Ngày đăng: 23-11-2021 Lượt xem: 850
Đẩy mạnh/tăng cường phòng và đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài để Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong/cầm quyền/độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng, ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW (Quy định số 32); trong đó, gắn công tác phòng, chống tham nhũng đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
1. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng để xây dựng Đảng
Tham nhũng theo Từ điển Tiếng Việt là "lợi dụng quyền hành để hạch sách nhũng nhiễu dân"[1], cho nên, tham nhũng không phải chỉ là khuyết tật của chế độ xã hội chủ nghĩa mà là sản phẩm của quyền lực; của tất cả các thể chế chính trị kể từ khi có nhà nước và nó tồn tại tất yếu khách quan trong xã hội có phân chia giai cấp, có nhà nước. Chừng nào mà nhà nước và quyền lực chính trị còn tồn tại, thì chừng đó còn có điều kiện và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng (bao gồm cả khu vực công và tư), chứ không phải tham nhũng là "con đẻ" của chế độ Đảng độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam; không phải do Việt Nam "thiếu tự do chính trị nên xã hội mới bộc phát những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, thiếu minh bạch" và đấu tranh chống tham nhũng không phải là để "phân chia quyền lực", "tranh giành phe phái", "tiêu diệt đối thủ" trong Đảng… như các thông tin xuyên tạc, bôi đen sự thật được tung lên mạng xã hội.
Ở Việt Nam, theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, thì tham nhũng là hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn khi họ lợi dụng/lạm dụng chức vụ, quyền hạn được trao/được đảm nhiệm nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân, người thân, nhóm lợi ích… Cụ thể, đó là các hành vi: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi… và đó cũng chính là các biểu hiện của sự suy thoái. Vì thế, phòng và đấu tranh chống tham nhũng luôn là một nhiệm vụ quan trọng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; được đẩy mạnh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và một số văn bản khác.
Vì tham nhũng chính là trở lực lớn đối với sự nghiệp xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, cho nên, để phòng và đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQHXI về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1009/2006 về nhân sự Ban Chỉ đạo; Quốc hội cũng đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; ngày 1/2/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo)...
Đặc biệt, lần đầu tiên vấn đề phòng, chống tham nhũng được ghi tại khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013: "Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền". Cùng với Hiến pháp và Luật Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã có một chế định pháp lý riêng, quy định các tội phạm tham nhũng… Đây chính là tổ chức bộ máy và những cơ sở pháp lý vững chắc để công tác phòng và đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Trên thực tế, sau hơn 7 năm (tính đến cuối năm 2020) kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử 1.900 vụ án tham nhũng, với hơn 4.400 bị can. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc. Đau xót là, chưa bao giờ có nhiều cán bộ, đảng viên; trong đó, có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao vướng vào vòng lao lý vì tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái pháp luật như trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng… Đó là những con số "biết nói" trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua.
Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc xem xét thi hành kỷ luật đối với với các đảng viên vi phạm pháp luật trong các vụ án "Tham ô tài sản", "vi phạm quy định về tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; vụ án "Tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO); vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận); vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan đến dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo năm 2021 cùng vụ án vụ tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh… đã cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được triển khai quyết liệt, hiệu quả, chứ không phải chỉ là "hình thức", chỉ "để rung cây dọa khỉ" và "không hiệu quả" như luận điệu phản động của các thế lực thù địch.
Những kết quả đạt được không chỉ khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà còn cho thấy cuộc đấu tranh này được thực hiện quyết liệt, "không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào" và đã tạo được sức răn đe, cảnh tỉnh lớn. Đấu tranh chống tham nhũng thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; được quốc tế ghi nhận.
2. Gắn phòng và chống tham nhũng với các biểu hiện tiêu cực
Bên cạnh những kết quả nêu trên, thì thực trạng vấn nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực/suy thoái khác như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm đạo đức, lối sống… của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị ngày càng gây bức xúc trong nhân dân; làm ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo/cầm quyền của Đảng; làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, của quốc gia và nhân dân.
Thực tế là, trong hơn 110 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật có 48% vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; 40% thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; 14,5% vi phạm về công tác tổ chức cán bộ; 27% vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản; 5,4% vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương; 2,7% vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm,v.v.. Trong khi đó, số đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng là hơn 3.200 người, chỉ chiếm 3,7%.
Vì thế, đã đến lúc phải mở rộng diện đấu tranh; trong đó không chỉ đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống - Nghĩa là phải gắn phòng và đấu tranh chống tham nhũng với các biểu hiện tiêu cực/suy thoái: "Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống” đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021
Thực tế cũng cho thấy là, tiêu cực nói chung và tham nhũng nói riêng đều là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm mất đi sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, đạo đức và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng; đồng thời, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, yêu cầu phải gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực trở nên cần thiết và cấp bách. Đồng thời, để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quyết tâm phòng và đấu tranh chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng… Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí”[2] vào cuộc sống, Quy định số 32 đã được ban hành thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo.
Quy định số 32 gồm 4 chương, 17 điều; trong đó, quy định rõ về chức năng, phạm vi chỉ đạo, nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo; áp dụng đối với Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Quy định số 32 ghi rõ: Ban Chỉ đạo "chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước"; "chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước"; "chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ (gọi chung hai loại vụ án, vụ việc này là vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm) với nguyên tắc Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư"…
Với Quy định số 32, có thể thấy nhiệm vụ và "diện phủ" của Ban Chỉ đạo rộng hơn; trọng tâm là gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống các biểu hiện tiêu cực. Nói như Tổng Bí thư thì sự tiêu cực nguy hiểm nhất, tác hại khôn lường nhất lại chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bởi nó có nguồn gốc sâu sa từ chủ nghĩa cá nhân và chính là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, dẫn đến việc rời xa lý tưởng cách mạng của người đảng viên cộng sản. Tiêu cực trong tư tưởng, suy nghĩ, trong đạo đức, lối sống dẫn đến tiêu cực trong hành động có ranh giới "mỏng manh". Khi người cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, kém rèn luyện bản lĩnh chính trị, thì rất dễ sa vào tiêu cực; từ tiêu cực nhỏ, vặt dẫn đến tiêu cực lớn, thậm chí là vi phạm pháp luật, rơi vào vòng lao lý. Vì thế, gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực/sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên chính là góp phần ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm và xử lý ngay từ đầu để ngăn chặn những vi phạm nhỏ, không để chúng tích tụ thành những sai phạm lớn, vụ án lớn; không để những cành cây làm hỏng một thân cây, không để một thân cây bệnh lây lan cả rừng cây...
Có thể nói, Quy định số 32 chính là sự "hiện thực hóa" quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Sự ra đời của Quy định số 32 không chỉ đúng cả về lý luận mà còn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với chủ trương làm quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của lịch sử và niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân đối với Đảng cầm quyền. Đây chính là cơ sở để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đạt được kết quả như kỳ vọng, chứ không phải là "loay hoay mãi mà không có kết quả gì" như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch./.