác chúng ta thừa hưởng một di sản văn hóa đặc biệt. Vùng đất Nam Bộ, những con người Nam Bộ đã tạo nên không gian văn hóa đất phương Nam rộng lớn, ôm cả thành phố Sài Gòn - Gia Định. Những con người nơi đây đầy dũng khí, hào sảng, phóng khoáng mà nhân hậu, bao dung, cần cù mà sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây không chỉ là nơi Bác đã ra đi, mà còn là nơi mà suốt cả cuộc đời Người mong được trở về, trở về miền Nam, trở về Sài Gòn. Người Sài Gòn không chỉ tiễn đưa Bác ra đi mà luôn trông ngóng dõi theo mỗi bước chân Người, và từng bước được tư tưởng và hoạt động của Người dẫn dắt ngay từ trước khi có Đảng. Ngay từ bài báo đầu tiên của Người xuất bản ở Pháp, rồi tờ báo Người cùng khổ, và sau này nhiều bài báo khác, nhiều hoạt động của Người đã về đến Sài Gòn, được những trí thức yêu nước nghiên cứu, truyền bá trong đông đảo dân chúng, đến với phong trào công nhân và nhân dân thành phố.

Khi Người tổ chức ra Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng chính đất và người Sài Gòn được chọn là nơi đứng chân và hoạt động của Trung ương Đảng trong những năm đầu gian khó và oanh liệt. Người Sài Gòn ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, tin theo tư tưởng của Người, theo con đường của Người. Sài Gòn đã cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám, rồi đi trước về sau trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. 

Có thể nói, cả Thành phố đã là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Mỗi con người nơi đây, từ những lớp cha ông thuở trước đến lớp người đang sống, từ cán bộ, đảng viên tới người dân đều mang trong mình tư tưởng Hồ Chí Minh, đã và đang không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa đó đã có, đã và đang hiện hữu, nảy nở. Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay như là sự tiếp nối, sự bồi đắp cho không gian văn hóa đó, làm gia tăng giá trị bền vững của văn hóa Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thành phố hôm nay và mai sau.

Vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất mà chúng ta đã và đang làm là tạo nên một cuộc vận động rộng lớn học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, thông qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, mỗi người dân Thành phố hiểu thêm về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao thêm nhiệt huyết và hiệu quả công tác, lao động và học tập. Việc tiếp tục cuộc vận động này một cách thiết thực, thực chất, biến cuộc vận động thành tự vận động, tự mỗi người sẽ thấy được giá trị thực tế của việc học và làm theo Bác.

Việc xây dựng và tiếp tục xây dựng những thiết chế văn hóa như là những không gian văn hóa tiêu biểu, ở những nơi in đậm dấu ấn Hồ Chí Minh và cả ở các địa bàn dân cư là cần thiết, nhưng vấn đề là phải đầu tư để không gian đó thật sự cuốn hút mọi người, cuốn hút các tầng lớp nhân dân bằng hình thức và phương pháp, phương tiện thật sự hiệu quả. Đi đôi với xây dựng cần quảng bá cho không gian đó đi vào cuộc sống.

Hồ Chí Minh luôn “dĩ dân vi thượng”, gắn chặt giữa nói và làm. Đó cũng là một nét nổi bật trong văn hóa Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Người càng phải thấm đẫm nét văn hóa nổi bật ấy./.